Giả mạo website Bộ TT&TT để lừa người dân cài ứng dụng chứa mã độc

Giao diện trang web giả mạo cổng thông tin của Bộ TT&TT, được các đối tượng thiết lập nhằm lừa người dùng tải, cài đặt ứng dụng có chứa mã độc. Ảnh: NS

Khi truy cập vào trang web ‘vietgcv [.] cc’ giả mạo website Bộ TT&TT, người dùng bị dụ cài ứng dụng có chứa mã độc. Ứng dụng này cho phép đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp thông tin, tài sản.

Trang web tại địa chỉ ‘vietgcv [.] cc’ giả mạo cổng thông tin Bộ TT&TT là 1 trong 20 website lừa đảo vừa được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, tránh truy cập và làm theo hướng dẫn của các đối tượng xấu.

Ngay trước đó, vào đầu tháng 4, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo về trường hợp các đối tượng lừa đảo thiết lập trang web tại địa chỉ tên miền ‘policeonline[.]club’, giả mạo website của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng để đăng ‘quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo với tỷ lệ thành công 99,9%’, khiến cho nhiều người dân lại thêm một lần nữa bị lừa chiếm đoạt tài sản.

Theo thống kê, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4/2024, hệ thống canhbao.khonggianmang.vn của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận gần 630 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như một số bộ ngành, các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, dịch vụ công…

Từ phản ánh của người dùng và kết quả rà quét, giám sát không gian mạng Việt Nam, cũng trong gần một tháng gần đây, Cục An toàn thông tin đặc biệt lưu ý người dân nâng cao cảnh giác để không truy cập vào 44 website lừa đảo, giả mạo. Số website lừa đảo, giả mạo được cơ quan này cảnh báo người dùng trực tuyến trong tháng 3/2024 là hơn 100 trang.

Đáng chú ý, trong gần 2 tháng trở lại đây, các đối tượng lừa đảo tiếp tục tạo các trang web giả mạo dịch vụ công quốc gia với nhiều địa chỉ tên miền khác nhau và đều là tên miền quốc tế, cụ thể như: Dichvucong[.]cvgov[.]com; Dichvucong[.]xgovvn[.]net; Dichvucong[.]dulieuqucogia[.]com…

Như vậy, lũy kế đến hết ngày 21/4, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia đã cập nhật hơn 124.600 địa chỉ website giả mạo, liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Cơ sở dữ liệu này hiện đã được kết nối trực tiếp với trình duyệt Cốc Cốc cùng hệ thống của Zalo, SafeGate để có thể tự động bảo vệ người dùng Internet trong nước trước các website lừa đảo trực tuyến.

Tính đến quý I/2024, hệ thống kỹ thuật của Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin cũng đã chủ động ngăn chặn hơn 10.000 tên miền độc hại, trong đó có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến. Nhờ đó, đã bảo vệ hơn 10,1 triệu người, tương ứng trên 13,1% người dùng Internet Việt Nam trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Giả mạo website Bộ TT&TT để lừa người dân cài ứng dụng chứa mã độc- Ảnh 2.
Top 10 website giả mạo, lừa đảo được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo trong tuần thứ 3 của tháng 4/2024.

Song song với việc định kỳ hoặc đột xuất phát cảnh báo về các website giả mạo, lừa đảo cũng như các hướng dẫn các biện pháp nhận diện và phòng tránh các hình thức lừa đảo phổ biến, Cục An toàn thông tin đã và đang cung cấp miễn phí nhiều công cụ công nghệ hỗ trợ người dân có thể phát hiện mã độc tồn tại trong hệ thống mạng, kiểm tra xem có bị lộ lọt thông tin hay tự kiểm tra các website nghi ngờ lừa đảo, giả mạo.

Ngoài việc cảnh báo người dùng, các chuyên gia Cục An toàn thông tin còn đề nghị các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp chủ động rà quét để phát hiện sớm các website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình, cảnh báo sớm đến người dùng. Từ đó, góp phần ngăn chặn các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng và bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.

Cũng trong các tháng đầu năm nay, với mục tiêu giúp những người lớn tuổi tại Việt Nam khám phá thế giới trực tuyến an toàn và tự tin hơn, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với hãng công nghệ toàn cầu Google cho ra mắt chương trình ‘An toàn lên mạng, an tâm vui sống cùng Google’.

Đề cập đến tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam, các chuyên gia an toàn thông tin đều thống nhất rằng, những năm gần đây, các hình thức tấn công lừa đảo trên không gian mạng đã có sự gia tăng đáng kể. Không những thế, tấn công lừa đảo trực tuyến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn do sự phát triển của công nghệ số cùng mức độ phụ thuộc của người dân vào mạng Internet.

Theo chuyên gia VNCS, bên cạnh xu hướng gia tăng của tấn công lừa đảo qua email, các cuộc tấn công lừa đảo khác như lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo qua tin nhắn văn bản và lừa đảo qua các website giả mạo cũng đang tăng mạnh.

Theo Bộ thông tin và Truyền thông

Có thể bạn quan tâm
Đang xét xử vụ chống độc quyền: Google trả 20 tỷ USD cho Apple để đặt công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari

Một tài liệu xét xử chống độc quyền mới nhất do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố cho thấy Google đã trả Apple số tiền 20 tỷ USD vào năm 2022 để Google là công cụ tìm kiếm mặc định của Safari trên iPhone, iPad và Mac.

Ra mắt Tiangong, robot hình người chạy điện đạt 6 km/h đầu tiên thế giới

Trung Quốc vừa ra mắt “Tiangong” (Thiên Cung): Robot hình người chạy hoàn toàn bằng điện, có khả năng chạy với tốc độ 6 km/h đầu tiên thế giới.

Tại sao AI lại đắt đến vậy?

Việc thúc đẩy các mô hình AI lớn hơn, cũng như cần nhiều chip và trung tâm máy chủ dữ liệu hơn để hỗ trợ xây dựng chúng đang đẩy chi phí trong các công ty công nghệ lên cao.

Các nhà mạng lớn của Mỹ bị phạt gần 200 triệu USD vì bán dữ liệu vị trí khách hàng

Sau khi điều tra, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (Federal Communications Commission, viết tắt là FCC) đã áp dụng mức phạt tập thể 196 triệu USD đối với các nhà mạng lớn, do họ đã chia sẻ trái phép dữ liệu vị trí của khách hàng. Hành động này nêu bật lập trường quan trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Apple xóa 3 ứng dụng khỏi App Store vì có thể tạo ảnh khiêu dâm bằng AI

Không lâu sau thông tin về công cụ AI của Huawei Pura 70 có thể cởi đồ khỏi hình ảnh được đưa ra, Apple cũng có động thái nhắm vào các ứng dụng tương tự trên App Store.

iTel – nhà mạng di động MVNO kỷ niệm 5 năm có mặt tại Việt Nam kèm chương trình ưu đãi

Ngày 25/4/2024, nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập, iTel giới thiệu chương trình ưu đãi đặc biệt nhằm tri ân khách hàng mang tên “Hi5! Đập tay trúng quà ngay!” với 100.000 phần quà, trong đó giải đặc biệt giá trị cao nhất là 1 lượng vàng 9999.

iPhone ngày càng khó thở ở thị trường Trung Quốc

Dữ liệu mới nhất do IDC công bố cho biết, trong quý đầu tiên, Honor, Huawei và Oppo dẫn đầu với thị phần lần lượt là 17,1%, 17,0% và 15,7%, trở thành ba hãng dẫn đầu thị phần smartphone Trung Quốc.

Quỹ Hy Vọng ký kết tài trợ dự án Hành trình tham quan lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ

Mới đây tại văn phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Ủy viên Hội đồng Quản lý Quỹ Hy Vọng – ông Trương Gia Bình đã ký kết thỏa thuận tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ” cùng ông Olivier Brochet – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.

Đánh cắp và mã hóa dữ liệu rồi tống tiền kép – mối đe doạ của các tổ chức khu vực Đông Nam Á

Trong năm 2023, Kaspersky đã ngăn chặn tổng cộng 287.413 cuộc tấn công ransomware (mã độc tống tiền) nhắm vào các tổ chức trong khu vực Đông Nam Á. Đã có sự chuyển dịch trong cách thức hoạt động của các tội phạm mạng.

Liệu luật cấm TikTok có thể đứng vững trước tòa án?

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật yêu cầu thoái vốn, hoặc cấm TikTok thành luật chính thức. TikTok cho biết họ sẽ thách thức luật này trước tòa án với lý do vi phạm Tu chính án thứ nhất. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, lập luận về an ninh quốc gia của Quốc hội Mỹ vẫn có thể chiến thắng, trước những lo ngại về quyền tự do ngôn luận ngay tại tòa án.