Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương

Chuyển đổi số là quá trình tự thân của từng địa phương, nó gắn liền với những đặc điểm riêng, những năng lực riêng của từng nơi. Vì thế, quá trình chuyển đổi số diễn ra ở một địa phương cụ thể sẽ mang những sắc thái riêng và không giống địa phương khác.

1.Đặt vấn đề

Thách thức lớn nhất ở nước ta hiện nay là phải theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) nếu không sẽ tụt hậu và khi đó không có cách nào bám đuổi các nước tiên tiến. Lý do rất đơn giản: CMCN 4 là cuộc cách mạng làm thay đổi phương thức sản xuất, từ phương thức sản xuất hình thành trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (còn gọi là phương thức sản xuất dựa trên tự động hóa) sang phương thức sản xuất mới, dựa trên các công nghệ số (còn gọi là phương thức sản xuất thông minh hóa) . Chúng ta phải tự chuyển đổi, không ai làm thay được vì đó là một việc tất yếu. Ở đây chỉ có hai khả năng xảy ra, hoặc nhanh chóng nắm lấy cơ hội, vươn lên chủ động triển khai quá trình chuyển đổ số hoặc là để cơ hội trôi qua và chấp nhận tụt hậu. Bước vào cuộc CMCN 4, công nghệ số hiện hữu ở mọi nơi trên thế giới và tất cả các quốc gia đều có cơ hội như nhau một cách công bằng.

Ngày 3/6/2020 Chính phủ đã công bố Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-Ttg. Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số với quyết tâm không chỉ theo kịp mà còn vươn lên có mặt ở top 50 quốc gia đi đầu trong cuộc CMCN 4.

Chuyển đổi số là quá trình tự thân của từng địa phương, nó gắn liền với những đặc điểm riêng, những năng lực riêng của từng nơi. Vì thế, quá trình chuyển đổi số diễn ra ở một địa phương cụ thể sẽ mang những sắc thái riêng và không giống địa phương khác. Như thế, khi xây dựng chương trình chuyển đổi số tại một tỉnh hay thành phố, tất cả những đặc điểm riêng của địa phương cần được tính đến nhằm phát huy tối đa những tiềm năng và lợi thế phát triển cũng như khắc phục, vượt qua các hạn chế vốn có.

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố chương trình chuyển đổi số của mình vào ngày 22/7/2020 vừa qua. Đây có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho các địa phương khác.

Chuyển đổi phương thức sản xuất là quá trình lâu dài, không phải diễn ra trong vài năm mà là vài chục năm. Vì thế, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số của tỉnh và cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai cho từng giai đoạn. Kinh nghiệm thực tế quốc tế cho thấy việc ưu tiên chuyển đổi số cho một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế nhất của địa phương mang lại kết quả tích cực hơn so với cách làm dàn trải.

2. Đề xuất phương pháp tiếp cận

a/ Xác định điểm xuất phát

Xét về trình độ phát triển kinh tế, trong cuộc đua chuyển đổi số, chúng ta có điểm xuất phát thấp. Nền kinh tế của nước ta hiện nay là nền kinh tế truyền thống mà thế giới gọi là “kinh tế tuyến tính” (liner economy). Đặc điểm chung của nền kinh tế này là khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng và thải chất thải ra môi trường. Kết quả dẫn đến nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, chi phí năng lượng tăng cao, môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Đa phần ở các nước đang và chậm phát triển đều có hình ảnh này.

Nhận thấy có thể thay đổi mô hình sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường dựa trên ứng dụng công nghệ cao, từ 20 – 25 năm trước, nhiều quốc gia đã đi tiên phong trong việc phát triển một nền kinh tế mới gọi là kinh tế tuần hoàn (circular economy) và thu được những kết quả mỹ mãn về nhiều mặt. Đó là nền kinh tế ứng dụng công nghệ cao để khai thác triệt để các nguồn tài nguyên tham gia quá trình sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng và giảm thiểu thải chất thải ra môi trường. Kết quả là người ta tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị hơn, năng suất lao động cao hơn và thải chất thải ra môi trường ít nhất có thể. Vì lẽ này, kinh tế tuần hoàn còn được gọi là “nền kinh tế không rác thải”. Khi bước vào cuộc CMCN 4, các quốc gia này càng phát triển nhanh hơn bởi vì “Chỉ cần nhúng kinh tế tuần hoàn vào môi trường số thì nhanh chóng tìm ra phương thức sản xuất mới dựa trên công nghệ số” như nhận định của nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới.

Từ điểm xuất phát này, cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, cùng lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ song song: Phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Làm thế nào thực hiện thành công cả 2 nhiệm vụ đó một cách chủ động? Câu trả lời có thể đến từ việc phân tích các tiềm năng và lợi thế phát triển của địa phương mình để từ đó lựa chọn những ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai trước và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để mở rộng ra các ngành, lĩnh vực khác.

b/ Nghiên cứu các tiềm năng và lợi thế phát triển

Phác họa ngắn, những số liệu về vị trí, diện tích, dân số, GRDP, GRDP bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường cung cấp những thông tin chung, cơ bản về một địa phương. Một hình ảnh khá phổ biến là xuất phát từ quan niệm truyền thống, ở nước ta, nhiều yếu tố bị xem nhẹ trong khi đối với quốc tế lại là những yếu tố đầy tiềm năng, thậm chí là chủ lực.

Ví dụ rõ nhất là về kinh tế biển và những lợi thế mà biển mang lại. Theo quan niệm hiện đại, trong một thế giới hội nhập, các quốc gia có biển có nhiều thuận lợi hơn so với các quốc gia không có biển. Đến lượt mình, ở các nước có biển, địa phương có biển phát triển thuận lợi hơn những địa phương nằm sâu trong đất liền. Lý do là vì hàng hóa được vận chuyển giữa các thị trường chủ yếu là qua đường biển.

Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương - VN
Việt Nam là quốc gia có lợi thế phát triển kinh tế biển

Quan niệm về kinh tế biển ở nước ta và quốc tế có điểm khác nhau. Chúng ta quan niệm “Kinh tế biển là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển”. Quốc tế quan niệm “Kinh tế biển là những hoạt động kinh tế diễn ra ở vùng ngoài biển và vùng duyên hải”. Vùng ngoài biển tính từ bờ biển ra 200 hải lý và thềm lục địa. Vùng duyên hải là vùng tính từ bờ biển vào đất liền rộng 100 km. Xét theo quan niệm này, gần trọn bộ Việt Nam nằm trong vùng phát triển kinh tế biển. Đây là một lợi thế rất lớn của đất nước.

Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương - kinh te bien
Các vùng phát triển kinh tế biển theo quan niệm quốc tế

Các số liệu thống kê tại một số nước có biển cho thấy, kinh tế biển đóng góp tỷ trọng cao nhất vào GDP của họ, trong đó chủ yếu đến từ vùng duyên hải, đặc biệt là vùng ven bờ (10 km dọc ven bờ). Tại Hoa Kỳ, vùng duyên hải chỉ chiếm 33% diện tích quốc gia nhưng tạo ra 83% GDP của cả nước. Đặc biệt hơn, vùng ven bờ chỉ chiếm 4% diện tích đất đai nhưng lại tạo ra đến 11% GDP của nước Mỹ (theo Judith T. Kildow [3]). Sau nhiều năm phát triển, người ta đã đánh giá và lựa chọn 9 ngành sau để phát triển kinh tế ngoài biển là: 

  • Xây dựng biển (dàn khoan, đường ống & cáp, công trình bảo vệ bờ biển)
  • Đánh bắt hải sản.
  • Khoáng sản biển (khai thác, chế biến dầu khí, quặng).
  • Đóng tàu biển và thuyền.
  • Du lịch và nghỉ dưỡng ven biển.
  • Giao thông vận tải và cảng.
  • Hoạt động của chính quyền (tuần tra, cứu hộ).
  • Nghiên cứu và giáo dục.
  • Bất động sản biển đảo.

Kinh tế duyên hải gồm 12 siêu ngành chính:

  • Xây dựng
  • Các dịch vụ giáo dục và sức khỏe
  • Các hoạt động tài chính
  • Thông tin
  • Giải trí và nghỉ dưỡng
  • Chế tác (manufacturing)
  • Tài nguyên thiên nhiên và khai thác khoáng sản
  • Các dịch vụ khác
  • Các dịch vụ nghề nghiệp và kinh doanh
  • Dịch vụ hành chính công
  • Các ngành công nghiệp
  • Thương mại, giao thông và các tiện ích

Sở dĩ 12 ngành này được gọi là “siêu ngành” vì chúng đóng góp vào GDP với tỷ trọng vượt trội so với các ngành khác.

Nhiều địa phương ở Việt Nam, đặc biệt là 28 địa phương có biển nên xem xét, đánh giá đúng hơn về những tiềm năng và lợi thế phát triển của mình theo quan niệm quốc tế để lựa chọn các ngành, lĩnh vực nào phù hợp nhất đối với địa phương mình.

c/ Nghiên cứu ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số

Để nghiên cứu những ngành, lĩnh vực cần chọn ưu tiên chuyển đổi số, chúng tôi áp dụng phương pháp luận về phân tích 5 luồng vận động. Đó là: Luồng hàng hóa, Luồng tài chính, Luồng lao động, Luộng công nghệ, Luồng thông tin.

Trong đó, luồng hàng hóa nằm ở trung tâm vì kết quả phân tích luồng này cho biết đó là những hàng hóa gì, do ai sản xuất, bằng công nghệ gì, có chất lượng và giá trị như thế nào, đáp ứng những tiêu chuẩn gì, được tiêu thụ tại thị trường nào,… ? Thông tin này giúp người ta hiểu về trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh. Dòng tài chính cho biết sức sống, dòng lao động cho biết thực lực, dòng công nghệ cho biết trình độ phát triển và dòng thông tin cho biết năng lực số của nền kinh tế.

Áp dụng mô hình này vào một tỉnh, dựa trên số liệu Niên giám thống kê của tỉnh đó, có thể nhận biết những thông số cơ bản về “sức khỏe của nền kinh tế” trong tỉnh một cách tổng quát.

Để phù hợp với thực tiễn, việc lựa chọn những ngành, lĩnh vực nào để ưu tiên chuyển đổi số trước nên dựa vào hai tiêu chí: Những ngành, lĩnh vực đang đóng góp nhiều nhất vào GDP của tỉnh; Những ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế phát triển nhất của tỉnh.

Theo các tiêu chí này, các ngành, lĩnh vực thường được chọn ở nước ta là: Kinh tế biển (chọn lựa những ngành phù hợp nhất với tỉnh), Logistics, Công nghiệp chế biến, Nông nghiệp, Du lịch, Môi trường.

d/ Chương trình chuyển đổi số của một tỉnh

Chương trình chuyển đổi số của một tỉnh hướng tới 3 mục tiêu cùng một lúc là: xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số.

Về chính quyền: Hiện tại, chúng ta đang xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) (electronic government, viết tắt là e-Gov). Trong chuyển đổi số, chúng ta cần xây dựng chính quyền số (CQS) (digital government, viết tắt là d-Gov). Xây dựng CQĐT và CQS là hai quá trình khác nhau. Xây dựng CQĐT là điện tử hóa (ở nước ta thường gọi là Tin học hóa) các quy trình nghiệp vụ nhằm mục đích tự động hóa một phần hay toàn bộ quy trình nghiệp vụ. Xây dựng CQS là dựa vào các công nghệ số để sáng tạo ra phương thức hoạt động mới của bộ máy chính quyền hiệu quả hơn hẳn, đôi khi không phụ thuộc vào quy trình nghiệm vụ. Vì lẽ này, Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhận định “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là về công nghệ”.

Về kinh tế: Nhiệm vụ đặt ra là cần xây dựng nền kinh tế số. Nhiệm vụ này tập trung vào nội dung chính là phát triển cộng đồng các doanh nghiệp số, cụ thể là những doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ số để sáng tạo ra phương thức sản xuất mới, hơn hẳn phương thức sản xuất đang áp dụng hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp chỉ có 2 lựa chọn: hoặc chuyển đổi số để tồn tại và phát triển hoặc tụt hậu và bị loại bỏ bởi quy luật khách quan (hoàn toàn giống các doanh nghiệp hoạt động dựa trên các công nghệ analog đã bị đào thải khi công nghệ digital xuất hiện, như Kodak chẳng hạn). Vì thế, các DN chỉ có một con đường là chuyển đổi số. Ở nước ta, quá trình này không đơn giản vì xuất phát từ nền kinh tế tuyến tính, các doanh nghiệp cần chuyển sang kinh tế tuần hoàn mới mở được cách cổng chuyển đổi số. Vì thế, có doanh nghiệp sẽ thành công, cũng có chiều ngược lại, có những doanh nghiệp mới được thành lập, thích nghi được với môi trường số và nhanh chóng vươn lên (như các start-up).

Về xã hội: Xây dựng xã hội số lấy người dân làm trung tâm. Sự thay đổi cách sống, cách làm việc, học tập, mua sắm, nghỉ ngơi, giải trí,… của người dân dẫn đến sự thay đổi trong mọi hoạt động phục vụ người dân: giáo dục đào tạo, y tế, bảo hiểm, thương mại, vận chuyển, du lịch, nghỉ dưỡng,…

Cuộc CMCN 4 lấy con người làm trung tâm. Tại đây, một văn hóa mới xuất hiện như nét đặc trưng của CMCN 4: “Người dân (đồng thời cũng là khách hàng, là đối tượng phục vụ) được hưởng lợi nhiều nhất, tất cả các nhà cung cấp tìm kiếm lợi nhuận từ phần còn lại”. Vì lẽ này, quá trình chuyển đổi số trong từng cá nhân diễn ra nhanh nhất và dễ dàng nhất. Đơn giản là đối với từng người, cái gì thích thì làm, làm thấy có lợi thì tự nguyện thay đổi thói quen, không bị ràng buộc bởi các yếu tố bên ngoài.

3. Các bước chuyển đổi số

Chuyển đổi số diễn ra với 3 bước chính là số hóa dữ liệu, xây dựng phương thức hoạt động mới dựa trên công nghệ số và chuyển đổi sang phương thức hoạt động mới đó.

3.1 Số hóa dữ liệu (digitization)

Số hóa dữ liệu về bản chất là việc tạo ra phiên bản số của các thực thể (entities – như con người, phương tiện, vật tư,…) hay các đối tượng (objects – như thị trường, chính sách, dự án,…) của thế giới thực. Dữ liệu được số hóa có 2 nguồn gốc: hoặc được số hóa từ các văn bản với sự hỗ trợ của các phần mềm nhập liệu do con người thực hiện (được gọi là dữ liệu văn bản – text data) và dữ liệu được thu thập bởi các thiết bị cảm biến, camera, RFID, UPS,… (thường được gọi chung là các thiết bị IoT) dưới dạng analog, được chuyển đổi thành digital và nhập tự động vào hệ thống (được gọi là dữ liệu số – digital data).  

Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương - Dư lieu so
Dữ liệu số về thực thể “người dân”

Dữ liệu văn bản thường mang tính thống kê, rời rạc, phản ánh những thông tin cơ bản về thực thể hay đối tượng quan sát và được sử dụng phổ biến trong cơ chế quản lý thủ công hay tự động hóa. Ngược lại, dữ liệu số diễn đạt trạng thái vận động hay thay đổi của các thực thể / đối tượng này. Ví dụ dữ liệu về thực thể “con người” cho ta hình ảnh như trên.

Chúng ta thấy, chính khả năng thu thập được những dữ liệu số phản ánh về trạng thái vận động của thực thể “con người” thông qua các thiết bị IoT mà trước kia không thể có đã dẫn đến cơ hội sáng tạo ra những phương pháp quản lý hoàn toàn mới đối với con người. Những phương pháp quản lý con người truyền thống như quản lý nhân sự, hộ tịch, bảo hiểm,… gần như sẽ thay đổi hoàn toàn bằng các phương pháp mới ứng dụng công nghệ số.

Quá trình số hóa sẽ diễn ra theo 2 hướng: Số hóa tài liệu và thu thập dữ liệu số bằng các IoT. Việc số hóa tài liệu được thực hiện bằng nhiều cách, trong đó, quét tài liệu, nhận dạng và tự động tổ chức dữ liệu được số hóa là phương pháp hiệu quả nhất. Ở đây, không phải tất cả mọi tài liệu trên vật mang analog (chủ yếu là giấy) đều được số hóa hết mà có sự lựa chọn theo thực thể hay đối tượng tham gia hệ sinh thái hoạt động của cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp.

Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương - So hoa tai lieu
Số hóa tài liệu – Bước khởi đầu chuyển đổi số

Việc thu thập dữ liệu số bằng các thiết bị IoT được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào thực thể hay đối tượng được giám sát.

Nội dung quan trọng trong số hóa dữ liệu là phải tích hợp được dữ liệu văn bản (được nhập bằng tay hay quét, nhận dạng từ tài liệu giấy) và dữ liệu số (thu thập được bằng các IoT) phản ánh về cùng một thực thể (con người, phương tiện,…) hay đối tượng (dự án, hợp đồng,…).

Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương - Thu thap du lieu IoT
Minh họa thu thập dữ liệu bằng IoT

3.2 Xây dựng phương thức hoạt động mới dựa trên công nghệ số

Với công nghệ số, chúng ta không chỉ có thể cập nhật được đầy đủ dữ liệu về một thực thể (ví dụ “con người”) mà còn kết nối được với các thực thể khác như với gia đình của người đó (các thành viên trong gia đình); nơi ở (thực thể “ngôi nhà” – xây khi nào, theo kiến trúc gì, bằng vật liệu gì,…); phương tiện sử dụng (hãng sản xuất, đăng kiểm,…); đường đến cơ quan/công ty (tên đường, tọa độ,…); đến cơ quan họp với ai (danh sách tham dự, nội dung cuộc họp,…); sau đó đi ăn ở đâu (tên nhà hàng, món ăn,…).

Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương - Phien ban so
Phiên bản số của các thực thể trong không gian số

Điều đặc biệt chỉ khi có công nghệ số mới hiện thực hóa được là khả năng kết nối các dữ liệu giữa các thực thể/đối tượng với nhau theo logic tự nhiên trong không gian số, không hạn chế số lượng các thực thể/đối tượng tham gia.

Đây là chìa khóa vàng mở ra khả năng sáng tạo các phương thức hoạt động mới trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người.

Có thể so sánh nôm na thế này: Trước kia, vì chỉ nắm được một phần của bản chất vận động của thế giới tự nhiên và xã hội nên mọi hoạt động của con người bị đóng khung trong sự hiểu biết đó. Ngày nay, nhờ công nghệ số, những gì chưa biết về thế giới thực xung quanh được mở ra làm cho con người hiểu biết sâu hơm, đầy đủ hơn về thế giới đó. Vì vậy, việc sáng tạo ra những phương thức hoạt động mới dựa trên những hiểu biết đó là đương nhiên.

Đây là thành quả lớn nhất và quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số. Rõ ràng là nhờ công nghệ số, loài người đã sáng tạo ra các mô hình hoạt động mới như Airbnb, Uber, Grab, Fintech, Amazon, Alibaba,…. Tuy nhiên, đó chỉ mới là những sản phẩm đầu tiên xuất hiện trong kỷ nguyên số.     

3.3 Chuyển đổi sang phương thức mới

Đây là quá trình thay đổi về thể chế, về tổ chức và cách thức hoạt động hơn là về công nghệ. Nhiều việc trước kia là rất phổ biến như kế toán, kiểm toán, thống kê, quản lý nhân sự, thiết kế, dịch vụ trích lục, chứng thực…. nay phần lớn khối lượng công việc này sẽ do máy đảm nhiệm. Cũng có nhiều loại công việc mới xuất hiện như trong lĩnh vực tư vấn, phân tích, dự báo, kết nối,… Xã hội phát triển hàng ngày và liên tục nhờ áp dụng phương thức sản xuất mới ngày càng hiệu quả hơn.

Đây là quá trình hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm là tùy vào sự nỗ lực của từng quốc gia, từng địa phương. Nhưng có điều là chắc chắn: đó là quá trình tất yếu khách quan.

“Đây cần là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của tổ chức, từ xây dựng năng lực số đến văn hoá số, xây dựng lộ trình và kế hoạch, từng bước thay đổi theo lộ trình,…” (GS Hồ Tú Bảo).

4. Đề xuất giải pháp và khuyến nghị

4.1 Giải pháp tích hợp đa công nghệ

Chuyển đổi số không phải là quá trình độc diễn của công nghệ số mà cao hơn nhiều, đó là quá trình tiến hóa của xã hội. Vì thế, cần có sự tham gia của tất cả các ngành, các công nghệ.

Thực tế cho thấy công nghệ số giúp nhận rõ trạng thái vận động của mọi thực thể/đối tượng và các mối quan hệ giữa chúng nhưng không thể làm thay vai trò của các công nghệ khác. Ví dụ, nhờ công nghệ số, người ta có thể đo được chi tiết mọi thông số về môi trường ở một địa điểm cụ thể như độ pH, DO, DOD, TSS,… nhưng lại không thể làm thay đổi những thông số đó. Đó là phần việc của những công nghệ khác như công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. công nghệ hóa – sinh, lý – sinh,… với quyền lựa chọn và ứng dụng của con người. Trong thực tiễn chuyển đổi số, hầu như tất cả các công nghệ cao đều có mặt, trong số đó, nổi trội là công nghệ sinh học (đặc biệt là vi sinh), công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới, công nghệ robot và tự động hóa và công nghệ môi trường. 

4.2 Giải pháp liên kết đa ngành.

Quá trình chuyển đổi số tạo ra khả năng hiểu rõ mọi thành phần của từng hệ sinh thái và mối tương tác giữa các thành phần đó.

Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số ở một địa phương - Lien ket da nganh
Cần liên kết đa ngành trong quản lý nuôi thủy sản

Ví dụ việc nuôi thủy sản liên quan đến nhiều ngành/lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, công thương, kế hoạch đầu tư, tài chính, an ninh, truyền thông,… Vì vậy, đây không phải chỉ là trách nhiệm của Sở NNPTNT mà của nhiều sở, ngành.

Ví dụ này minh họa cho nhu cầu thay đổi về phương pháp phối hợp giữa các cơ quan chức năng của bộ máy chính quyền trong thời chuyển đổi số để quản lý nền kinh tế số.

4.3 Trung tâm Đổi mới – Sáng tạo

Bí quyết chuyển đổi số thành công nằm ở khả năng ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến dựa vào các kết quả xử lý dữ liệu trạng thái mà công nghệ số tạo ra để giải quyết nhiệm vụ đặt ra. Trong thực tế, những giải pháp công nghệ này rất nhiều (tại một địa phương có thể tới hàng ngàn giải pháp và thường biến đổi, hoàn thiện). Như thế, cần có địa chỉ và cơ chế để hội tụ những giải pháp công nghệ này chứ không thể tự sáng tạo ra.

Vì vậy, cần lập ra một Trung tâm Đổi mới – Sáng tạo (hay Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số, Trung tâm giới thiệu và chuyển giao công nghệ,… tùy cách gọi) có chức năng:

  • Thu hút, chọn lọc, trình diễn, giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến (bao gồm cả công nghệ số lẫn các công nghệ nghệ khác) phù hợp với nhu cầu của tỉnh.
  • Kết nối, hội tụ các chuyên gia có uy tín trong phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và chuyển đổi số.
  • Tư vấn, đào tạo các doanh nghiệp (và các đối tượng có nhu cầu) trong tỉnh về chuyển đổi số.
  • Xây dựng các chuỗi liên kết theo giá trị Sàn Xuất – Chế biến – Tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ “made in địa phương”.
  • Giới thiệu, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
  • Thu hút, kết nối các nguồn vốn từ xã hội.

Để có thể thu hút được nhiều nguồn lực xã hội một cách mềm dẻo, linh hoạt, trung tâm này cần được xây dựng và điều hành theo mô hình xã hội hóa.

4.4 Khuyến nghị về phát triển cộng đồng doanh nghiệp địa phương

Chuyển đổi số có mục tiêu cao nhất là sáng tạo phương thức sản xuất mới cho nền kinh tế và chuyển đổi sang phương thức sản xuất đó. Vì vậy, việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp địa phương triển khai chuyển đổi số cần được ưu tiên hàng đầu. Khi chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp này được gọi là các doanh nghiệp số. Đó là lực lượng lập nên nền kinh tế số tương lai của địa phương.

5. Kết luận

Ở nước ta, xuất phát từ một nền kinh tế tuyến tính, nhiều yếu tố tiềm năng hay lợi thế chưa được phát huy (như kinh tế biển, logistics, nông nghiệp, du lịch,…), nhưng khi bắt tay vào chuyển đổi số, tất cả những yếu tố đó sẽ được phát hiện đầy đủ và phát huy mạnh mẽ nhằm tạo ra đột phá cho mục tiêu phát triển của nước ta trong kỷ nguyên số.

Chúng tôi tin tưởng rằng, tất cả vì sự phát triển của đất nước, mỗi địa phương sẽ xây dựng cho mình một chương trình chuyển đổi số phát huy được mọi tiềm năng và lợi thế của mình để vững bước vào một cuộc cách mạng mới –  cuộc CMCN 4 ở Việt Nam.

  • Nguyễn Tuấn Hoa
    Chuyên gia phân tích hệ thống

    Chủ tịch hội đồng chuyên gia viện Kinh tế xanh nơi quy tụ các chuyên gia về nhiều lĩnh vực: Kinh tế biển, logistics, IT, công nghệ vi sinh, công nghệ vật liệu mới, AI, Blockchain, công nghệ môi trường, tự động hóa, tài chính, luật,…Nguyễn Tuấn Hoa sinh năm 1949, chuyên gia phân tích hệ thống, được đào tạo tại LX (cũ), Pháp, Mỹ, Úc, có hơn 40 năm kinh nghiệm tư vấn. Đã tham gia tư vấn cho nhiều bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế về xây dựng chiến lược, quản lý dự án, thiết kế hệ thống.

Có thể bạn quan tâm
Người phụ nữ được cấy ghép khuôn mặt từ mô hiến tặng lần hai

Lần thứ hai trong một thập kỷ, một phụ nữ ở New Hampshire có khuôn mặt mới sau lần cấy ghép thất bại đầu tiên.

Mức độ virus tồn tại rất cao trong không khí nơi có bệnh nhân mắc Covid-19

Một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Trung tâm Y tế Đại học Nebraska cung cấp bằng chứng mới về khả năng virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong môi trường, sau khi thu thập các mẫu không khí, bề mặt tại các khu vực chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Cảnh báo: “Mắc trầm cảm và lo lắng cùng lúc, não sẽ to bất thường”

Trầm cảm và lo lắng có ảnh hưởng sâu sắc đến các vùng não liên quan đến trí nhớ và xử lý cảm xúc. Ở những người bị trầm cảm và lo lắng, các nhà nghiên cứu ghi nhận sự co rút ở vùng hải mã. Ngược lại, vùng não amygdala lại tăng kích thước bất thường.

Deepfakes – “tội phạm AI” nguy hiểm nhất 15 năm tới

Nội dung âm thanh hoặc video giả mạo, còn được gọi là ‘Deepfakes’ đã được xếp hạng là lĩnh vực sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) đáng lo ngại nhất trong nhiều năm tới.

Cryogenic: Kỹ thuật đóng băng người chết chờ hồi sinh, chuyện thật như đùa

Một trong những ý tưởng điên rồ nhất là tìm cách đóng băng cơ thể chờ khoa học tiến bộ hơn trong tương lai để hồi sinh. Những tưởng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng hoặc trong các bộ phim giả tưởng, thế nhưng điều này lại đang diễn ra trong thực tế.

Hệ thống cứu hộ AI trên biển: cảnh báo, cứu người đuối nước kịp thời

Hệ thống cốt lõi dựa trên công nghệ thị giác máy tính học sâu, truyền thông tin thời gian thực tới các màn hình trong tháp cứu hộ, phát ra âm thanh báo động khi người bơi gặp nguy hiểm là những điểm ấn tượng khi nói tới dự án này.

Interpol: Tốc độ tội phạm mạng tấn công “đáng báo động” trong đại dịch

Cơ quan cảnh sát toàn cầu Interpol vừa cảnh báo, tỷ lệ tội phạm tấn công mạng “đáng báo động” trong đại dịch Covid-19, chủ yếu tập trung vào những người làm việc tại nhà online.

Cảnh báo: Chứng huyết áp cao kéo dài có thể làm hỏng mạch não, mất trí nhớ

Theo một nghiên cứu mới, tình trạng huyết áp cao xảy ra trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu nhỏ trong não, có liên quan đến chứng mất trí nhớ và đột quỵ sau này.

Vén màn sự thật vì sao có người nhiễm Covid-19 nhưng không bộc phát triệu chứng

Làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 đang càng quét nhiều quốc gia, khu vực khác nhau trên toàn cầu, mức độ phức tạp của dịch bệnh cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 hoàn toàn không có bất kỳ một triệu chứng biểu hiện nào cả. Thậm chí họ hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.

Sắp ra mắt Robot Gundam khổng lồ cao 18 mét “đi bộ như người”

Nhật Bản được xem là vương quốc màu mỡ của những công trình robot sáng tạo bậc nhất. Từ tháng 1 năm 2020, nhà máy Gundam ở Yokohama đã tiến hành chế tạo robot cao nhất thế giới tới 18m có tên là robot Gundam. Cỗ máy khổng lồ này sẽ ra mắt vào tháng 10 tới đây.