Chuyện những con kinh mang tên lạ

Sài Gòn những ngày giữa mùa khô, nắng nóng và nực nội. Mấy bữa nay trời nắng gắt, gió đứng, nhiệt độ ngoài trời gần bằng nhiệt độ cơ thể làm người ta ai cũng mỏi mệt. Mùa thi giữa năm học đã qua rồi, quả là vừa vui vừa mệt. Bữa ấy cha con nhà Út Cưng thủ thỉ, nơi thành phố chật chội, có ít ngày nghỉ giữa năm học sao mình không về miền Tây chơi nhỉ? Ờ ha, vui quá. Thế là một ngày đầu năm, cha con nhà Út rủ nhau khoác ba lô đi chơi, về với miền Tây sông nước thanh bình, nơi có nghĩa tình cùng những người nông dân quê có tấm lòng luôn rộng mở....

Chuyện những con kinh mang tên lạ - IMG 0500
 

Đi Quốc lộ 1 về tới Cần Thơ, chạy qua Hậu Giang rồi về miệt vườn huyện Châu Thành A, đường lộ dọc một bên con kinh, xe chạy bon bon. Con kinh xáng thẳng tắp, con đường cũng thẳng tắp. Hết nửa con lộ là lúa, lúa mới cắt từ ruộng mang về trải đầy trên mặt lộ, như cái sân phơi tự nhiên của xóm ấp. Nghe không khí thơm dịu mùi làng quê, mùi mùa màng của lúa, của rơm và có cả mùi khói đốt đồng. Thích lắm sông nước mùa này mát trong, vẫn nhiều tôm cá, có những chiếc xuồng ba lá và câu ca người quê chỉ có tấm lòng…

Đường xa lòng lâng lâng khoáng đạt. Bất chợt đọc thấy đâu đó một địa danh khi đi ngang: Kinh xáng Xà No, rồi thị trấn Một Ngàn ở huyện Châu Thành A tỉnh Hậu Giang. Ồ, những cái tên miền quê nghe lạ không kìa, mấy cô cậu trò nhỏ ở thành phố về quê chơi nhìn nhau thích thú. Út Cưng ngạc nhiên, là sao, là sao có cái tên “kinh xáng Xà No”, thị trấn “Một Ngàn” ngộ quá! Người quê cười thật hiền, không chỉ có cái tên Một Ngàn, đi tới nữa còn có Bảy Ngàn, có Tám Ngàn và có tới Mười Bốn Ngàn Rưởi lận con gái. Lúc này ta đang chạy trên con lộ dọc kinh Xà No, ngang thị trấn Một Ngàn. Lên tới trên kia có con kinh tẻ, đi đò thêm khúc nữa là về tới nhà. Ngồi ngoan ngắm cảnh quê, chụp hình chơi đi, tới nhà rồi kể chuyện Xà No với thị trấn Một Ngàn cho nghe.

Thấp thoáng chiếc ghe chèo dưới kinh xa xa, một bến nước bên bờ ai ngồi giặt áo, những đứa trẻ đi bên đường vẫy vẫy tay chào, nhoẻn cười với người lạ, một đàn vịt lang thang đi chơi ngang tranh thủ sục mỏ vô đống lúa phơi bên đường. Vượt qua những bụi cây, những xóm nhỏ là ruộng đồng xa tít tắp. Bầu trời cao vút, mây trắng nhởn nhơ, đồng đất miên man lúa mới gặt. Xa xa những đụn khói trắng nhỏ, chợt như nghe thấy đâu đây câu ca của ông lão Bắc Sơn, “…mây trôi lang thang cho hạ buồn, coi khói đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng”…

Người quê dẫn đám nhỏ thành phố về chơi miệt sông nước, cưng lắm. Xuống xe nào, rồi xuống ghe, ta chạy dọc theo dòng kinh quê cho biết. Mấy trò nhỏ thành phố tò mò, lạ lẫm, mắt sáng rỡ, thèm thuồng nhìn những đứa trẻ quê bì bõm tắm dưới dòng kinh lúc chiều về. Chúng nói cười, giỡn đùa sóng nước thật vô tư. Những cô bác chợ chiều tan thanh thản con đò dọc, nhìn sang nụ cười vui cùng khách lạ. Tài công xuồng máy giảm tay ga kẻo sóng đánh ướt áo, bên kia người ta đi ghe chèo tay. Ô kìa, có con Cún ở nhà cũng thích đi ghe, mới nghe tiếng máy nổ giòn không biết từ đâu trên bờ phóng vội xuống ghe.

Chuyện những con kinh mang tên lạ - IMG 1376


Người quê kể rằng. Con kinh Xà No do người Pháp khởi công trong năm đầu tiên của thế kỷ trước, năm 1901 và làm xong hai năm sau đó. Đào kinh không phải bằng sức người đào mà người ta xáng cạp đất bằng máy móc chạy hơi nước đơn sơ thời đó. Kêu tên kinh “xáng” là vậy. Còn “Xà No” theo tiếng người Khme có nghĩa là những cây điên điển, cây bông màu vàng đó, ở đây rất nhiều. Bông điên điển nở vào mùa nước nổi, làm gỏi hay nấu canh với cá linh ngon tuyệt, mấy nhỏ được ăn chưa nào?

Con kinh xáng ấy bề rộng mấy chục mét và dài tới bốn chục cây số. Bắt đầu từ con rạch nối sông Cần Thơ rồi chạy ngang gần hết huyện Châu Thành A quê mình. Kinh chạy mãi tới thị xã Vị Thanh, bây giờ là thành phố thủ phủ của tỉnh Hậu Giang mình đó. Từ Vị Thanh muốn qua Rạch Giá Hà Tiên, đi ra biển bờ Tây hay xuống dưới mũi Cà Mau là cứ tới luôn bác tài. Vậy là hồi nãy mấy người khỏi chạy xe hơi, có thể xuống ghe từ bến Ninh Kiều theo sông Cần Thơ về luôn tới đây.

Còn cái tên thị trấn Một Ngàn là dzầy nè. Từ ngày mới có kinh xáng Xà No, dọc theo con kinh ấy cứ mỗi một ngàn mét dài người ta lại đào một con kinh lớn như vậy, giữa hai kinh lớn đào thêm một kinh nhỏ. Những con kinh ngang ấy được nối lại bằng một con kinh dọc bên trong kia nữa, vậy nên tạo thành một hệ thống kinh giống những ô bàn cờ thông nhau dẫn nước vô đồng ruộng mênh mang, tưới nhanh mà tiêu cũng nhanh. Từ Một Ngàn nơi này, người Pháp mở ruộng lên Hai Ngàn, rồi có thị trấn Bảy Ngàn… tới Tám Ngàn rồi Mười Bốn Ngàn Rưởi luôn.

Dòng nước ngọt từ sông Hậu theo hai cửa Ô Môn và sông Cần Thơ qua kinh xáng Xà No chảy về vùng đất mới. Nhờ có hệ thống thủy lợi kiểu ô bàn cờ mang nước ngọt khai thông tháo phèn, rửa mặn, cả một vùng đất từ Cần Thơ chạy tới Rạch Giá hai bên bờ kinh từ hoang hóa dần đã trở thành một vùng đất tốt, một đồng lúa mênh mông không có bến bờ, mỗi mùa màng dâng cho đời biết bao nhiêu lúa gạo và cây trái miền nhiệt đới.

Những thị xã, thị trấn bên dòng  kinh Xà No như Vị Thanh, Một Ngàn, Bảy Ngàn… ban đầu hình thành có khi chỉ từ một xưởng đóng ghe thuyền, sửa máy, có khi  từ một cái nhà máy xay lúa. Người dân đã dần về sinh sống dọc hai bên bờ từ khi có dòng kinh Xà No, ngày một đông dần hình thành chợ búa, thành làng xã, thành những vùng quê trù phú, vườn cây trái bốn mùa.

Chuyện những con kinh mang tên lạ - zzz


Điều tuyệt vời của con kinh xáng Xà No là chiều rộng kinh xênh xang, lại có chiều sâu cho ghe thuyền lớn nhỏ mặc sức lưu thông. Hành khách, bạn hàng cùng lúa gạo, cây trái, hàng tiêu dùng có thể chở tới khắp mọi miền. Người ta còn nói “Con đường lúa gạo” để chỉ dòng kinh này bởi sự đi lại tấp nập của ghe thuyền buôn bán, xuất khẩu lúa gạo từ vựa lúa mênh mông đôi bờ kinh. Tự nó đã làm nên một trục giao thông đường thủy dễ dàng và quan trọng của xứ sông nước, từ Sài Gòn tới thủ phủ miền Tây là Cần Thơ qua Hậu Giang tới Rạch Giá hay có thể đi tới xứ Năm Căn, Cà Mau nơi địa đầu đất nước. Ai đó nhắn rằng một bữa nào sẽ kiếm con tàu đò đi từ Sài Gòn. Tàu đi qua sông lớn sông nhỏ, qua kinh qua rạch để về Cần Thơ ăn cá, qua miệt Hậu Giang ăn rắn, ăn rùa. Và tàu còn có thể đi xa hơn nữa, để “dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ Hà Tiên mến yêu, đẹp như xứ thơ… xanh xanh màu ánh mắt em gái chiều năm xưa…”.

Những dòng sông, những dòng kinh Nam bộ gắn liền với cuộc sống của người nông dân từ thuở sơ khai, như một phần không thể thiếu để tạo nên tính cách người dân và văn hóa miền Tây sông nước. Người nông dân quen với cầu tre, quen ghe xuồng sóng nước. Người ta quen nước ngập trắng đồng, người ta nhớ con nước ròng nước lớn. Người ta có đi làm ăn đâu xa nhớ mùa lúa chín lại về quê cắt lúa phụ giúp gia đình.

Nghe người quê kể chuyện sông nước nơi này mới hay biết, rồi tìm, rồi hiểu thêm những nét yêu thương của quê hương mình, hiểu về những cái tên làng xã, tên chợ, tên kinh gắn với những bước đi của ông cha hình thành cuộc sống quê hương. Cứ mỗi năm dịp tháng Tám tháng Mười, ở đâu đó trẻ nít vui đón Trung thu thì miền Tây vào mùa nước nổi. Nghe người quê kêu có nhớ con ốc bưu, nhớ cá linh, bông điên điển thì về… Mùa cá linh qua mau lắm và bông điên điển không có người hái thì cũng mau… Về đi, ráng về đi!
Và ai đó có dịp đi ngang hay tới chơi thành phố miền quê Cần Thơ, kiếm giờ ghé cù lao Cái Khế, ngồi lặng yên bên bờ ngắm sông nước lững lờ, ngắm ghe thuyền ngang dọc rồi thưởng thức món ôc nướng tiêu cùng con cá con tôm ở nơi này, là sẽ biết yêu miền đất Tây Đô, yêu câu hát Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…

Ốc nướng tiêu – món ăn chơi ruột của người miền Tây

Chuyện những con kinh mang tên lạ - zz


Ngày Tết, nhà nhà sẽ làm nhiều món ăn ngon, tuy nhiên những món ăn ngày Tết thường nhiều chất béo, lại dễ đụng hàng ở nhà bè bạn. Có một món ăn giản đơn không nằm trong thực đơn của những ngày Tết, chắc chắn sẽ được ưa thích, lại dễ làm, và làm nhanh nữa. Là món ốc nướng tiêu, một món ăn chơi ruột của miền Tây sông nước.

Hai ký lô ốc lác hoặc ốc bưu, lựa thứ sậm màu, bự con một chút, và phải đều con nữa cho đẹp đội hình. Tất nhiên khi làm món phải ngâm trước trong nước gạo hoặc rọng qua đêm để làm sạch hết nhớt trong con ốc. Người ta mang luộc sơ để lấy ra mấy cái “mày” ốc (và để húp thử thứ nước luộc ấy coi người đời người ta nói “lạt như nước ốc” là sao(!). Nếu sợ ốc lạt, tốt nhất là nướng sơ bề mặt để lấy cái “mày” ra khỏi con ốc.

Nấu lên một hỗn hợp của nước lạnh, nước tương, hành tía, tỏi bằm nhuyễn, dầu mè, dầu hào, và bột gia vị. Thêm chút muối cho đậm đà tình quê, chút đường đúng kiểu miền Nam ưa ngọt và đương nhiên phải có tiêu xay. Tất cả được nấu lên để làm một thứ nước sốt dùng cho món ốc nướng tiêu. Nước sốt này vừa đủ ngọt, đủ mặn, đủ béo và một tí sắc màu rồi chế vô con ốc đã hả miệng. Nhớ thêm là đám ốc bưu kia sẽ luôn phải đặt ngửa từ hồi chế món ăn tới khi mọi người ăn uống xong dọn dẹp. Bỏ thêm một hai hạt tiêu sọ hoặc tiêu xanh lên mặt cho hấp dẫn.

Xếp mớ ốc có nước gia vị đó trên vỉ rồi mang nướng trên than củi. Chú ý kẻo nước gia vị khô hết là hết ngon, nên nướng vừa lửa, châm thêm nước sốt cho ngấm, và khi nước trong con ốc xắt lại, tỏa hơi thơm là vừa ăn. Chuẩn bị thêm miếng gừng xắt và rau răm ăn kèm, còn ai đó thích thêm vô mấy thứ rau thơm, thêm chút muối tiêu chanh nữa thì tùy khẩu vị.

Nhớ là khi thưởng thức ốc nướng tiêu phải húp theo miếng nước sốt đậm đà trong vỏ con ốc ấy mới đúng kiểu. Cắn thêm hạt tiêu xanh, miếng ốc giòn thơm, nước sốt dịu cay và hăng nồng hương tiêu, nhớ đời. Ốc chín tới để hai phần cho các cô các chị và các cháu xì xụp, một phần mang ra đãi bạn nhậu, vừa bắt mồi, tốn rượu vừa bớt phần ngán ngẩm mấy thứ đồ ăn ngày Tết. Một lần được thưởng thức món ốc lạ miệng, ngon lành, nên hỏi thăm, được người ta chỉ cho cách làm vậy, chớ người viết hổng biết làm.

Yêu chờ mùa nước nổi

Đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây trù phú được hình thành bởi hai dòng sông chính Tiền Giang và Hậu Giang. Từ bên nước bạn Cambodia, sông Tiền là dòng Mekong chạy thẳng xuống, còn sông Hậu là một phần Mekong mang tên sông Bassac nối dòng Tonle Sab đổ về từ Biển Hồ. Hai dòng sông về đồng bằng Nam bộ được hòa trộn với nhau bởi những “vàm” và những “kinh rạch” chằng chịt mang theo phù sa của dòng Mekong, tôm cá của biển Hồ theo dòng Tonle Sab. Những phù du thức ăn tự nhiên cho những luồng cá di cư để lớn lên và sinh sản theo mùa, miền Tây có rất nhiều sản vật sông nước ngọt của thượng nguồn, tôm cá nước lợ nơi cửa biển, chỉ xứ sở này mới có.

Dòng Mekong miệt mài năm tháng, chảy qua lãnh thổ của 5 đất nước Đông Nam Á, như dải lụa mềm mại gắn bó và thắt chặt đời sống của nhiều tộc dân đã bao đời sống bên hai bờ lưu vực dòng sông với nhiều nền văn hóa, lịch sử và truyền thuyết, thi ca cùng với biết bao nhiêu sản vật của dòng sông trong tự nhiên hay vào mùa vụ.

Nước khi lớn khi ròng, mùa trong xanh hay mùa nước đổ cuộn đục phù sa, giữa mùa nước nổi thì ngập trắng đồng, dòng sông Tiền sông Hậu với những kinh rạch dọc ngang của nó miệt mài năm tháng chảy, gắn bó bao đời với người nông dân. Hàng năm người nông dân miền Tây chờ đón mùa nước nổi. Nước về tràn ngập khắp nơi, nước rửa sạch ruộng đồng, làm mới đất bạc, hẹn mùa lúa trúng. Họ mừng vui chờ đón con cá linh bé nhỏ, cá mè vinh, cá sặt bổi, cá rô đồng… dưới mặt nước tràn ngập miên man. Không có mùa nước nổi là đói, là thất mùa, thất cả lúa cả cá. Ai đó không biết, nói miền Tây sống chung với lũ. Nhưng không phải, hàng năm miền Tây luôn trông ngóng nước về, người ta nói thân thương “trông mùa nước nổi”.

Sông nước ấy mang nặng phù sa về làng quê trù phú, cho những mùa màng hạt lúa vàng thơm thảo, cho cây trái ngọt lành, cho cá tôm bốn mùa con nước chảy. Ai đó đã từng sống với miền đất này sẽ hiểu và sẽ yêu mến biết bao những dòng sông, những dòng kinh và con người ở nơi đây.

Chuyện những con kinh mang tên lạ - zz.IMG 0040



Chú thích: “Kinh” là từ của Nam bộ, chỉ những dòng nhỏ được con người đào (chúng ta vẫn thường hay gọi là kênh). “Rạch” là dòng tự nhiên có.



Anh Đỗ
Tin học & Nhà trường 160-161 – Tháng 1&2.2013

Viết theo dấu chân lữ khách

Sự sảng khoái trên hành trình viễn du của lữ khách thường có ý nghĩa đặc biệt trong chuyến đi đầu tiên, điểm đến mới nhất trong đời. Với tôi, không quan trọng điểm đến quen hay lạ, vấn đề là mình đã ngẫm nghĩ được điều gì mới khi chạm vào mảnh đất ấy, gặp gỡ những con người xa lạ, tiếp cận được cho dù một góc nhỏ nền văn hóa bản địa khác biệt.

Bí mật của diễn viễn Hải Hà

Chỉ mới vào nghề trong một thời gian ngắn, nhưng có lẽ do sở hữu một khuôn mặt xinh và đôn hậu nên Hải Hà cứ luôn được các đạo diễn giao vào vai các cô gái thông minh, xinh đẹp,giàu nghị lực.Mà phải công nhận Hải Hà diễn tốt thật dù chỉ đóng các vai phụ hoặc vai thứ chính. Các bạn có thể kiểm chứng nhận xét này qua các bộ phim mà Hà đã và đang đóng nhé (Tướng Nguyễn Bình, Cha và con, Không thể gục ngã, Sợi dây ái tình…).Giai phẩm số Xuân kỳ này, TH&NH sẽ tiết lộ đến bạn đọc nhiều điều thú vị hơn của nữ diễn viên trẻ tuổi này.

Củ tỏi Lý Sơn biết… nghe điện thoại

Với dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trong một nhóm đảo gồm một đảo lớn và hai đảo nhỏ, trong đó, một đảo lớn chứa trên hai mươi lăm ngàn cư dân và một đảo nhỏ chứa ngót nghét một ngàn cư dân, suốt ngày không có điện, chỉ bật sáng vào 5h chiều cho đến 11h đêm, mọi sinh hoạt, mưu tính của thế giới hiện đại gói gọn trong 7 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Từ điện thoại cho đến máy tính cũng chỉ gói gọn trong quĩ thời gian này. Và, cũng không biết tự bao giờ, người Lý Sơn hay nói đùa với nhau về chuyện củ tỏi biết nghe điện thoại.

Xông nhà tín đồ Contax – Carl Zeiss

Cùng với sự đổi thay công nghệ gần như là mỗi ngày trên thế giới thì cuộc sống cũng đồng thời nảy sinh ra một số người chỉ thích đi ngược dòng, tìm về những món đồ công nghệ một thời đã xa. Bộ sưu tập ống kính Contax – Carl Zeiss và đội quân máy ảnh film của anh Nguyễn Hữu Thắng mà Thế Giới Số giới thiệu kỳ này sẽ dẫn độc giả một lối đi khác nữa vào thế giới “đồ chơi” này.

Siêu mẫu, lập trình viên Diệu Huyền – Công nghệ là số 1

Đã hoàn thành tốt khóa học lập trình viên, nhưng Diệu Huyền, người đẹp đoạt giải bạc siêu mẫu 2012 cho biết, nguyên nhân theo học lớp lập trình viên không phải do bản thân yêu thích công việc gõ code, mà là chỉ muốn học để hiểu, để gần gũi hơn với công nghệ trong và ngoài nước.

Tràm chim mùa sếu về

Vào thời điểm này, du khách có dịp về vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) sẽ tận mắt chiêm ngưỡng đàn sếu múa hót, chọn bạn tình… Một thú vui tao nhã, lý tưởng.

Ca sĩ Bảo Thy: Công chúa bong bóng từ thế giới mạng

Bắt đầu là tham gia cuộc thi bình chọn gương mặt đại diện cho trò chơi trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ, sau đó là cuộc thi Miss Audition, vài lần phát hành album nhạc trên mạng… Chính bởi có xuất phát điểm từ thế giới mạng như thế, nên bây giờ khi đã thành ca sĩ có tên tuổi, Bảo Thy vẫn luôn cảm thấy trân trọng môi trường mà từ đó mình đã được“lớn” lên.

Những loại thực phẩm mang lại may mắn đầu năm

Cá, quả lựu, bánh mỳ bắp đều được coi là những thực phẩm đem tới sức khỏe, tiền tài cho bạn.

Những ngôi làng ở lưng chừng trời

Một lần về huyện miền núi Tây Giang – nơi được xem là heo hút nhất của tỉnh Quảng Nam – thấy cảnh đẹp ngỡ ngàng. Người ta ví nơi đây như một Đà Lạt của miền Trung.

4 địa điểm có băng tuyết tuyệt đẹp ở Việt Nam

Từ dãy núi Hoàng Liên Sơn đến đèo Ô Quy Hồ, thác Bạc ở Sapa (Lào Cai) cho đến dãy núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), địa phận xã Pia Oắc (Cao Bằng), bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng băng giá, thậm chí là sờ cả tay vào tuyết trong mùa đông này.