Tình cây Thốt nốt và bầy Dơi

Bản thân mỗi sinh vật đều mang trong mình một sự kỳ diệu. Nếu xem xét chúng trong các mối tương quan, chắc hẳn bạn sẽ phát hiện rất nhiều điều kỳ thú. Chuyến du xuân dừng chân nghỉ lại nơi biên giới Việt – Cambodia, tôi đã mường tượng ra một mối tình không lời giữa cây Thốt nốt và loài Dơi.

Tình cây Thốt nốt và bầy Dơi - NewImage7


Thốt nốt – hiên ngang quân tử

Thật lòng rất yêu thích cây Thốt nốt. Không chỉ vì thích hương vị của sản phẩm lấy ra từ nó, một thứ đường lạ, ngọt dịu, ăn chơi như ăn bánh ăn kẹo, mang nấu chè thì càng ngọt mát thơm ngon đến lạ. Yêu cây Thốt nốt chính là vì cây có dáng đứng rất đẹp.

Cây Thốt nốt đứng lẻ loi bên đường hay đứng tụm với nhau vài ba cây cao thấp đều rất đẹp. Một thân cây thẳng vươn cao, không cành, chỉ một vòm tròn xanh lá nổi bật trên nền trời xanh.  Những hàng cây lớn nhỏ xen nhau rải rác ngoài cánh đồng trải xa tít tắp như những người mẫu trên sân khấu, ai cũng đẹp đẽ, kiêu hãnh theo kiểu cách của mình. Nằm trong phum sóc được chăm sóc, lá cây gọn gàng, hàng Thốt nốt trên đường đi trong phum hay cặp đôi sau nếp nhà sàn, bên đống rơm vàng sau mùa lúa.

Khi buồng hoa của cây mới ló ra là lúc người ta lấy nước Thốt nốt, dùng để uống hoặc làm đường. Việc nấu đường rất dân gian và giản dị và cái lò đường được đắp bằng đất ngay tại sân nhà. Cũng nước ấy, nhưng nếu bỏ vô ống lồ ô hứng nước chảy ra từ cây một thứ men lá cây, sớm mai lấy xuống là có một loại nước uống tuyệt vời mang tiếp khách hay để trong nhà dùng hàng ngày.

Tình cây Thốt nốt và bầy Dơi - NewImage4


Ghé quán bên đường nghe mọi người hỏi thăm “tức Th nốt chu” tiếng Khmer nghĩa là nước Thốt nốt chua. Được uống và được biết đó là thứ nước tinh túy của cây tiết ra từ buồng hoa khi còn non để cho ra trái và nuôi trái lớn. Nước Thốt nốt ấy được lên men có màu trắng đục của sữa tươi, có hương vị là lạ, hơi chua một xí nhưng thơm ngon như một loại bia mà nhiều người kêu vui bằng cái tên dễ thương là bia Pochentong.

Tình cây Thốt nốt và bầy Dơi - NewImage5


Theo lời kể của một người lính gắn bó nhiều kỷ niệm với cây Thốt nốt, để làm được thức uống mệnh danh là “bia Pochentong” này là cả một kỳ công và đòi hỏi người làm không ít công phu thâm hậu. Đầu tiên, người ta chặt những cây tre già có gióng rất đều, tỉa cành đi rồi buộc áp vào thân cây Thốt nốt. Có những cây có thể cao hơn hai mươi mét nên phải vài ba cây tre nối nhau mới leo lên đến ngọn. Khi cây Thốt nốt ra buồng hoa, người ta dùng hai thanh tre cứng kẹp lấy cuống hoa. Ngày nào cũng kẹp cho đến khi cuống hoa Thốt nốt mọng lên, ứa ra nước là cắt cuống, treo ống lồ ô vào. Sáng hôm sau đã đầy ống nước ngọt, người ta lấy xuống mang nấu đường. Còn muốn làm nước Thốt nốt chua, họ bỏ thêm vào ống nước ấy mấy mảnh vỏ cây có tác dụng lên men, là có bia Pochentong uống ngay. Thứ nước này sinh ga rất mạnh, nếu mang một can nhựa bia Pochentong ra phơi nắng, có khi can sẽ từ từ phồng lên và nổ toang.

Tình cây Thốt nốt và bầy Dơi - NewImage3


Dơi – yểu điệu thục nữ

Dơi là động vật hoang dã trong thiên nhiên, thuộc loài thú và có nhiều giống khác nhau. Có giống Dơi độc địa, hút máu súc vật nuôi (là nghe người ta nói vậy chứ chưa thấy), nhưng ở ta có giống Dơi quạ chuyên ăn phá cây trái, còn Dơi chuột là loài Dơi nhỏ – chuyên ăn bù mắc muỗi mòng là con vật có ích cho nhà nông.

Người ta nói rằng phân Dơi được người xưa chế làm thuốc súng và trong đông y còn dùng để chữa được một vài thứ bệnh. Còn bây giờ người nông dân dùng phân Dơi là thứ phân sạch và cao cấp để mang bón cho những thứ cây ăn trái quý như cam sành, dưa hấu, sầu riêng… Làm “cây dơi” để lấy phân là một nghề của bà con Khmer không biết đã có từ bao giờ. Người ta không cần nuôi, không cần cho chúng ăn, mà làm cây dơi là làm nhà cho chúng, dụ chúng vô ở để thu lượm… phân.

Con Dơi chuột rất thích làm tổ trong bụi lá Thốt nốt. Ở miền Tây, những vùng có bà con người dân tộc Khmer sinh sống, những vùng có bóng dáng của cây Thốt nốt vươn cao lá có thể làm cây dơi. Miền Tây mênh mang sông nước, nhiều muỗi mòng là món khoái khẩu của Dơi và có nhiều bác nông dân siêng năng, sáng ý đã học theo cách của người Khmer làm những căn nhà cho lũ Dơi về.

Tình cây Thốt nốt và bầy Dơi - IMG 05171


Giữa hai cây Thốt nốt hay cây Dừa, cách nhau chừng dăm thước, người ta bắc cây ngang, lợp mái lên trên và bó lá thốt nốt bên trong, cao trên mặt đất chừng bảy tám thước giống như một mái nhà che nắng che mưa. Cũng thấy người ta còn làm cây dơi từ một cây dừa, nhỏ hơn và cao hơn. Những mái nhà trên cao ấy như những chiếc lọng thật dễ thương chính là nhà để mời gọi những chú Dơi tới. Ở miền Tây, nơi không có cây Thốt nốt, muốn làm cây dơi vẫn phải đi mua lá Thốt nốt về làm tổ, lợp mái bằng tàu dừa nước. Nhà cửa dễ thương, chủ nhà mến khách, vườn nhiều cây lá, tĩnh lặng thanh bình là Dơi rủ nhau về ở. Phía dưới xung quanh gốc cây dơi, đất được nện phẳng để có thể dễ dàng quét gom phân. Vào mùa mưa thì người ta dùng lưới hay tấm bạt giăng ở dưới hứng phân. Phân dơi gom lại cho nguyên hạt, mang phơi khô, bỏ bao cất dưới gầm nhà sàn, có mối tới lấy. Giá bán phân dơi không rẻ, một dạ (tương đương khoảng 20 kg) tới mấy chục ngàn đồng, nên có thể nói đó là thứ phân cao cấp.

Tình cây Thốt nốt và bầy Dơi - NewImage


Dơi là loài ngủ ngày. Từ chập choạng tối đến dát hửng sáng là chúng rủ nhau bay đi kiếm ăn. Những khi Dơi bay khỏi tổ đi kiếm mồi là người ta tranh thủ dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa cho chúng, giũ nước tiểu, phân dính trên lá Thốt nốt. Thức ăn của con Dơi chuột là côn trùng, muỗi mòng, bướm đêm, bù mắc đều là những thứ có hại cho lúa, cho người. Mà bầy Dơi chuột hay lắm à nghe. Nghe kể, chúng  sống rất nền nếp, đi ăn uống, chè chén bất cứ ở đâu xong cũng đều bay về tổ, về tới nhà mới chịu đi vệ sinh. Thế nên mới có những hang dơi lớp phân dày cả mét. Chắc vì biết tập tính “lịch sự” của loài Dơi như thế nên người ta mới làm nhà để dụ nó về. Hàng ngày, bầy Dơi bay về núp mình trong lá, trong vòng chở che của cây Thốt nốt, thân thiết và yên bình.

Những cây Thốt nốt thẳng thắn hiên ngang và bầy Dơi hiền lành ấy thật dễ thương. Ai đó có dịp về thăm chơi miền Hà Tiên Châu Đốc, ghé quán uống giùm miếng nước Thốt nốt chua cho biết, và đừng quên mua thêm ít đường Thốt nốt mang về làm quà cho người thân đang chờ ở nhà, bạn nhé.



Anh Đỗ
Tin học & Nhà trường 162 – Tháng 3.2013

Sông Đà – Hoang sơ còn một chút này

“Anh ở biên cương…”, câu hát ấy thôi thúc tôi tìm đến nơi con sông chảy vào đất Việt. Đã tới “đầu nguồn con nước” sông Hồng, sông Lô, lẽ nào không thể đến với sông Đà?

Dừng lại giữa freeway

Tôi vốn là người lười di chuyển. Hồi học đại học, trong khi bạn bè (vì lý do nào đó) cứ vài tháng chuyển nhà thì tôi cứ ở lỳ một chỗ. Không hẳn đó là một chỗ tốt, chỉ tại tôi ngại phải làm quen với mộ lộ trình mới. Đến khi ra trường đi làm, khoảng cách từ quê nhà đến Sài Gòn là quãng đường xa nhất tôi đi trong đời.

Chuyện những con kinh mang tên lạ

Sài Gòn những ngày giữa mùa khô, nắng nóng và nực nội. Mấy bữa nay trời nắng gắt, gió đứng, nhiệt độ ngoài trời gần bằng nhiệt độ cơ thể làm người ta ai cũng mỏi mệt. Mùa thi giữa năm học đã qua rồi, quả là vừa vui vừa mệt. Bữa ấy cha con nhà Út Cưng thủ thỉ, nơi thành phố chật chội, có ít ngày nghỉ giữa năm học sao mình không về miền Tây chơi nhỉ? Ờ ha, vui quá. Thế là một ngày đầu năm, cha con nhà Út rủ nhau khoác ba lô đi chơi, về với miền Tây sông nước thanh bình, nơi có nghĩa tình cùng những người nông dân quê có tấm lòng luôn rộng mở….

Viết theo dấu chân lữ khách

Sự sảng khoái trên hành trình viễn du của lữ khách thường có ý nghĩa đặc biệt trong chuyến đi đầu tiên, điểm đến mới nhất trong đời. Với tôi, không quan trọng điểm đến quen hay lạ, vấn đề là mình đã ngẫm nghĩ được điều gì mới khi chạm vào mảnh đất ấy, gặp gỡ những con người xa lạ, tiếp cận được cho dù một góc nhỏ nền văn hóa bản địa khác biệt.

Bí mật của diễn viễn Hải Hà

Chỉ mới vào nghề trong một thời gian ngắn, nhưng có lẽ do sở hữu một khuôn mặt xinh và đôn hậu nên Hải Hà cứ luôn được các đạo diễn giao vào vai các cô gái thông minh, xinh đẹp,giàu nghị lực.Mà phải công nhận Hải Hà diễn tốt thật dù chỉ đóng các vai phụ hoặc vai thứ chính. Các bạn có thể kiểm chứng nhận xét này qua các bộ phim mà Hà đã và đang đóng nhé (Tướng Nguyễn Bình, Cha và con, Không thể gục ngã, Sợi dây ái tình…).Giai phẩm số Xuân kỳ này, TH&NH sẽ tiết lộ đến bạn đọc nhiều điều thú vị hơn của nữ diễn viên trẻ tuổi này.

Củ tỏi Lý Sơn biết… nghe điện thoại

Với dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trong một nhóm đảo gồm một đảo lớn và hai đảo nhỏ, trong đó, một đảo lớn chứa trên hai mươi lăm ngàn cư dân và một đảo nhỏ chứa ngót nghét một ngàn cư dân, suốt ngày không có điện, chỉ bật sáng vào 5h chiều cho đến 11h đêm, mọi sinh hoạt, mưu tính của thế giới hiện đại gói gọn trong 7 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Từ điện thoại cho đến máy tính cũng chỉ gói gọn trong quĩ thời gian này. Và, cũng không biết tự bao giờ, người Lý Sơn hay nói đùa với nhau về chuyện củ tỏi biết nghe điện thoại.

Xông nhà tín đồ Contax – Carl Zeiss

Cùng với sự đổi thay công nghệ gần như là mỗi ngày trên thế giới thì cuộc sống cũng đồng thời nảy sinh ra một số người chỉ thích đi ngược dòng, tìm về những món đồ công nghệ một thời đã xa. Bộ sưu tập ống kính Contax – Carl Zeiss và đội quân máy ảnh film của anh Nguyễn Hữu Thắng mà Thế Giới Số giới thiệu kỳ này sẽ dẫn độc giả một lối đi khác nữa vào thế giới “đồ chơi” này.

Siêu mẫu, lập trình viên Diệu Huyền – Công nghệ là số 1

Đã hoàn thành tốt khóa học lập trình viên, nhưng Diệu Huyền, người đẹp đoạt giải bạc siêu mẫu 2012 cho biết, nguyên nhân theo học lớp lập trình viên không phải do bản thân yêu thích công việc gõ code, mà là chỉ muốn học để hiểu, để gần gũi hơn với công nghệ trong và ngoài nước.

Tràm chim mùa sếu về

Vào thời điểm này, du khách có dịp về vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) sẽ tận mắt chiêm ngưỡng đàn sếu múa hót, chọn bạn tình… Một thú vui tao nhã, lý tưởng.

Ca sĩ Bảo Thy: Công chúa bong bóng từ thế giới mạng

Bắt đầu là tham gia cuộc thi bình chọn gương mặt đại diện cho trò chơi trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ, sau đó là cuộc thi Miss Audition, vài lần phát hành album nhạc trên mạng… Chính bởi có xuất phát điểm từ thế giới mạng như thế, nên bây giờ khi đã thành ca sĩ có tên tuổi, Bảo Thy vẫn luôn cảm thấy trân trọng môi trường mà từ đó mình đã được“lớn” lên.