Đổi mới sáng tạo cần có phương pháp tổ chức, cơ chế vận hành cho từng cấp độ

Đổi mới. sáng tạo là động năng của sự phát triển (Nguồn: Bộ KHCN)

Có rất nhiều nội dung cần nghiên cứu để đổi mới và sáng tạo và cũng có nhiều cấp độ thực hiện. Tuy nhiên, để triển khai cần có phương pháp tổ chức, đầu tư và cơ chế vận hành cũng mang tính đổi mới sáng tạo phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới chứ không theo cách truyền thống bảo thủ và kém hiệu quả.

Đổi mới được hiểu nôm na là đổi từ cái cũ sang cái mới, còn sáng tạo là việc tạo ra cái hoàn toàn mới. Nói thì đơn giản như thế nhưng thực hiện thì không đơn giản. Đổi mới và sáng tạo (ĐMST) đã được thực hiện từ xa xưa chứ không phải điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, trong mỗi thời đại, mỗi giai đoạn phát triển, ĐMST có mục tiêu và nội dung khác nhau. Trong thời chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) tạo ra nhiều lợi ích to lớn và cũng chừng đó những thách thức. Vì thế mà người ta chứng kiến sự thay thế những cái cũ bằng những cái mới – sự đổi mới. Quá trình này ảnh hưởng sâu rộng, cả tích cực lẫn tiêu cực toàn xã hội, trong đó, người được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng, người dân. Gọi một chiếc taxi, tìm kiếm một chuyến bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc hay xem một bộ phim – bất kỳ công việc nào giờ đây cũng có thể được thực hiện từ xa một cách dễ dàng với chi phí thấp.

Những thách thức đặt ra bởi cuộc CMCN 4 dường như xuất hiện chủ yếu ở phía Cung – trong thế giới của lao động và sản xuất. Do vậy, đổi mới và sáng tạo chủ yếu tập trung vào phía này. Ngày nay, trong đầu tư, vốn tri thức quan trọng hơn là sức lao động. Vì thế, những người hưởng lợi lớn từ cuộc CMCN 4 là các nhà cung cấp vốn tri thức hoặc vốn vật chất – đó là các nhà cải cách, nhà đầu tư và các bên liên quan. Nội dung đổi mới, sáng tạo chính là nhằm làm tăng vốn tri thức và vốn vật chất này.

Vậy, ở Việt Nam, cần đổi mới, sáng tạo cái gì và như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xác định rõ bối cảnh thực hiện CMCN 4 trong điều kiện cụ thể VN, những tiềm năng, lợi thế và cả các hạn chế của nước ta.

  • Tiềm năng: Tiềm năng lớn nhất của VN là tiềm năng con người. Với khoảng 100 triệu dân, chúng ta có một nguồn nhân lực đủ lớn để phát triển đất nước giàu mạnh, ổn định.
  • Lợi thế: Lợi thế lớn nhất của VN là yếu tố địa chính trị. Nước ta nằm ở trung tâm của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ở điểm giao cắt của những luồng vận động quan trọng nhất của khu vực và quốc tế.
  • Hạn chế: Hạn chế lớn nhất của VN là duy trì nền kinh tế tuyến tính quá lâu. Việc này không những khiến tăng trưởng kém, năng suất lao động thấp, làm cạn kiệt tài nguyên mà nặng nề hơn, nó là điểm tựa cho lối tư duy tuyến tính tồn tại, bám chặt, rất khó thay đổi. Chính vì thế mà trong nhiều chục năm, chủ đề “nâng cao nhận thức” luôn luôn được đặt ra và hầu như không gặt hái được bao nhiêu kết quả. Hạn chế khác là phương thức sản xuất của VN hiện nay là phương thức thủ công – bán tự động. Ở đâu đó, trong một số lĩnh vực hay địa phương, các cuộc CMCN 1, 2 và 3 vẫn đang tiếp diễn và về cơ bản là chưa hoàn thành CMCN 3. 

Với điểm xuất phát đó, trong thời chuyển đổi số, mục tiêu và nội dung đổi mới sáng tạo cần được xác định cho phù hợp. Tùy vào vị thế của từng đơn vị thực hiện ĐMST mà chọn 1 trong 3 cấp độ. Mức cao – là những ĐMST mang tính đột phá cao, tạo ra những thành tựu vượt trội, độc đáo, tầm vóc quốc tế, đóng góp tích cực vào việc thay đổi thứ bậc của VN trên trường quốc tế về làm chủ công nghệ; Mức trung bình – là những ĐMST làm thay đổi mạnh mẽ những quy trình sản xuất đang diễn ra, tạo ra năng suất lao động cao hơn rõ rệt so với trước, nền kinh tế chuyển mình theo xu hướng tích cực; Mức thấp – là những ĐMST mang tính cải cách, nâng cao hiệu quả của những quy trình sản xuất truyền thống.

Dưới đây là những ví dụ gợi mở về 3 mức độ này trong thực tế VN.

ĐMST mức cao

Mục tiêu của việc ĐMST trong mức này là tạo ra những vốn tri thức và vốn vật chất mang tính đột phá cao, mới mẻ, chưa từng có ở Việt Nam (và có thể cả trên thế giới). Những chủ đề ĐMST sau đây mang tính chất đó.

Đổi mới tư duy 

Việc đổi mới tư duy, từ tư duy tuyến tính sang tư duy tuần hoàn, tư duy hệ thống mang tính đột phá rất cao vì mọi việc đều xuất phát từ năng lực tư duy của con người. Tư duy tuyến tính là lối tư duy đối phó kiểu “thủng đâu vá đó”. Ví dụ, thấy triều cường gây ngập thì xây đê bao, thấy xâm mặn thì xây kè ngăn mặn,… Tư duy tuần hoàn đặt vấn đề cần giải quyết vào hệ thống tổng thể lớn hơn nhằm tìm ra nguyên nhân gốc và toàn bộ những gì liên quan để xử lý. Theo đó, triều cường hay xâm mặn sẽ được xử lý bằng cơ chế cân bằng hệ sinh thái tự nhiên (natural balance). Khi chuyển đổi được sang tư duy hệ thống, mọi việc sẽ thay đổi, nếu không, chính tư duy tuyến tính sẽ ngăn cản mọi sự sáng tạo. Trong thời chuyển đổi số – thời của “những sự gãy vỡ – xung đột và các cơ hội” (theo PWC) thì chỉ lối tư duy hệ thống mới hiểu được và giải được mối quan hệ mang tính cách mạng này. 

Chế tạo các CPS thương hiệu Việt Nam

Theo Klaus Schwap, nội hàm chính của CMCN 4 là các hệ thống vật lý – số (cyber physical system – viết tắt là CPS). Đó là các hệ thống hoạt động theo nguyên tắc “Xử lý thông tin trong không gian số để điều khiển các dòng vật lý trong thế giới thực”. Các CPS này làm thay đổi thế giới thông qua việc làm thay đổi phương thức sản xuất của xã hội, từ phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất thông minh hóa. Nói cách khác, các CPS tự động điều khiển các hoạt động trong thế giới thực theo cách của con người như xe tự lái, drone, hệ thống sản xuất thông minh,…

Việc sáng tạo ra các CPS này có thể thực hiện bằng những cách khác nhau nhưng cùng áp dụng chung một nguyên lý là hệ thống phải có khả năng “Xử lý thông tin trong không gian số để điều khiển các dòng vật lý trong thế giới thực”. Trên thế giới, do ảnh hưởng sâu rộng của các cơ chế tự động hóa được phát triển trong CMCN 3 nên xu hướng chung là phát triển các CPS dựa trên các cơ chế tự động hóa (ví dụ theo chuẩn SCADA). Ở Việt Nam, chúng ta có thể chọn phương án mềm dẻo là khuyến khích chế tạo các CPS dựa trên công nghệ trong nước hay quốc tế theo tiêu chí tuân thủ nguyên tắc trên và đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu mà một CPS tiêu chuẩn cần phải có với chi cạnh tranh. Một trong các giải pháp như thế đã ứng dụng trong thực tế thành công là thiết kế và chế tạo các CPS dựa trên hệ điều hành dành cho IoT V-SYS và ngôn ngữ lập trình tự nhiên V-Logic của doanh nghiệp Việt Nam. Do tự sáng tạo được các công cụ lõi để phát triển nên có thể sản xuất hàng loạt các CPS với chi phí thấp, phục vụ cho mọi mặt của đời sống xã hội và xuất khẩu. Đây là hướng phát triển cần được khuyến khích, bao gồm cả xuất khẩu. Việc Việt Nam xuất khẩu các CPS sẽ tạo ra cơn địa chấn về ngành công nghiệp số vì cho đến thời điểm hiện tại, nước ta vẫn đang bị xếp vào nhóm các nước phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong thang bậc phát triển kinh tế thế giới (theo Michael Porter).

Sáng tạo các công nghệ tuần hoàn hóa tài nguyên thương hiệu Việt Nam

Kinh tế VN hiện nay về cơ bản là nền kinh tế tuyến tính (linear economy). Đó là nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô, sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ bán ra thị trường và thải chất thải ra môi trường. Nền kinh tế này có năng suất lao động rất thấp, tạo ra ít giá trị gia tăng (GTGT), làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm mội trường. Muốn vươn lên, làm giàu, VN chỉ có 1 con đường là chuyển sang phát triển kinh tế tuần hoàn (circular economy). Đó là nền kinh tế có khả năng tuần hoàn hóa mọi loại tài nguyên tham gia sản xuất, tái chế, tái sử dụng những gì trước bỏ đi để mang lại GTGT. Nền kinh tế này tạo ra năng suất lao động cao vượt trội, tiết kiệm tài nguyên và không gây ô nhiễm môi trường.

Muốn phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải sáng tạo ra các công nghệ tuần hoàn hóa, ví dụ tuần hoàn đất, tuần hoàn nước trong sản xuất nông nghiệp, tuần hoàn nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất công nghiệp,… Công nghệ tuần hoàn hóa càng sâu thì càng tạo ra GTGT cao. Ví dụ, từ vỏ quả cà phê có thể tạo ra nguyên liệu làm nước giải khát nhưng cũng có thể chế tạo mỹ phẩm hay từ vỏ trấu có thể chế tạo viên nén năng lượng nhưng cũng có thể chế tạo vật liệu bảo quản hữu cơ,… Ở nước ta, công nghệ tuần hoàn hóa có một thị trường rộng lớn để phát triển. Chúng cũng là những sản phẩm được đón nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế.

Thay đổi phương thức đào tạo ở Việt Nam

Đào tạo ở VN cho đến nay vẫn theo phương thức truyền thống: đào tạo kiến thức cho người học đủ khả năng đi xin việc hay như người ta nói: “đào tạo ra sản phẩm trung gian” được trang bị kiến thức nhưng lại chưa sẵn sàng giải quyết những vấn đề thực tế mà nơi tuyển người cần. Trong thời chuyển đổi số, rõ ràng phương thức đào tạo này không đáp ứng yêu cầu đào tạo công dân 4.0. Vì thế cần đổi mới phương thức đào tạo, đổi mới tới mức triệt để. Điều này sẽ mang lại sự đột phá cho đất nước vì mọi nỗ lực phát triển KTXH đều trông vào con người. 

Sự đổi mới này phải bắt đầu từ mục đích tích lũy vốn tri thức của cơ sở đào tạo (trường đại học, trung tâm, viện,…): đào tạo ra những chuyên gia sẵn sàng giải quyết những vấn đề của xã hội bằng tri thức được đào tạo và “sống khỏe” từ sự đóng góp đó. Cần thay đổi chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và xây dựng thương hiệu của mình dựa trên giá trị vốn hóa tri thức. 

Ở đây, sự sáng tạo gắn bó mật thiết với bản quyền sáng tạo. Bằng các công cụ số, mối quan hệ này được quản lý chặt chẽ hơn và dễ kiểm soát hơn so với cách làm truyền thống. “Đóng gói tri thức” và “Đóng dấu thời gian” là những công cụ như vậy.

Tìm hiểu về các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu liên quan đến sở hữu trí  tuệ - TIN TỨC - SỰ KIỆN TRONG NƯỚC - CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Sức sáng tạo và tôn trọng bản quyền sáng tạo là 2 mặt của sự sáng tạo (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

ĐMST mức trung bình

Mục tiêu của việc ĐMST trong mức này là tạo ra những sản phẩm, giải pháp làm thay đổi mạnh mẽ những quy trình sản xuất đang diễn ra, tạo ra năng suất lao động cao hơn rõ rệt so với trước. Nội dung này trùng với việc triển khai chuyển đổi số trong từng lĩnh vực KTXH. Đó là việc ứng dụng các công nghệ cao, tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ số làm thay đổi quy tình sản xuất, từ đó, thay đổi phương thức sản xuất của xã hội. Những chủ đề ĐMST sau đây mang tính chất đó.

Đổi mới cấu trúc tổ chức

Trong một tổ chức, về nguyên tắc, khi mục tiêu thay đổi thì cấu trúc tổ chức phải thay đổi. ĐMST luôn hướng tới các mục tiêu mới. Bởi vậy, khi thực hiện ĐMST, đổi mới cấu trúc tổ chức được xem là nội dung đổi mới quan trọng nhất. Trong thực tế, tùy từng loại hình tổ chức, việc này có thể diễn ra với độ khó khác nhau, khá đơn giản đối với những tổ chức, doanh nghiệp tư nhân nhưng lại rất khó đối với các tổ chức, đơn vị nhà nước vốn bị chi phối bởi rất nhiều quy định. Lấy ví dụ, khi chuyển đổi số, khoảng 30 – 50% số lao động sẽ bị ảnh hưởng do việc làm “bị” máy thay thế. Giải quyết như thế nào cho ổn thỏa không phải là đơn giản nhưng chắc chắc rằng điều này không cản trở được quá trình chuyển đổi số. Vì thế, đổi mới cấu trúc tổ chức nhanh để đón lấy những cơ hội mà CMCN 4 mang lại cần được xem là mục tiêu ĐMST cần đạt tới.

Sáng tạo các giải pháp tuần hoàn hóa tài nguyên trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Ở mức này, việc sáng tạo các giải pháp tuần hoàn hóa có thể dựa trên các công nghệ trong nước hay quốc tế. Đây là lĩnh vực ứng dụng rất rộng vì cùng một công nghệ tuần hoàn hóa có thể xây dựng nhiều giải pháp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cụ thể ở mỗi nơi. Ví dụ tuần hoàn dinh dưỡng ở các vùng đất đồi, nhiễm phèn, xâm mặn hay đất bãi đều có giải pháp khác nhau. Càng có nhiều giải pháp tuần hoàn hóa thì càng có nhiều cơ hội chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn trên diện rộng. 

Sáng tạo quy trình sản xuất tự động thông minh dựa trên ứng dụng các công nghệ số

Là việc tạo ra các CPS dựa trên nền tảng số (của VN hay quốc tế) nhằm ứng dụng vào quy trình sản xuất. Đây được xem là nhiệm vụ trung tâm của ĐMST trong thời chuyển đổi số. Việc tạo ra hàng loạt các CPS áp dung rộng rãi trong mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và doanh nghiệp VN là yếu tố cơ bản của quá trình chuyển đổi số ở VN. 

Xây dựng các chuỗi liên kết theo giá trị

Các tổ chức và doanh nghiệp không có khả năng ứng dụng các thành quả ĐMST như nhau và cũng không đủ khả năng tự làm tất cả mọi việc. Vì vậy, phương án tối ưu để ĐMST đi vào cuộc sống là xây dựng hình mẫu ĐMST và phát triển các chuỗi liên kết theo giá trị với hình mẫu đó ở vị trí trung tâm. Các chuỗi liên kết phổ biến nhất là liên kết giữa các đơn vị ứng dụng công nghệ với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các đơn vị chế biến, logistics, tiêu thụ. Đây là môi trường thuận lợi cho ĐMST phát huy.

Sáng tạo chuỗi dịch vụ logistics thông minh 

Nền kinh tế số có đặc điểm khác biệt so với kinh tế truyền thống là các khâu trung gian giữa Sản xuất và Tiêu dùng bị triệt tiêu. Trong môi trường số, người tiêu dùng biết chính xác những sản phẩm được nhà sản xuất sản xuất ra như thế nào, ngược lại, nhà sản xuất cũng biết rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế người sản xuất lo tập trung sản xuất những sản phẩm tốt nhất, có chất lượng nhất, người tiêu dùng yên tâm sử dụng với sự tin cậy. Điều này chỉ có thể diễn ra khi mọi thông tin là minh bạch: từ hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa đến chuỗi các dịch vụ logistics, đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Việc này chỉ có thể thực hiện được nhờ ứng dụng các công nghệ số, sử dụng các IoT đê thu thập và cập nhật dữ liệu và các cơ chế chấp hành thực hiện các thao tác hay kiểm soát các tác vụ, thực hiện giao dịch mua bán qua sàn thương mại số, thanh toán online. Trong thực tế, việc sáng tạo chuỗi dịch vụ logistics thông minh chính là chìa khóa giải quyết vấn đề bức xúc bấy lâu nay là loại bỏ các khâu trung gian (thương lái, thuê mặt bằng, cửa hàng, nhân viên bán hàng,…). Việc này giúp giảm sâu giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng mà các bên tham gia cung ứng sản phẩm vẫn có lời.  

Chế tạo các trợ lý số

Đây là một trong những lĩnh vực khuyến khích ĐMST mạnh mẽ nhất và hấp dẫn nhất vì tất cả mọi tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí là cá nhân trong mọi lĩnh vực đều có nhu cầu sử dụng trợ lý số. Trợ lý số được phát triển dựa trên các công nghệ số nhằm phục vụ, hỗ trợ con người trong hoạt động hàng ngày: học tập, nghiên cứu, điều hành công việc, tổng hợp, báo cáo,… Có rất nhiều loại trợ lý số, cao cấp như robot trợ giảng trong trường đại học, trợ lý chính sách của các chính khách, đơn giản, rẻ tiền như trợ lý kho, trợ lý tiếp tân, cơ chế nhắc việc,… Vì có nhu cầu cao như vậy nên đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho tư suy sáng tạo không giới hạn.

ĐMST mức thấp

Mục tiêu của ĐMST ở mức này là tạo ra các sản phẩm, giải pháp mang tính cải cách, nâng cao hiệu quả của những quy trình sản xuất truyền thống. Đây là những  nội dung đơn giản, dễ thực hiện và ở chừng mực nhất định, mang lại những đóng góp đáng kể cho phát triển KTXH, đặc biệt là khi chúng được áp dụng phổ cập, rộng rãi trong xã hội. 

Đổi mới, cải cách bộ máy

Chưa tới mức tái cấu trúc tổ chức nhưng những điều chỉnh, đổi mới, cải cách cách thức hoạt động của bộ máy của tổ chức hay doanh nghiệp cũng mang lại những kết quả nhất định. Đổi mới công tác tiếp tân bằng cách sử dụng tiếp tân số, đổi mới phương pháp chấm công bằng thẻ hay quét vân tay bằng phương pháp sử dụng IoT nhận dạng trực tiếp, áp dụng trợ lý kho hỗ trợ các thủ kho và cơ chế tự động báo cáo xuất nhập kho,… là những đổi mới như thế.

Giải pháp chăm sóc sức khỏe từ xa

Với công nghệ số, hoàn toàn có thể lập y bạ số cho từng cá nhân và y bạ đó được cập nhật mỗi lần khi cá nhân đó khám, chữa bệnh dù là ở các cơ sở y tế khác nhau. Các thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa ngày càng rẻ và tiện dùng giúp xác định trạng thái sực khỏe của người bệnh nhằm ứng phó kịp thời. Cách làm này vừa chủ động chăm sóc sức khỏe người dân vừa giảm tải cho các bệnh viện trung tâm khi nhiều trường hợp có thể xử lý tại chỗ. 

Giải pháp giữ xe thông minh

Phương pháp giữ xe thủ công hiện nay có nhiều hạn chế và phiền toái. Ứng dụng công nghệ số có thể giải bài toán này một cách linh hoạt và hiệu quả hơn nhiều bao gồm cả việc tìm chỗ gửi, xây dựng hệ thống giữ xe lẫn cơ chế nhận – giao xe tự động.

Giải pháp quan trắc môi trường bằng công nghệ số

Các hệ thống quan trắc môi trường truyền thống nặng nề, cố định, đắt tiền sẽ được thay thế bằng những hệ thống quan trắc môi trường nhỏ, gọn, linh hoạt, có thể di chuyển,  có thể đặt vào những vị trí trước đây không đặt được như dưới hố khoan địa chất, trong lòng đê hay kè chắn sóng. Ở mức cao hơn, các hệ thống này còn gắn với các cơ chế chấp hành để điều khiển quá trình xử lý môi trường tự động phù hợp với trạng thái đo được. 

Giải pháp cung cấp dịch vụ công thông minh

Đây chắc chắn là nội dung mà người dân trông đợi nhất trong chương trình xây dựng chính quyền số của chính phủ. Những giải pháp số hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ công như trích lục văn bản, xác nhận, công chứng,… mang lại nhiều lợi ích cho người dân và đi cùng với nó là sự hài lòng. Việc phát triển các dịch vụ công số hoàn toàn trong tầm tay của các doanh nghiệp công nghệ trong nước.

Kết luận

Như trên chúng ta thấy có rất nhiều nội dung cần nghiên cứu để đổi mới và sáng tạo và cũng có nhiều cấp độ thực hiện. Tuy nhiên, để triển khai cần có phương pháp tổ chức, đầu tư và cơ chế vận hành cũng mang tính đổi mới sáng tạo phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới chứ không theo cách truyền thống bảo thủ và kém hiệu quả. Những yêu cầu đó là:

Về tổ chức: Các tổ chức nghiên cứu và triển khai ĐMST (trung tâm, viện, bộ phận,…) cần do các doanh nghiệp hay hiệp hội ngành nghề lập ra vì hoạt động ĐMST phải tuân theo cơ chế thị trường, nếu không sẽ rơi vào hình thức. 

Về đầu tư: Cần có nguồn vốn xã hội hóa, xã hội đầu tư để phục vụ phát triển xã hội. Việc ĐMST tạo ra các nguồn vốn tri thức và vật chất có giá trị cao nên đó là cơ hội của các nhà đầu tư có tầm nhìn xa vì thế không sợ thiếu vốn.

Về quy chế vận hành: Phải là cơ chế thị trường, ĐMST có mang lại lợi ích thực sự cho khách hàng (tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) hay không là lý do mà nó tồn tại. Có xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi và quyền hạn rõ ràng trong hoạt động ĐMST thì mới thu hút được chuyên gia giỏi và vận hành hiệu quả. Các cơ sở ĐMST phải là những đơn vị làm kinh tế giỏi, có năng suất lao động rất cao và chế độ ưu đãi cao đối với lực lượng sáng tạo. 

ĐMST về bản chất, khi hoạt động hiệu quả, là nơi hội tụ nguyên khí quốc gia. Vì thế, đây không phải là một đề tài, một xu thế mà là một trách nhiệm cao cả của cả người đầu tư, người tham gia và người sử dụng những kết quả ĐMST đó.

Có thể bạn quan tâm
“Sài Gòn Thương” khám bệnh từ xa miễn phí cho bà con vùng dịch

Sài Gòn Thương là tên chương trình tư vấn và khám bệnh từ xa miễn phí với các bác sĩ uy tín, cho bà con gặp khó khăn trong vùng dịch ở TPHCM, từ đây đến hết giai đoạn giãn cách.

Phim trường ảo sẽ sử dụng The Wall của Samsung làm công nghệ chính

Samsung vừa công bố quan hệ hợp tác với CJ ENM, tập đoàn thành công với phim “Ký Sinh Trùng” (Parasite) trong việc xây dựng một phim trường ảo,sử dụng công nghệ màn hình của The Wall làm giải pháp chính.

Bosch ra camera giám sát bằng AI, có thể dự đoán tình huống

Camera AUTODOME IP starlight 5100i là camera có lớp vỏ chống phá hoại, ý tưởng để sử dụng cho việc giám sát toàn thành phố, tích hợp AI có thể dự đoán tình huống và cung cấp các lựa chọn xử lý.

Kỹ sư Việt chiến thắng cuộc thi AI uy tín của Mỹ

Hai kỹ sư Nguyễn Quán Anh Minh (AI Engineer, sinh năm 1997) và Nguyễn Tuấn Khôi (Data Engineer, sinh năm 1994) đang làm việc ở Zalo vừa đạt Quán quân tại cuộc thi ‘Show US the Data’ do Coleridge Initiative (Đại học New York) tổ chức trên trên Kaggle, nền tảng thi đấu về trí tuệ nhân tạo uy tín nhất thế giới.

150 nhân sự công nghệ của Viettel hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn ở TPHCM

Ngày 21/7, 150 CBNV Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã sẵn sàng hỗ trợ TPHCM trong công tác vận hành, ứng dụng Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia trong đợt tiêm chủng quy mô lớn. Trước đó, lực lượng này đã có 1 tuần để diễn tập và tập huấn cho 10 điểm tiêm tại 10 quận, huyện của thành phố.

VNPT triển khai hạ tầng phục vụ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV

Sáng ngày 20/7/2021, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã chính được khai mạc, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được lựa chọn là đơn vị triển khai hạ tầng kỹ thuật phục vụ kỳ họp cần nhiều ứng dụng trực tuyến này.

10 bước thực hiện chuyển đổi số (Kỳ 1)

Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên, đây là một quá trình tiến hóa mà các tổ chức hay doanh nghiệp không thể tự triển khai độc lập được mà cần có sự trợ giúp của các nhà cung cấp giải pháp (bao gồm cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện).

Nền tảng “Sài Gòn Bao Dung” nối người cho và người nhận

VNG vừa chính thức ra mắt Dự án “Sài Gòn Bao Dung”, một nền tảng công nghệ giúp cho các đơn vị thiện nguyện uy tín trên địa bàn TPHCM, các tấm lòng giúp đỡ trên cả nước và những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch Covid-19 kết nối với nhau.

Chuyển tiền bằng Ví MoMo ngay trên ứng dụng chat Viber

Ứng dụng chat Viber đã công bố hợp tác với MoMo, giúp người dùng có thể thực hiện các thao tác chuyển tiền, chia tiền hay nạp tiền điện thoại ngay trên ứng dụng.

Trang hướng dẫn nhanh đến điểm bán hàng thiết yếu gần nhất ở TPHCM

Dựa trên danh sách 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố do TPHCM giới thiệu, 2 bạn trẻ đã lập trang web (tối ưu hóa cho điện thoại) nhằm giúp người dân có thể được hướng dẫn trực quan và nhanh chóng có được hàng hóa thiết yếu mình cần trong những ngày giãn cách.