Nokia E90 Communicator – đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời

Đôi khi, sự đột phá công nghệ của hiện tại được hoàn thiện từ những ý tưởng đã đưa ra từ rất nhiều năm về trước... Bóng dáng chiếc Nokia E90 Communicator của hơn 1 thập kỷ trước dường như đang hiện diện đâu đó trong một số dòng được cho là đỉnh cao hiện nay.

*Bài viết có thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Hiện nay chúng ta đang sống trong một thời đại nơi mà mạng xã hội, công nghệ kết nối siêu tốc hay điện thoại thông minh đóng vai trò chủ đạo. Cuộc sống công nghệ cách đây hơn 1 thập kỷ rất khác so với bây giờ. Thế giới của những năm 2007 chưa phải là của những Facebook, Youtube, và Nokia vẫn đang là ông hoàng của thế giới di động, cũng như Sony (lúc đó là Sony Ericsson) vẫn quy tụ được một lượng người dùng trung thành khổng lồ nhờ những chiếc điện thoại chuyên chụp hình, nghe nhạc. Tương tự, chiếc iPhone đầu tiên cũng được ra mắt vào thời điểm đó, nhưng nó cũng chẳng nhận được nhiều sự tôn trọng như bây giờ, hay với Android – một cái tên hoàn toàn vô danh trên bản đồ di động.

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01450

Những thiết kế này không phải là thứ tồn tại trong năm 2019

Thế giới di động năm 2007 không vận hành để xoay quanh những Android hay iOS, mà nó mở hơn rất nhiều, với một tập hợp đông đảo các nền tảng di động khác nhau, trong đó, Symbian là nền tảng phổ biến nhất với hơn một nửa thị phần, và Nokia chính là kẻ thống trị. Đối với nhiều người dùng công nghệ khi đó (bao gồm cả tôi), có một chiếc điện thoại E90 Communicator ví như một thiết bị của “tương lai”. Bởi thiết bị này hội tụ nhiều cái nhất để liên tưởng đến một “máy tính di động” – khái niệm mà Nokia đã luôn theo đuổi cho các dòng sản phẩm Symbian của mình, từ thiết kế bên ngoài cho đến tính năng bên trong. Khi còn đi học, tôi đã có một thời gian dài “mê mệt” chiếc điện thoại này, và chỉ đến khi đi làm mới có cơ hội được sở hữu. 

Từng là niềm khát khao sở hữu của bao cô cậu thế hệ 8X, đầu 9X

Như đã đề cập, Nokia E90 Communicator được ra mắt cùng thời gian với chiếc iPhone đầu tiên của Apple, tức vào đầu năm 2007. Khi đó, Táo khuyết chưa chiếm được hào quang về hình ảnh như bây giờ, bởi phần đông sự chú ý đã dồn vào chiếc điện thoại gập của Nokia. Có một thực tế thú vị, những mơ ước về tương lai dưới cái nhìn của người dùng lại thường gắn chặt với hình ảnh của hiện tại. E90 Communicator đã phần nào thỏa mãn giới phê bình vì đã làm được theo cách tốt nhất có thể theo tiêu chuẩn công nghệ năm 2007, thay vì mang đến những nét quá mới như iPhone. Sẽ không khó để tìm được những lời khen về chiếc điện thoại này trong bất kỳ một bài đánh giá nào trên mạng vào thời điểm đó. Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi phải sở hữu bằng được chiếc điện thoại này.

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - eb

Một ví dụ về giá bán “kinh hoàng” của một chiếc E90 trên Ebay

Ước là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Với một thằng chỉ ăn và viết lách vài đồng lương còi như tôi thì việc sở hữu một chiếc điện thoại thuộc hàng cực hot trong cộng đồng điện thoại cổ như E90 quả không hề dễ dàng, bởi giá bán là vô cùng, bạn không có quyền trả giá, vấn đề là bạn phải mất bao lâu để có được nó mà thôi. Phải đến cuối năm 2017, tức đúng 10 năm sau khi chiếc E90 ra mắt, tôi mới có đủ tự tin để sở hữu một mẫu cho riêng mình từ một người quen trên một diễn đàn điện thoại cổ nổi tiếng. Dĩ nhiên, cái giá phải trả không hề rẻ, nhưng ít ra, nó cũng mang lại một giá trị tinh thần nhất định – tôi đã tự huyễn hoặc mình như vậy.

Ấn tượng khó phai ngay từ lần đầu mở hộp

Đối với những người chuyên sưu tầm điện thoại cổ, những chi tiết nhỏ nhặt như “quê quán sản xuất” khá quan trọng bởi nó ít nhiều quyết định đến giá trị của món đồ. Trong khi điện thoại ngày nay thường sản xuất tại Trung Quốc với dòng chữ “made in China” đã quá thông dụng, thì năm 2007 lại khác hoàn toàn. Chiếc E90 Communicator, Nokia đã ưu ái cho sản xuất ngay tại nhà máy ở Phần Lan quê nhà. 

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01429

Hệ thống nút bấm rất “khủng” so với bất kỳ một mẫu điện thoại nào khác khi mở nắp

Nokia E90 có một thiết kế có thể khẳng định rất chuyên nghiệp – khi nhìn từ góc độ của năm 2007. Trên thực tế, đây có thể coi là chiếc điện thoại cuối cùng kế nhiệm cho thương hiệu Communicator của công ty Phần Lan (dù sau đó Nokia có giới thiệu chiếc E7 như là một sản phẩm Commnunicator, nhưng lại không hề được người dùng công nhận). Chiếc điện thoại này sở hữu lối thiết kế gập ngang, với nắp ngoài được bố trí như một smartphone Symbian cơ bản, nhưng khi mở ra sẽ là một màn hình lớn cùng hệ thống nút đầy đủ như một chiếc laptop phổ thông. Thậm chí máy có cả đèn nền – thứ vốn chỉ có trên các mẫu máy tính xách tay cao cấp ở thời điểm đó, cùng một hệ thống phím tắt chuyên dụng giúp truy cập nhanh vào các ứng dụng văn phòng mà không cần phải lọ mọ vào menu rồi tìm. Điều này cho thấy sự chuyên nghiệp hóa rất cao của Nokia khi định hướng sản phẩm này dành cho giới khách hàng doanh nghiệp.

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01419

Và rất gọn gàng như một smartphone cơ bản khi đóng nắp

Điểm khác nhau lớn nhất của chiếc E90 Communicator so với những người tiền nhiệm của nó nằm ở phần mềm. Trong khi các phiên bản Communicator trước thường sử dụng 2 phần mềm riêng biệt khi sử dụng màn hình trong (Symbian S80) và màn hình ngoài (Series 40) thì trên chiếc E90, Nokia đã sử dụng đồng nhất một hệ điều hành là Symbian S60. Điều này tạo được sự thống nhất khi sử dụng kể cả khi mở hay đóng nắp máy. Người dùng muốn thao tác theo cách nào phù hợp với bản thân nhất thì dùng. 

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01451

Hệ thống bản lề khác biệt

Điểm nhấn trong thiết kế của Nokia E90 Communicator còn nằm ở hệ thống bản lề kết nối hai nửa sản phẩm. Thay vì sử dụng bản lề gập bình thường, thì Nokia đã sử dụng một hệ thống khớp với bản lề kép bằng kim loại trên chiếc E90, và đây có thể coi là chi tiết đắt giá nhất trên thiết kế của sản phẩm. Bản lề kép giúp cho máy có thể cố định màn hình với rất nhiều góc độ, từ góc vuông 90 độ cho đến góc nằm 180 độ hoàn toàn. Không hề có chiếc điện thoại nào khác ngoài E90 sử dụng hệ thống bản lề này ở thời điểm ra mắt, và chỉ xuất hiện trên một số laptop cảm ứng 2-trong-1 vào thời điểm nhiều năm sau đó.

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - fdgvsd

Cũng “hơi liên quan” đấy chứ?

Có thể đối với nhiều người dùng công nghệ hiện đại, lối thiết kế “miệng đầy răng” với cực kỳ nhiều phím bấm cả trước và sau máy cùng việc không hỗ trợ cảm ứng đã là một biểu tượng của quá khứ. Nhưng đối với cá nhân tôi, chiếc điện thoại này vẫn không làm tôi thất vọng, kể cả đến nay đã là năm 2019. Dù đã được sinh ra từ hơn một thập kỷ, nhưng máy vẫn có những đường nét tổng thể không hề lỗi thời: đó là một thiết kế gập mở ra để lộ màn hình lớn với trải nghiệm gợi nhớ đến laptop, và gập lại để trở thành một chiếc điện thoại thông dụng với màn hình nhỏ hơn.

Đọc đến đây bạn có thấy điều này quen không? Chiếc Samsung Galaxy Fold với màn hình dẻo có thể gập đang có những đường nét như vậy đấy. Nói như vậy không phải cho rằng Samsung sao chép ý tưởng, mà chỉ đơn giản đôi khi, những sự đột phá công nghệ của hiện tại lại được hoàn thiện từ những ý tưởng đã đưa ra từ rất nhiều năm về trước.

Vẫn chạy tốt dù đã có tuổi

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01446

Camera thuộc hạng khá tốt của năm 2007 chỉ còn thuộc hạng “chống mù” của năm 2019

Công nghệ là sự phát triển và dĩ nhiên, nó cũng có tuổi thọ. Cho dù chúng ta có gắn bó với một phần cứng hay phần mềm như thế nào chăng nữa, sẽ đến một ngày nó cần được thay thế bằng thứ gì đó nhanh, rẻ và hiệu quả hơn. Đối với chiếc E90 Communicator, những thông số kỹ thuật phần cứng cực kỳ cũ kỹ như camera 3MP, dung lượng RAM 128MB, bộ xử lý đơn nhân 300MHz, bộ nhớ trong 128MB chẳng thể nào so sánh được với những cụm camera nhiều ống kính, thanh RAM 12GB, bộ nhớ 1TB hay những con chip 8 nhân tốc độ Gigahertz của năm 2019. Tuy nhiên, những gì mà chiếc điện thoại này có hoàn toàn không thể coi là trò cười. Đây là một sản phẩm có tầm nhìn về tương lai theo cách của Nokia, và như đã đề cập, họ đã làm điều đó rất tốt và được đánh giá cao vào thời điểm đó bởi đơn giản, những thông số kỹ thuật trên đều thuộc hàng “top” của năm 2007. 

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01464

Trình duyệt web cũ kỹ chỉ còn thích hợp để lướt … wap

Khi xét theo tiêu chuẩn của bây giờ, những tính năng mà chiếc điện thoại này cung cấp cũng chưa hẳn lỗi thời, và bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm chúng ở mức “dùng được”. Bàn phím của máy với hàng loạt phím tắt giúp truy cập nhanh ứng dụng – một khái niệm khá giống với widget trên điện thoại cảm ứng hiện nay. E90 cung cấp khả năng kết nối mạng 3.5G HSPA, với tốc độ tải khiêm tốn chỉ 3.6Mbps, nhưng đủ để đọc báo hay xem tin tức dạng văn bản. Trong trường hợp không dùng dữ liệu di động, thiết bị cũng có sẵn kết nối Wi-fi chuẩn b/g. Máy cũng cung cấp một trình duyệt web sử dụng nền HTML2, và bàn phím QWERTY với các nút bấm rộng rãi – ít nhất là lớn hơn so với nút bấm ảo trên màn hình hiện nay.

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01452

Xem video trên màn hình lớn mang lại trải nghiệm khá gợi nhớ đến những iPhone X hay Xperia 1

Khả năng giải trí trên E90 Communicator vẫn còn ít nhiều giá trị ở thời điểm hiện nay. Máy hỗ trợ chơi nhạc với một số định dạng như MP3, AAC và hỗ trợ thẻ nhớ tối đa 16GB. Tuy nhiên, khả năng chơi video của sản phẩm này bị hạn chế ở độ phân giải 360p, định dạng 3GP hoặc MP4. Nếu chọn độ phân giải video cao hơn, máy sẽ bị giật, lag. Thực tế đây là điểm yếu thuộc về hệ thống xử lý đã lỗi thời, nhưng bù lại, trải nghiệm màn hình của máy vẫn khá tuyệt. Màn hình chính của E90 có độ phân giải 352×800 pixel, tức nằm giữa tỷ lệ 19:9 trên iPhone X và 21:9 trên Xperia 1 – 2 chiếc màn hình có tỷ lệ dài nhất hiện nay. Mật độ điểm ảnh 219ppi trên chiếc điện thoại này vẫn đủ để hiển thị mượt mà, một phần cũng nhờ hiệu ứng đồ họa khá tốt của hệ điều hành Symbian trên máy. 

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01467

Cài đặt Google Maps để điều hướng

Hệ điều hành Symbian S60 trên chiếc E90 cũng là điều đáng nói. Trên giấy tờ, nó đã bị khai từ từ cách đây nhiều năm, nhưng cho đến giờ, nó vẫn chưa lỗi thời hoàn toàn xét đến giá trị sử dụng, khi cho phép cài đặt ứng dụng mở rộng. Hện tại vẫn còn có một số nguồn cung cấp ứng dụng (không chính thống) cho Symbian S60 và tôi vẫn có thể cài đặt được nhiều ứng dụng bên thứ ba vào chiếc E90 Communicator, như Google Maps hay trình duyệt Opera Mini. Đáng ngạc nhiên hơn, những ứng dụng này đều chạy tốt trên chiếc điện thoại đã 12 năm tuổi. Dĩ nhiên, vấn đề “chạy được” và vấn đề “được cập nhật các tính năng mới nhất” là khác nhau. Tôi vẫn có thể dùng bản đồ của Google Maps để điều hướng thông qua GPS, hay lướt web với tốc độ tạm ổn với Opera Mini.

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01459

Hỗ trợ khá mạnh các tính năng văn phòng

Nokia E90 Communicator là chiếc máy hướng đến môi trường doanh nghiệp, và những tính năng, khả năng hỗ trợ công việc văn phòng trên điện thoại khá mạnh. Máy được cài đặt gần như đầy đủ các phần mềm văn phòng thông dụng nhất của thời điểm như trình đọc Adobe PDF, bộ ứng dụng văn phòng QuickOffice nổi tiếng, công cụ Note, trình đọc file nén dạng ZIP, công cụ làm việc nhóm, kết nối máy in hay thậm chí cả bàn phím bluetooth ngoài… đều có đủ. Khả năng soạn thảo trên máy cũng là một điểm nhấn. Bàn phím với các nút đủ lớn để không bị gõ nhầm, có cả đèn nền cùng chất lượng phím bấm khá êm, không cần phải nhấn mạnh. Dĩ nhiên, so với các bàn phím ảo ngày nay thì tốc độ gõ trên E90 kém hơn rất nhiều, bù lại bạn khó có thể ấn nhầm với bàn phím này. 

Nokia E90 Communicator - đồ cổ nhưng chưa chịu lỗi thời - DSC01455

Khả năng soạn thảo khá ổn

“Tương tai” của năm 2007 xét từ tầm nhìn 2019

Đó là tất cả những gì mà chiếc điện thoại này có thể sử dụng được ở năm 2019. Có thể thấy, những chức năng trên chiếc E90 Communicator ở thời điểm hiện nay đều chỉ đánh giá được ở mức “có thể dùng” nhưng không còn phù hợp để sử dụng hàng ngày. Nếu bạn muốn sử dụng chiếc điện thoại này lâu dài, bạn chỉ có thể dùng nó như một mẫu điện thoại “cục gạch”, bởi những nhược điểm về tốc độ cũng như sự không hợp thời về tính hữu dụng đã quá rõ ràng. 

Với mức giá lên tới 1050 USD vào thời điểm ra mắt, Nokia E90 Communicator có thể được sánh vai với những chiếc Galaxy S10+ của năm 2019 khi xét về giá trị khởi điểm. Chiếc điện thoại này không thể đối chọi lại với iPhone cùng thời điểm khi xét về doanh số, nhưng những chiếc điện thoại Communicator thực tế không phải là những mẫu máy bán đại trà, bởi sự tốn kém trong quá trình sản xuất, phát triển đôi khi còn đắt đỏ hơn cả giá trị thương mại của sản phẩm. Chiếc điện thoại này luôn được các tạp chí công nghệ lẫn giới chuyên gia đánh giá cao trong một thời gian dài sau khi ra mắt. Do đó, Nokia E90 hay những chiếc điện thoại Communicator nói chung vẫn xứng đáng có một vị trí đáng được nhắc đến trong lịch sử di động.

NVTveron

Seagate Ironwolf 2 TB: Lựa chọn tốt cho NAS cá nhân

Có giá bán khoảng 1,9 triệu đồng, ổ cứng Seagate Ironwolf phiên bản 2TB sở hữu những công nghệ độc quyền là một trong những giải pháp tốt, đặc biệt khi kết hợp với lưu trữ NAS dành cho người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp của Synology.

Lenovo bao phủ cấu hình, đáp ứng mọi nhu cầu của game thủ

Hôm nay 12/6, Lenovo tung loạt laptop cải tiến mạnh về thiết kế và công nghệ mới nhất dành cho game thủ từ bán chuyên đến chuyên nghiệp, bao gồm Lenovo Legion Y740, Legion Y540 và IdeaPad L340. Tất cả những dòng này người dùng đều có thể nâng cấp RAM và ổ cứng dễ dàng.

Giữa biến động, Huawei ra mắt smartphone Y9 Prime 2019 tại Việt Nam

Giữa không khí thị trường không thuận lợi, Huawei đã bất ngờ chính thức giới thiệu dòng điện thoại Y9 Prime 2019 với camera selfie ẩn cùng màn hình không viền, với mức giá được co là sẽ tốt.

Khui hộp OPPO Reno: ấn tượng camera vây cá mập

Ngoại hình sang trọng với sự kết hợp hoàn hảo giữa sắc màu thời trang cùng khung kim loại nguyên khối, OPPO Reno còn sở hữu hệ thống camera trước ấn tượng với thiết kế dạng vây cá mập hoạt động cực kỳ êm ái.

Dùng điện thoại không kết nối Internet một tuần, thưởng 1.000 USD, dám chơi không?

Đó là thử thách vừa được công ty chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông Frontier Bundles đưa ra dành cho người dùng tại Mỹ, nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của chiếc điện thoại nắp gập đầu tiên trên thế giới.

Bộ ba Lenovo IdeaPad mới, giá từ 6 triệu đồng

Lenovo vừa ra mắt bộ ba mẫu máy tính IdeaPad S145, S340 và S540 trang bị Windows 10, dành cho người dùng trẻ, sinh viên, nhân viên mới đi làm và gia đình với mức giá từ 6 đến 15 triệu đồng.

Laptop bảo mật cho doanh nghiệp SMB

Bộ ba laptop Lenovo ThinkPad E490 (14-inch), ThinkPad E590 (15.6 inch) và phiên bản mỏng hơn ThinkPad E490s (14-inch) vừa tung ra thị trường được thiết kế dành cho doanh nghiệp SMB có ngân sách vừa phải.

Fujiflim GFX100: Trang bị nhiều công nghệ hiện đại lần đầu được tích hợp trên máy ảnh Medium Format

Fujiflim GFX 100 là phiên bản mới nhất của Fujiflim thuộc dòng GFX, là thế hệ kế tiếp của GFX50S (2016) và GFX50R (2018). GFX100 được đánh giá là sản phẩm nâng cấp đáng giá của hai phiên bản tiền nhiệm.

Lenovo IdeaPad C340: xoay tiện dụng và bảo mật cao

Lenovo vừa tung ra thị trường mẫu laptop 2 in 1 IdeaPad C340 có thiết kế xoay tiện dụng, tích hợp công nghệ bảo mật dành cho dòng máy doanh nghiệp, giá từ 15,5 triệu đồng.

Nhiều tính năng cao cấp được trang bị trên ASUS VivoBook 14/15 phổ thông

VivoBook 14/15 (A412/A512) – dòng laptop phổ thông đầu tiên trang bị bộ lưu trữ dung lượng cao SSD 512GB vừa được ASUS ra mắt. Bên cạnh đó là bộ vi xử lý mạnh mẽ cho cả hai tùy chọn Intel và AMD, máy có nhiều màu sắc thời trang phù hợp với người dùng trẻ, học sinh, sinh viên.