Truyền hình thực tế và va đập văn hóa

Chắc bạn vẫn còn nhớ bộ phim đình đám Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog Millionaire) cách đây vài năm kể câu chuyện đổi đời của cậu bé Jamal – một người chơi trong phiên bản Ấn Độ của trò chơi truyền hình toàn cầu Who Wants to Be a Millionaire (Ai là triệu phú ở Việt Nam). Hãy hình dung bạn đang trong bối cảnh đó, loay hoay trước những choáng ngộp ‘toàn cầu’ cùng chúng tôi...

Từ toàn cầu hóa đến địa phương hóa toàn cầu  

Thập niên 1990, một số quốc gia vươn mình trở thành những ‘trung tâm khu vực’ khi xuất khẩu thành công những sản phẩm văn hoá nghe nhìn. Điển hình có thể kể đến Hồng Kông tại Đông Á; Mexico, Brasil khối Mỹ La Tinh; Ấn Độ ở Nam Á; Ai Cập trong cộng đồng Ả Rập; và gần đây nhất là Hàn Quốc có sức ảnh hưởng gần như toàn cầu. Các trung tâm khu vực này làm thay đổi diện mạo văn hóa thế giới, ít nhất là khiến cho nó trở nên màu sắc và phong phú hơn.

Người ta thôi chăm chăm nói chuyện ‘toàn cầu hóa’ (globalisation), họ bắt đầu nói đến tính đa nguyên của các dòng chảy văn hóa. Những ý kiến lạc quan nhìn thấy một sự giao thoa có vẻ như bình đẳng giữa các nền văn hóa trên thế giới. Nhưng trên thực tế, văn hóa trung tâm Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn chiếm vị trí độc tôn, sự ra đời của các trung tâm khu vực dường như lại càng củng cố vị trí của nó. Một mặt, nó vẫn tiếp tục xuất đi những siêu phẩm nghe nhìn khiến cho cả thế giới cuốn theo; mặt khác, nó không xuất khẩu ‘nguyên con’ nữa, mà bán định dạng các chương trình MTV, gameshows và đặc biệt là truyền hình thực tế (THTT).

Giới nghiên cứu giờ đây tập trung vào xu hướng ‘địa phương hóa toàn cầu’ (glocalisation). Thuật ngữ sau đó được dùng trong lĩnh vực thương mại để chỉ sự ‘nhập gia tuỳ tục’ của các tập đoàn đa quốc gia khi hoạt động ở các địa phương. Ngành nghiên cứu truyền thông thì áp dụng khái niệm này một cách vừa vặn với những gì đang diễn ra, kể từ khi THTT – một thể loại đầy quyền năng của văn hoá nghe nhìn ra đời. Quyền năng ở chỗ, đơn giản chỉ là tham gia chương trình truyền hình mang tính toàn cầu, nhưng quốc gia đó lại có được sự thỏa mãn kết nối với thế giới và cảm giác hòa vào dòng chảy đương thời. Tùy theo quy định của định dạng mà người làm địa phương hóa nội dung, với niềm tin là mình làm chủ hoàn toàn chương trình. Khán giả cũng thỏa mãn, cái cảm giác mình thuộc về một quốc gia là thành viên của cái thể thống nhất ấy.

Truyền hình thực tế và va đập văn hóa - 1 newscomau

 Dàn Huấn Luyện Viên của The Voice Australia mùa 2012 có 2 Úc, 1 Mỹ,
1 Anh (Keith Urban, Delta Goodrem, Joel Madden and Seal) thể hiện tính
cách đa văn hoá của quốc gia này. Năm 2013, Ricky Martin sẽ thay Keith
Urban, tỉ lệ này trở thành 1 Úc, 1 Mỹ, 1 Anh, 1 Puerto Rico. Khán giả
không có bất kỳ sự phản đối nào chuyện quốc tịch này, chỉ cần họ là
sao, nói tiếng Anh và đừng có bất kỳ hành động phân biệt đối xử nào
trước công chúng.
(Photo: news.com.au)



Căn tính quốc gia và chủ nghĩa dân tộc hời hợt

Giờ đây khó mà tách biệt cặp phạm trù quốc gia và quốc tế trước những sản phẩm ‘ghép lai’ (hybridity) của THTT: khung chương trình toàn cầu, còn nội dung ‘có vẻ như’ hoàn toàn bản địa.

Thoát khỏi lo lắng có thể bị chỉ trích về việc áp đặt văn hóa như các gói sản phẩm truyền hình thời kỳ trước (chủ yếu là các bộ phim nhiều tập sướt mướt), các quốc gia nhập khẩu THTT được khuyến khích và tự do thể hiện bản sắc văn hóa của mình trên nền format sẵn có, nhìn thấy điều này ngay ở các phiên bản Idol, Got Talent, Next Top Model, X Factor, The Voice… đang có mặt ở khắp mọi nơi.

Giới nghiên cứu cho rằng, THTT có thể nhấn mạnh và làm đậm cái ‘căn tính quốc gia’ (national identity) – một khái niệm nặng về tính tưởng tượng và thương thảo hơn là có thể định tính rõ ràng. Trên truyền hình Úc chẳng hạn, MC liên tục kêu gọi “Australia, hãy bầu cho thí sinh X, thí sinh Y”. Người chiến thắng trong cuộc thi được hiểu là đại diện cho căn tính của quốc gia đó. Nói theo giáo sư người Úc Graeme Turner thì quán quân sẽ là “điển hình có tính quy ước nhất cho tính cách Úc mà có thể hình dung được” và thường là thí sinh “ít gây bối rối nhất” về mặt nhận diện văn hóa.

Tuy nhiên, theo hai nhà nghiên cứu người Phần Lan, Minna Alasma và Mervi Pantti thì kiểu kêu gọi tính dân tộc chủ nghĩa này chỉ mang tính hời hợt và thời điểm. Nó nhằm thỏa mãn mục đích khiến công chúng truyền hình trở thành một khối thống nhất, gắn kết nhất thời, để từ đó kêu gọi sự tương tác qua bình chọn của họ, gần giống như cách mà các chính trị gia vẫn kêu gọi cử tri và những người ủng hộ mình bằng việc nhấn mạnh vào những giá trị, quy ước chung để hướng cử tri vào cái cộng đồng mang tính tưởng tượng gọi là ‘quốc gia’.

Truyền hình thực tế và va đập văn hóa - 2 newscomau JoelandSarah
Joel Madden (HLV) và Sarah De Bono (thí sinh) của The Voice
Australia 2012. Joel Madden (Mỹ) trong khi ngồi ghế HLV luôn tự nhận
mình là người Úc, và đỉnh điểm là trong một lần nhận xét về Sarah De
Bono, anh nói: “Hàng triệu trai Úc sẽ thích em, tôi cũng nguyện làm
một gã trai Úc trong số đó!” – Là bộc phát tự nhiên hay ý thức “địa
phương hóa” quá tốt của những người làm chương trình?
(Photo: news.com.au / wikimedia)


Va đập bản sắc hay mâu thuẫn hệ thống

Người ta tin THTT khuyến khích và tạo ra môi trường cho sự thể hiện bản sắc quốc gia về mặt văn hóa, nhưng giới chuyên môn cũng cho rằng, nó cũng có thể thách thức những giá trị tưởng như đã định hình, cố kết, và từ đó dẫn dắt đến sự ra đời của những hình thức ghép lai văn hóa. Giáo sư Silvio Waisbord ở Đại học George Washington viết “những chương trình THTT là nơi mà các cách hiểu khác nhau về bản sắc văn hóa va đập nhau và liên tục được khái niệm lại”. Chính điểm này làm cho THTT trở nên gây tranh cãi và càng tranh cãi càng thu hút sự chú ý của công chúng, không kể đến những scandal vô tình hoặc cố ý của nhà sản xuất.

Sự tương tác văn hóa giữa định dạng và nội dung có thể dẫn đến sự phủ nhận cái gọi là bản sắc truyền thống để hướng tới điều mà được cho là ‘phổ quát’, là ‘toàn cầu’. THTT, do đó, có khả năng lôi kéo một tầng lớp công chúng từ bỏ những giá trị mà họ cho là đã lỗi thời. Những chuyện này xảy ra không chỉ đối với các quốc gia chậm phát triển trên bản đồ văn hóa thế giới, mà với cả các nước phát triển hơn ở châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển chẳng hạn, nơi diễn ra những xung đột, lên án, thậm chí kêu gọi tẩy chay các chương trình vì nhiều lý do văn hóa hoặc tôn giáo.

Ở Việt Nam, chuyện này càng dễ nhận thấy hơn. Đơn cử những phản đối trên báo chí về việc người cầm cân nảy mực của Vietnam’s Next Top Model cư xử quá thô bạo, thậm chí xúc phạm thí sinh, trong khi ‘văn hóa truyền thống’ của ta vốn trọng sự mực thước, quy phạm. Hay những tranh luận về việc Giọng hát Việt mà không thấy bản sắc Việt ở đâu, mà chỉ thấy cả huấn luyện viên lẫn thí sinh đều nỗ lực ‘Tây Mỹ hóa’ từ phong cách, phát ngôn, cho tới hát xướng, trong một tư thế vừa tự hào được ‘tham gia’ vào một chương trình có độ ‘hot’ nhất nhì thế giới, vừa tự ti vì không thể thoát ra được hai chữ ‘phiên bản’ của cái gốc.

Một nghiên cứu thú vị về chương trình Vietnam Idol, tác giả Long Bùi cho rằng: mặc dù đặt mục đích mang Việt Nam bước vào nền văn hóa toàn cầu, nhưng các chương trình THTT, mà Idol là một ví dụ, lại chỉ tạo ra những cách hiểu đầy mâu thuẫn về ‘văn hóa’, cái gì là Việt Nam, cái gì là Việt-Nam-tính (Vietnameseness). Theo tác giả, những chương trình nhập khẩu như vậy càng tiết lộ vị thế ngoại biên của chúng ta hơn, và câu hỏi về căn tính, nhận diện văn hóa quốc gia so với thế giới vẫn còn bỏ ngỏ với sự tranh cãi không đi về đâu. Bài nghiên cứu dẫn lời nhà sản xuất Roshan Dutt lý giải cho sự kém ăn khách của Vietnam Idol vì “các thí sinh rất tự tin, nhưng luôn tự kiểm soát về tình cảm, điều này làm khó cho một chương trình mang tính thực tế”. Ông cũng thẳng thắn nói rằng Việt Nam là một ca khó nhất và nhiệm vụ nặng nề của ông là huấn luyện những cộng sự Việt Nam tạo dựng một cuộc thi lấy khán giả làm trọng tâm vì “khái niệm này hoàn toàn mới đối với những người làm truyền thông ở đây”.

Lời ông Roshan Dutt một mặt tiết lộ văn hóa Việt Nam được ‘nhìn’ như một nền văn hóa vẫn còn nặng tính tập thể mà nhẹ tính cá nhân; mặt khác, nó cũng tiết lộ rằng việc nhập khẩu định dạng THTT không phải là cái gì ở ngoài văn hóa.

Truyền hình thực tế và va đập văn hóa - 3 vietbao
Ở vòng thi đối đầu Giọng Hát Việt 2012, khi Trọng Khương – Thu Thùy
thể hiện tác phẩm Hương Xưa (Cung Tiến) trong trang phục xưa của Hà
Nội, HLV Hồ Ngọc Hà thốt lên: “… chúng ta không chỉ thể hiện tiếng
Anh xuất sắc, mà tiếng Việt các bạn làm cũng tuyệt vời… đây chính là
The Voice Vietnam, Giọng Hát Việt…” – Nghe có vẻ như nghịch lý. Lẽ
nào trong quá trình hòa nhập, tiếng Việt và cả những
nhận-diện-Việt trở nên khan hiếm và mờ nhạt trên chính quê hương của
nó là một chuyện… dễ hiểu và hiển nhiên? (Photo: Vietbao)


Ngoại biên và nhận diện

Nói về nền công nghiệp văn hóa toàn cầu, hai tác giả Scott Lash và Celia Lury ở đại học London viết: “Quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm văn hóa trong thời đại này là quá trình kiến tạo sự khác biệt”. Manuel Castells, một nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha rất có ảnh hưởng trong lĩnh vực toàn cầu hóa và công nghệ truyền thông, cũng cho rằng một trong hai trục đối lập của quá trình chuyển dịch văn hóa hiện nay chính là ‘toàn cầu hóa văn hóa’ và ‘nhận diện văn hóa’. Tương tác với dòng chảy của những hệ giá trị, tri thức, niềm tin được khuếch tán trên phạm vi toàn cầu, nhận diện của một quốc gia là vấn đề sống còn để một quốc gia không bị gạt ra khỏi xu hướng và mạng lưới. Castells đưa ra quan điểm khá lạc quan rằng, căn tính hay bản sắc trước hết phụ thuộc vào địa lý và lịch sử của đối tượng, nhưng cũng có thể được định hình trên cơ sở những dự án cụ thể của chiến lược tạo dựng và củng cố bản sắc. Đối với một quốc gia nhỏ và đi sau như Việt Nam, nguy cơ trở nên hai lần ngoại biên luôn hiển thị rõ, nhất là trong phạm vi văn hóa nghe nhìn đại chúng: một lần ngoại biên với trung tâm Âu-Mỹ, một lần ngoại biên với các trung tâm khu vực.

Bản sắc văn hóa hay nhận diện quốc gia trong thời đại này không phải chuyện có những người hát được tiếng Anh, có những thần tượng nhìn giống na ná Hàn Quốc, hay là mang nhạc cụ dân tộc lên một chương trình THTT nhập khẩu nào đó. Nó càng không phải là những lời kêu gọi giữ gìn truyền thống suông, những cảm thán nuối tiếc với những giá trị cũ khi đối diện sự thay đổi hay những gạch đầu dòng. Loay hoay đi tìm không mang lại kết quả, cần có chiến lược dài hơi xây dựng một quốc gia thịnh vượng, ở đó mỗi cá nhân được khai mở tâm trí và không xa lạ với những giá trị phổ quát của nhân loại toàn cầu. Sự khác biệt – bản sắc văn hóa – căn tính quốc gia nằm ở chính cách thức loài người đi đến sự tiến bộ, mà không quốc gia nào, cộng đồng nào trên trái đất này giống nhau. Nhưng điều tất yếu là: phải đi thì mới đến!


Đỗ Anh – Tú Trinh
Thế Giới Số Xuân 21.1.2013


Cách đính kèm file lưu trữ đám mây vào Gmail

Phần mở rộng Cloudy cho trình duyệt Chrome giúp người dùng Gmail tải lên và gửi đi các file lưu trong nhiều dịch vụ lưu trữ đám mây khác nhau.

Mẹo “vàng” để tăng độ bền cho màn hình cảm ứng

Sử dụng ốp lưng bảo vệ, dán màn hình, không đặt nơi ẩm, vệ sinh thường xuyên … sẽ giúp người sử dụng tăng độ bền và giữ cho thiết bị luôn hoạt động ổn định.

Ngành công nghệ thông tin: không còn “hot”, nhưng luôn “khát”

Vài năm trở lại đây, ngành CNTT không còn hút sinh viên như trước nữa. Các bạn học sinh không mấy mặn mà với ngành này bởi rất nhiều lý do, trong đó lý do dễ thấy nhất do CNTT không còn là ngành “hot”, tỷ lệ sinh viên ra trường ở lĩnh vực này có việc làm thấp cũng là nguyên nhân khiến các em e dè khi đến với CNTT. Thế nhưng thực tế lĩnh vực CNTT lại đang rất “khát” nhân lực, có rất nhiều cơ hội việc làm tốt, hấp dẫn mà các bạn có thể nắm bắt hoặc tham khảo.

Tại sao năm 2013 là năm của đồng hồ thông minh

Giữa nhiều suy đoán về tương lai của đồng hồ thông minh (smartwatch), thì số người nhất trí thời điểm đã tới đang tăng lên.

AMD tiết lộ chiến lược Unified Gaming tại GDC 2013

Tại diễn đàn các nhà phát triển game GDC vừa qua, AMD ddaxc tiết lộ chiến lược mới của hãng với mục tiêu hướng đến thị trường game toàn cầu. Với “Unified Gaming Strategy”, AMD sẽ dồn toàn bộ sự tập trung cho thị trường game, trong đó bao gồm các hệ máy chơi game, nền tảng game đám mây, máy tính bảng và máy tính cá nhân. Bằng cách kết hợp với các nhà sản xuất phần cứng cũng như các nhà phát triển game, AMD hi vọng hiệu năng xử lý đồ họa trong game của mình sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Các ứng dụng iPhone làm thay đổi thế giới của bạn

iPhone lần đầu tiên tung ra thị trường cách đây gần 5 năm và đã làm rung chuyển cả thế giới. Sự thành công của sản phẩm này một phần là nhờ vào ứng dụng tuyệt vời trên đó. Dưới đây là những ứng dụng làm thay đổi thế giới người dùng.

Học Sử Việt trên di động

Góp phần tạo sự hứng thú trong việc đọc và học Sử, TH&NT xin gửi đến các bạn học sinh những ứng dụng rất hữu ích được xây trên các thiết bị di động Android với các chức năng tra cứu, tìm hiểu và kiểm tra trắc nghiệm những kiến thức lịch sử.

Mẹo đặt lịch gửi tin nhắn tự động cho iPhone

Thông thường để gửi tin nhắn chúc mừng, kỷ niệm thì bạn thường phải soạn tin nhắn và ngồi chờ đúng thời điểm để gửi đi. Giờ đây việc chờ đợi này sẽ được công cụ biteSMS làm thay bạn.

Người dùng làm gì trên smartphone và tablet?

Có bao giờ bạn thắc mắc những người dùng khác sẽ làm gì với chiếc smartphone hay máy tính bảng của họ? Lướt web, check mail, chơi game hay xem ảnh “hot”?

Windows Blue sẽ chính thức lộ diện trong tháng 6

Ít ngày sau khi bản nâng cấp Windows Blue của Windows 8 bị rò rỉ trên Internet, Microsoft đã thông báo về sự kiện Build 2013 dành cho các nhà phát triển sẽ diễn ra vào tháng 6 tới đây, mà nhiều khả năng sẽ là dịp để Microsoft chính thức công bố Windows Blue.