Sông Đà – Hoang sơ còn một chút này

“Anh ở biên cương…”, câu hát ấy thôi thúc tôi tìm đến nơi con sông chảy vào đất Việt. Đã tới “đầu nguồn con nước” sông Hồng, sông Lô, lẽ nào không thể đến với sông Đà?

Sông Đà - Hoang sơ còn một chút này - Untitled5
Tác giả trên đỉnh Mã Pí Lèng


Tấm thẻ nhà báo và năng lực ngoại giao của phóng viên Mai Quốc Ấn giúp sáu người chúng tôi có được tấm giấy giới thiệu của Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu để lên Ka Lăng – Thu Lũm vào trung tuần tháng 7. Mất hết thời gian còn lại của buổi sáng để tạm biệt quốc lộ 4D ở Phong Thổ, quốc lộ 12  dẫn về Mường Lay giúp đoàn lữ hành làm quen với nhịp thở của sông Đà qua con nước Nậm Na –  phụ lưu lớn nhất của dòng sông huyền thoại. Sôi sục thét gào giữa những đá ghềnh hiểm trở, Nậm Na rạch đôi huyện Sìn Hồ, quẫy đạp giữa đôi bờ núi dựng tìm đường đến với Đà giang.

Song hành cùng Nậm Na, chúng tôi đến điểm hợp lưu khi bóng chiều đã tắt. Cửa ngõ Mường Lay, nơi hai dòng hội ngộ mênh mang nước. Thị xã ngày xưa mất dấu dưới lòng hồ thủy điện Sơn La khiến ngã ba sông trở thành một ngã tư lạ lẫm, cây cầu Hang Tôm cũ đẹp một cách cổ điển chỉ còn lại trụ cầu để ghi dấu một thời oanh liệt đã lùi xa. Dẫu chưa tích nước đến cao trình, mặt nước sông Đà ở nơi đây cũng đã trở nên yên ả như chưa từng sôi sục. Sự phát triển nào cũng gây cảm giác bể dâu để ai đó phải ngậm ngùi.

Sau một buổi sáng thăm thú thị xã Mường Lay mới, cố gắng “định vị” Mường Lay  xưa dưới lòng hồ bằng những dòng chắp nối của ký ức, tất cả lại lên đường ngược hướng Đà giang. Qua khỏi cầu Lai Hà, lữ khách lại có thể thấy sông Đà với vẻ hoang sơ muôn thuở.  Vượt lên khỏi khu vực lòng hồ, ở nơi “tựa núi nhìn sông”, công trình tâm linh lưu dấu người xưa đang hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng. Khối đá nặng 15 tấn tách ra từ vách núi đã mang bài thơ trấn ải của tiền nhân về nơi thờ tự để nhắc nhở con cháu muôn đời. Giữa cành núi sông hung vĩ, nghe người bạn đồng hành Phạm Vũ Lộc đọc văn bia, lòng dấy lên bao xúc cảm thiêng liêng về Tổ quốc:

…Thảo mộc kinh phong hạc
Sơn xuyên nhập bản đồ
Đề thi khắc nham thạch
Trấn ngã Việt Tây ngung.

             (Tiếng gió, hạc đủ kinh hồn giặc

        Núi sông ta vào một bản đồ

Khắc lên đá núi bài thơ
                               Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng)


Cha ông xưa đã đổ bao mồ hôi, xương máu để có đất nước rộng dài!

Đường lên huyện lị Mường Tè hãy còn xa. Sau tuần hương tưởng niệm, những con ngựa sắt lại miệt mài trên tỉnh lộ 127 vào chốn rừng sâu núi thẳm. Qua một chặng “nhung lụa” hiếm hoi, con đường trở thành sự thách thức với mọi loại phương tiện khi đại công trường thủy điện Lai Châu bày ra trước mắt. Khói bụi, bùn lầy và cơ man đá mẹ đá con nằm vạ cản đường lữ khách. Cảnh bạt núi ngăn sông gợi lên bao xúc cảm trái chiều.

Trên suốt hành trình, tỉnh lộ 127 và sông Đà quyện vào nhau như một áng văn biền ngẫu, nhịp điệu bát tự, song quan thì ít mà cách cú, hạc tất lại quá nhiều. Quanh co, uốn lượn, cả hai luôn mở ra trước mắt du khách những bất ngờ. Những cánh rừng thâm u, những bờ vách dựng đứng bị bào mòn bởi dòng chảy triệu năm vừa như muốn kiềm chế lại vừa là sự tôn vinh nét dữ dội của dòng sông cường tráng, đầy sinh lực. Phải chạy dọc Mường Tè xa xôi, vắng vẻ mới cảm nhận được nét “hoang dại như một bờ tiền sử” và sự “hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích” của dòng sông. Thưa dân cư, vắng bóng người, nắng chiều và bóng núi đổ xuống sông Đà càng thêm rợn ngợp. Không thể tìm thấy “thuyền viễn xứ” chốn yên ba sâu thẳm, chỉ có những con thuyền “quái vật” đãi vàng sa khoáng đang gặm nát những hoang sơ.

 Nắng chiều đã tắt trên những đỉnh non vàng, chúng tôi tới huyện lị Mường Tè tìm một điểm qua đêm trên bước đường khám phá. Tại nhà khách của bộ đội biên phòng, cả đoàn được chàng trạm trưởng biên phòng Kẻng Mỏ cảnh báo về những gian nan đang chờ đón khi phía trước là những cảnh lở, núi tắc đường sau những ngày mưa bão. Một chút lo lắng lại trở thành gia vị tạo niềm phấn khích cho khách phương xa.

Sông Đà - Hoang sơ còn một chút này - NGA3s atri n mNaph i
Ngã ba sông: sông Đà (trái) – Sông Nậm Na (phải)


Quãng đường 55 km từ huyện lị Mường Tè lên Pắc Ma tiêu tốn khá nhiều năng lượng của cả người và ngựa sắt.  Nếu không có những nỗ lực của ngành giao thông Lai Châu để thông tuyến tạm thời, có lẽ chúng tôi sẽ không thực hiện nổi hành trình khi quỹ thời gian để vòng quanh Tây Bắc quá hạn hẹp. Vẻ đẹp của thiên nhiên và sự lam lũ, vất vả mưu sinh của đồng bào miền biên viễn  là những ấn tượng khó mờ phai trong chuyến ngược nguồn.

Hơn 2 giờ chiều, ghé tổ công tác Nậm Lằn xuất trình giấy giới thiệu để lên Kẻng Mỏ, chúng tôi mới hiểu vì sao những người lính biên phòng lại phải quản lý chặt chẽ những người muốn lên tận nguồn sông. Dẫu là thời bình, biên cương vẫn chưa bao giờ thực sự yên ổn. Nạn buôn lậu ma túy, buôn người và bao điều khó nói khác vẫn luôn đe dọa cuộc sống bình yên.

Thêm một lần làm thủ tục ở trạm Kẻng Mỏ, trạm biên phòng đầu tiên trên tuyến sông Đà, cả đoàn được phép đặt dấu chân khám phá lên điểm tận cùng của Tổ quốc. Cách trạm chừng vài trăm mét, có một con suối đổ vào sông Đà, đấy là biên giới tự nhiên của hai nước Việt – Trung. Từ  điểm giao cắt của hai dòng chảy, sông Đà hoàn toàn thuộc về Việt Nam còn từ đấy ngược lên phía thượng nguồn chừng 6 km hữu ngạn là đất Việt Nam, tả ngạn là nước láng giềng. Ngắm đôi dòng nước hòa vào nhau để cùng cuộn chảy dưới cầu treo Kẻng Mỏ, câu hỏi “Tổ quốc bắt đầu từ đâu?” lại giục giã bước chân. Sáu người bạn đồng hành hăm hở vượt cầu treo hành quân lên mốc 17 – điểm đánh dấu “nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”. Sau khoảng 3 km len lỏi giữa chốn hoang vu, một vệt núi sạt lở đã khiến chúng tôi phải dừng bước. Ngậm ngùi! Cùng hét vang giữa núi rừng, nói đôi lời cảm khái với non sông và làm thủ tục chào Tổ quốc như những người lính biên phòng khi đứng trước cột mốc biên cương, đó là những gì chúng tôi có thể làm nơi “đầu nguồn con nước”, dẫu vẫn chưa là điểm tận cùng…

Sông Đà - Hoang sơ còn một chút này - C UTREOK NGM
Cầu treo Kẻng Mỏ


Ngắm sông Đà trở nên mềm mại chảy giữa đôi bờ “ngô khoai biêng biếc”  xuôi về tới Tản Lĩnh, Ba Vì thật khó có có thể hình dung nét hoang sơ dữ dội của nó khi gào thét giữa đại ngàn.  Bây giờ, những nét đẹp đặc trưng ấy của dòng sông đang dần mai một để đổi lấy nguồn điện năng khổng lồ cho đất nước. Cùng với Hòa Bình, Sơn La, thủy điện Lai Châu sẽ biến con sông “hung bạo và trữ tình” thành một chuỗi “hồ trên núi” mênh mang, mất bóng thác ghềnh. Chìm sâu đáy nước là những làng bản lâu đời, những không gian văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn người bản địa mà chúng ta chưa kịp khám phá. Thật khó đo đếm những điều được mất của sông Đà  trong cuộc sống hôm nay.

Ai đó đã nói rằng, con người đang thể hiện sự vô ơn với dòng sông,  nhất là về mặt văn hóa. Dù cố công tìm kiếm, chữ “sông Đà” vẫn chỉ là một địa danh thoáng qua trong vài tác phẩm chẳng đủ sức tạo dấu ấn trong lòng người. Chúng ta mới chỉ có một “Sông Đà” của Nguyễn Tuân và xa hơn là chút hoang mang trong “Thuyền viễn xứ” của Phạm Duy để nhớ về một thời xa vắng mà thôi. Phải chăng dòng sông vô tư dâng hiến để nhận lại ở con người sự hờ hững vô tâm. Lẽ nào sông Đà lại là dòng sông không ký ức?

Uống ngụm nước ở ngã ba Hồng Đà, nơi con sông Đà hòa vào sông Mẹ lòng chợt run lên một câu Kiều: “Hoang sơ còn một chút này…”

Sông Đà - Hoang sơ còn một chút này - NONPHOIBONGVANG1

 

Với người đi phượt, hai phương tiện thiết thân nhất là con xe và chiếc máy ảnh. Sự lựa chọn của tôi là chiếc Future X và  máy ảnh Panasonic. Có thể thua bạn kém bè về mức độ “hầm hố” nhưng Future là người bạn đồng hành tin cậy, cùng tôi vượt qua mọi nẻo gian nan. Lũng Cú, thác Bản Giốc, A Mú Sung, Ô Quy Hồ, Ka Lăng, A Pa Chải, Đầm Môn, ngàn dặm hành trình xuyên Việt… đã đi thì sẽ đến, chưa một lần trục trặc làm chậm hành trình. Rất nhiều người chuộng máy ảnh Canon vì màu sắc rực rỡ, mượt mà nhưng tôi lại có “duyên” với Panasonic. Cấu hình thân thiện, màu sắc  trung thực sẽ hợp với người ưa sự giản dị, chất phác. Lumix FZ 40 zoom 24x để chụp ảnh tầm xa, ngắm  nguyệt thực, Lumix TZ 20 sắc nét có tích hợp GPS  để đánh dấu hành trình, vậy là quá đủ.
Có “bạn đồng hành” tuyệt thế, lòng nào không mơ tưởng dặm đường xa!



Nguyễn Đức Thạch
Thế Giới Số 161+162 – Ngày 21.1.2013

Dừng lại giữa freeway

Tôi vốn là người lười di chuyển. Hồi học đại học, trong khi bạn bè (vì lý do nào đó) cứ vài tháng chuyển nhà thì tôi cứ ở lỳ một chỗ. Không hẳn đó là một chỗ tốt, chỉ tại tôi ngại phải làm quen với mộ lộ trình mới. Đến khi ra trường đi làm, khoảng cách từ quê nhà đến Sài Gòn là quãng đường xa nhất tôi đi trong đời.

Chuyện những con kinh mang tên lạ

Sài Gòn những ngày giữa mùa khô, nắng nóng và nực nội. Mấy bữa nay trời nắng gắt, gió đứng, nhiệt độ ngoài trời gần bằng nhiệt độ cơ thể làm người ta ai cũng mỏi mệt. Mùa thi giữa năm học đã qua rồi, quả là vừa vui vừa mệt. Bữa ấy cha con nhà Út Cưng thủ thỉ, nơi thành phố chật chội, có ít ngày nghỉ giữa năm học sao mình không về miền Tây chơi nhỉ? Ờ ha, vui quá. Thế là một ngày đầu năm, cha con nhà Út rủ nhau khoác ba lô đi chơi, về với miền Tây sông nước thanh bình, nơi có nghĩa tình cùng những người nông dân quê có tấm lòng luôn rộng mở….

Viết theo dấu chân lữ khách

Sự sảng khoái trên hành trình viễn du của lữ khách thường có ý nghĩa đặc biệt trong chuyến đi đầu tiên, điểm đến mới nhất trong đời. Với tôi, không quan trọng điểm đến quen hay lạ, vấn đề là mình đã ngẫm nghĩ được điều gì mới khi chạm vào mảnh đất ấy, gặp gỡ những con người xa lạ, tiếp cận được cho dù một góc nhỏ nền văn hóa bản địa khác biệt.

Bí mật của diễn viễn Hải Hà

Chỉ mới vào nghề trong một thời gian ngắn, nhưng có lẽ do sở hữu một khuôn mặt xinh và đôn hậu nên Hải Hà cứ luôn được các đạo diễn giao vào vai các cô gái thông minh, xinh đẹp,giàu nghị lực.Mà phải công nhận Hải Hà diễn tốt thật dù chỉ đóng các vai phụ hoặc vai thứ chính. Các bạn có thể kiểm chứng nhận xét này qua các bộ phim mà Hà đã và đang đóng nhé (Tướng Nguyễn Bình, Cha và con, Không thể gục ngã, Sợi dây ái tình…).Giai phẩm số Xuân kỳ này, TH&NH sẽ tiết lộ đến bạn đọc nhiều điều thú vị hơn của nữ diễn viên trẻ tuổi này.

Củ tỏi Lý Sơn biết… nghe điện thoại

Với dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trong một nhóm đảo gồm một đảo lớn và hai đảo nhỏ, trong đó, một đảo lớn chứa trên hai mươi lăm ngàn cư dân và một đảo nhỏ chứa ngót nghét một ngàn cư dân, suốt ngày không có điện, chỉ bật sáng vào 5h chiều cho đến 11h đêm, mọi sinh hoạt, mưu tính của thế giới hiện đại gói gọn trong 7 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Từ điện thoại cho đến máy tính cũng chỉ gói gọn trong quĩ thời gian này. Và, cũng không biết tự bao giờ, người Lý Sơn hay nói đùa với nhau về chuyện củ tỏi biết nghe điện thoại.

Xông nhà tín đồ Contax – Carl Zeiss

Cùng với sự đổi thay công nghệ gần như là mỗi ngày trên thế giới thì cuộc sống cũng đồng thời nảy sinh ra một số người chỉ thích đi ngược dòng, tìm về những món đồ công nghệ một thời đã xa. Bộ sưu tập ống kính Contax – Carl Zeiss và đội quân máy ảnh film của anh Nguyễn Hữu Thắng mà Thế Giới Số giới thiệu kỳ này sẽ dẫn độc giả một lối đi khác nữa vào thế giới “đồ chơi” này.

Siêu mẫu, lập trình viên Diệu Huyền – Công nghệ là số 1

Đã hoàn thành tốt khóa học lập trình viên, nhưng Diệu Huyền, người đẹp đoạt giải bạc siêu mẫu 2012 cho biết, nguyên nhân theo học lớp lập trình viên không phải do bản thân yêu thích công việc gõ code, mà là chỉ muốn học để hiểu, để gần gũi hơn với công nghệ trong và ngoài nước.

Tràm chim mùa sếu về

Vào thời điểm này, du khách có dịp về vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) sẽ tận mắt chiêm ngưỡng đàn sếu múa hót, chọn bạn tình… Một thú vui tao nhã, lý tưởng.

Ca sĩ Bảo Thy: Công chúa bong bóng từ thế giới mạng

Bắt đầu là tham gia cuộc thi bình chọn gương mặt đại diện cho trò chơi trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ, sau đó là cuộc thi Miss Audition, vài lần phát hành album nhạc trên mạng… Chính bởi có xuất phát điểm từ thế giới mạng như thế, nên bây giờ khi đã thành ca sĩ có tên tuổi, Bảo Thy vẫn luôn cảm thấy trân trọng môi trường mà từ đó mình đã được“lớn” lên.

Những loại thực phẩm mang lại may mắn đầu năm

Cá, quả lựu, bánh mỳ bắp đều được coi là những thực phẩm đem tới sức khỏe, tiền tài cho bạn.