Để những kiêu hùng lên tiếng

Việt Sử Kiêu Hùng

“Một sự kiện nghệ thuật hiếm thấy và vô cùng thú vị. Tôi nghiêng mình cảm phục!”, đó là những chia sẻ đầy cảm xúc của nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc sau buổi công chiếu “Tử chiến thành Đa Bang” của nhóm Việt Sử Kiêu Hùng.

Không ồn ào như những buổi công chiếu phim thường thấy ở Việt Nam. Sự kiện diễn ra trong một rạp chiếu phim nhỏ. Trên màn hình cỡ lớn, từng nét vẽ, chuyển động được chăm chút tỉ mỉ đang kể về khúc tráng ca tử chiến của vua tôi nhà Hồ từ hơn 600 năm trước. 

Lịch sử bi tráng như thế sao, lịch sử có những câu chuyện kiêu hùng, các hình ảnh ngợp mắt như thế sao? Tôi phải tự nhận mình không phải người đam mê lịch sử mặc dù tôi có 3 năm phổ thông học chuyên sử, sau đó là 4 năm “dùi mài kinh sử” trên giảng đường trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Vậy nên trong suốt thời gian theo dõi đoạn phim “Tử chiến thành Đa Bang”, trong đầu tôi luôn lởn vởn hai câu hỏi: Những sự kiện tôi vừa được xem có thật trong lịch sử? và những thước phim diễn hoạ dã sử kia không thể do một nhóm bạn trẻ không tên tuổi làm thành, phải là một ekip hùng hậu mới có thể làm được như thế vì làm phim hoạt hình không phải chuyện đơn giản.

Khởi sinh từ vô lý

Một tỷ đồng mỗi giây là chi phí sản xuất của phim “Công chúa tóc dài” (Tangled – 2010) được hãng phim hoạt hình lớn nhất thế giới – Walt Disney công bố. Với những hãng phim non trẻ thì kinh phí sẽ còn đội lên gấp nhiều lần. 

Cùng những đột phá về cộng nghệ điện toán, phim hoạt hình đã và đang khơi mào cho cuộc cách mạng nghệ thuật và kỹ thuật. Từ những siêu máy tính mà Walt Disney dùng để khiến cả thành phố sống động trong “Big Hero 6”, đến những công nghệ mô phỏng chất liệu siêu thực của Pixar… Tất cả đều giúp công việc sản xuất phim hoạt hình trở nên dễ dàng hơn, sống động hơn, và vượt xa tưởng tượng của khán giả. Tuy nhiên, đột phá công nghệ không phải là lời giải cho vấn đề chi phí.

Chưa nói đến yếu tố nghệ thuật, vì đó là thứ khó có thể đong đếm và định lượng bằng những con số. Chỉ cần kể đến yếu tố kỹ thuật gồm nhân sự, thiết bị, và công nghệ với những hệ thống siêu máy tính, những phần mềm thiết kế riêng… đã khiến chi phí sản xuất một bộ phim hoạt hình “cao đến vô lý”.

Kinh phí là thứ khiến mọi hãng phim trên thế giới đều phải đau đầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ, đó là lý do vì sao cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một bộ phim chiếu rạp bán vé nào là phim hoạt hình.

Bộ phim hoạt hình đáng chú ý nhất của Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây có lẽ là “Dưới bóng cây”, một bộ phim hoạt hình 3D dễ thương và tạo được tiếng vang lớn nhưng vẫn chưa thể chiếu rạp với mục đích thương mại. Sau 6 năm ra mắt, khán giả vẫn chưa được thưởng thức phần hai của chú Chuột thích làm người hùng.

Đó là lý do khiến tôi luôn hoài nghi: Một nhóm những người trẻ tay mơ bằng cách nào có thể giữ chân khán giả suốt 22 phút trước màn hình rạp chiếu phim bằng một bộ phim diễn họa chứ đến mức hoạt hình về lịch sử.

Theo anh Huỳnh Tuấn Anh, đạo diễn phim Lô Tô: Một phim chiếu rạp thông thường thì chi phí sản xuất cũng đâu đó 10-12 tỷ. Nhưng muốn làm một phim hoạt hình thì kinh phí thấp nhất cũng phải gấp rưỡi, thậm chí gấp 2-3 lần. Nhưng đó chỉ mới là ước tính, vì tới giờ vẫn chưa có một phim nào của Việt Nam sản xuất để chiếu rạp bán vé mà là phim hoạt hình. 

Dù không tính tới chất lượng chiếu rạp, giá cho animation video cho quảng cáo, thương mại,… thì giá trung bình bèo nhất cũng phải 40 triệu đồng/phút đối với 2D và khoảng 100 triệu/phút đối với 3D, và sẽ cao hơn gấp nhiều lần nữa tùy theo độ phức tạp của yêu cầu từ khách hàng. 

Chưa kể nhân sự trong mảng này hiện tại rất thiếu. Thế nhưng một nhóm người trẻ có kỹ thuật, nhạy bén với công nghệ lại bỏ qua cơ hội kiếm tiền để theo đuổi một dự án cộng đồng phi lợi nhuận mang tên – Việt Sử Kiêu Hùng.

Giở những trang buồn để mạnh hơn

Tôi bắt đầu biết đến dự án Sử Việt kiêu hùng từ giữa năm 2017. Ngay từ khi ra mắt những tập phim thử nghiệm mang tên: Võ Tánh, Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành, dự án đã khiến cộng đồng mạng tò mò, đặc biệt là những người trẻ. Đến đầu năm 2018, series “Tử chiến thành Đa Bang” ra mắt hồi một thì dự án ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng.

“Đầu tiên tụi mình không nghĩ gì lớn lao, chỉ mong làm gì đó về lịch sử để truyền cảm hứng cho mọi người. Cả nhóm chọn trận chiến Đa Bang làm dự án chính thức đầu tiên bởi tính bi tráng và tầm quan trọng của trận chiến này. Đây tuy là một trận thua, nhưng lại có một vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử mà ít người biết đến. Có lẽ qua trận này, chúng ta sẽ có nhiều điều đáng để nhìn lại và suy ngẫm”, Trần Tuấn – trưởng dự án Việt Sử kiêu hùng chia sẻ.

Hồi một mang tên “Giấy” kể về bối cảnh cuộc chiến chống quân xâm lược Minh của vua tôi nhà Hồ. Thành Đa Bang được dựng lên nằm trong phòng tuyến chống giặc vô cùng kiên cố dài tới 700 dặm, đây là nơi đã diễn ra trận chiến quyết liệt xoay chuyển vận mệnh đất nước. Để ra mắt khán giả trong vòng 15 phút, nhóm đã mất khoảng 3 – 5 tháng đầu tư về hình ảnh, âm thanh, trang phục. 

Phải đến gần một năm sau, phần tiếp theo của Tử chiến thành Đa Bang mới được công chiếu. Hồi hai mang tên “Sắt” mất khoảng 5 tháng để hoàn thành. “Ngoài các yếu tố về nội dung, phần hai gặp nhiều khó khăn hơn. Bọn mình phải đảm bảo chất lượng hình ảnh để có thể chiếu trong rạp. Máy móc của nhóm cũng không đủ mạnh để có thể làm việc liên tục 24/7. Nhiều khi phải ngồi chờ hai ngày trời cho một cảnh duy nhất, rồi thấy sai, lại sửa và xuất lại. Máy móc nhiều khi “lăn đùng ra chết”, kinh phí phát sinh nhiều, việc phợp với các đối tác về âm thanh, lồng tiếng không phải lúc nào cũng thuận tiện”. 

Theo đại diện nhóm Sử Việt Kiêu Hùng, chi phí cho dự án làm phim lịch sử này hết khoảng 600 triệu. Nguồn thu chủ yếu dựa vào kêu gọi tài trợ, nhưng trên thực tế các dự án gây quỹ của nhóm vẫn chưa đủ số tiền này. “Càng làm thì càng có nhiều phát sinh, nhiều khi bọn mình phải bỏ tiền túi ra để tiếp tục dự án, thành ra bây giờ ai cũng đều là con nợ cả. Nhưng rồi bằng cách này hay cách khác, bọn mình vẫn tiếp tục và phần hai của Tử chiến thành Đa Bang vẫn ra mắt như đã hẹn”, Trần Tuấn nói.

Lịch sử là một cơ hội

Lịch sử xoay vòng, đến một lúc nào đó người ta lại quay về với những giá trị truyền thống bằng cách tiếp cận mới vẻ và sáng tạo hơn. Như cách NSƯT Thành Lộc nói về nhóm Sử Việt kiêu hùng: Đó là một nhóm những bạn trẻ, rất trẻ có trí thức, có nhiệt huyết, có lòng yêu nước nồng nàn. Có nhiều thứ để tôi quý mến họ, duy có một thứ mà họ không bao giờ có đủ nên cứ phải chạy vạy khắp nơi để xin xỏ, để tích cóp mà thực hiện điều mình ấp ủ, đó là tiền.

Theo Trần Tuấn, khi nói về sử Việt Nam chúng ta nhắc đến những chiến công hiển hách và né tránh những trận thua, không dám đối mặt với những mất mát, tổn thất đau thương. Đó là lý do nhóm chọn một trận thua để nói lên rằng chúng ta phải dám nhìn vào thất bại trong quá khứ, học hỏi từ đó, mới có thể thành công trong tương lai. “Dù thắng hay thua, thành hay bại, đó đều là những trang sử kiêu hùng của dân tộc mà không ai được phép lãng quên”.

Ngoài ra, sự ít nổi tiếng của trận chiến này cũng là một lợi thế, vừa gợi tò mò của cộng đồng, vừa giảm được áp lực “chỉ trích”. Một phần nhóm làm dự án để thoả niềm đam mê và thử sức mình. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi mong có thể như ngọn đuốc mồi, giữ lửa và truyền niềm đam mê sử Việt đến nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Chúng tôi rất mong tất cả người Việt đều có thể làm gì đó để chung tay vì sử Việt, để không ai quên đi dòng máu kiêu hùng đang chảy trong huyết quản của chúng ta. Cho dù bạn đang ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần vẫn giữ được sự tự hào ấy, đó chính là nước Việt ta vậy”, trưởng nhóm Trần Minh Tuấn nhắn nhủ.

May mắn là chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Điều khiến chúng tôi vui nhất là sự quan tâm của nhiều bạn trẻ với dự á. Có bạn học sinh cấp 3 đã khóc khi kể về điểm 10 đầu tiên trong môn lịch sử khi dùng bộ phim của nhóm để thuyết trình. Nhiều bạn cũng để lại nhiều bình luận rát thú vị như “120 phút phim Holywood tôi chỉ cười, 22 phút của “sắt” tôi chỉ khóc”, đó ít nhiều là những thành công khiến nhóm có thêm động lực để tiếp tục dự án.

Trong năm 2019, nhóm dự định làm sẽ kể về trận Lam Sơn, một trận chiến không kém phần khốc liệt với “Tử chiến thành Đa Bang”. Nhóm cũng mong muốn xuất bản sách lịch sử; xa hơn nữa là các tập phim sẽ được phát sóng trên truyền hình, tại các viện bảo tàng hay trường học. Sự quan tâm của cộng đồng, nhất là người trẻ sẽ là một lợi thế của dự án phổ biến lịch sử này. Hi vọng các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy bước để phát triển dòng phim dã sử Việt theo cách này còn là một cơ hội kinh doanh, để đồng hành cùng những người trẻ mê sử này.

Thế giới đã đổi khi AI vẽ tranh sơn dầu

“Tranh do trí tuệ nhân tạo vẽ bất ngờ bán giá 432.000 USD” có thể chỉ là một dòng tin rất ít thu hút trong bể thông tin ồn ào, giật gân và nhiễu loạn ngày nay. Thế nhưng, về mặt lịch sử loài người, lịch sử trí tuệ và lịch sử sáng tạo, có thể nói thế giới đã sang trang. Vì xưa nay con người được cho là chủ nhân của độc quyền sáng tạo, nay điều ấy không còn nữa.