Sự tiến hóa của TV, 3D thoái và màn hình cỡ lớn tiến nhanh

Dưới bước tiến vũ bão của công nghệ, với sự thúc đẩy của nhu cầu, thuận tiện và hướng tới vẻ đẹp hoàn hảo, TV và công nghệ màn hình đã bước những bước dài chỉ trong vài chục năm. Cùng với đó là những thăng trầm, tàn lụi của những công nghệ tưởng như là vững chắc trong tương lai. TV sẽ còn tiếp tục tiến hóa và xu thế trong những năm tới đây sẽ là độ phân giải cao và màn hình lớn.

Trăm năm tiến hóa của TV

Năm 1928, chiếc TV cơ khí đầu tiên ra đời, Octagon sử dụng một trục quay đĩa điều khiển bằng động cơ kết hợp với đèn neon để tạo ra hình ảnh ánh vàng và có kích thước chỉ 3 inch. Sau đó là vài năm thay đổi cho đến khi công nghệ CRT ra đời. Cossor 1936 là chiếc TV có màn hình 13,5inch, sử dụng công nghệ ống tia âm cực (CRT), tạo ra hình ảnh khi các chùm electron chiếu vào bề mặt lân quang trong chân không. Công nghệ màn hình CRT là một trong những công nghệ quan trọng, bản lề cho ngành công nghiệp TV và màn hình trong hàng chục năm sau này.

Sự tiến hóa của TV, 3D thoái và màn hình cỡ lớn tiến nhanh - TV dau tien
TV cơ khí đầu tiên ra đời vào năm 1928 có kích thước màn hình chỉ 3inch.

Từ TV trắng đen, đến thập niên 60 là thời kỳ bắt đầu của TV màu, mở ra một chương mới trong hành trình thưởng thức những nội dung trên TV, thật hơn, sống động hơn. Bắt đầu thập niên 70 là giai đoạn mà các ông lớn Nhật Bản bắt đầu làm mưa làm gió thế giới với những tên tuổi như Panasonic, Sony … Năm 1971, Panasonic tung ra chiếc TV hình đĩa bay Orbitel, có thể xoay được 180 độ và có cả jack cắm tai nghe, còn Sony thì cực kỳ nổi tiếng với dòng TV CRT Triniton, dòng TV này phát triển mạnh đến 20 năm sau mới tạm dừng lại cho một công nghệ mới ra đời.

Plasma là một bước tiến dài khác, thay đổi hoàn toàn công nghệ tấm nền, công nghệ này tạo ra hình ảnh từ ánh sáng phát ra trong quá trình ion hóa của khí xeon và neon. TV Plasma thực sự là một bước nhảy vọt về công nghệ hiển thị, năm 1992, Fujitsu đã giới thiệu chiếc TV Plasma đầu tiên và nhanh chóng làm say đắm giới mộ điệu. Tiếp sau đó là một loạt các hãng lớn đều có TV Plasma và công nghệ này kéo dài đến 20 năm sau đó, mà cho đến tận bây giờ, người dùng khi nói đến chất lượng hình ảnh vẫn nhắc đến những chiếc TV Plasma của Panasonic. Đến năm 2013, nhà sản xuất Plasma lớn nhất thế giới là Panasonic chính thức khai tử TV Plasma, sau đó đến Samsung và LG, kết thúc một huyền thoại cho ngành công nghiệp hình ảnh.

Sự tiến hóa của TV, 3D thoái và màn hình cỡ lớn tiến nhanh - Sony Trinitron
Từ TV trắng đen, đến thập niên 60 là thời kỳ bắt đầu của TV màu, mở ra một chương mới trong hành trình thưởng thức những nội dung trên TV, thật hơn, sống động hơn.

LCD – màn hình tinh thể lỏng, chính là công nghệ đã giết chết Plasma, khi nó sở hữu rất nhiều ưu điểm dù chất lượng hình ảnh được đánh giá là không đẹp và ổn định bằng. Công nghệ tinh thể lỏng là công nghệ dựa trên tính chất của các tinh thể lỏng có thể biến đổi để cho toàn bộ, chặn một phần hoặc ngăn hòa toàn ánh sáng đi qua, từ đó tạo màu sắc từ áng sáng trắng. TV LCD là một bước thay đổi lớn khác về công nghệ hiển thị, và công nghệ này vẫn tồn tại, phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Từ LCD, đã cải tiến lên công nghệ LED (với các bóng đèn led độc lập), công nghệ chấm lượng tử (quantum dot) nhằm khắc phục những điểm yếu về hiển thị màu đen và độ sáng của LCD sơ khai, và đưa TV trong giai đoạn 2005 – 2020 phát triển cực kỳ mạnh mẽ.

Với sự vận động không ngừng, những nhà sản xuất nhanh chóng nhận ra những điểm yếu không thể khắc phục của công nghệ LCD, nhất là tái tạo màu đen và điều khiển màu sắc chính xác ở từng điểm ảnh, nên việc nghiên cứu ra một công nghệ mới, hoàn hảo hơn, đẹp hơn là điều bắt buộc. Năm 2014, LG chính thức cho ra đời công nghệ OLED, một công nghệ tấm nền hoàn toàn khác hẳn bản chất với LCD. Công nghệ OLED sử dụng các đi-ốt oxit hữu cơ phát quang, nghĩa là trên nguyên tắc có thể tự phát sáng ở từng điểm ảnh, cũng như tắt hoàn toàn để tạo màu đen, thay vì dùng chất cản ánh sáng như LCD, nên nó có thể đạt màu đen tuyệt đối. Cho đến thời điểm hiện tại, chất lượng hình ảnh của TV OLED luôn vượt trội so với LCD, vấn đề duy nhất là giá thành nên OLED không phổ biến.

Sự tiến hóa của TV, 3D thoái và màn hình cỡ lớn tiến nhanh - Sony OLED TV
Năm 2014, LG chính thức cho ra đời công nghệ OLED, một công nghệ tấm nền hoàn toàn khác hẳn bản chất với LCD.

Micro-LED sẽ là tương lai. Bỏ qua công nghệ OLED, hãng sản xuất TV hàng đầu thế giới là Samsung lại nghiên cứu một công nghệ tấm nền mới hoàn toàn. Thay vì dùng những ôxít hữu cơ phát quang luôn bị đánh giá là dễ lưu hình (burning) và suy giảm màu theo thời gian, Micro-LED sẽ dùng những bóng đèn led với kích thước siêu nhỏ, và khả năng kiểm soát xử lý ánh sáng từng vùng chuyên biệt. Công nghệ này sẽ đồng thời khắc phục điểm yếu của cả LCD/LED và công nghệ OLED, khi vừa cho chất lượng hình ảnh đẹp, độ ổn định và độ bền lại cao, cũng như độ sáng vượt trội mà TV OLED không bao giờ đạt đến được. Vấn đề hiện tại của công nghệ này cũng là giá đang ở mức quá cao, và sản phẩm thương mại đến với số đông có lẽ chỉ có trong 5 – 10 năm tới.

Công nghệ 3D thoái lui

Công nghệ 3D thực chất đã có từ rất lâu, trước khi nó bắt đầu bùng phát mạnh vào đầu thế kỷ 21. Bắt đầu từ năm 1953, những phim “real-3D” đầu tiên đã được trình chiếu ở rạp, mở màn là House of Wax của đạo diễn André de Toth. Rồi đến năm 2005, khi bộ phim hoạt hình Chicken Little (2005) của hãng Walt Disney đạt được những thành công rực rỡ thì công nghệ phim “real-3D” mới thực sự cất cánh. Và thăng hoa của phim 3D đến từ đạo diễn lừng danh James Cameron, khi ông quyết định dự án ấp ủ suốt 11 năm của mình là Avatar phải được quay bằng máy quay 3D thật chứ không phải là làm kỹ xảo trên máy tính. Những chiếc máy quay có 2 ống kính song song có thể định vị được những tiêu điểm khác nhau, cho ra hiệu ứng 3D đáng kinh ngạc. Năm 2009 trở thành năm của Avatar với kỷ lục doanh thu mọi thời đại và là năm bùng nổ của công nghệ 3D.

Sự tiến hóa của TV, 3D thoái và màn hình cỡ lớn tiến nhanh - TV 3D

Các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG và Sony đều tung ra những mẫu TV 3D của mình khi công nghệ 3D lên ngôi sau thành công của bộ phim 3D chiếu rạp đầu tiên Avatar.

Với thành công của công nghệ 3D trên màn ảnh rộng, những nhà sản xuất TV đã ngay lập tức chớp lấy thời cơ để đưa 3D đến mọi nhà bằng những chiếc TV 3D được xem kết hợp với kính 3D. Các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG và Sony đều tung ra những mẫu TV 3D với kích thước lớn và đi kèm đó là kính 3D với công nghệ 3D chủ động hoặc thụ động. Cùng với sự phát triển của phong trào chơi phim Bluray HD với độ nét cực kỳ cao, TV 3D với đĩa Bluray 3D đã đủ để người dùng có thể thưởng thức những hình ảnh nổi ra khỏi khung hình ngay tại gia.

Ngay tại ở Việt Nam thời kỳ đó, phong trào xem phim 3D cũng rất sôi động, hứng khởi, với hàng loạt quán café 3D mở ra, chiếu phim 3D trên màn chiếu để phục vụ người xem, còn TV 3D thì vẫn là một thú chơi đắt đó nhưng không thể cản bước được những tín đồ điện ảnh muốn trải nghiệm những công nghệ mới. Hàng loạt phim 3D xuất hiện ở rạp, rồi ở đĩa Bluray, những đầu phát có thể phát được phim 3D, những chiếc TV, những chiếc kính 3D trở thành một tính năng thời thượng, một chỉ dấu cho sản phẩm cao cấp. Nhưng rồi tất cả nhanh chóng lụi tàn trong thời gian ngắn.

Sự tiến hóa của TV, 3D thoái và màn hình cỡ lớn tiến nhanh - TV 4K kich thuoc lon

Doanh số TV 3D suy giảm nhanh chóng, chỉ trong vòng vài năm từ 2009 – 2015. Lý do chính yếu là người dùng sau tất cả vẫn chuộng xem nội dung 2D hơn, 3D chỉ như là một trải nghiệm mới và nó gây ra khá nhiều vấn đề phiền phức như cảm giá chóng mặt khi xem phim trong thời gian dài, ảnh hưởng đến mắt và gây mỏi mắt khi phải vừa xem vừa đọc phụ đề nổi 3D, các hiệu ứng 3D không thể có thêm được những hiệu ứng mới, gây nhàm chán … Chính điều đó khiến cho người dùng ở Việt Nam và thế giới lãng quên 3D nhanh chóng, chỉ bật lên xem một vài lần một năm và không mấy mặn mà với nó nữa.

Chính vì sự ghẻ lạnh của người dùng, năm 2016, Samsung đã quyết định loại bỏ dần những tính năng 3D trên những dòng TV mới, kéo theo đó là các hãng khác cũng làm theo. Công nghệ 3D đã chính thức thoái lui, bước vào giai đoạn trầm lắng tiếp theo, chờ cho đến khi nào có một sự đột phá mới thì mới có thể quay trở lại, giống như thăng trầm biết bao lần trong chiều dài trăm năm của công nghệ này.

Sự thoái lui của công nghệ 3D cho thấy rằng bất cứ công nghệ nào trên TV đều có thể trở thành quá khứ trong thời gian ngắn. Năm 2010, các nhà sản xuất đã thi nhau quảng bá cho 3D trên TV như là một tính năng rất quan trọng, rất cần có. Nhưng chỉ 6 năm sau, cũng chính họ phải chua chát thừa nhận rằng tính năng này chưa bao giờ là điểm nhấn trên các dòng TV cao cấp. Có lẽ, chỉ có những thứ thực sự hữu dụng cho trải nghiệm hình ảnh mới có thể tồn tại lâu bền hơn, còn phơn phớt điểm xuyến như 3D thì nhanh chóng bị “chọn lọc thị trường” đưa vào dĩ vãng.

Độ phân giải cao và màn hình siêu lớn sẽ lên ngôi trong những năm tới

Khi người dùng xem TV từ chuẩn SD với VCD (240p và 360p) lên đến chuẩn DVD (480p) vẫn không có quá nhiều khác biệt, nhưng khi các dòng HDTV với khởi đầu từ TV Plasma và LCD, đạt độ phân giải lên đến 1080p là mở ra một chân trời mới trong trải nghiệm điện ảnh, với độ sắc nét cực kỳ cao và rất chân thực trong tái tạo chi tiết màu sắc. Những nội dung HD đến từ đĩa Bluray bắt đầu phổ biến từ năm 2007 và thực sự mang đến một cái nhìn mới ở Việt Nam từ năm 2008 với những hội nhóm HD ra đời trong cả nước, đã thúc đẩy cho thị trường TV độ phân giải cao ngày một phát triển mạnh.

Năm 2012, khi chiếc TV 4K đầu tiên ra đời, một cuộc cách mạng nữa lại đến với độ phân giải. Khái niệm siêu nét, siêu phân giải đã khiến cho toàn bộ những ai mong muốn trải nghiệm hình ảnh đẹp nhất phải phấn khích. Ngay thời điểm đó, những nghi ngờ về giới hạn nhận biết hình ảnh 4K của mắt người và nội dung 4K có thể dùng để phát trên TV sẽ là rào cản cho TV 4K. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại, không giống như 3D, TV 4K đã phát triển mạnh mẽ và rực rỡ chỉ trong vòng 6 năm. Nếu lúc bắt đầu TV 4K có giá tiền tỷ và chỉ những người siêu giàu mới có khả năng sở hữu, thì ngay giữa năm 2020 này, những chiếc TV 4K đã có giá chỉ dưới 10 triệu đồng. Một sự thay đổi đáng kinh ngạc theo chiều hướng cực kỳ tốt cho người dùng, giờ đây ai cũng có thể mua được một chiếc TV 4K cho phòng khách nhà mình.

Nhìn từ sự phát triển của thị trường, có thể dễ dàng nhận thấy xu thế trong những năm tới sẽ là phổ cập hoàn toàn TV 4K, thay thế dần những TV Full HD hiện tại, hoặc giả như nếu còn thì TV Full HD sẽ chỉ còn ở những dòng có kích thước nhỏ từ 43 inch trở xuống. Bởi với giá rất rẻ hiện nay, người dùng không có lý do gì để chọn TV Full HD nữa cả, một chiếc TV 4K sẽ mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn nhờ số lượng điểm ảnh nhiều gấp 4 lần so với Full HD. Và đây chính là xu thế không thể quay ngược, nó cũng sẽ mở ra một xu thế mới về TV 8K, với độ phân giải siêu cao, mà cho đến hiện tại Samsung đang đi đầu, cũng như trước đây, TV 8K cũng cần quãng thời gian 5  – 10 năm để có thể tạo thành một chuẩn mực mới.

Theo số liệu của GFK, chỉ trong vòng 2 năm, số lượng TV được bán ra ở thị trường Việt Nam có kích thước trên 55 inch ở các khu vực đô thị đã tăng lên gấp đôi. Sự phát triển của thị trường TV đang thiên về việc người dùng có xu hướng lựa chọn TV có kích thước lớn hơn, thay vì cao cấp hơn. Có nghĩa là người dùng khi lựa chọn giữa những chiếc TV cùng giá tiền, họ sẽ muốn mua một chiếc TV có kích thước lớn, thay vì có chất lượng hình ảnh đẹp hay có thêm tính năng HDR. Việc trải nghiệm một chiếc TV kích thước lớn cũng mang lại cảm giác thỏa mãn hơn là dùng một chiếc TV kích thước nhỏ.

Năm 2021 và những năm tiếp theo, chắc chắn xu thế TV Bigsize vẫn sẽ chiếm dòng chủ đạo ở thị trường TV Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Khi đó, kích thước tối thiểu để chọn mua một chiếc TV sẽ là 55 inch chứ không còn 32 inch hay 43 inch nữa. Đây cũng là xu thế phù hợp với dòng chảy của thế giới, độ phân giải ngày càng tăng cao và kích thước TV cũng tăng cao hơn. Vấn đề bây giờ chỉ là chiếm được thị phần bằng chất lượng, giá cả hợp lý và chế độ bán hàng, sau bán hàng thật tốt. Có lẽ chỉ trong vài năm nữa, TV Bigsize sẽ trở nên rất thông dụng đối với người dùng. Thị trường TV và màn hình hiện đang dịch chuyển theo đúng nhu cầu thiết thực nhất, độ phân giải cao và màn hình ngày một lớn hơn, cùng với đó là những tính năng cải thiện hình ảnh như HDR và hệ điều hành thông minh với trợ lý ảo hỗ trợ Internet of Things. Trong lịch sử trăm năm chắt lọc, cuối cùng vẫn là những thứ mà mang đến những điều tốt nhất, đẹp nhất sẽ tồn tại và phát triển. Tương lai sẽ còn mang đến những điều kinh ngạc hơn với công nghệ TV, nhưng trước mắt sẽ là màn hình to hơn cho đông đảo người dùng trước đã.

Bùi An – Tạp chí Thế Giới Giai phẩm Xuân 2021

Điện ảnh Việt thay đổi mô hình làm phim đối phó dịch

Năm 2020 với diễn biến dịch Covid toàn cầu đã thay đổi toàn bộ cơ cấu lẫn cục diện làm nghề, với giới làm phim khắp thế giới. Điện ảnh Việt hẳn nhiên cũng không là ngoại lệ.

Thế giới công nghệ 30 năm nữa trong mắt các họa sĩ

Các họa sĩ này đang ở độ tuổi 20, họ sống trong khí quyển công nghệ, hiểu các tiện nghi hiện đại. Và đây là cách họ hình dung về các hoạt động sống, các cảnh quan của thế giới trong vài mươi năm nữa.

Cậu bé 9 tuổi tháo chiếc Redmi 1 xếp thành tác phẩm công nghệ

Xiaomi có thể đã tìm thấy được một trong những “kỹ sư tương lai” riêng mình.

Chuyển đổi số, câu chuyện từ một đóa hoa

Chuyển đổi số đã không còn là khẩu hiệu công nghệ xa lạ với các doanh nghiệp, nhất là nhóm vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam như một số xu hướng công nghệ trước. Để một khẩu hiệu biến thành thực tế là một hành trình dài, SME Việt Nam không đứng yên, họ đã khởi hành, bắt đầu từ một đóa hoa.

Chung kết cuộc thi thiết kế khẩu trang ‘Sức mạnh của ký ức’

Tác phẩm Doodling Paper của Nguyễn Đặng Bình đã giành được giải thưởng Xuất Sắc Nhất trong hạng mục Thiết kế 3 màu của cuộc thi thiết kế khẩu trang do Kingston tổ chức.

“Tạo trend”, “đu trend” là chuyện muôn thuở

Đừng tưởng đời nay mới có, vì đây là chuyện có từ đời xưa, dù lúc ấy có thể chưa gọi tên như vậy. Những ví dụ cho điều này là nhiều vô số kể.

Cuộc di cư kỹ thuật số lớn nhất trong lịch sử nhân loại

Do chính sách bảo mật mới của WhatsApp, ứng dụng nhắn tin Telegram đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới lần đầu tiên sau một tháng.

Xe Bus khẩu trang, đến tận bến xe, phát tự động 100.000 khẩu trang

Xe bus có chiều dài 7m, chiều ngang 3,1m, trên xe đặt hai máy phát khẩu trang cảm ứng tự động, đã và sẽ chia làm nhiều chặng dừng, từ trung tâm Sài Gòn đến các bến xe và các quận ngoại thành để phát khẩu trang kháng khuẩn.

2/10 người dùng MXH ở Đông Nam Á chia sẻ tin tức không cần kiểm chứng

Khảo sát của Kaspersky cho thấy thế hệ “Boomers” (sinh ra trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1964) trong khu vực nhiều khả năng sẽ “phản ứng” với những thành viên trong gia đình và bạn bè nếu họ chia sẻ tin giả

Những phim mới và mẹo xem trên Netflix ngày Tết

Mặc dù Netflix mang đến trải nghiệm xem phim thú vị dành cho trẻ em, việc bật chế độ Parental Control vẫn là điều cần thiết mà cha mẹ nên áp dụng để quản lý con trẻ xem phim trong những bận rộn ngày Tết.