Sáng nay 4/8, Bộ Y tế cho biết cả nước đã ghi nhận thêm 4.271 ca mắc Covid-19 mới, trong đó nhiều nhất vẫn là TP.HCM với 2.365 ca. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Tính từ 19h ngày 3/8 đến 6h ngày 4/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận thêm 4.271 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 4.267 ca ghi nhận trong nước ở TP.HCM (2.365), Bình Dương (1.032), Tây Ninh (194), Đồng Nai (164), Long An (146), Đà Nẵng (93), Bình Thuận (77), Vĩnh Long (60), Cần Thơ (37), Phú Yên (28), An Giang (24), Bình Định (23), Đồng Tháp (14), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1); trong đó có 1.044 ca trong cộng đồng.
Như vậy, tính đến sáng ngày 4/8, Việt Nam có tổng cộng 174.461 ca nhiễm, trong đó có 2.328 ca nhập cảnh và 172.133 ca mắc trong nước.
Về tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, trong ngày 3/8 có trên 405.880 liều vaccine được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 7.291.810 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.547.480 liều, tiêm mũi 2 là 744.330 liều.
Về tình hình điều trị, tổng số ca được điều trị khỏi là 50.831 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 463 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Ngày 3/8, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ thêm gần 980.000 liều vaccine cho TP.HCM và gần 700.000 liều cho Hà Nội. Số vaccine này từ nguồn 1.074.380 liều vaccine AstraZeneca, trong đó 659.500 liều mua thông qua VNVC được phân bổ cho TP.HCM, và 414.880 liều do Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len viện trợ được phân bổ cho Hà Nội.
Cũng trong ngày 3/8, Bộ Y tế đã điều chỉnh Quyết định 3600 về việc phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 16 để phân bổ thêm cho TP.HCM (tăng 319.000 liều) và Hà Nội (tăng 284.000 liều).
Như vậy, trong 3 đợt phân bổ vaccine gần nhất (đợt 16, 17, 18), TP.HCM được cấp 1.148.500 liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương tại TP.HCM và Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn.
Tính đến nay, TP.HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%.
Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM cũng đã có 500 giường đi vào hoạt động. Dự kiến sẽ mở rộng số giường dần lên đến 700 trong những ngày tới khi được Bộ Y tế tăng cường trang thiết bị và nhân lực. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có tổng quy mô lên đến 1.000 giường. Đây là bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng cao, mức độ nặng và nguy kịch, ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, tiếp nhận bệnh nhân từ các tầng kế cận theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng” chuyển lên chứ không phải từ các bệnh viện dã chiến.
Bộ Y tế hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19
Trong ngày 3/8, Bộ Y tế có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia-Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V…
Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó.
“Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần)”, văn bản của Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.
Đồng thời Bộ Y tế nêu rõ, những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng hướng dẫn tiêm chủng đối với từng loại vaccine; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tiêm chủng, và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng.
Các bệnh viện và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế cấp huyện, các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp với số vaccine được cung ứng, và đối tượng tiêm chủng bảo đảm tiêm đủ liều, an toàn, đúng lịch, diện bao phủ rộng.
Đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã trao 415.000 liều vaccine AstraZeneca
Vào sáng 3/8, ông David McNaught – đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã trao 415.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ giúp Việt Nam chống dịch Covid-19. Đây là số vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Vương quốc Anh hiện đã bảo quản trong kho vaccine tiêm chủng quốc gia. Bộ Y tế sẽ sớm phân bổ cho các địa phương để tiến hành tiêm chủng.
Bộ Y tế cảm ơn Chính phủ Anh tặng Việt Nam 415.000 liều vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca sản xuất tại Anh. Đây là món quà hết sức quý báu và kịp thời trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, và đặc biệt là cho Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.
Ngoài tiếp cận các nguồn cung ứng vaccine Covid-19, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine trong nước, hợp tác chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế.
Trạm “ATM oxy”đi vào hoạt động, giao tận nhà F0 Covid-19 tại TP.HCM
“ATM oxy” ra đời nhằm giúp đỡ những bệnh nhân Covid-19, đồng thời hỗ trợ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cần nguồn cung ứng oxy phục vụ công tác điều trị cho người bệnh.
Từ buổi sáng 2/8, đường dây nóng của chương trình “ATM oxy” liên tục tiếp nhận những cuộc gọi. Đó là những bà con có người thân mắc Covid-19, cần gấp bình oxy để hỗ trợ thở. Sau mỗi cuộc điện thoại, các tình nguyện viên của chương trình lập tức mang theo đồ bảo hộ y tế, chạy xe máy chở theo bình oxy đến với người dân. Chiếc xe máy thuận tiện len lỏi vào từng con hẻm, nhanh chóng đến tận cửa nhà bệnh nhân chỉ sau ít phút di chuyển.
Chương trình được thực hiện bởi PHGSmarthome phối hợp cùng Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và một số đơn vị khác.
Anh Hoàng Tuấn Anh, người triển khai chương trình cho biết, “ATM oxy” ra đời với mục đích cung cấp máy oxy, bình oxy giúp bệnh nhân đang điều trị Covid-19 sớm hồi phục. Đồng thời, chương trình cũng hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ tại hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.
Trong thời gian đầu, “ATM oxy” sẽ hoạt động từ 8h đến 17h hàng ngày, triển khai 90 bình oxy loại 8 lít tại các Quận đoàn quận 7, quận 8, quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Trong giai đoạn 2, “ATM oxy” sẽ hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến từ 5.000 tới 10.000 bình.
Giai đoạn 3, “ATM oxy” sẽ cho các bệnh viện mượn bình oxy. Khi tình hình dịch tại TP.HCM giảm căng thẳng, chương trình sẽ hỗ trợ các tỉnh thành khác trên cả nước và giai đoạn tiếp theo sẽ bổ sung bình nhập khẩu.
Tình hình thế giới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 581.000 ca nhiễm mới và 9.262 ca tử vong mới, nâng tổng ca bệnh vượt mốc 200 triệu, bao gồm trên 4,25 triệu ca tử vong. Nước Mỹ tăng vọt ca nhiễm mới lên trên 88.000 ca trở lại dẫn đầu thế giới.
Theo trang thống kê Worldometer.info, tính đến 6h ngày 4/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 200.187.759 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.257.752 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 581.423 và 9.267 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 180.478.496 người, 15.451.034 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 92.253 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ tăng vọt ca nhiễm, trở lại dẫn đầu thế giới với 88.342 ca mới; tiếp theo là Ấn Độ (42.566 ca) và Iran (39.019 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới trong ngày với kỷ lục 1.604 người chết, tiếp theo là Nga (789 ca) và Ấn Độ (424 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay vượt 36 triệu, cụ thể là 36.023.120 người, trong đó có 630.447 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.767.965 ca nhiễm, bao gồm 425.789 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.985.817 ca bệnh và 558.432 ca tử vong.
Còn tại khu vực Đông Nam Á, trong ngày 3/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 86.000 ca nhiễm mới và trên 2.200 ca tử vong, nâng tổng người thiệt mạng vì đại dịch vượt 155.000 ca. Riêng Indonesia đã ghi nhận gần 100.000 ca tử vong, trong khi lây nhiễm mới tại Thái Lan, Malaysia tiến gần mốc 20.000 ca/ngày.
Cụ thể, theo thống kê của trang Worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 86.209 ca mắc mới Covid-19 mới và 2.203 ca tử vong mới. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 7.564.027 trường hợp và 155.620 ca tử vong. Toàn khối có 6.195.739 bệnh nhân đã bình phục.
Với 33.900 ca nhiễm trong ngày 3/8, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khối về lây nhiễm mới, dù số ca nhiễm đang giảm về quanh ngưỡng 30.000 sau khi liên tục ở mức trên 45.000-50.000 ca. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 3.496.700 ca bệnh và 98.889 ca tử vong.
ATM Oxy có thông điệp “Trao oxy – nối dài sự sống”, bằng cách cung cấp miễn phí máy oxy, bình oxy tại nhà và cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế.
Hôm nay ⅜, trong sự kiện khai mạc tại Hội nghị các nhà sáng lập Spark HUAWEI CLOUD diễn ra đồng thời ở Singapore và Hong Kong, Huawei đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp châu Á – Thái Bình Dương.
Cơ quan quản lý Trung Quốc đang mở một cuộc điều tra đối với các nhà phân phối chip trong ngành công nghiệp ô tô với lý do nghi ngờ về việc tăng giá.
Một báo cáo mới chỉ ra rằng Apple có thể bắt đầu sử dụng các thành phần nhỏ hơn trên các thiết bị iPhone, iPad và MacBook trong tương lai để nhường chỗ cho pin lớn hơn, về mặt lý thuyết sẽ cho phép kéo dài tuổi thọ pin.
Sáng ngày 3/8, Bộ Y tế ghi nhận thêm 3.578 ca mắc mới, trong đó nhiều nhất vẫn là TP.Hồ Chí Minh với 1.998 ca. Ngoài ra, Bộ Y tế cho hay, nhiều loại vaccine phòng Covid-19 có nhiệt độ bảo quản khác nhau sẽ về Việt Nam trong thời gian tới.
Google vừa tiết lộ một số thông tin chi tiết ban đầu về bộ đôi Pixel 6 và Pixel 6 Pro. Trong số này đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của chip Google Tensor mới trong điện thoại.
Ngay giữa khi dịch bệnh đang chiếm nhiều mối quan tâm, lo lắng, thì dẫn đầu top xu hướng tìm kiếm trên Google trong tuần vừa rồi lại là “tra cứu điểm thi đại học”.
Dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và với sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lớn nhất trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đã được kích hoạt.
Seagate Technology vừa ra mắt dòng ổ cứng di động Seagate One Touch SSD mới, có tốc độ lên tới 1.030 MB/s cùng thiết kế độc đáo nhôm phay xước và vải dệt.
Samsung sẽ phát hành điện thoại thông minh có thể gập lại Galaxy Z Fold3 và Galaxy Z Flip3 vào ngày 11/ 8 tới đây. Tuy nhiên, công ty sẽ không tiết lộ bất kỳ điện thoại thông minh nào trong dòng Galaxy Note năm nay.