Điện ảnh Việt thay đổi mô hình làm phim đối phó dịch

Năm 2020 với diễn biến dịch Covid toàn cầu đã thay đổi toàn bộ cơ cấu lẫn cục diện làm nghề, với giới làm phim khắp thế giới. Điện ảnh Việt hẳn nhiên cũng không là ngoại lệ.

Tiến thoái lưỡng nan

Thật vậy, đó chính là tình thế mà ngay cả “nhà giàu” quốc tế cũng đang mắc phải, trong ngành công nghiệp làm phim thời Covid.

Hồi tháng 4/2020, toàn bộ loạt phim siêu anh hùng của Marvel đã phải dời lịch chiếu. Trước đó, bộ phim “bom tấn” của hãng Disney là “Mulan” (tựa Việt: “Hoa mộc lan”) cũng theo đó mà liên tục dời lịch chiếu, từ thời điểm dự kiến công chiếu ban đầu vào tháng 3/2020 rồi vì dịch Covid bùng phát trên toàn cầu nên buộc phải chuyển sang tháng 7, sau đó tiếp tục trì hoãn sang tháng 8 cùng năm. Cuối cùng, hãng Disney thông báo rằng họ đã hủy bỏ việc phát hành rộng rãi phim “Mulan” tại các rạp chiếu phim ở khu vực Bắc Mỹ, thay vào đó sẽ công chiếu bộ phim với một khoản phí cao cấp (với mức giá thuê 29,99 USD, tương đương gần 700.000 đồng) trên kênh Disney + vào ngày 4/9/2020.

Điện ảnh Việt thay đổi mô hình làm phim đối phó dịch - Mulan movie 2020 DVD cover 01
Vì dịch bệnh Covid-19, hãng Disney buộc phải phát hành phim bom tấn “Mulan” trên kênh Disney + vào ngày 4/9/2020 và chỉ thu về có 70 triệu USD tính đến hiện tại.

Do việc trì hoãn phát hành ban đầu vào tháng 3/2020, các nhà điều hành phim ước tính rằng mỗi lần bộ phim “Mulan” bị thay đổi lịch chiếu, Disney sẽ mất từ ​​200.000 đến 400.000 USD phí tiếp thị, con số có thể lên tới 5 triệu USD nếu chuyển hoàn toàn lịch chiếu khỏi mùa phim hè.

Tờ Variety ước tính rằng Disney đã chi khoảng 50 triệu USD cho quảng cáo toàn cầu dành cho bộ phim này. Thế nhưng tính cho đến thời điểm hiện tại, doanh thu đạt được của “Mulan” thông qua nỗ lực phát hành kiểu mới như thế chỉ vỏn vẹn 70 triệu USD, dẫu cho kinh phí đầu tư sản xuất ước lượng vào khoảng 200 triệu USD. Điều này hẳn nhiên khiến cho “nhà giàu” Disney cũng khóc, với câu chuyện phát hành phim mùa Covid!

“Tenet”- Phim “bom tấn” (ghi hình tại 7 quốc gia: Đan Mạch – Estonia – Ấn Độ – Ý – Na Uy – Vương quốc Anh – Mỹ) của đạo diễn thời danh Christopher Nolan cũng ít nhiều chịu chung số phận, khi chọn ngày sinh ra vào mùa Covid. Với lịch phát hành dự kiến ban đầu là tháng 7 năm 2020, hoãn chiếu đến cuối tháng, rồi tiếp tục được hãng phát hành thông tin hoãn chiếu vô thời hạn lúc vừa bước qua tuần đầu tháng 8/2020.

Điện ảnh Việt thay đổi mô hình làm phim đối phó dịch - tenet 16078307093061660974546
Phim bom tấn ghi hình tại 7 quốc gia “Tenet” cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì Covid-19 nhưng may mắn hơn vẫn được ra rạp.

Mãi đến ngày 3/9/2020 thì “Tenet” mới chính thức có lịch phát hành tại Mỹ. Phim được ra mắt tại Việt Nam vào 27/8, trước thời điểm ra mắt tại thị trường Bắc Mỹ, như một chiến thuật đặc biệt về chiến dịch phát hành phim trên toàn thế giới trong mùa dịch Covid vẫn đang hoành hành khắp chốn, chẳng kém hồi đầu năm 2020.

Với 373 triệu USD doanh thu phòng vé toàn cầu (ngân sách đầu tư sản xuất ước lượng 205 triệu USD), “Tenet”- tác phẩm điện ảnh hoành tráng của Hollywood, đầy tâm huyết và nhiều kỳ vọng của bậc kỳ tài Christopher Nolan (viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất) xem như đã thất bại trong cuộc quyết đấu với Covid.

“Wonder Woman 1984” của nữ đạo diễn Patty Jenkins, thương hiệu phim nữ anh hùng lừng danh của hãng DC Comics (hãng Warner Bros. Pictures phát hành), trong năm Covid đầu tiên xem ra cũng đành phải thúc thủ trước hung thần ác sát này của nhân loại thời đương đại. Phim này đã phải dời lịch chiếu dự kiến từ tháng 12/2019 sang tháng 6/2020, rồi kế tiếp là tháng 8/2020, cuối cùng là tháng 12 (công chiếu tại Mỹ vào ngày 25/12/2020, dù rằng đã ra mắt ở nhiều nơi trên thế giới vào một tuần trước đó- do tình hình dịch Covid lại bùng phát lần nữa tại Mỹ vào những ngày cuối năm 2020.

Tại Việt Nam, phim ra rạp từ ngày 17/12). Doanh thu phòng vé toàn cầu của phim “Wonder Woman 1984” trong một tuần (trước khi chính thức ra rạp tại Mỹ) chỉ vỏn vẹn chưa tới 40 triệu USD (ngân sách đầu tư sản xuất ước lượng 175 triệu USD, tuy nhiên sau nhiều biến động cũng đã tăng vọt lên thành 200 triệu USD).

Điện ảnh Việt thay đổi mô hình làm phim đối phó dịch - LIFE HBY COMICS 1 MCT
“Wonder Woman 1984” của nữ đạo diễn Patty Jenkins cũng đành phải thúc thủ trước hung thần ác sát này của nhân loại thời đương đại.

Phần 1 của loạt phim “Wonder Woman” (phát hành năm 2017) đã từng đạt doanh thu phòng vé toàn cầu ở mức 821 triệu USD (ngân sách đầu tư sản xuất ước lượng 149 triệu USD)- từng xác lập kỷ lục cho phim điện ảnh của Hollywood có doanh thu ra mắt nội địa (tại Mỹ) cao nhất được thực hiện bởi một nữ đạo diễn (103,3 triệu USD), đồng thời là phim chuyển thể từ truyện tranh có nhân vật nữ chính đạt doanh thu mở màn cao nhất.

Thậm chí phần 2 của loạt phim này, “Wonder Woman 1984” (năm 2020), từng được chấp thuận nhanh chóng trong vòng một tháng sau những cuộc tranh luận của DC Comics và Warner Bros. Pictures, để được các nhà đầu tư quyết định thực hiện sản xuất, chính là nhờ doanh thu cực kỳ ấn tượng ấy của tập phim mở màn hồi năm 2017. Chỉ tiếc là dường như “võ đài Covid” không hề có ngoại lệ ưu ái với bất kỳ phim “bom tấn” hoặc lừng danh nào của Hollywood, với phần thất thủ luôn thuộc về các bộ phim đã chọn thời điểm “thượng đài” không có ngày – lành – tháng – tốt.

Phim Việt chiếu rạp trong năm Covid thứ nhất cũng ít nhiều phải chung số phận với ngành phim thế giới. Chẳng hạn như với phim “Bí mật của gió” (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, từng làm phim “Cánh đồng bất tận”…), phim có lịch ra rạp ban đầu là vào đầu tháng 2/2020, tuy nhiên thời điểm đó lại đúng vào lúc dịch Covid chính thức khởi phát tại Việt Nam (sau Trung quốc), thế nên bộ phim buộc phải hoãn chiếu vô thời hạn ngay tại thời điểm ra mắt tại thủ đô Hà Nội.

Điện ảnh Việt thay đổi mô hình làm phim đối phó dịch - Bi mat cua gio movie 2020 banner 02
Cũng vì dịch bệnh Covid-19 mà bộ phim “Bí mật của gió” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình phải dời lịch ra rạp đến tháng 11/2020.

Phải đến tháng 11/2020, “Bí mật của gió” mới có thể tái phát hành ở thị trường trong nước, khi ấy phim đã phần nào mất đi sức nóng về sự quan tâm của khán giả Việt đối với phim mới, nên kết quả doanh thu phòng vé không khả quan.

Tương tự, phim hành động võ thuật “Đỉnh mù sương”, một bộ phim đầu tay của đạo diễn Phan Anh, có lịch phát hành vào nửa cuối tháng 07/2020. Đó cũng là thời điểm bùng phát dịch Covid lần thứ hai tại Việt Nam, từ khu vực Đà Nẵng lây lan ra trên diện rộng ở khắp cả nước về phương diện tâm lý phòng vệ, khiến cho mọi sinh hoạt vui chơi giải trí chốn công cộng phải đình hoãn toàn bộ, hẳn nhiên cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các rạp phim khi ấy.

Bộ phim “Đỉnh mù sương” có kinh phí đầu tư sản xuất ước lượng tầm 12 tỷ đồng (theo trang IMDb), thế nhưng doanh thu phòng vé sau toàn bộ thời gian khởi chiếu tại thị trường Việt Nam chỉ đạt hơn 900 triệu đồng, một con số ắt hẳn sẽ rất đau đầu với các nhà đầu tư làm phim.

Mới gần đây, phim kinh dị tâm lý “Hoa Phong Nguyệt Vũ”, cũng là một phim đầu tay của Phạm Thanh Hải- nhà làm phim xuất thân từ ngành tài chính & sản xuất, có lịch ra mắt vào đầu tháng 12/2020, ngay vào điểm rơi tàn khốc của dịch Covid tái xuất hiện trong cộng đồng người Sài Gòn, khiến doanh thu phòng vé của phim này trên thị trường Việt bị cuốn mất hút trong “lỗ đen” đầy ám ảnh của thời đại.

Làm phim kiểu “du kích” kháng COVID-19

Như người đời vẫn thường nói, ngã ở đâu thì phải đứng dậy ở đó, có lẽ điểm đứng cùng thế đứng thích hợp nhất với người làm nghề xứ Việt và ngành điện ảnh Việt Nam giai đoạn này chính là chiến thuật “làm phim du kích”. Bởi lẽ với tình hình kinh tế chung của cả khu vực và thế giới sẽ còn tiếp tục “đóng băng” vì khủng hoảng lan rộng từ dịch Covid, các nhà đầu tư phim tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu những người xây dựng dự án làm phim ở tại xứ vẫn giữ nguyên theo lối cũ về hình thức phát động dự án phim, ắt hẳn các dự án cần có nguồn kinh phí sản xuất lớn sẽ tạm thời bị “bít cửa”. Và chỉ có những dự án phim với mức đầu tư kinh phí vừa và nhỏ là thật sự tương thích, trong tình hình hậu dịch bệnh.

Xét trong bối cảnh hiện có của ngành làm phim xứ Việt, chừng như mô hình làm phim Việt chiếu rạp mà nhà làm phim Phạm Thanh Hải đã giới thiệu với công chúng vào mùa cuối năm 2020 là mô hình đáng được để tâm. Vốn là người có nền tảng trong ngành tài chính và quản lý doanh nghiệp, Phạm Thanh Hải đặt các yếu tố cần và đủ lên một bàn cờ. Và người hoạch định mô hình này nhận thấy mình hoàn toàn lấp đầy được các yếu tố tạo nên một ván cờ đẹp.

Nguồn lực để làm phim không phải chỉ được trả bằng tiền, có những nguồn lực trả bằng cơ hội, niềm tin và nhiều thứ khác, làm sao để lượng tiền mặt mình bỏ ra là tối thiếu. Với Phạm Thanh Hải, thị trường đầu tư điện ảnh cũng giống như thị trường đầu tư bất động sản vậy. Các nhà đầu tư thứ cấp luôn rất đông, nếu biết tận dụng thì sẽ rất hiệu quả. Bên cạnh đó, dự án được “chia lô” cũng sẽ giảm bớt rủi ro.

Quan trọng nhất đối với nhà hoạch định chiến lược này là đầu tiên phải tìm được nhà phát hành, nhà đầu tư cùng đồng hành với cuộc chơi của mình. Đồng thời, ngoài việc lựa chọn mô hình đầu tư vừa và nhỏ với nhiều nhà đầu tư thứ cấp, Phạm Thanh Hải chọn cách vận hành khâu sản xuất một bộ phim sao cho thật cơ động, nghĩa là thời gian sản xuất không được quá dài, ê kíp không quá đông- giống như cách vận hành một mô hình khởi nghiệp tinh gọn vậy. Song song với mô hình thì công nghệ đi kèm cũng sẽ là một phần quyết định trọng yếu, đối với các dự án phim có tính chất như thế.

Trong bộ phim mở đầu của chuỗi dự án “làm phim du kích”, Phạm Thanh Hải đã chọn dòng máy Sony A7SM3 để thực hiện sản xuất. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới dùng máy quay Sony A7SM3 này cho phim điện ảnh. Có thể nói đây là một thử nghiệm táo bạo của nhà làm phim này, khi muốn phá bỏ rào cản kỹ thuật. Bởi thông thường việc làm phim điện ảnh là phải dùng máy lớn, ê kíp hùng hậu, quay nhiều ngày.

Minh chứng cho đường hướng “làm phim du kích” này của nhà làm phim Phạm Thanh Hải chính là sự đồng thuận lớn từ nhà phát hành Lotte Entertainment. Ban đầu, Lotte chỉ nhận lời hỗ trợ với việc đồng hành khâu phát hành phim độc lập giải trí như thế, sau đó là sẵn sàng đồng hành góp vốn cùng dự án mở đầu, và những phim khác nữa trong chuỗi dự án.

Chọn đầu tư vào chuỗi dự án có tính chất thể nghiệm về mô hình làm phim này của những người làm phim xứ Việt, nhà phát hành Lotte Entertainment hẳn nhiên mong muốn khích lệ mạnh mẽ các đạo diễn trẻ và các nhóm làm phim độc lập tại Việt Nam, trong bối cảnh các nhà đầu tư điện ảnh các cấp đang phải “ngủ đông” trong mùa dịch Covid. Qua đó, các nhà làm phim trẻ ở Việt Nam cũng sẽ vững tin vào ngành công nghệ giải trí điện ảnh, với những cơ hội mở rộng hơn bằng chính sự linh hoạt đổi mới trong mô hình và cả với tư duy mở về cách thức làm nghề, ứng biến trong hoàn cảnh mới.

Châu Quang Phước – Tạp chí Thế Giới Số Giai phẩm Xuân 2021

Có thể bạn quan tâm
Thế giới công nghệ 30 năm nữa trong mắt các họa sĩ

Các họa sĩ này đang ở độ tuổi 20, họ sống trong khí quyển công nghệ, hiểu các tiện nghi hiện đại. Và đây là cách họ hình dung về các hoạt động sống, các cảnh quan của thế giới trong vài mươi năm nữa.

Cậu bé 9 tuổi tháo chiếc Redmi 1 xếp thành tác phẩm công nghệ

Xiaomi có thể đã tìm thấy được một trong những “kỹ sư tương lai” riêng mình.

Chuyển đổi số, câu chuyện từ một đóa hoa

Chuyển đổi số đã không còn là khẩu hiệu công nghệ xa lạ với các doanh nghiệp, nhất là nhóm vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam như một số xu hướng công nghệ trước. Để một khẩu hiệu biến thành thực tế là một hành trình dài, SME Việt Nam không đứng yên, họ đã khởi hành, bắt đầu từ một đóa hoa.

Chung kết cuộc thi thiết kế khẩu trang ‘Sức mạnh của ký ức’

Tác phẩm Doodling Paper của Nguyễn Đặng Bình đã giành được giải thưởng Xuất Sắc Nhất trong hạng mục Thiết kế 3 màu của cuộc thi thiết kế khẩu trang do Kingston tổ chức.

“Tạo trend”, “đu trend” là chuyện muôn thuở

Đừng tưởng đời nay mới có, vì đây là chuyện có từ đời xưa, dù lúc ấy có thể chưa gọi tên như vậy. Những ví dụ cho điều này là nhiều vô số kể.

Cuộc di cư kỹ thuật số lớn nhất trong lịch sử nhân loại

Do chính sách bảo mật mới của WhatsApp, ứng dụng nhắn tin Telegram đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới lần đầu tiên sau một tháng.

Xe Bus khẩu trang, đến tận bến xe, phát tự động 100.000 khẩu trang

Xe bus có chiều dài 7m, chiều ngang 3,1m, trên xe đặt hai máy phát khẩu trang cảm ứng tự động, đã và sẽ chia làm nhiều chặng dừng, từ trung tâm Sài Gòn đến các bến xe và các quận ngoại thành để phát khẩu trang kháng khuẩn.

2/10 người dùng MXH ở Đông Nam Á chia sẻ tin tức không cần kiểm chứng

Khảo sát của Kaspersky cho thấy thế hệ “Boomers” (sinh ra trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1964) trong khu vực nhiều khả năng sẽ “phản ứng” với những thành viên trong gia đình và bạn bè nếu họ chia sẻ tin giả

Những phim mới và mẹo xem trên Netflix ngày Tết

Mặc dù Netflix mang đến trải nghiệm xem phim thú vị dành cho trẻ em, việc bật chế độ Parental Control vẫn là điều cần thiết mà cha mẹ nên áp dụng để quản lý con trẻ xem phim trong những bận rộn ngày Tết.

VinaPhone dời ngày đại nhạc hội ánh sáng và 4D mapping

VinaPhone cho biết sẽ lùi ngày tổ chức Sự kiện đại nhạc hội ánh sáng “Light up Việt Nam” dự kiến tổ chức vào đêm giao thừa tại Quảng trường cách mạng Tháng 8, Hà Nội vì diễn tiến phức tạp của dịch bệnh.