“Tranh do trí tuệ nhân tạo vẽ bất ngờ bán giá 432.000 USD” có thể chỉ là một dòng tin rất ít thu hút trong bể thông tin ồn ào, giật gân và nhiễu loạn ngày nay. Thế nhưng, về mặt lịch sử loài người, lịch sử trí tuệ và lịch sử sáng tạo, có thể nói thế giới đã sang trang. Vì xưa nay con người được cho là chủ nhân của độc quyền sáng tạo, nay điều ấy không còn nữa.
Xin nhắc lại, bức tranh Chân dung của Edmond Belamy do trí tuệ nhân tạo (AI: artificial intelligence) vẽ đã lên sàn Christie’s New York hồi 25/10/2018 với giá dự kiến từ 7.000-10.000 USD, kết quả bán 432.000 USD, ngoài mức tưởng tượng. Mà đây chưa phải là tác phẩm đầu tiên do AI sáng tạo được bán, đơn cử như hồi tháng 2/2018, Obvious đã bán tác phẩm Le Comte de Belamy cho nhà sưu tập Nicolas Laugero-Lasserre ở Paris với giá 11.430 USD.
Vì sao AI vẽ được tranh? Đây là kết quả của một thuật toán trí tuệ nhân tạo phức tạp có tên Generative Adversarial Network (GANs, tạm dịch: Hệ thống đối kháng sản sinh). Đây là sản phẩm của Công ty Obvious, do một nhóm sinh viên-họa sĩ 25 tuổi sáng lập tại Paris (Pháp), gồm Hugo Caselles-Dupré, Pierre Fautrel và Gauthier Vernier. Kết tập khoảng 15.000 tranh chân dung từ thế kỷ 14 đến 20, “nghệ sĩ nhân tạo” dựa vào đó vẽ nên bức 15.001. Nhiều người bảo thủ chống đối việc này, nhưng thực ra nghệ sĩ cũng làm như vậy thôi, vì sáng tạo là quá trình tích lũy và tái dựng những gì đã thấy, đã cảm theo một cách khác đi.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay vẫn còn nhiều tôn giáo, trong đó có một đạo đông giáo dân bậc nhất thế giới, cấm vẽ tranh chân dung. Vì họ quan niệm chỉ có thượng đế mới đủ sức làm nên con người, nên vẽ tranh chân dung là ví mình ngang với thượng đế, là phạm thượng.
Qua dấu tích khảo cổ học, hội họa có lẽ là lĩnh vực nghệ thuật sớm nhất của loài người. Bằng chứng di truyền và hóa thạch cho thấy loài vượn nhánh homo sapiens (người khôn ngoan) và loài tiến hóa nhánh chimpanzee (gần giống người) đã “đường ai nấy đi” từ khoảng 5 triệu năm trước. Sau khi “giang hồ” một thời gian dài đáng kể, nhánh homo sapiens mới tiến hóa gần mức người tiền sử vào khoảng 200.000 năm trước tại châu Phi, sau đó đạt tới hành vi hiện đại vào khoảng 50.000 năm trước. Có hành vi hiện đại là có nghệ thuật. Những bức tranh được cho là đầu tiên ra đời trên các vách hang động khoảng 40.000-30.000 năm trước. Như vậy, với chính lịch sử loài người, khi còn chưa định hình tôn giáo, vẽ tranh đã là một “vấn đề nhạy cảm”, một cột mốc nhận thức, một cuộc cách mạng vĩ đại.
Như vậy là, từ nhân tạo cho đến tranh của trí tuệ nhân tạo, dù loài người có kế thừa của nhiều loài đã tuyệt chủng, nhưng cũng mất hơn 3,4 triệu năm để thực hiện được.
Công cụ hái lượm, săn bắt có lẽ là những vật nhân tạo/sáng tạo – vốn không sẵn có trong tự nhiên – đầu tiên của loài người, hoặc loài có trí tuệ tương tự. Cũng có nhánh tiến hóa giống như loài homo sapiens, loài australopithecus afarensis – quen gọi là Lucy – cũng thuộc họ người, sống từ khoảng 3,9 tới 2,9 triệu năm trước, sau đó tuyệt chủng. Giới khảo cổ cho biết họ đã tìm thấy công cụ nhân tạo của Lucy từ khoảng 3,4 triệu năm trước. Như vậy là, từ nhân tạo cho đến tranh của trí tuệ nhân tạo, dù loài người có kế thừa của nhiều loài đã tuyệt chủng, nhưng cũng mất hơn 3,4 triệu năm để thực hiện được. Từ khía cạnh này, khi đứng trước bức Chân dung của Edmond Belamy nghĩa là ta đang đứng trước một hành trình kế thừa cả 3,4 triệu năm.
Nếu cách mạng nông nghiệp mất hàng trăm ngàn năm để hoàn thiện, thì công nghiệp mất vài trăm năm, còn công nghệ chỉ mất vài chục năm. Trước đây, khi đến các đại công xưởng, sẽ thấy hàng ngàn công nhân làm việc theo ca, bây giờ là hàng trăm robot làm việc bất kể ngày đêm. Bức tranh của nghệ sĩ trí tuệ nhân tạo GANs chỉ là một trong vô vàn các sáng tạo đang sắp thành hiện thực. Nếu AI tập trung vào vẽ tranh, thì chắc chỉ một hai thập niên nữa thôi, ngoài phân biệt tranh thật tranh giả, giới chơi tranh còn phải phân biệt tranh nhân tạo và tranh trí tuệ nhân tạo.
Xét về nghệ thuật tạo hình, bức Chân dung của Edmond Belamy có thể chưa hoàn chỉnh, chưa thật sự đẹp. Thế nhưng, nếu so với những bức tranh đầu tiên của loài người, thì cũng không đến mức xấu hơn.
Xét về nghệ thuật tạo hình, bức Chân dung của Edmond Belamy có thể chưa hoàn chỉnh, chưa thật sự đẹp. Thế nhưng, nếu so với những bức tranh đầu tiên của loài người, thì cũng không đến mức xấu hơn. Ở khía cạnh vẽ, thời kỳ đầu loài người chỉ mô tả lại hiện thực, trong khi AI thì không chỉ có vậy, với nhu liệu đã có, chúng có thể vẽ bất kỳ thể loại nào. Khả năng học, tự học và sức tiến bộ, tiến hóa của AI đến mức nào thì thật khó xác định, chỉ biết rất nhanh, nhanh gấp con người hàng ngàn hàng triệu lần.
Năm 2018, lương trung bình của ngành trí tuệ nhân tạo trên thế giới là 120.000 USD/1 năm, nhưng vẫn khan hiếm nhân lực. Nhiều tiên đoán nói rằng sẽ đến lúc AI không cần sự giúp sức của con người nữa, vì chúng tự duy trì nòi giống AI, tự tiến hóa. Nếu điều này diễn ra, thì việc viết một lịch sử mỹ thuật AI nên bắt đầu ngày từ bây giờ, kẻo không kịp.