Dừng lại giữa freeway

Tôi vốn là người lười di chuyển. Hồi học đại học, trong khi bạn bè (vì lý do nào đó) cứ vài tháng chuyển nhà thì tôi cứ ở lỳ một chỗ. Không hẳn đó là một chỗ tốt, chỉ tại tôi ngại phải làm quen với mộ lộ trình mới. Đến khi ra trường đi làm, khoảng cách từ quê nhà đến Sài Gòn là quãng đường xa nhất tôi đi trong đời.

Dừng lại giữa freeway - phr5vwv0
 

Đến lúc đi làm, ngại con đường xa cũng là một trong  hai lần xin nghỉ việc khi tôi còn ở Việt Nam. Lần thứ nhất tôi đưa lý do công việc phải di chuyển nhiều quá, mà Sài Gòn phố xá chen chúc khiến tôi rất nhiều lần đi lạc. Tất nhiên sếp tôi thấy lý do đó quá ích kỷ vì chen chúc lúc lưu thông giữa Sài Gòn đâu phải riêng mình tôi. Lần thứ hai tôi xin nghỉ việc để đi Mỹ.

Nước Mỹ xa xăm

Đi Mỹ là lần đầu tôi ra khỏi biên giới Việt Nam. Một chuyến đi rất xa. Thằng Hiền bạn tôi nhắn: “Qua đó nhớ cho tao biết nước Mỹ thế nào qua cái nhìn của mày”. Ở Mỹ năm năm nhưng vì những lý do khác nhau tôi vẫn còn nợ Hiền lời nhắn đó. Tôi chưa thể viết gì về nước Mỹ. Hiền làm ở hãng xe Audi bên Việt Nam nên thỉnh thoảng cũng đi công tác Đức rồi Pháp… nhưng sao không ghé Mỹ  một lần để tôi khỏi áy náy về hình – ảnh – nước – Mỹ – qua –  cái – nhìn – của – tôi.

Hình ảnh nước Mỹ chắc không phải quá xa lạ với Hiền và nhiều người Việt Nam dù chưa đến Mỹ.  Số lượng người Mỹ nói về nước Mỹ rất nhiều trong văn hóa nghệ thuật hay trên các phương tiện thông tin. Người các nước khác nói về nước Mỹ cũng nhiều không kém. Nhưng hình như cảm nhận  nước Mỹ vẫn còn có nhiều điều rất riêng chưa nói hết và cũng khó có thể nói hết, tùy theo từng người và tùy theo thời gian. Ai đó thích nước Mỹ gọi đó là thiên đàng. Nhưng nếu ai không ưa sẽ bảo là chốn địa ngục. Cả hai đều đúng nếu xét rằng còn ở nơi đâu bạn có thể gặp mọi người với đủ màu da đến từ các quốc  gia khác nhau trên thế giới. Mỗi sắc dân đến đây mang theo văn hóa quê nhà  để tạo nên văn hóa cho nước Mỹ. Ngoài văn hóa của người bản xứ Indian Americans, nước Mỹ đón nhận tất tần tật để làm thành cái của mình. Ông Thanh L., một người cũng có dịp đi các nước khác trên thế giới, sau vài ngày ghé thăm nước Mỹ chia sẻ với tôi rằng: “Hình như nước Mỹ khác với các nước khác là hay dùng quá khứ để hãnh diện. Nước Mỹ tự hào với hiện tại”. Cảm nhận của ông L. tôi không tán đồng cũng chẳng tỏ ý không đồng ý. Tôi chỉ hỏi mình còn điều gì nữa?

Dừng lại giữa freeway - 382966 3539560986081 2114847222 n


Những người có tuổi nhưng không già

Ở đây hình như người ta ít khi (hoặc có thể  không khi nào) nói rằng bạn đã già để làm một cái gì đó. Thậm chí bạn còn được khuyến khích hãy làm điều gì đó mà bạn chưa thực hiện khi còn trẻ. Mà điều đó là điều gì nhỉ? Làm tiếp viên hàng không chẳng hạn. Hãng hàng không United Airline của Mỹ chẳng làm hành khách ngạc nhiên khi đội ngũ tiếp viên của họ không phải lúc nào cũng là người đẹp chân dài, mà có người tuổi đã lên chức bà, da mặt đã ít nhiều nếp nhăn. Hay điều gì đó là đăng ký thi nhảy chẳng hạn.

Và, người Việt lớn tuổi đến Mỹ cũng không thấy mình già. Bác Nguyệt L. nhà ở thành phố Oakland  lấy bằng đại học Berkley ngành tâm lý là một niềm khích lệ cho cho cháu. Bác tâm sự lúc trẻ ước mơ làm bác sĩ nhưng không thành hiện thực. Khi đến Mỹ có cơ hội trở lại trường nên bác nắm bắt ngay. Biết là học ra trường cũng chẳng thể đi làm nhưng đi học để đầu óc vận động. Trường Đại học Berkley là một trong những trường danh tiếng. Được nhận vào đã rất khó. Học để tốt nghiệp cũng không phải là dễ dàng cho bất cứ ai. Vậy mà một bà Việt Nam gần 80 tuổi lấy được bằng cấp Đại học Berkley đàng hoàn!

Và người đến trường học ở tuổi U 80 tôi gặp không chỉ bác Nguyệt L. Bác Quản Huy C. nhà ở Union City  xấp xỉ 75 cũng hàng ngày đến trường như bao thanh niên trai trẻ khác, dù mắt đã yếu, tai đã phải dùng máy trợ thính. Tất nhiên bác Huy C. cũng biết sức mình, mỗi học kỳ lấy sáu đơn vị học trình, bằng phân nửa của một người đi học bình thường. Bởi vì đi học có phải việc nhẹ nhàng gì đâu.

Không học thì đi làm nhà hàng!

Dừng lại giữa freeway - 393056 3539579746550 317605412 n


Ở Mỹ nếu ai đó nói với bạn câu này thì bạn nên hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất nếu bạn không lo học hành thì chỉ còn biết xin vào nhà bếp nhà hàng nào đó bưng đồ. Nghĩa thứ hai là người đó khuyên bạn ngoài giờ học hãy xin vào nhà hàng làm kiếm tiền trả học phí. Vì học phí tại Mỹ rất đắt! Một cư dân của bang California trả một đơn vị học trình khoảng 30 USD, trong khi du học sinh phải trả gấp 10 lần. Vì thế một là ba mẹ bạn rất giàu và ủng hộ bạn, hai là bạn phải chịu vất vả. Tôi không biết trong hơn 764.400 du học sinh đến Mỹ học năm học 2011-2012 có bao nhiêu người phải làm thêm, nhưng vừa học và làm là một kinh nghiệm khá phổ biến, ngay cả với người sinh ra và lớn lên ở đây. Siêng năng và sắp xếp thời gian hợp lý không những giúp bạn đủ tiền đi học và còn có tiền… đi ăn nhà hàng. Tất nhiên khi đi học người ta mơ nghĩ về những điều tốt đẹp hơn.  

Th. Thư sau năm năm du học tại Mỹ trở về Việt Nam làm việc chia sẻ: “Sau khi tìm được một học bổng tôi đã đến Mỹ học và phải làm việc thêm rất vất vả để có đủ tiền trang trải cuộc sống”.  Tôi hiểu nỗi vất vả mà Thư nhắc đến với một cô gái làm việc với chữ nghĩa nơi Sài Gòn mà qua đây phải lao động tay chân là thế nào. Nhưng tại sao cô phải vất vả đến thế? Thư giải thích: “Giáo dục tại Mỹ khác nhiều bên Việt Nam (tất nhiên). Thầy cô không trực tiếp đưa kiến thức cho mình đâu, mà thông qua những bài tập nghiên cứu hay dự án”. Người ta vốn hay truyền miệng rằng nước Mỹ là một đất nước của cơ hội. Như đã nói tôi đến nước Mỹ để đi học nên nhìn cơ hội người ta nói là cơ hội học hành. Và tất nhiên không chỉ tôi nhìn thấy điều đó. Chính phủ luôn khuyến khích người dân học cao hơn bằng ngân quỹ quốc gia và tiểu bang; và các ngân hàng cũng cho người ta vay tiền để đi học. Lúc tôi lấy lớp hóa học có cô bạn người Ấn Độ bụng bầu nặng nề vẫn đều đặn đến lớp. Một tuần thấy cô vắng để đi… sinh em bé, rồi lại trở lại trường cho kịp. Giáo viên trường tôi học cũng quen với trường hợp bà mẹ mang luôn con của mình đến lớp. Hồng Phúc, nhà ở Castro Valley,  đang làm tại nhà thuốc trong bệnh viện Kaiser với thu nhập tương đối ổn định bỗng một ngày bỏ việc để quay lại trường học. Cô tâm sự: “Với thu nhập của hai vợ chồng lúc đó em có thể nuôi hai con thoải mái. Nhưng em nghĩ mình còn có thể làm được nhiều hơn thế. Bây giờ đi học thì cuộc sống khá chật vật nhưng phải cố gắng”. Tôi đã nhìn thấy sự cố gắng của Phúc. Những ngày đi học cô phải chạy đua với thời gian trên xa lộ từ chỗ gửi và đón con đến chỗ làm và trường học.

Đến thư viện để lướt web

Dừng lại giữa freeway - IMG 0967


Có khoảng 121.785 thư viện tại nước Mỹ phục vụ cho việc đọc và học. Thư viện trong các trường học là đương nhiên, nhưng ít nhất cũng có một thư viện công cộng ở mỗi thành phố. Sách báo và băng đĩa được mượn về nhà miễn phí và dễ dàng. Thông thường các thư viện luôn ưu tiên cho trẻ nhỏ, có sẵn sân chơi và phòng đọc cho các em. Thư viện luôn là không gian đặc biệt không thể thiếu dù ngân sách có bị cắt đi bao nhiêu. Nhưng những người trẻ đến thư viện không phải chỉ để đọc sách. Trong các trường học ở Mỹ, internet là một phần gần như là một yêu cầu trong  học tập. điều đó bắt buộc khi bạn là sinh viên cho dù bạn bao nhiêu tuổi. Trong thư viện, desktop và thậm chí laptop có Wi-Fi được trang bị miễn phí cho người dùng. Nhưng cũng có sinh viên cũng không màng  đến  chuyện dùng các phương tiện công cộng. Họ đến thư viện chỉ tìm một không gian học đường và sử dụng phương tiện của họ để vào đọc sách điện tử hoặc các bài tập trên mạng.

Bài tập online được phần nhiều giáo viên dùng để giúp học sinh luyện tập. Ngoài ra sách giáo khoa loại điện tử cũng được phát hành song song với sách in. Nói đến sách giáo khoa mới nhớ, đó là thứ đắt tiền mà sinh viên nào cũng sợ, càng học sâu vào chuyên ngành càng sợ. Những sinh viên tiết kiệm luôn kiếm  mua sách cũ; nhưng khổ nỗi vài năm nhà trường lại ra ấn bản mới. Nếu ấn bản mới do cùng một hoặc nhóm tác giả thì vẫn có thể dùng được, nhưng nếu đó là một hoặc nhóm tác giả khác thì khó khăn hơn. Lúc đó chỉ còn biết đi mượn sách trong thư viện, hay là mướn sách hoặc mua sách điện tử. Khổ nỗi sách ở thư viện thì phải sắp hàng và thời gian mượn có hạn, sách đi mướn thì phải lo bảo quản, sách điện tử tuy rẻ nhưng sẽ hơi khó khăn cho người có cách dùng sách truyền thống như tôi. Tôi vẫn thiện  cảm  với cái mùi giấy mới xen lẫn mùi mực in. Bấy nhiêu kinh nghiệm tôi biết để có sách giáo khoa học ở Mỹ vẫn chưa bằng Mai, một bạn du học sinh quê ở Đồng Nai. Mai là sinh viên trường Chabot College. “Chỉ vài học kỳ đầu em phải mua hoặc mượn sách. Còn lại em toàn mượn sách của giáo viên. Thông thường giáo viên nào cũng có dư vài quyển sách giáo khoa môn họ dạy. Những ngày đầu học kỳ em luôn mon men làm quen với giáo viên và than thở hoàn cảnh một chút rồi mượn sách của họ…”. Tôi không biết kinh nghiệm này có ai muốn ứng dụng hay không?
Thương hiệu nổi tiếng như Apple hình như quyến rũ người trẻ ở khắp nơi. Trong thư viện cũng thấy nhan nhản các sinh viên dùng MacBook Pro, MacBook Air, ipad… Giá của laptop thương hiệu này luôn mắc hơn các thương hiệu khác 3-4 lần. Nhưng họ thích.

Dừng lại giữa freeway - IMG 0966


Thế giới số hay thế giới người?

Người ta bảo xã hội Mỹ là một xã hội tiêu thụ. Nếu quả đúng như vậy, hiểu theo nghĩa tích cực, một thế giới sản xuất mà vắng xã hội tiêu thụ này cũng phiền. Dường như bất cứ sản phẩm nào, đặc biệt là sản phẩm khoa học kỹ thuật ra đời đều được bán ở Mỹ. Thật ra việc  dùng các sản phẩm điện tử thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ cũng không phải là điều gì xa xỉ hay phù phiếm. Tiêu dùng cũng là một trong những cách khiến xã hội phát triển. Như đã nói ở trên, ngay với một người còn đi học nếu có một việc làm bán thời gian thì mua một Iphone 5 và trả hóa đơn mỗi tháng luôn nằm trong tầm tay, nếu họ thích. Như Nguyễn Tân và Jake cùng học với tôi là ‘tín đồ’ của Apple. Khi iphone 5 mới xuất hiện họ phải sắp hàng hoặc phải tranh thủ đặt hàng online từ rất sớm để có nó và để khoe với tôi.  Còn đối với những người đã đi làm thì “thế giới số” của họ còn dễ dàng dường nào. Chuyện có trong tay những thương hiệu từ vài trăm đến vài ngàn USD là điều dễ dàng. Các tiện ích của các phương tiện giúp con người ngồi một chỗ làm được thứ việc, nhưng hình như điều đó làm con người cô độc hơn. Con người có thể lấy những lớp học online mà không cần biết mặt thầy giáo, mua hàng không cần biết mặt người bán, gửi tiền cho ngân hàng không cần biết mặt thu ngân, trả tiền cho chủ nợ không cầm biết mặt người nhận tiền…

May mà cái iphone 5  xét cho cùng cũng là phương tiện để họ tìm đến nhau, hẹn hò nhau ở một quán phở nào đó trên nước Mỹ này.  Những messages họ gửi nhau cũng để rủ nhau đến một quán cà phê hay nhà hàng Việt Nam nào đó. Những máy chụp hình Canon hoặc  Nikon đi với các ống kính tele giá lên đến vài ngàn đô la Mỹ cũng cất trong ngăn tủ chờ những  buổi pinic cuối tuần hay những dịp lễ tết hẹn nhau ở chùa hay nhà thờ, nơi có người thân, bạn bè, hay cộng đoàn Việt Nam ấm áp.

Khi tôi viết những dòng này Tết Việt Nam cũng mon men bên quê nhà, nhưng thời tiết ở đây còn vẫn là lạnh lùng mùa đông. Nếu may những cành đào sẽ nở kịp để còn kịp bày ra cho không khí quê nhà. Nghe nói năm nay hoa mai Việt Nam cũng đã đưa đến California nơi tôi ở rồi.

                               
Hà Bình
Thế Giới Số 161+162 – Ngày 21.1.2013

Chuyện những con kinh mang tên lạ

Sài Gòn những ngày giữa mùa khô, nắng nóng và nực nội. Mấy bữa nay trời nắng gắt, gió đứng, nhiệt độ ngoài trời gần bằng nhiệt độ cơ thể làm người ta ai cũng mỏi mệt. Mùa thi giữa năm học đã qua rồi, quả là vừa vui vừa mệt. Bữa ấy cha con nhà Út Cưng thủ thỉ, nơi thành phố chật chội, có ít ngày nghỉ giữa năm học sao mình không về miền Tây chơi nhỉ? Ờ ha, vui quá. Thế là một ngày đầu năm, cha con nhà Út rủ nhau khoác ba lô đi chơi, về với miền Tây sông nước thanh bình, nơi có nghĩa tình cùng những người nông dân quê có tấm lòng luôn rộng mở….

Viết theo dấu chân lữ khách

Sự sảng khoái trên hành trình viễn du của lữ khách thường có ý nghĩa đặc biệt trong chuyến đi đầu tiên, điểm đến mới nhất trong đời. Với tôi, không quan trọng điểm đến quen hay lạ, vấn đề là mình đã ngẫm nghĩ được điều gì mới khi chạm vào mảnh đất ấy, gặp gỡ những con người xa lạ, tiếp cận được cho dù một góc nhỏ nền văn hóa bản địa khác biệt.

Bí mật của diễn viễn Hải Hà

Chỉ mới vào nghề trong một thời gian ngắn, nhưng có lẽ do sở hữu một khuôn mặt xinh và đôn hậu nên Hải Hà cứ luôn được các đạo diễn giao vào vai các cô gái thông minh, xinh đẹp,giàu nghị lực.Mà phải công nhận Hải Hà diễn tốt thật dù chỉ đóng các vai phụ hoặc vai thứ chính. Các bạn có thể kiểm chứng nhận xét này qua các bộ phim mà Hà đã và đang đóng nhé (Tướng Nguyễn Bình, Cha và con, Không thể gục ngã, Sợi dây ái tình…).Giai phẩm số Xuân kỳ này, TH&NH sẽ tiết lộ đến bạn đọc nhiều điều thú vị hơn của nữ diễn viên trẻ tuổi này.

Củ tỏi Lý Sơn biết… nghe điện thoại

Với dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trong một nhóm đảo gồm một đảo lớn và hai đảo nhỏ, trong đó, một đảo lớn chứa trên hai mươi lăm ngàn cư dân và một đảo nhỏ chứa ngót nghét một ngàn cư dân, suốt ngày không có điện, chỉ bật sáng vào 5h chiều cho đến 11h đêm, mọi sinh hoạt, mưu tính của thế giới hiện đại gói gọn trong 7 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Từ điện thoại cho đến máy tính cũng chỉ gói gọn trong quĩ thời gian này. Và, cũng không biết tự bao giờ, người Lý Sơn hay nói đùa với nhau về chuyện củ tỏi biết nghe điện thoại.

Xông nhà tín đồ Contax – Carl Zeiss

Cùng với sự đổi thay công nghệ gần như là mỗi ngày trên thế giới thì cuộc sống cũng đồng thời nảy sinh ra một số người chỉ thích đi ngược dòng, tìm về những món đồ công nghệ một thời đã xa. Bộ sưu tập ống kính Contax – Carl Zeiss và đội quân máy ảnh film của anh Nguyễn Hữu Thắng mà Thế Giới Số giới thiệu kỳ này sẽ dẫn độc giả một lối đi khác nữa vào thế giới “đồ chơi” này.

Siêu mẫu, lập trình viên Diệu Huyền – Công nghệ là số 1

Đã hoàn thành tốt khóa học lập trình viên, nhưng Diệu Huyền, người đẹp đoạt giải bạc siêu mẫu 2012 cho biết, nguyên nhân theo học lớp lập trình viên không phải do bản thân yêu thích công việc gõ code, mà là chỉ muốn học để hiểu, để gần gũi hơn với công nghệ trong và ngoài nước.

Tràm chim mùa sếu về

Vào thời điểm này, du khách có dịp về vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) sẽ tận mắt chiêm ngưỡng đàn sếu múa hót, chọn bạn tình… Một thú vui tao nhã, lý tưởng.

Ca sĩ Bảo Thy: Công chúa bong bóng từ thế giới mạng

Bắt đầu là tham gia cuộc thi bình chọn gương mặt đại diện cho trò chơi trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ, sau đó là cuộc thi Miss Audition, vài lần phát hành album nhạc trên mạng… Chính bởi có xuất phát điểm từ thế giới mạng như thế, nên bây giờ khi đã thành ca sĩ có tên tuổi, Bảo Thy vẫn luôn cảm thấy trân trọng môi trường mà từ đó mình đã được“lớn” lên.

Những loại thực phẩm mang lại may mắn đầu năm

Cá, quả lựu, bánh mỳ bắp đều được coi là những thực phẩm đem tới sức khỏe, tiền tài cho bạn.

Những ngôi làng ở lưng chừng trời

Một lần về huyện miền núi Tây Giang – nơi được xem là heo hút nhất của tỉnh Quảng Nam – thấy cảnh đẹp ngỡ ngàng. Người ta ví nơi đây như một Đà Lạt của miền Trung.