3 mẫu Ultrabook tung ra thị trường gần đây của các hãng lớn lớn nữa khẳng định cuộc đua tới kỷ nguyên mới của laptop chưa có ý định dừng lại.
Samsung Series 5 Ultra
Với những dòng sản phẩm gần đây nhất, Samsung đã cho thấy rằng họ rất có kinh nghiệm trong việc chế tạo ra những mẫu máy tính xách tay có thiết kế mỏng đẹp và chắc chắn. Sản phẩm gia nhập gia đình ultrabook khá muộn nhưng không giống như dòng siêu di động Series 9, chiếc Series 5 Ultra của Samsung dường như nhắm đến tất cả mọi người. Sản phẩm có hai phiên bản, một có kích thước màn hình là 13,3 inch còn bản kia là 14 inch với cấu hình cơ bản tương đương nhau.

Đối với mẫu 13,3 inch độ dày của máy mỏng đạt 18 mm, trong khi đó bản 14 inch có độ dày 21 mm, lớn hơn một chút so với định nghĩa một chiếc Ultrabook và có thể so sánh với HP Envy 14 Spectre. Series 5 Ultra có thiết kế thuôn dần đặc trưng và trọng lượng khoảng 1,4 kg đáp ứng đầy đủ nhu cầu làm việc di động, vì vậy người dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc mang máy đi trong mỗi lần di chuyển. Đáy của sản phẩm được làm nhựa và vỏ hợp kim nhôm xám sang trọng, chất lượng gia công tốt và không có những họa tiết gây sự chú ý.

Samsung luôn nổi tiếng trong việc sản xuất ra những màn hình chất lượng cao và Series 5 cũng không phải là ngoại lệ với màn hình LED SuperBright có độ sáng 300 nit. Độ phân giải ở mức trung bình 1366 x 768 nhưng đáp ứng tốt nhu cầu xem phim 720p và viền bạc mỏng không ảnh hưởng đến
trải nghiệm sử dụng. Ngoài ra màn hình của máy còn được trang bị lớp phủ chống chói, giúp người dùng quan sát thoải mái ngay cả khi sử dụng ngoài trời. Máy sử dụng bộ xử lý Core i5 2467M thuộc dòng Sandy Bridge nên do đó mà bộ nhớ đồ họa được tích hợp vào lõi xử lý (bản 13,3 inch), bộ nhớ RAM là 4 GB. Đừng mong đợi có thể chơi những trò chơi khủng trên Series 5 Ultra bởi Samsung đã tạo ra riêng dòng Series 7 dành cho các
game thủ. Tuy nhiên nếu vẫn muốn gắn bó với Series 5, người dùng có thể hài lòng với bản 14 inch có trang bị card màn hình rời AMD Radeon HD7550M bộ nhớ 1GB.

Samsung đã cố gắng trang bị hầu hết các cổng kết nối cho Series 5, có lẽ do máy dày hơn Ultrabook thông thường, từ USB 3.0/2.0, HDMI, LAN và cả đầu đọc thẻ 4 in 1. Thực tế tuổi thọ pin trên Series 5 ở mức chấp nhận được. Với 6,4 tiếng bạn có thể quản lý việc sử dụng của mình trọn một ngày tại văn phòng. Việc sử dụng một ổ cứng dung lượng lớn 500 GB là khá hiếm gặp ở ultrabook (thường là ổ SSD) và Samsung đã cố gắng giữ trọng lượng tối đa là 1,8 kg dù có thêm cả ổ quang (bản 14 inch). Ngoài ổ cứng truyền thống, máy còn có một ổ SSD dung lượng 16 GB nhằm hỗ trợ khởi động nhanh chỉ trong 20 giây nhờ tính năng Fast Boot hay quay về làm việc từ chế độ ngủ trong 2 giây với Fast Start. Dù còn chưa vượt trội ở hiệu năng và thời lượng sử dụng pin nhưng rõ ràng mức giá của Series 5 là hấp dẫn và mang lại cho nó cơ hội chống lại các đối thủ có phong cách và mạnh mẽ hơn. Với một bàn phím rộng rãi (dù không có đèn nền), touchpad thoải mái và màn hình chống chói, Series 5 là một sự lựa chọn phù hợp cho ai tìm kiếm một thiết bị làm việc di động cao và thanh lịch.
Giá: 19,9 triệu cho bản 13,3 inch và 22,9 triệu cho bản 14 inch
Dell XPS 13 Mang nhiều nét tương đồng với chiếc Series 5 Ultra nhưng Dell XPS 13 vẫn thể hiện đẳng cấp của mình với thiết kế thực sự hào nhoáng, tiếp bước các đàn anh như XPS 15z hay Vostro. Dù đến muộn, XPS 13 vẫn hứa hẹn một trải nghiệm mới mẻ với vỏ nhôm và khung bằng sợi carbon nhằm giảm trọng lượng, kính cường lực Gorilla Glass tăng độ chắc chắn cho màn hình. Thiết kế của sản phẩm được đơn giản hóa tối đa với các góc bo tròn, khá giống MacBook Air nhưng thực sự bắt mắt cùng viền màn hình siêu mỏng. Điều này giúp Dell đóng gói chiếc màn hình độ phân giải 1366 x768 trong một không gian nhỏ hơn tương đương với một chiếc máy màn 11,6 inch. Với một sản phẩm cao cấp, độ phân giải này vẫn còn hơi thấp nhưng cho màu sắc sống động và độ sáng cao. Không như các ultrabook khác, Dell không cố gắng nhồi nhét quá nhiều phím trên XPS 13. Nhờ đó người dùng sẽ cảm thấy thoải mái khi gõ văn bản dù phông chữ của Dell hơi lạ nhưng được bù đắp bằng đèn nền, cho khả năng thao tác tốt trong mọi môi trường khác nhau.

Tổng thể máy cầm trên tay khá chắc chắn với trọng lượng đạt con số 1,36 kg và độ dày là 18 mm, đảm bảo tính linh hoạt khi phải mang XPS 13 theo mình. Việc trang bị các cổng kết nối luôn là một thách thức cho các Ultrabook và ngoài các cổng USB 3.0/2.0 XPS 13 thiếu vắng bộ chuyển đổi HDMI cho cổng MiniDisplayport và cổng LAN, đồng nghĩa với việc chỉ có thể vào mạng thông qua Wi-Fi hoặc USB 3G. XPS 13 cũng hỗ trợ công nghệ hiển thị không dây WiDi của Intel giúp truyền tải nội dung trực tiếp lên màn hình lớn qua đầu thu WiDi.

Với cấu hình cao cấp nhất là Core i7-2637M (hoặc Core i5 2467M), máy có một tốc độ xử lý nhanh, ổn định và bộ nhớ RAM 4 GB là phổ biến. Thêm vào đó, Dell cũng trang bị cho mẫu ultrabook của mình tùy chọn ổ SSD 256 GB hoặc 128 GB tỏ ra hữu dụng khi cần đánh thức máy dậy làm việc và truyền tải tập tin. Các công nghệ của Intel như Smart Connet hay Rapid Start cũng có mặt trên XPS 13 nhằm duy trì tình trạng kết nối ngay cả khi gập máy và thoát khỏi chế độ ngủ cực nhanh. Việc không có card đồ họa rời khiến cho không chỉ XPS 13 mà những ultrabook khác đều không phải là sản phẩm dành cho game thủ nhưng đề làm việc và giải trí như xem
video HD, chỉnh sửa ảnh thì tốt hơn nhiều.

Với hiệu suất làm việc cao nhưng không vì thế mà gây tổn hại tới tuổi thọ pin của XPS 13 với thời lượng trung bình là khoảng 6 giờ và tối đa lên tới 8 giờ. Sau một thời gian dài sử dụng, nhiệt độ của máy không tăng nhiều nhờ bộ khung bằng sợi carbon. Âm thanh của máy cũng cần được nhắc đến với chất lượng được đánh giá cao, âm lượng lớn dù gặp nhiều khó khăn về thiết kế kích thước và vị trí loa. Rõ ràng Dell đã đầu tư rất nhiều vào chiếc ultrabook đầu tiên của mình với một phần cứng tốt đem đến hiệu suất cao vượt trên cả một kiểu dáng hấp dẫn. Mục tiêu của Dell là tạo ra một sản phẩm hàng đầu dành cho những doanh nhân thành đạt luôn đặt yếu tổ di động và ổn định lên hàng đầu. Yếu tố cần được Dell cải thiện trong phiên bản ultrabook tiếp theo là tăng số cổng kết nối, nâng cao chất lượng màn hình, cải thiện trackpad và tất nhiên không thể thiếu là giảm giá thành bán ra để mang đến cơ hội sở hữu cho nhiều người hơn.
Giá: 33 triệu đồng cho bản Core i5 và 38 triệu đồng cho bản Core i7
Acer Aspire Timeline Ultra M3 Ra mắt tại Ces vừa qua, Acer Aspire Timeline Ultra M3 được giới chuyên gia đánh giá khá cao khi là sản phẩm đầu tiên thuộc dòng họ Ultrabook được trang bị card đồ họa rời. Điều này giúp cho dòng sản phẩm mới Ultrabook có thể mở rộng thêm đối tượng người sử dụng, đó chính là các game thủ thứ thiệt chứ không còn là phân khúc chỉ dành riêng cho doanh nhân. Được trang bị ổ đĩa quang và màn hình kích thước 15,6 inch, Ultra M3 có kích thước khá lớn và nặng nhất so với các dòng Ultrabook hiện có mặt trên thị trường, lần lượt có độ dày 1,98 cm và nặng 2,3 kg.

Vì hướng đến đối tượng sử dụng là nam và các game thủ nên tông màu chính của máy khá tối với chất liệu vỏ kim loại ở mặt trước được sơn đen và thân máy chế tạo làm từ nhựa mà không phải 1 thiết kế Unibody như các dòng sản phẩm khác. Bàn phím của M3 cũng được đánh giá khá cao, đây là mẫu bàn phím Chiclet vuông vắn, khoảng cách phím rộng, giúp việc nhập liệu trở nên thoải mái hơn khi ngồi hàng giờ liền. Tuy vậy M3 lại không được trang bị đèn nền cho phím nên việc nhập liệu trong môi trường ánh sáng yếu lại không thuận tiện cho lắm, trừ phi bạn là một người quá quen thuộc với dạng bàn phím này. Mặc dù trang bị màn hình rộng lên đến 15,6 inch và card đồ họa rời Nvidia Geforce GT640M 1GB nhưng M3 chỉ đạt độ phân giải 1366 x 768 pixels, mật độ điểm ảnh chỉ đạt 101 PPI. Do đó, khả năng hiển thị hình ảnh chi tiết của máy thật sự không nổi bật so với các dòng sản phẩm Ultrabook khác không tích hợp card đồ họa rời. Bên cạnh đó, góc nhìn của máy còn khá nghèo nàn, nếu nhìn lệch sang 45 độ thì màu sắc hiển thị sẽ biến dạng rõ rệt. Tuy vậy, khả năng xử lý đồ họa của máy khá tốt, khi thử nghiệm với trò chơi World of Warcraft, Ultral M3 vượt trội với 155 khung hình/giây, tăng khả năng chơi game mượt mà và lag.

Sở hữu một kích thước lớn nên M3 được trang bị khá đầy đủ các cổng kết nối, đặc biệt là ổ cứng lai lên đến 500 GB giúp cho việc lưu trữ tốt hơn và thời gian khởi động nhanh. Các cổng kết nối bao gồm 2 cổng USB 2.0, 1 USB 3.0, HDMI, Ethernet, đầu đọc thẻ SD, camera 1,3 MPx và giắc cắm headphone. Nhưng hầu hết các kết nối trên đều được Acer đưa ra mặt sau của máy, tuy khá bất tiện nhưng nó lại trông gọn gàng hơn cho người sử dụng.

Tương tự như mẫu Dell XPS 13, Ultra M3 được Acer tích hợp bộ vi xử lý Core i7-2637, 4 GB bộ nhớ RAM cho khả năng xử lý các tác vụ một cách nhanh chóng. Mặc dù sử dụng ổ cứng lai giữa dạng truyền thống và thể rắn, nhưng M3 vẫn đạt tốc độ khởi động chỉ 23 giây và chưa đến 1 giây ở chế độ sleep. Pin cũng là một điểm cộng của dòng sản phẩm này, nhờ tích hợp công nghệ Nvidia Optimus giúp máy tự động chuyền đổi giữa card đồ họa rời và đồ họa tích hợp, do đó qua thử nghiệm, thời gian sử dụng lên đến 7 tiếng.
Mặc dù có kích thước khá cồng kềnh và khả năng hiển thị chưa thật sự tốt, nhưng sự tiện dụng về các cổng kết nối và sức mạnh của Ultra M3 vẫn là sự lựa chọn tốt dành cho bạn.
Giá bán tham khảo: 1.035 USD
Quốc Tuấn