Việt Nam khó bắt kịp công nghệ mới nếu không cải cách mạnh tay

2018 là năm có nhiều chuyển động mạnh mẽ của Việt Nam cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong dòng chảy đó, ngành CNTT-VT đã có sự chuyển biến và những tồn tại cần ghi nhận. Dự báo và đối pháp thích hợp nào cho năm 2019 khi được xem tiếp tục sẽ có nhiều rủi ro và căng thẳng trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Thế Giới Số đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP) quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam

Bảo hộ ngược, nguồn lực phân tán, không có CSDL quốc gia…

Trong vai trò Tổng Thư ký VAIP, rất sâu sát với tình hình phát triển CNTT-VT thế giới và trong nước, ông đánh giá thế nào về thị trường CNTT-TT Việt Nam năm 2018?

Nhìn lại năm 2018, thị trường CNTT-VT VN có thể thấy đang trong giai đoạn chuyển dịch về cơ cấu và thị phần. Theo Tổng cụ Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, nằm trong Top 10 của cả hai nhóm ngành là điện thoại và linh kiện (đạt 50 tỷ USD); máy tính, điện tử và linh kiện (29,4 tỷ USD). Với xu thế chuyển dịch, mảng viễn thông giảm tốc và CNTT tăng đều đặn quanh mức 20%. Về ứng dụng CNTT trong nhà nước và doanh nghiệp, vẫn còn nhiều cản trở về vốn và cơ chế chính sách thúc đẩy. Các doanh nghiệp ứng dụng CNTT đều khó về thị trường và phải giảm nguồn nhân lực. Điểm sáng thúc đẩy thị trường chính là dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Hệ sinh thái này đang tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong nước và quốc tế, các DN cung cấp dịch vụ viễn thông cũng bắt đầu chuyển dịch mạnh sang khai thác thị trường này.

Phong trào khởi nghiệp sáng tạo tuy bắt đầu rộ lên từ một vài năm trước, nhưng chưa DN nào thực sự thành công. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có ý tưởng kinh doanh tốt, thiếu vốn, gặp khó về môi trường, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi các khởi nghiệp nước ngoài luôn sẵn sàng chiếm lĩnh thị trường, và các khởi nghiệp tốt của Việt Nam thì lại đi tìm kiếm cách phát triển ở nước ngoài. Nút nghẽn này không phải bởi vấn đề vốn mà là môi trường, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta hiện vẫn chưa có chính sách thúc đẩy và ổn định cho phát triển và đầu tư công nghệ, dẫn đến hiện tượng tranh giành nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao gay gắt.

Nhìn chung, với mức tăng trưởng toàn ngành CNTT-VT Việt Nam đạt mức 15-20% vẫn là tín hiệu lạc quan.           

Theo ông, những yếu tố khách quan, chủ quan nào đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển hoặc kìm hãm thị trường CNTT-VT Việt Nam?

Môi trường chính sách cho kinh doanh, sản xuất, đầu tư và thúc đẩy ứng dụng CNTT vẫn còn chậm chuyển biến và mang nhiều yếu tố rủi ro. Hiện tượng bảo hộ ngược dẫn đến tỉ trọng lớn vẫn thuộc về DN đầu tư nước ngoài. Mặt khác, nguồn nhân lực bị phân tán dẫn đến việc thừa nhân lực mức trung bình và yếu, nhưng lại thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cách mạng công nghiệp 4.0, Nền kinh tế số 4.0… là các cụm từ được nhắc khá nhiều trong năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang lạm dụng, thậm chí bị dẫn dắt đi xa bản chất trong khi vấn đề tin học hóa mới là mấu chốt cần giải quyết rốt ráo trước tiên. Quan điểm của ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?

Tin học hóa, Chính phủ điện tử… là điều chúng ta đã đặt ra từ những năm 2000 và mong muốn thúc đẩy ứng dụng CNTT nhưng hiện vẫn là vấn đề cấp bách. Vì phía Trung ương khá chậm chạp và bị động, nên đến nay nền tảng cơ bản cho phát triển ứng dụng CNTT (tin học hóa) vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí là không có các CSDL quốc gia căn bản như dân cư, đất đai, doanh nghiệp…, điều đó đã làm chậm tiến trình tin học hóa quốc gia. Việc các Địa phương, Bộ ngành trước nhu cầu phát triển đều chủ động tin học hóa cho chính mình dẫn đến tình trạng phát triển cục bộ, không đồng đều, thiếu kết nối và phát sinh các mâu thuẫn ứng dụng, tin học hóa giữa Địa phương với Trung ương. Nếu không có cải cách và định hướng phát triển vững chắc sẽ phát sinh các hiện tượng tiêu cực, chồng chéo, lãng phí. Hiện tin học hóa của chúng ta vẫn chú trọng đến xây dựng theo ứng dụng, chưa quan tâm đến nâng cao nhận thức người dân, DN và xây dựng lộ trình hướng tới xã hội công dân điện tử.

Năm 2017 và 2018, các cụm từ Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số 4.0, chuyển đổi số… được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất cũng phần nào thúc đẩy sự phát triển ngành CNTT-VT Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nước tiên tiến, khi đưa vào các công nghệ mới và ứng dụng CNTT cho phát triển thường theo nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường. Không thể khiên cưỡng, chỉ dập khuôn và quảng cáo với các mỹ từ của các nền tảng mới như AI, Bigdata, Blockchain, Robot, Smart… khi nền tảng công nghệ và nguồn lực của chúng ta còn rất lâu mới bắt kịp các xu hướng công nghệ mới.

Những nền tảng công nghệ IoT, AI, Blockchain, Robot… đang mang lại diện mạo và cơ hội mới cho ngành ICT VN. Theo ông các doanh nghiệp VN đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới này chưa?

Đây là mong muốn và khát vọng của các DN Việt, tuy nhiên như tôi đã đề cập, việc môi trường thúc đẩy phát triển còn thiếu và chồng chéo, nhiều rào cản và thiếu nguồn lực sẽ khó có cơ hội để DN Việt có các đột phá cho xu thế tiếp cận này. Cách tốt nhất là thị trường hấp thụ đến đâu chúng ta nhanh chóng phát triển đến đó. Và để phát triển tiếp thu công nghệ một cách vững chắc cần đầu tư cho R&D nhiều hơn để có các giải pháp tối ưu, tránh khi vừa vào làm các DN xuyên quốc gia bằng tiềm lực công nghệ của mình sẽ thâu tóm hết thị trường. Việt Nam không còn là thị trường nhân công giá rẻ nữa, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT-TT.

Xu hướng chuyển dịch sẽ là cơ hội và thách thức lớn

Ông có thể đưa ra những dự đoán và kỳ vọng gì cho ngành CNTT-VT Việt Nam trong năm 2019 cũng như thời gian tới?

Năm 2019 trước bối cảnh thương mại toàn cầu được dự báo sẽ còn nhiều rủi ro và căng thẳng, đặc biệt quan hệ thương mại Mỹ – Trung cũng như các dự báo suy giảm kinh tế toàn cầu. Đây cũng có thể xem vừa là cơ hội và thách thức với Việt Nam. Ngành CNTT-VT VN có thể sẽ được hưởng lợi về xu thế chuyển dịch nên khối sản xuất FDI vẫn sẽ phát triển ổn định cả trong lĩnh vực Di động và Máy tính, Điện tử. Thị trường dịch vụ CNTT, Nội dung số, Thanh toán Điện tử sẽ tiếp tục phát triển nhanh và đều – chúng ta cần chú trọng đến làn sóng các DN xuyên quốc gia thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sẽ có các thay đổi nhất định, tuy nhiên các rào cản vẫn còn nhiều tồn tại, chưa có đột phá mạnh mặc dù quyết tâm chính trị cao. Và nếu không có thay đổi mạnh mẽ về môi trường đào tạo CNTT, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục mắc vào bẫy “vừa thừa và vừa thiếu”!    

VAIP là Hiệp hội có nhiều hoạt động gắn với ngành Giáo dục & Đào tạo. Ông đánh giá thế nào về chương trình đào tạo CNTT-VT tại các trường đại học? Liệu đã đến lúc phải mạnh tay bỏ đi một số giáo trình quá cũ, thay vào đó là những bộ môn phù hợp với xu hướng công nghệ mới của thế giới?

VAIP có cơ hội tiếp cận nhiều với đào tạo CNTT-VT tại hệ thống GĐ&ĐT của Việt Nam trong nhiều năm qua, cá nhân tôi nhận thấy thế này. ICT tiếp cận nhanh với trẻ em từ bậc mẫu giáo đã làm thay đổi hoàn toàn về nhận thức của thế hệ mới là cơ hội để tiếp cận với làn sóng công nghệ và sáng tạo. Tuy nhiên chúng ta vẫn loay hoay về chương trình đào ICT ở các cấp bậc giáo dục. Thay vì học máy tính là gì, chúng ta nên chú trọng đến kỹ năng sử dụng, giới thiệu nhiều các kỹ năng tư duy logic và lập trình để lứa trẻ có cơ hội phát triển và tiếp cận công nghệ. Hoặc thay vì chỉ phổ cập máy tính, cần nên đưa vào cả di động và các thiết bị số. Đối với bậc đại học và cao hơn cũng không có nhiều trường đủ điều kiện đào tạo ngành CNTT-TT bài bản và bắt kịp xu thế phát triển công nghệ, đặc biệt công nghệ mới như AI, Bigdata… Vừa thiếu thầy, vừa bị sức ép theo khung chương trình định sẵn có thể đã cũ và cứng nhắc nên bản thân các thầy cũng không có nhu cầu sáng tạo để truyền đạt công nghệ mới. Đến nay còn nhiều trường sinh viên CNTT vẫn học theo các chương trình đã lỗi thời. Vì vậy cần phải có cuộc cách mạng trong đào tạo đại học trong xu thế công nghệ biến đổi nhanh.

Điểm yếu và thiếu nghiêm trọng nữa là không có kết nối giữa DN và Nhà trường. Ở các nước có nền giáo dục đại học tốt, ngoài sáng tạo nghiên cứu tại trường còn có trào lưu co-op và thực tập tại DN, nhưng ở Việt Nam hầu như chưa có hoặc chỉ mang tính hình thức. Nhiều DN hái lúa non bằng cách dụ dỗ các sinh viên giỏi từ năm thứ 3 làm gia công phần mềm trong khi vẫn than trách các trường đào tạo không đúng nhu cầu. Doanh nghiệp thì tận dụng, nhà trường thiếu cơ chế thúc đẩy nên việc đào tạo CNTT tại VN luôn ở trạng thái rất thiếu và rất thừa. Sinh viên CNTT Việt Nam nếu biết nắm cơ hội tiếp cận công nghệ thời online luôn được các DN quốc tế đón chào và được đánh giá chất lượng cao. Không ít sinh viên học trong nước đã và đang làm việc và sáng tạo thành công tại các tên tuổi lớn như Google, Facebook, Microsoft, Amazon…

Cảm ơn ông rất nhiều!

Cũng với cách đặt vấn đề trên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhận định:

Ông Trương Gia Bình Chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

Năm 2018, dưới góc độ của VINASA, qua thông tin từ các doanh nghiệp hội viên cho thấy nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm tiếp tục có mức tăng trưởng mạnh, nhiều doanh nghiệp vượt chỉ tiêu kế hoạch tới hơn 30%. Thị trường ICT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc tộ tăng trưởng cao trước hết là dựa trên sự tăng trưởng mạnh mẽ và những cơ hội từ xu hướng công nghệ mới từ thị trường ICT thế giới. Theo số liệu thống kê của các công ty nghiên cứu, chỉ tính riêng thị trường dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu dự báo tăng từ 445,4 tỷ USD trong năm 2017 lên 2.279,4 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2018-2025 là 24,3%. Điều này đã và sẽ giúp cho thị trường xuất khẩu phần mềm của VN tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và những năm tiếp theo, cả về số lượng DN tham gia thị trường và về doanh thu, thị phần.

Bên cạnh cơ hội từ thị trường, Việt Nam còn có được sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng 4.0 và thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phát triển thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh… Cùng với đó là trào lưu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và sự gia tăng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tư nhân. Tôi tin thị trường CNTT VN 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và có bước tiến vững chắc trên con đường chinh phục các mục tiêu mà Tân Bộ trưởng Bộ TT-TT đã đề xuất với Chính phủ. Đó là Việt Nam trở thành cường quốc phát triển phần mềm; Ngành viễn thông trở lại trong Top 10 quốc gia phát triển về viễn thông như những năm 2008 – 2010; Top 30 thế giới về công nghệ thông tin; Top 20 về an ninh thông tin, an ninh mạng; Top 5 về công nghệ thiết bị viễn thông, sản xuất được vi mạch xuất khẩu; Công nghiệp quốc phòng an ninh nằm trong top 20.

Riêng về FPT, năm 2018 được xem là một năm thành công của tập đoàn. Không chỉ đánh dấu 30 năm thành lập, không ngừng mở lối tiên phong trong nhiều lĩnh vực CNTT-VT của Việt Nam, mà còn mở ra những thay đổi lớn của FPT trong hành trình tiên phong chuyển đổi số. Trước tiên, chúng tôi đã hình thành được hệ sinh thái công nghệ FPT với nhiều giải pháp 4.0. Đó là nền tảng Trí tuệ nhân tạo phiên bản mới (FPT.AI ver3), thiết bị điều khiển bằng giọng nói Voice Remote dành riêng cho thiết bị xem truyền hình Internet FPT Play Box, Giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp akaRPA. Trong lĩnh vực y tế chúng tôi cũng đã ra mắt Hệ thống Quản lý tổng thể bệnh viện thông minh FPT.eHospital phiên bản 2.0 ứng dụng những công nghệ mới nhất như Trí tuệ nhân tạo (AI), Phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), thiết bị di động (Mobility), Kết nối vạn vật (IoT)… đáp ứng được tất cả yêu cầu trên của các bệnh viện.

Ứng dụng các công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Sinh trắc học (Biometrics), Vạn vật kết nối (IoT)… sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp trở thành các tổ chức, doanh nghiệp vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực ((Near – Real time Data – Driven Enterprise), nâng cao hiệu suất. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho các DN CNTT của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Nếu cách đây 10 – 15 năm, trình độ của doanh nghiệp CNTT Việt Nam còn ở khoảng cách khá xa so với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới thì nay khoảng cách này đã ngắn lại đáng kể với sự ra đời của làn sóng công nghệ mới. Việt Nam có cơ hội để cùng đứng chung với cả thế giới ở điểm xuất phát trong cuộc đua dịch chuyển công nghệ này. Cơ hội của làn sóng công nghệ mới không chỉ tạo thêm nhiều việc làm cho các doanh nghiệp Việt, mà còn tạo cơ hội cho những người học, làm việc trong lĩnh vực CNTT có thể tham gia các dự án toàn cầu ngay tại Việt Nam, hoặc ra nước ngoài làm việc.

Trong năm 2019, FPT sẽ hoàn tất công cuộc chuyển đổi số cho chính FPT và tiếp tục tham gia vào công cuộc kiến tạo Việt Nam số và xây dựng kinh tế số trên toàn cầu. FPT tích cực tham gia xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xây dựng y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, thành phố thông minh, điện lực thông minh… phục vụ người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển trong môi trường minh bạch.       

Theo Tạp chí Thế Giới Số – số Xuân 2019

VinaPhone chính thức cho đặt trước eSIM online

eSIM đang là mối quan tâm của nhiều người dùng viễn thông gần đây, VinaPhone cho những khách hàng mong muốn sử dụng eSIM có thể đặt trước online ngay từ hôm nay để được ưu tiên cung cấp sớm nhất. Sau khi thử nghiệm thành công, VinaPhone dự kiến sẽ chính thức cung cấp eSIM cho người dùng trong tháng 2/2019.

Hãy “méc” Sở Giao thông Vận tải khi bị phiền hà về giao thông dịp tết qua Zalo

Qua cổng “Thông tin giao thông TPHCM” trên Zalo, người dân có thể phản ánh nhanh các thông tin liên quan đến an toàn giao thông, vận tải hành khách, cơ sở hạ tầng trong dịp Tết Nguyên đán 2019.

Giải Editor’s Choice: Bình chọn Sản phẩm Công nghệ Xuất sắc nhất 2018

Như thông lệ vào mỗi dịp cuối năm, Tạp chí Thế Giới Số – số Xuân 2019 đã tiến hành tổ chức giải “Editor’s Choice – Bình chọn Sản phẩm công nghệ Xuất sắc nhất 2018”, nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát và chi tiết nhất về các thiết bị đặc sắc của năm.

Honor 10 Lite, điện thoại selfie 24MP AI bán ra với giá 5,29 triệu đồng

Honor 10 Lite, mẫu điện thoại hướng đến người dùng trẻ bằng thiết kế lạ mắt và camera selfie 24 MP trợ giúp công nghệ AI, sẽ được bán ra thị trường vào ngày 26/1 với giá 5,29 triệu đồng.

Ra mắt chip lõi 5G đầu tiên thế giới

Ngày 24/1, Huawei đã ra mắt chip lõi đầu tiên thế giới được thiết kế dành riêng cho các trạm gốc 5G, có tên mã Huawei TIANGANG.

Tình hình kinh doanh của các shop năm 2018 trong xu thế đa kênh

Theo kết quả khảo sát tình hình kinh doanh năm 2018 được thực hiện bởi nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo trên 5.000 cửa hàng, gần 36% cửa hàng chia sẻ kết quả kinh doanh 2018 không có sự tăng trưởng, chỉ dừng lại ở mức bằng và tệ hơn năm ngoái. Nguyên nhân do đâu?

Kaspersky Lab hợp tác với Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia Việt Nam

Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky Lab và Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia Việt Nam (NCSC) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm đưa ra các giải pháp cho những thách thức về an ninh thông tin trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực bảo mật mạng của chính phủ Việt Nam.

HP ra mắt loạt máy tính trang bị bộ xử lý AMD Ryzen

Hôm nay 22/1, HP Việt Nam đã tung ra thị trường danh mục các sản phẩm máy tính cá nhân được trang bị bộ xử lý AMD Ryzen tiên tiến.

Sony tặng dàn âm thanh và TV Oled cho gia đình cầu thủ đội tuyển Việt Nam

Sony Việt Nam trao tặng 38 dàn âm thanh Sony Sound Bar HT-S700RF và 16 chiếc Bravia OLED TV 55A8F cho gia đình các thành viên của Đội tuyển.

Grab bắt tay McDonald’s Việt Nam

Ngày 21/1, Grab và McDonald’s Việt Nam công bố quan hệ hợp tác dài hạn nhằm mang đến nhiều trải nghiệm và ưu đãi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ GrabFood.