Sự sảng khoái trên hành trình viễn du của lữ khách thường có ý nghĩa đặc biệt trong chuyến đi đầu tiên, điểm đến mới nhất trong đời. Với tôi, không quan trọng điểm đến quen hay lạ, vấn đề là mình đã ngẫm nghĩ được điều gì mới khi chạm vào mảnh đất ấy, gặp gỡ những con người xa lạ, tiếp cận được cho dù một góc nhỏ nền văn hóa bản địa khác biệt.
Viết, luôn là cảm khoái trong hành trình lữ khách, và cập nhật thông qua thế giới mạng để chuyển tải đến bạn bè, luôn là lựa chọn đầu tiên. Có lang thang mạng và phải trả với số tiến khá đắt mỗi khi xuất ngoại, mới thấm thía chẳng ở đâu sướng bằng quê ta, khi Wi-Fi hầu như được miễn phí ở nơi công cộng. Nhưng vượt qua được cửa…chi phí mạng quốc tế để hoàn thành trang viết của lữ khách Việt, kết quả bao giờ cũng mang lại xúc cảm đầy ắp. Đời, thế là vui!
Tác giả tại Myanmar
“Lạc” Thế giới mạng ở Yangon Ở nước ngoài mà như ở quê nhà khoảng năm 1998. Được quay ngược kim đồng hồ, cũng thú và cảm thấy thân quen mảnh đất này!
Tối ấy, cả mấy chục mạng anh em các
doanh nghiệp VN qua Yangon ngồi chờ tại sảnh tiếp tân khách sạn Yuzana, thành phố Yangon từ 9h tối đến 11h30 chẳng vào internet được, dù nhiều người đã bỏ ra chục ngàn kiat (khoảng chục USD; giá trung bình 1.000 kiat khoảng 25 ngàn Việt Nam/1 giờ) mua thẻ Wi-Fi. Chờ đến chán ngán để rồi lầm bầm, sau đó lết về phòng đóng cửa ngủ, cũng chẳng xem được giải bóng đá Euro vì chẳng tìm ra kênh thể thao nào. Quốc gia này internet chậm hơn thời VN mới sử dụng mạng. Cũng chẳng biết 2G, 3G là gì. Roaming điện thoại Viettel đành bỏ xó, dù đã nhìn thấy nhà mạng Viettel có ở đây từ cuối năm 2011. Từ khi bước xuống sân bay chỉ nhắn tin về VN được 2-3 phát, sau đó toàn treo lơ lửng, nhưng nhận tin nhắn thì được, quái lạ!! Đầu năm 2011, mình đi theo đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Công thương và TPHCM nên được sắp xếp ăn ở tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao, vào mạng (miễn phí) còn đỡ chút. Lúc ấy, muốn vào gmail phải gõ theo địa chỉ “thổ địa” do anh bạn làm việc tại Đại sứ quán VN tại Myanmar chỉ cho rất lạ: https://www.gmail.com tức phải có thêm chữ s (Giao thức HTTPS là kết hợp giữa giao thức HTTP và giao thức bảo mật SSL hay TLS cho phép trao đổi thông tin một cách bảo mật trên Internet-TS).
Mạng khách sạn yếu, mình nghĩ chắc sau 12h đêm khi không còn khách nào đủ kiên nhẫn chờ đợi vào mạng được nên khách sạn mở miễn phí, mạng chạy nhanh hơn, và tha hồ xài chùa. Nhưng nhầm to, sau 12 giờ đêm, khi mạng chạy ổn lên chút, định gởi thư gmail công việc về cơ quan và định post bài này lên face thì mạng không cho vào miễn phí nữa mà phải trả tiền, mò xuống quầy tiếp tân mua thẻ nhưng nhân viên tắt điện đi ngủ khò!
Mình ra hành lang tầng 9 ngồi nói chuyện với anh bạn Ye Khuang, 21 tuổi, phát hiện anh này chán nghề của nhân viên làm phòng (Houskeeper) mà chỉ thích làm tiếp thị, chơi face (Yu Nay) rất sành, nói tiếng Anh rất tốt, khoe có cô bạn gái trên face trẻ xinh điệu đà.
Trò chuyện với Ye Khuang, biết về giới trẻ Myanmar rất hy vọng đất nước họ sẽ mạnh lên, giàu có hơn, tươi đẹp hơn khi thời gian gần đây Tổng thống nước họ mạnh dạn mở cửa sau mấy mươi năm bị cấm vận nghiệt ngã giống như thời VN ngày trước. Xem như biết thêm chút ít về một vùng đất mà cho dù sau này mình có trở lại thêm nhiều lần nữa cũng chẳng thể nào hiểu sâu hơn được. Nhiều khi chính sự mù mờ, biết ít lại kích thích sự tò mò của mình và mọi người hơn khi tìm đến quốc gia quá nhiều binh biến và thăng trầm này. (Yangon, Myanmar, ngày 15/6/2012)
Dòng sông Aare xinh đẹp, Bern, Thụy Sĩ
Kinh doanh cô đơn trên sông Aare thủ đô bern Mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ ô tô chạy trên đường cao tốc từ thành phố Geneva để đến thủ đô Bern. Cảnh đẹp yên bình hai bên đường không thể làm một thằng khách mệt mỏi do đi bộ nhiều mấy ngày nay ngủ được. Bern được xếp hạng thành phố quyến rũ và đáng sống nhất trên thế giới. Đi lòng vòng quanh các công trình kiến trúc cổ, tháp đồng hồ cổ, các phố nhỏ, quán ăn, cà phê vỉa hè xinh đẹp tại đại lộ Marktgasse không thiếu nhãn hàng thời trang, đồng hồ thương hiệu nổi tiếng nào, nhưng cuối cùng điều đọng lại với mình lại là con sông Aare cong mình ôm trọn thành phố với những ngôi nhà cổ mái ngói nâu sậm, nhà thờ đá hàng trăm năm. Màu nước sông trong xanh như ngọc, có thể từ trên cầu cao nhìn thấy rong rêu tận dưới đáy sâu. Những ai qua Bern đều phải dừng lại thật lâu trên dòng sông này. Họ có nhu cầu nhìn ngắm và chụp hình lưu niệm, và nếu ai tò mò thì lội xuống con đường sát sông để nhìn những chú gấu (biểu tượng thành phố) thả rông trên bãi cỏ rộng, hoặc nếu phiêu lưu hơn thì có thể nhảy xuống
trải nghiệm chuyến tắm sông đáng nhớ. Nhưng mình lại nghĩ du khách dừng lại trên thành cầu và tư lự nhìn ngắm thật lâu dòng sông Aare đẹp như tiên nữ vì họ cần gội bỏ muộn phiền. Nhu cầu lớn nhất trong những chuyến xê dịch của một lữ khách, nói rộng hơn chút là của một đời người trần tục ngắn ngủi như mình, suy cho cùng vì không muốn sự nhàm chán, tẻ nhạt bám quá lâu. Dừng lại ở Aare, mình nảy ra ý nghĩ, dân kinh doanh các dịch vụ ăn-chơi-nhảy-múa, hoặc tất cả các lĩnh vực liên quan giá trị tinh thần và thụ hưởng chỉ thành công khi khai thác tốt nhất và tận cùng về sự cô đơn con người. (Bern, Thụy Sĩ, ngày 11 /8/2012)
Đàn vịt trời ở Como
Xuôi về Como, hiểu thêm tâm lý khách Việt Chuyến tàu từ ga Milan về Como cả đoàn trễ 1 tiếng vì phải chờ hai người bạn trong đoàn trễ chuyến Metro, do mê chụp hình. Chuyến đi Como theo lời mời của cô bạn Hatice Sagdic, quê hương của cô. Hatice Sagdic rất xinh, có tình cảm với Việt Nam. Nhiều bạn nữ trong đoàn không thích đi, vì ngại di chuyển, và họ có lý do chính đáng muốn ở Milan để shopping hoặc về khách sạn ngủ (dù mới đầu giờ chiều). Khoảng 1 giờ tàu lửa tốc hành thì đến Como, trước mặt hiện ra một bến cảng nước trong xanh bao bọc quanh những ngọn đồi núi đầy ắp du thuyền, du khách nhẩn nha tản bộ quanh hồ, ngồi nhâm nhi cà phê, uống bia giải khát mùa hè. Họ đang tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, và mùa hè cho những chuyến nghỉ mát bất tận.
Về khoảng đi du lịch, tây khác nhiều ta. Ta đi du lịch thích được o bế từ A-Z, hưởng thụ ăn ngon (hợp khẩu vị chứ không muốn khám phá ẩm thực bản địa), di chuyển ít (nhưng cảnh phải thực sự đẹp để chụp hình lưu niệm), đưa vào nhiều nơi tập trung các siêu thị, trung tâm mua sắm. Tâm lý chung của du khách ta là đàn ông đi ra nước ngoài có nhu cần “trả thù (lao) dân tộc” và phụ nữ vui thú shopping. Mình từng chứng kiến có những du khách ta đi nước ngoài bỏ ra hàng chục ngàn đô để thoải mãn thú shopping, có những món đồ mua về chẳng xài. Mình chọn kiểu đi như mấy anh bạn tây, lang thang trải nghiệm và chụp hình. Mình nghĩ đơn giản, chịu khó bỏ sức ra khám phá, có những nơi chỉ đến được một lần duy nhất trong đời.
Cô bạn Hatice Sagdic khá nhiệt tình để giới thiệu vẻ đẹp quê hương, nhưng nhìn thấy cảnh nhiều người trong đoàn tỏ vẻ mệt mỏi và không hào hứng trong chuyến cuốc bộ quanh hồ, nên khuôn mặt cô kém vui. Đáng lẽ Hatice Sagdic sẽ có dịp giới thiệu nhiều hơn những gì mọi người nhìn thấy, nhưng cô đã chọn cách im lặng, mỉm cười thân thiện.
Điểm đến cuối cùng là công viên nằm phía sau khu nhà hành chính kiến trúc cổ thành phố, nơi có nhiều dãy biệt thự đẹp nhìn ra hồ. Hatice Sagdic nói đây là nơi cô thích và có nhiều kỷ niệm nhất. Có lẽ nơi đây ghi dấu mối tình nào đó của Hatice Sagdic, vì mình nhìn thấy những đôi tình nhân ngã lưng xuống bãi cỏ và hôn nhau say đắm. Hatice Sagdic đã mang lại kết thúc có hậu cho nhiều thành viên trong đoàn bằng một quang cảnh mở ra trước mắt: hàng cây trổ hoa đỏ rực, tạo nên bức tranh đa sắc, làm mát dịu không gian nóng bức mùa hè và sự khó chịu của những người bạn có nhu cầu shopping. Nhiều người thi nhau tạo dáng, chụp hình, và hối thúc chuyến quay lại Milan.
Mình kết thúc chuyến đi “chạy giặc” Como bằng kết thúc không đến nỗi: nốc ly cà phê tại quán Maya sát hồ và chụp những bức hình đàn vịt trời rũ lông bên bờ hồ vào cuối ngày. Ly cà phê trả 2 EU, rẻ so đời sống bên này và so địa thế. Tất nhiên, đàn vịt trời thì không biết đòi tiền mình. Tiếc là quán xá ở đây, cũng như hầu hết các nơi khác ở trời Âu không có chế độ wifi “chùa” nên chẳng có cơ hội tung hình đàn vịt trời lên Face “chém gió” với đám bạn. (Como, Ý, ngày 13/8/2012)
Tiến Đạt
Thế Giới Số 161+162 – Ngày 21.1.2013