Trong bộ phim “Skyfall”, diễn viên Daniel Craig sử dụng chiếc Xperia T trong khi Andrew Garfield sử dụng chiếc Xperia X10 Mini Pro trong “The Amazing Spider Man”. Hai bộ phim được Sony phát hành trong năm qua đã mang đến doanh thu tổng 1,7 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với mức thua lỗ 5,7 tỉ USD trong năm tài chính 2011.
Hiện trạng thua lỗ tiếp tục diễn ra trong những quý đầu của năm tài chính 2012 dù mức lỗ có giảm và công ty phải thực hiện hàng loạt hoạt động tái cơ cấu như cắt giảm nhân viên, rao bán trụ sở. Như vậy ngay cả điệp viên 007 hay người nhện cũng không thể giải thoát nhà sản xuất Nhật Bản đang bị bao vây trong khó khăn. Thay vào đó, nhiệm vụ này lại được đặt lên vai một bộ phận mới mà cũ của công ty, Sony Mobile Communications (Sony Mobile) – đã từng được biết đến với cái tên Sony Ericsson. Bằng cách bỏ ra khoảng 1,3 tỷ USD để mua lại bộ phận di động của đối tác Ericsson, Sony dự định tăng doanh số
điện thoại thông minh lên 51% đạt 34 triệu đơn vị khi kết thúc năm tài chính 2012 trong khi cắt giảm dự đoán cho các sản phẩm khác như máy ảnh, máy tính, TV và máy chơi
game.
Sony bán được 8,8 triệu điện thoại trong quý thứ 2/2012( kết thúc ngày 30/9), một nỗ lực lớn của công ty dù vẫn chưa thể so sánh với các đối thủ chính như Samsung (56,9 triệu) và Apple (26,9 triệu). Có thể nói năm 2012 chưa phải là một năm thành công của Sony Mobile khi mà nhà sản xuất Nhật Bản đơn giản là cố gắng bắt kịp các đối thủ. Các sản phẩm đầu bảng của Sony chưa thể cạnh tranh về hiệu năng hay thông số kỹ thuật với các sản phẩm của đối thủ tại cùng thời điểm. Tuy nhiên trước một thị trường di động đang bùng nổ, công ty hy vọng mảng kinh doanh điện thoại của mình sẽ đóng góp nhiều hơn cho lợi nhuận của Sony.
“Mọi người đồng ý rằng điện thoại thông minh là mảng kinh doanh quan trọng của Sony trong năm tới (2013)” Kota Ezawa, nhà phân tích của Citigroup nói.
Loạt sản phẩm hùng hậu Công ty vẫn đang tăng tốc phát triển những mẫu điện thoại mới cho dòng Xperia cũng như cố gắng tích hợp những công nghệ tiên tiến của những mảng khác vào bộ phận di động. Kết thúc năm 2012, Sony ghi dấu một kỷ lục mới với số lượng điện thoại mới được giới thiệu, hơn 20 chiếc.
Khởi động tại CES 2012 ở Las Vegas, Sony giới thiệu những sản phẩm đầu tiên của dòng NXT sau khi loại bỏ thương hiệu Ericesson là chiếc Xperia S và Xperia ion. Tiếp đến tại MWC ở Barcelona, chúng ta có Xperia P và Xperia U, mở rộng thêm danh sách thành viên của gia đình NXT – gia đình điện thoại thông minh mang thương hiệu Sony. Thông qua chiếc Xperia P, Sony giới thiệu công nghệ hiển thị mới được gọi là WhiteMagic, bổ sung pixel màu trắng giúp tăng cường độ sáng và giảm lượng điện năng tiêu thụ. Tháng 3/2012, Sony Mobile giới thiệu Xperia Sola với công nghệ cảm ứng nổi có tên “Floating Touch”, cho phép người dùng tương tác với máy mà không cần chạm vào màn hình. Tháng 5/2012 thị trường Nhật Bản đón nhận thêm chiếc Xperia GX và SX trong khi thị trường thế giới cũng được Sony quan tâm với chiếc Xperia go, acro S chống bụi, chống thấm nước, chống va đập. Phân khúc bình dân đón nhận thêm 3 thành viên Xperia là chiếc miro, tipo và tipo Dual (hỗ trợ 2 sim). Tới IFA ở Berlin, Sony bổ sung thêm bộ 3 Xperia T, V, J, chưa kể chiếc máy tính bảng Xperia Tablet S. Ngoài ra công ty cũng âm thâm ra mắt chiếc Xperia SL, bản nâng cấp của Xperia S hồi đầu năm. Năm bội thu của Sony được kết thúc bởi chiếc Xperia E và E Dual, những thành viên đầu tiên của thế hệ Xperia 2013.
Dù giới thiệu nhiều nhưng không vì thế mà những chiếc điện thoại Sony đánh mất đi bản sắc của mình với những sản phẩm từng ghi dấu như chiếc Xperia Arc, Ray hay X10. Vẫn duy trì những thiết kế rất riêng, mạnh mẽ, gợi cảm những chiếc Xperia mới được tích hợp hàng loạt công nghệ hiện đại từ dòng TV BRAVIA, máy ảnh CyberShot và máy nghe nhạc WalkMan.
Chắc nhiều người không khỏi lo ngại là với danh sách sản phẩm dài như thế thì việc cập nhật phần mềm cho thiết bị sẽ ra sao, nhất là với hệ điều hành Android. Với Sony, công ty đã làm hết sức mình để mang đến một
trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và đã được vinh danh “nhà sản xuất của năm” theo bình chọn trên XDA – cộng đồng người dùng và nhà phát triển cho thiết bị di động lớn nhất thế giới. Cụ thể công ty đã cho phép unlock bootloader, là người đầu tiên tung ra các bản ROM 4.0 thử nghiệm và tiến hành cập nhật Android 4.0 cho thế hệ Xperia 2011, cung cấp mã nguồn và hỗ trợ nhà phát triển tối ưu các bản ROM nổi tiếng như CyanogenMod. Loại trừ một số mẫu bình dân, Sony cũng cố gắng nâng cấp thế hệ Xperia 2012 lên phiên bản Android 4.1 Jelly Bean trong khoảng thời gian đầu 2013.
Hòa nhập với đại gia đình Không chỉ năng nổ ở mảng sản phẩm, Sony cũng rất chịu khó phát triển các phụ kiện cho dòng Xperia cũng như cố gắng để gia đình này hòa nhập hơn vào đại gia đình sản phẩm của công ty. Nhóm phụ kiện mới xuất hiện dưới cái tên “Smart Extras” bao gồm đồng hồ SmartWatch, tai nghe Smart Wireless Heatset Pro/ SmartHeadset, thẻ Xperia SmartTags. Sau đó Sony còn tung ra thêm dock TV, loa không dây. Tận dụng kết nối không dây như Bluetooth hay NFC, các món phụ kiện này mang đến sự tiện lợi cho người dùng thông qua các tính năng như kết nối/thực hiện lệnh bằng một chạm hay xem thông báo tin nhắn/cuộc gọi/mạng xã hội mà không cần mở điện thoại.
Nền tảng Playstation Mobile (tiền thân là Playstation Suite) được Sony công bố với sự tham gia của HTC hay Asus nhằm thu hút thêm nhiều nhà phát triển, tạo sự liên kết giữa hệ máy PS3, PS Vita và các thiết bị di động được công ty cấp chứng chỉ. Điều này hứa hẹn mang đến những tựa game với chất lượng đồ họa tốt, cốt truyện hấp dẫn cho khách hàng của hãng. Ngoài dịch vụ lưu trữ trực tuyến PlayMemories trên nhiều dòng sản phẩm, Sony còn hợp tác với Box để cung cấp cho người dùng Xperia dung lượng 50 GB miễn phí.
Sau rất nhiều nỗ lực, Sony vui mừng khi trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới khi kết thúc quý 3/2012 (theo IDC), vượt qua Nokia, RIM hay HTC. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự đầu tư đúng đắn vào mảng di động của công ty và cho thấy cái nhìn lạc quan về sự phục hồi của Sony trong năm 2013.
Sony 2013-tìm lại mình Theo Stephen Sneeden, nhà quản lý tiếp thị sản phẩm Xperia của Sony Mobile thì công ty đang nhắm đến việc trở thành một nhà sản xuất điện thoại thông minh cao cấp. Quá trình này sẽ được thực hiện trong 2 năm tới và điều đó đồng nghĩa với việc các thiết bị Xperia bình dân sẽ không còn xuất hiện – điều mà HTC đang làm. Giải thích cho điều này, Sneeden cho rằng những sản phẩm đó sẽ không thể duy trì được những thứ mà công ty muốn mang đến cho người dùng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu. Trước đó, tại CES 2013, Sony Mobile đã công bố bộ đôi Xperia Z và ZL với cấu hình mạnh mẽ như cùng nhiều công nghệ hiện đại. Có thể kể đến như chip lõi tứ Qualcomm S4 Pro, RAM 2 GB, máy ảnh 13 MPx, Mobile BRAVIA Engine 2 cho hình ảnh hay Exmor RS cho chụp hình/quay phim cùng viên pin 2.330 mAh khi sử dụng chế độ STAMINA có thể tăng thời gian chờ lên tối đa 4 lần. Ngoài siêu phẩm trên, Sony tiếp tục thể hiện sự quan tâm tới người dùng khi giới thiệu thêm nhiều phụ kiện tương thích với điện thoại Xperia như loa, TV, tai nghe hỗ trợ kết nối không dây và Bluetooth.
Ngoài phát triển phần cứng, Sony cũng cần cải thiện và tăng tính nhận diện cho mảng phần mềm của hãng. Đầu tiên sẽ là giao diện người dùng Timescape UI, vốn chưa được biết đến nhiều như TouchWiz của Samsung hay Sense của HTC mà đây lại là điểm tạo điểm nhấn trong vô vàn các thiết bị Android như hiện nay. Tiếp đó, công ty cũng cần thống nhất các dịch vụ theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh cung cấp nội dung đa phương tiện cho người dùng di động – tạo nên một hệ sinh thái đủ mạnh.
Trong năm 2012, Sony đã công bố rằng họ sẽ tập trung hoàn toàn vào các thiệt bị Android, vì thế đừng mong đợi một thiết bị chạy Windows Phone hay một nền tảng nào khác của Sony trong năm 2013. Thay vào đó, chúng ta mong đợi những thiết bị Xperia khác như thế hệ tiếp theo của chiếc Tablet S và đặc biệt là máy ảnh CyberShot sử dụng Android.
Như vậy sau một năm chuyển đổi với những thành công ban đầu, Sony Mobie nói riêng và Sony nói chung đang trên con đường tìm lại mình, hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới và khẳng định lại vị thế của một ông lớn công nghệ Nhật Bản, cho dù còn rất nhiều khó khăn phía trước.
Tuấn Ngọc
Thế Giới Số Xuân 21.1.2013