Đi chùa online

Khi bạn quá buồn, bạn hãy tìm một góc nhỏ nào đó, ở một nơi thật vắng vẻ, có thể là ngay trong căn nhà hay khu vườn của bạn, nơi ấy có thể có nhiều người biết tới nhưng chỉ mỗi mình bạn cảm nhận được rằng nơi ấy bình yên, nơi ấy có một bí mật, nơi ấy có một cụm hoa đang nở, trong lòng bạn, với bạn…

Gia đình tôi đã đi chùa bằng cách này, trong những ngày đại dịch, trong những ngày bình thường mới, và ngay cả bây giờ, chúng tôi chọn đi chùa online. Bởi nhiều lẽ…

Hồi đang mùa chống dịch, chắc chắn bạn không thể đi chùa, cho dù bạn mong muốn dắt con trẻ đến chùa để tìm cảm giác yên bình, nghe tiếng chuông, hay vãn cảnh một chút để tâm hồn thêm tĩnh tại, thanh thản… chuyện ấy, lúc này, quá ư xa xỉ và mơ hồ. Nhưng thực ra từ trước mùa dịch cũng khá là lâu, việc đi chùa như một nhu cầu mang mâu thuẫn nội tại của một Phật tử thuần thành như tôi. Một nửa tôi rất thèm cảm giác tới chùa, vái lạy Đức Phật, dạo cảnh chùa, nhìn vẻ hiền hòa của từng bụi cây, ngọn cỏ, đến cả chiếc lá rơi cũng mang bóng dáng Phật Đà hiền từ. Mùi nhang trầm, mùi của cỏ cây tịch lặng vì đã quen với yên tĩnh, mùi của bữa cơm chay thuở chùa làng nghèo khó, tiếng chuông, tiếng ngân nga của không gian được trải một lớp âm thanh chuông chiều, tiếng của mấy chú điệu lẩm nhẩm vừa tụng kinh vừa quét lá… những âm thanh ấy chỉ có ở chùa, mà phải là chùa làng, chùa còn quê kiểng, chùa có bề dày chay tịnh, điều đó thật khó tả.

Nó khác xa với vẻ chộn rộn và mùi hương trầm có pha nước hoa của chùa phố, nó cũng khác xa với những thanh âm chuông chùa pha trộn tiếng người, một kiểu nói chuyện có gì đó mang dáng dấp của thị thành và chợ búa, nó làm mất đi vẻ tĩnh lặng và tư lự của nơi chốn thiêng liêng và yên bình như chùa. Đó chỉ mới nói về không gian chung, nói về ngoại cảnh, chứ thực ra, ngay cả chùa quê hay chùa phố bây giờ, cũng có gì đó thật khó nói, rất khó để tìm được vẻ tĩnh lặng, trang nghiêm mà gần gũi của chùa làng thưở xưa. Nhất là khi nói về những ông sư, bà vãi chùa làng một thuở, dường như họ sống cho thế giới của riêng họ, họ kiệm lời nhưng trong ánh mắt, hành động của họ lại nói, lại hùng biện cho lòng bác ái và sự khiêm cung, chay tịnh của họ thật nhiều. Điều này giờ không tìm thấy nữa, thậm chí thật khó để tìm thấy cái không khí hiền hòa ấy, nếu không muốn nói rằng mọi thứ quá ư chộn rộn, mệt mỏi và mỗi khi nghĩ đến việc đi chùa, vãn cảnh, bạn có cảm giác một thứ gì đó chắn ngang cảm hứng của bạn.

Ở cái thời mà người ta dù muốn hay không muốn vẫn phải thấy rằng đâu đó nơi chốn yên tĩnh, bình yên như chùa đã có điều gì đó thật bất an, chẳng còn yên tĩnh hay chay tịnh nữa, dường như có một thứ gì đó thật khó nói đã phủ bóng lên những ngôi chùa. Và người ta không còn tìm thấy ở đó bóng dáng Phật Đà, không còn tìm thấy ở đó nét chay tịnh, vẻ đẹp tinh xảo được xây cất từ những bàn tay khéo léo ở những ký thác tâm hồn mà chỉ có ở nơi này, riêng nơi này. Dường như mọi thứ đã thay đổi, đồng tiền đã len lỏi, đã làm dấu và tự đặt lãnh địa của nó ở những nơi chốn linh thiêng, ngoài ra, đồng tiền và quyền lực đã đến nơi tưởng chừng thâm u, tịch lặng này để cất lên bài hát của nó, để tự do nói lên tiếng nói của nó. Và chẳng bao lâu, nó nhanh chóng biến mọi thứ trở về với trạng thái bình thường mang màu sắc tầm thường, kể cả chùa cũng vậy. Đôi khi việc đi chùa trong tôi trở nên mâu thuẫn là vì vậy, và một nửa muốn đến chùa, một nửa muốn ở nhà, tìm một góc yên tĩnh nào đó mà ngồi, mà chiêm nghiệm.

Một góc vườn, với một cụm cỏ xanh, một vài nhành cây táo dại hoặc giả một góc vườn sau nhà thành phố với trơ trọi xi măng và hàng rào, thì điều đó cũng chẳng thay đổi gì mấy sự yên tĩnh trong tâm hồn bạn, tôi nghĩ là vậy, bởi tôi đã trải nghiệm cảm giác này, cái cảm giác khi bạn ngồi trong góc “vườn” riêng của mình (thực ra lúc ấy chẳng có cái cây hay góc vườn nào cả, tôi tự đặt mình trong trận tưởng tượng ấy thôi, chứ tôi đang ngồi trong góc phòng đầy bóng tối và tiếng vo ve của muỗi) và nghe tiếng còi hụ mà mỗi khi tiếng còi hụ đi qua, bạn có cảm giác dường như có một ngôi sao nào đó, một mảnh vỡ nào đó của Thượng Đế nhân từ vừa chuyển hóa, một thế giới mênh mông và lạnh vây bủa lấy con người, không ngoại trừ bạn. Lúc ấy, bạn thầm gọi tên Mẹ Quán Thế Âm (Avalokitesvara – người nghe được mọi âm thanh thống khổ, mọi tiếng kêu cứu của vạn vật, để cứu, kỳ thực, Mẹ Quán Thế Âm là một ẩn dụ, cái ẩn dụ về sự tỉnh thức trong góc khuất tâm linh mỗi người và khi sự tỉnh thức này được đánh thức một cách đầy đủ, trọn vẹn – bởi một man tra, nó sẽ chuyển hóa thành một dạng thức siêu nhiên, một loại siêu thức cộng hưởng với vũ trụ, giúp con người hòa làm một với vũ trụ và bức thoát, siêu vượt khỏi những trớ trêu thực tại, đương nhiên, bạn chỉ cần tin, tin một niềm tin mãnh liệt khi cầu nguyện đến Mẹ Quán Thế Âm là đủ).

Thời đại mạng, thế giới số, không gian ảo, thậm chí siêu không gian đã giúp bạn rất nhiều và đương nhiên, tốc độ xử lý sự kiện, tốc độ tư duy và xử lý mọi thông tin nền tảng của bạn được nhân lên, được kéo đi xa và tăng tốc theo thời gian, điều đó nằm ngoài mong muốn và mục tiêu của bạn, nó thuộc về “số phận”, hay có thể nói nhẹ nhàng hơn rằng điều đó thuộc về tiến hóa của nhân loại, tiến bộ của thế giới… Đương nhiên, tốc độ xử lý và hiểu biết, thậm chí của link kết nối giữa tư liệu lịch sử và tư duy phân tâm học khi bàn về tôn giáo của mỗi người cũng trở nên đa sắc, đa thanh và đa chiều hơn so với trước khi không gian mạng xuất hiện. Điều này lý giải vì sao có nhiều trường hợp, kiến thức về Phật Học của một vị sa-di trở nên lúng túng trước kiến thức về Phật Học của một Phật Tử chân ướt chân ráo, mới đi chùa, mới qui y nhưng lại có thành tích rê chuột và lướt web thuộc hàng “danh thủ”.

Bởi đây cũng là một cách đi chùa, tức đi chùa online mà bạn Phật Tử trên vô tình có được. Bởi mục tiêu lớn nhất và cả duy nhất của bạn khi đi chùa, chính là học đạo và vãn cảnh, làm cho tâm hồn mình trở nên sâu lắng, tĩnh tại, giải trừ phiền muộn, giải trừ tham sân si được càng nhiều thì càng tốt (bởi chúng ta là con người trong xã hội, không phải nhà tu), nhưng một khi đến chùa, có thể gây tổn thương cho bạn bởi bạn nghèo, bạn tủi thân vì mình không có nhiều tiền để cúng dường, lời nói, thỉnh nguyện của bạn ở chùa không ai lắng nghe, chia sẻ, hoặc giả khi tới chùa, bạn có cảm giác mình lẻ loi, bé mọn hơn giữa đời sống này, mà nguyên nhân là vì bạn không có tiền, bạn nghèo (hiện tại rất dễ gặp thứ tâm lý này khi đi chùa). Bên cạnh đó, việc bạn đến chùa để học đạo hay vãn cảnh hoàn toàn bị thay đổi, bẻ hướng, bởi hiện tại, trào lưu đến chùa để xin xăm, xem bói, cầu tài, cầu lộc, cầu chức đang càng ngày càng trương nở, phì đại, điều này đánh mất ý nghĩa ban đầu của việc đi chùa, cũng như ý nghĩa của chùa và tịnh xá đã hoàn toàn bị mất đi.

Chùa (Pagoda) là nơi để các Phật tử đến sinh hoạt, học đạo, tìm hiểu kinh sách, khác với tịnh xá (Vihara), là nơi các tăng lữ tu tập, và trong thời Phật Giáo sơ khai, không có vị sư nào được ở lại Tịnh xá quá ba tháng, điều này nhằm tránh những lưu luyến, chấp thủ về chỗ ở, về vị trí vật chất chung quanh người tu hành. Thế nhưng hiện tại, rất khó để phân biệt đâu là tịnh xá, đâu là chùa, đặc biệt là các luồng thông tin có liên quan đến vấn đề tiền bạc, nhan sắc ở các nơi được cho là chốn tu hành nghiêm túc càng khiến cho niềm tin của bạn bị suy suyễn và mất phương hướng. Đương nhiên tôi nói theo cảm nghĩ của tôi thôi, theo thiển ý của tôi thôi, và tôi cũng bày tỏ theo cách của cá nhân tôi, tức là đi chùa online, một kiểu đi chùa mà ở đó, bạn không phải bận tâm gì về việc cúng dường ít hay nhiều, bạn cũng không phải bận tâm về nhiều việc tế nhị khác, bạn chỉ cần tự lập ra cho mình một thời khóa biểu và danh mục kinh sách, danh mục các chùa đẹp, và chỉ cần lướt web. Đầu tiên, bạn thanh tẩy thân thể và tâm hồn bạn bằng việc tắm gội, dọn rửa, tẩy trần… tiếp đến, theo như kinh nghiệm bản thân tôi, tôi ngồi ngắm những ngôi chùa đẹp trên khắp thế giới chừng mười phút, sau đó tôi chọn một bài kệ, do một vị sư nào đó có giọng trầm đọc để nghe và tiếp theo, tôi tìm một cuốn kinh tôi đang đọc dở để tiếp tục đọc. Cố gắng hiểu được chừng nào thì hiểu, không quá ép mình, phải giữ tâm trạng thư thái, thoải mái và an lạc. Cũng có hôm tôi không đọc kinh mà đọc một cuốn sách về Thiền, một cuốn phân tích về Phật Giáo…

Đi chùa online - H8

Và đương nhiên sau buổi “đi chùa” conline này, tôi mang những kinh nghiệm, những sở đắc có được để trò chuyện với chồng con, cứ trò chuyện và chịu khó quan sát thử họ có thích nghe hay không, nếu họ không thích nghe thì tôi dừng, nếu họ thích nghe thì tôi tiếp tục trò chuyện và cũng không cần quan tâm họ hiểu được bao nhiêu những gì tôi nói. Bởi sở đắc mỗi người mỗi khác và tùy duyên, tùy tâm cảnh mà trò chuyện, ai hiểu được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, không hiểu lại càng tốt hơn bởi có nhiều thứ chỉ cần cảm, thấy vui khi cảm là đủ!

Ở một thời đại mà đôi khi bạn thấy việc đi chùa quá nặng nề, bạn có thể chọn cho mình một góc riêng, nơi đó có bạn và sự tĩnh lặng cùng trò chuyện với nhau, nơi đó, bóng tối và ánh sáng không cần phân biệt mấy vì khái niệm trở nên thừa thải, đơn giản, bạn tìm cho mình một điều gì đó phía bên trong của bạn, và bạn tìm sự hoan hỉ nào đó, bạn có thể cảm nhận được, cùng mọi người, tin là vậy đi!

Táo quân Tiền truyện 2023 trình chiếu trên TV360: Hài hước, đầy kịch tính

Chương trình Táo Quân Tiền Truyện – Gia đình Táo 2023 với chủ đề Gom chuyện lên trời đã được công chiếu ngày 14/1 (23 Tết Âm lịch) vào lúc 20h trên ứng dụng TV360 và 21h00 trên kênh Youtube TV360.

Nghĩ từ phim: Tiến bộ công nghệ – Thế giới bình yên?

Thế giới loài người luôn tiến về phía trước, đồ đá – đồ đồng – đồ sắt và giờ là đồ… gì không rõ, có thể là silicon, như chúng ta hay nhắc đến Silicon Valley như là nơi sản sinh ra những phát kiến công nghệ mới cho loài người. Nhưng ở thì tương lai, liệu những tiến bộ về công nghệ có thực sự mang đến sự tốt đẹp, bình yên, an lành cho nhân loại hay không? Cùng nhìn lại một số bộ phim vẽ ra viễn cảnh khi thế giới đạt đến mức độ tối cao về công nghệ, người ta sẽ sống ra sao.

Để một cái Tết tròn với bản thân, gia đình và cộng đồng

Để có được một cái “Tết tròn” với niềm hạnh phúc đủ đầy, trọn vẹn, mỗi người cần làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ với bản thân và gia đình, mà còn với cả cộng đồng. Thông điệp này đã được Home Credit truyền tải thông qua nhiều hoạt động có ý nghĩa cho dịp năm mới.

Drone Việt bay trên cánh đồng Việt

Với drone nông nghiệp – máy bay nông nghiệp không người lái, người ta bắt đầu nghĩ nhiều hơn về sự thay thế hoàn toàn sức của con người, như việc máy cày thay thế con trâu, tạo nên sự chuyển đổi giá trị cho nền nông nghiệp.

MoMo thúc đẩy lì xì online thành thói quen

Ngoài tính năng đòi lì xì, giật lì xì,… MoMo cũng “khoác áo mới” cho tính năng chuyển tiền lì xì với bộ thiệp kèm QR nhận tiền lì xì theo nhiều chủ đề sinh động, giúp người dùng trải nghiệm Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh bên người thân, bạn bè.

Ra mắt tai nghe Sennheiser IE 200 nhỏ gọn, chuẩn âm cao cấp

Tai nghe Sennheiser IE 200 mới vừa ra mắt thị trường là một lựa chọn lý tưởng cho những tín đồ yêu thích âm thanh đang tìm kiếm sự chi tiết, rõ nét và ấn tượng khi nghe nhạc ở nhà hay khi đang di chuyển.

Học văn thời công nghệ số

Từ buổi giao lưu về đề tài “Ước vọng cho học đường và câu chuyện học văn” , tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi rất thú vị, trong đó có ba ý kiến đáng suy nghĩ nhất.

Thị trường mua bán đồ công nghệ cũ, mua giảm bán tăng

Theo thống kế của Chợ Tốt, so với cùng kỳ dịp Tết năm 2022, nhu cầu chi tiêu trên các sản phẩm có giá trị cao vẫn bị ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế chung và giảm từ 8% – 21%. Riêng các sản phẩm công nghệ giá bình dân, linh phụ kiện thay thế, đính kèm vẫn duy trì mức tăng từ 3% – 5%.

Meta khởi xướng chiến dịch sáng tạo video ngắn sử dụng hiệu ứng thực tế ảo trong mùa Tết

Meta vừa khởi xướng chiến dịch #ReelsYourTet dành cho cộng đồng nhà sáng tạo và người dùng Việt nhằm khuyến khích sáng tạo các video ngắn sử dụng hiệu ứng AR đặc biệt dành riêng cho Tết và chia sẻ những khoảnh khắc Tết đáng nhớ.

Tết đã rộn ràng trên… Google

Trang Xu hướng tìm kiếm tiếng Việt về dịp Tết Nguyên Đán của Google đã cho thấy các từ khóa đón Tết rộn ràng của người Việt