Windows Phone: Đã đến cuối đường?

Hơn một năm sau khi mua lại mảng di động của Nokia với giá gần 7,2 tỷ USD theo quyết định của cựu Tổng Giám đốc Steve Ballmer, Microsoft đã phải thừa nhận không chính thức rằng đó là một sai lầm quá sức tốn kém, buộc hãng phải sa thải tới 4/5 lực lượng lao động của Nokia và gánh vác khoản thua lỗ lên tới 7,6 tỷ USD.

Tổng Giám đốc mới Satya Nadella mới đây đã viết một email nội bộ gửi đi toàn công ty. Nội dung được viết bằng một văn phong chung chung (như thường thấy), chủ yếu nhấn mạnh lại thông điệp rằng sứ mệnh của tập đoàn là phải “xây dựng và mở rộng một hệ sinh thái Windows năng động”. Thế nhưng ẩn ý toát lên từ email đó lại hoàn toàn trái ngược với sự lạc quan bề nổi: Tất cả đều xoay quanh câu chuyện sa thải và thừa nhận thất bại.

Phản ứng trước email này, ngay lập tức, giới truyền thông đã đồn đoán về việc Microsoft chuẩn bị tháo chạy khỏi mảng kinh doanh di động. Xác nhận từ một nguồn tin nội bộ của Microsoft với Bloomberg đã khẳng định rằng, hãng sẽ không từ bỏ smartphone trong ít nhất là 2 năm nữa. Nhưng chắc chắn, câu hỏi liệu có khả năng và khi nào thì Microsoft khai tử Windows Phone không thể dễ dàng bị xua tan. 
 
Hiệu ứng Osborne
 
Năm 1983, máy vi tính khi ấy mới còn đang thuở trứng nước. Tập đoàn Máy tính Osborne, với tham vọng thách thức hãng số 1 lúc bấy giờ là IBM, đã tung ra thị trường mẫu máy tính cầm tay Osborne 1. Hầu hết doanh thu của tập đoàn đều trông cậy cả vào dòng máy này. Nhưng do quá nôn nóng, nhà sáng lập Adam Osborne đã quyết định công bố với báo chí một số mẫu máy tính mới mà hãng đang phát triển – dù chúng còn lâu mới sẵn sàng để thương mại hóa. Osborne “Executive” và “Vixen” sở hữu cấu hình và hiệu suất ngon hơn trong khi giá thành chỉ tương đương Osborne 1, do đó, đánh tiếng với truyền thông dường như là một ý tưởng hay để khuấy động không khí và sự phấn khích dành cho sản phẩm.
 
Thế nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Lượng bán của Osborne 1 gần như sụp đổ. Tất cả các đại lý đều hủy đơn đặt hàng. Chỉ trong vài tháng sau đó, doanh số tụt xuống gần như bằng 0, buộc Osborne phải đệ đơn xin phá sản vào tháng 9 cùng năm. Đấy thực sự là một thảm họa kinh doanh mà tất cả các cuốn sách lịch sử đều phải nhắc đến dưới cái tên “Hiệu ứng Osborne”. Sai lầm lớn nhất của Osborne, theo quan điểm kinh tế học, chính là giới thiệu sản phẩm “ở thì tương lai” quá sớm, khi mà chúng chưa tồn tại và hủy diệt ngược các sản phẩm “ở thì hiện tại”.
 
Tại sao người viết lại dẫn dắt dài dòng như vậy, đó là bởi vì câu chuyện Osborne dường như đang tái diễn sau 30 năm. Chính hiệu ứng Osborne đã hạ gục Nokia sau khi Tổng Giám đốc khi ấy – Stephen Elop – lặp lại sai lầm của Adam Osborne tại hãng điện thoại lớn nhất thế giới. Bức email có tiêu đề “Burning Platform” được gửi đi vào tháng 2/2011 đã mô tả tất cả các dòng điện thoại mà Nokia đang bán thuộc về một nền tảng “đang tàn lụi”, trong khi thế hệ smartphone Windows Phone đầu tiên của Nokia phải 6 tháng sau mới có thể giới thiệu ra thị trường.
 
Thông điệp bắn đi không thể rõ ràng hơn: Đừng mua những chiếc điện thoại Nokia hiện hành. Thị trường tiếp nhận thông tin đó ngay tắp lự, và đó thực sự là một thảm họa đối với Nokia: Hãng này mất gần một nửa thị phần chỉ trong 2 quý, một kỷ lục tiêu cực quá đỗi đối với một tập đoàn có quy mô cỡ như Nokia. Và bức email mới đây của Tổng giám đốc Satya Nadella nghe cũng giống hệt “Burning Platform” ở phương diện: Microsoft khẳng định rõ hãng đang xa rời (từ bỏ dần) mảng kinh doanh điện thoại độc lập.
 
Toàn bộ bức thư không chỉ không đưa ra một triển vọng tươi đẹp dành cho Windows Phone, mà những tuyên bố trong đó còn khá đối lập nhau, phản ánh một tình cảnh có phần rối loạn bên trong Microsoft. Mở đầu, Nadella viết rằng Microsoft “sẽ có cái nhìn dài hạn và củng cố năng lực công nghệ sâu sắc để tiếp tục sáng tạo trong tương lai”, nhưng chỉ sau đó vài đoạn, ông bắt đầu phủ nhận lời của chính mình khi nói “chúng ta sẽ tập trung vào mảng điện thoại trong tương lai gần”. Vậy thì nên tập trung cho dài hạn hay ngắn hạn đây?
 
Tiếp đến, Nadella lại viết Microsoft sẽ tập trung vào 3 phân khúc điện thoại là điện thoại giá rẻ, điện thoại phục vụ doanh nghiệp và smartphone đầu bảng. Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ sẽ có từ 1-2 smartphone mới được Microsoft tung ra cho mỗi phân khúc nói trên hàng năm, đồng nghĩa với việc sẽ có tối đa 6 smartphone Lumia trong 1 năm. Nên nhớ rằng, suốt từ năm ngoái đến nay, Lumia 930 vẫn là smartphone đầu bảng của Windows Phone mà chưa có kẻ thay thế. Do đó, kế hoạch sản phẩm mới của Microsoft thực chất là mở rộng danh mục, nhưng nó lại được đề cập đến trong email như là một nỗ lực “tinh gọn danh mục”.
 
Và ngôn ngữ lịch sự của bức email về việc “sẽ có những thay đổi trong hàng ngũ nhân lực” chỉ có thể phiên dịch ra theo một nghĩa duy nhất: “Sắp có người bị sa thải”.
 
Không thể có hệ điều hành toàn năng
 
Microsoft đã vượt qua một chặng đường dài trong giấc mơ theo đuổi ứng dụng “toàn năng”. Một ý tưởng được khởi xướng bởi Steve Ballmer, theo đó các ứng dụng toàn năng sẽ cho phép giới lập trình viết mã cho mọi thiết bị Windows, không phân biệt đó là desktop, máy tính bảng, điện thoại hay wearable, thực tại ảo. Đó là một viễn cảnh hấp dẫn, dựa trên thế mạnh của nền tảng Windows cũng như tiềm năng trong việc lôi kéo giới lập trình đến với quầy ứng dụng Windows Phone hoang sơ.
 
Thế nhưng với việc Microsoft thu hẹp các nỗ lực kinh doanh smartphone, cộng với tín hiệu rằng Windows Phone sắp bị bỏ rơi trong một tương lai không quá xa, thử hỏi liệu có nhà lập trình nào lại bận tâm về smartphone Windows nữa? Cũng đừng quên rằng quy mô chính là mối bận tâm hàng đầu của giới lập trình khi phải lựa chọn một nền tảng nào đó. Với việc không có khả năng bán được ứng dụng của mình trên điện thoại, các nhà lập trình chẳng thiết tha gì để khởi sự các dự án mới, nhất là khi iOS và Android đang bán hàng chục triệu smartphone mỗi quý. Ngược lại, thị phần Microsoft hiện chỉ có 3%.
 
Không chỉ tối tăm ở hiện tại, Windows Phone cũng chẳng còn kỳ vọng nào ở tương lai. Giám đốc nghiên cứu Will Stofega của IDC dự đoán rằng thị phần của Windows sẽ tụt từ 3% về 0% chỉ trong vòng một năm tới. “Mọi chuyện trông không hay chút nào”, ông này nhận định. Ngay cả thời điểm công bố bức email mới của Satya Nadella cũng không thể tệ hơn.

Windows 10 còn chưa chính thức phát hành, và mẫu smartphone Windows Phone đầu bảng mới nhất (đầu tiên trong vòng một năm trở lại đây) được kỳ vọng ra mắt tại IFA 2015 vào tháng 9. Thay vì dùng chiêu trò xưa như trái đất nhưng vẫn vô cùng hiệu quả là “vô tình rò rỉ” và liên tục tung tin đồn về sản phẩm – theo cách mà Apple hay Samsung vẫn làm – để hâm nóng sự tò mò và quan tâm từ dư luận dành cho “sản phẩm tiếp theo quan trọng”, thì tất cả những gì người ta nhận được từ Microsoft lại chỉ là một thông điệp doanh nghiệp khô khan, loanh quanh mấy chuyện tinh giản danh mục, tái cấu trúc và tối ưu hóa. Dường như Windows Phone không còn là một mối ưu tiên của Microsoft nữa, và ngay cả Microsoft giờ đây cũng đã mất niềm tin về bộ phận  này.
 
Dấu chấm hết lửng lơ
 
Nhưng thôi, hãy tạm gác sang bên chuyện Satya Nadella và Microsoft nghĩ gì về Windows Phone. Đã đến lúc chúng ta tự hỏi mình, liệu Windows Phone có lý để mà tiếp tục tồn tại hay không, và việc Microsoft lựa chọn rũ bỏ hệ điều hành này đúng hay sai.Một thực tế phũ phàng rằng, dù được đánh giá đầy hứa hẹn, Windows Phone vẫn thất bại toàn diện trước iOS lẫn Android, cả về trải nghiệm người dùng lẫn hệ sinh thái thiết bị và ứng dụng.
 
Thương vụ mua lại Nokia từng được Steve Ballmer kỳ vọng là sẽ tiếp sức, gia tăng sức mạnh phần cứng cho WIndows Phone hóa ra lại chẳng giúp ích được gì, không những thế còn khiến gã khổng lồ phần mềm ôm rơm nặng bụng. Không khó hiểu khi Sataya chỉ muốn tống khứ cục nợ mà người tiền nhiệm quý hóa đã để lại. Ngoài Microsoft, tất cả các hãng điện thoại khác đều đã quay lưng lại với Windows Phone.
 
Sau một thời gian thử nghiệm và thăm dò nhu cầu, từ HTC, Samsung, LG cho đến Huawei đều không tìm ra được cửa thành công với nền tảng này. Họ lần lượt dứt áo ra đi, trở về trung thành với Android không chút đắn đo. Về lý, Microsoft cũng có đủ lý do để làm như vậy, vướng chăng chỉ là chút tình lưu luyến. Nhưng trong thời gian nắm quyền chưa lâu của mình, Satya Nadella đã cho thấy ông là người rất duy lý và quyết đoán. Nhận thức đầy đủ rằng Windows Phone không có cơ hội trở thành “hàng khủng”, ông không còn muốn lãng phí nguồn lực và tài nguyên của hãng cho nền tảng này nữa. Thay vào đó, máy tính bảng Surface đang nổi lên với tư cách thiết bị trình diễn đầy đủ năng lực của Windows 10. Satya cũng không ngần ngại chỉ đạo đội ngũ kỹ sư của hãng phát triển các ứng dụng Windows “đinh” dành cho hai nền tảng đối thủ iOS và Android. Với Microsoft lúc này, việc quan trọng là bán được sản phẩm, thu hút và giữ chân được người dùng chứ không phải là bo bo độc quyền hay cố gắng mở rộng Windows Phone.
 
Công bằng mà nói, thất bại của Windows Phone không nằm ở chất lượng của nó. Nhiều chuyên gia công nghệ vẫn đánh giá cao Windows Phone và cho rằng, nền tảng này sở hữu nhiều tính năng nổi bật, thậm chí là đi trước các đối thủ. Chẳng hạn như trợ lý ảo Cortana vừa có bản sắc, vừa hữu ích hơn Siri và Google Now, Wi-Fi Sense tự xác định được khi nào người dùng đang ở nhà hay ở cơ quan để tùy chỉnh tối ưu… Ngay cả iOS lẫn ANdroid đều phải học theo ngôn ngữ thiết kế phẳng mà Windows Phone lăng xê.
 
Tuy vậy, sự thiếu nhất quán về chiến lược kinh doanh, sự lạnh nhạt và hờ hững của cộng đồng OEM lẫn giới lập trình là những yếu tố không gì có thể bù đắp được. Chính chúng đã kéo lùi Windows Phone vào bóng tối và phủ lên hệ điều hành này một viễn cảnh mù mờ, u ám. Ngay tên gọi của nó giờ đây cũng không được giữ nữa: Windows Phone sẽ được thay bằng Windows 10 Mobile sau khi Windows 10 chính thức phát hành.

Trong thư gửi nhân viên, ông Nadella nhấn mạnh rằng Microsoft đang hướng tới một trải nghiệm di động, tức là thiết bị nào đang được sử dụng không quan trọng, miễn là dùng phần mềm của Microsoft. Đó là tương lai mà iPhone hay Android có thể chung sống hòa bình với máy tính Windows, nhưng cũng đồng nghĩa với việc Windows Phone hoàn toàn trở thành người thừa.
 
Vậy thì Windows Phone đã đến chặng cuối con đường của mình chưa? Câu trả lời dường như đã rõ.

                                                                                                            Thiên Ý

“Đại tiệc Honor – Ưu đãi như mơ” chỉ trong 3 ngày

“Đại tiệc Honor – Ưu đãi như mơ” là chương trình khuyến mãi chỉ dành riêng cho khách hàng mua điện thoại Honor 4C hoặc Honor Bee tại chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động trên toàn quốc trong 3 ngày (11/11, 12/11 và 13/11/2015). Chương trình được tổ chức nhân sự kiện điện thoại Honor Bee ra mắt thị trường Việt Nam.

Công nghệ SOTB và xu hướng IoT sẽ là cơ hội lớn cho ngành vi mạch Việt Nam

Ngày 7/11/2015 tại hội thảo về phát triển công nghệ SOTB diễn ra ở Ủy ban Nhân dân TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch ICDREC công bố đã nghiên cứu và thiết kế thành công vi điều khiển 8-bit 65nm trên công nghệ SOTB.

Trải nghiệm sản phẩm đỉnh Samsung tại Galaxy Studio

Từ ngày 6/11/2015 đến ngày 22/11/2015, tại Crescent Mall (Quận 7, TPHCM) giới công nghệ Việt Nam có cơ hội thưởng lãm và trải nghiệm trình diễn công nghệ hoành tráng của Samsung tại Galaxy Studio tại Cresent Mall Q.7-TPHCM.

Bán iPhone 6s: đông khách đặt, cửa hàng yên ả

Sáng nay (6/11), đồng loạt các chuỗi cửa hàng như FPT Shop, Thế Giới Di Động, Viettel… đều bán ra các sản phẩm iPhone 6s và iPhone 6s Plus. Khác với mọi năm, dù số lượng đặt hàng được cho là lớn, các ưu đãi và nghi thức cho khách khá trang trọng, nhưng không khí ở các cửa hàng vẫn khá yên ả.

ASUS khai trương trung tâm bảo hành ủy quyền tại Thái Nguyên

ASUS vừa chính thức hợp tác với công ty cổ phần Thế Giới Số (Thái Nguyên) khai trương trung tâm bảo hành ủy quyền chính hãng tại Thái Nguyên.

Tính toán hiệu năng cao – xu hướng mới của khoa học tính toán

Ngày 5/11/2015, Viện Khoa Học Công Nghệ Tính Toán (thuộc Sở Khoa Học Công Nghệ TPHCM) đã phối hợp cùng Trung tâm Tính toán hiệu năng cao, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TPHCM) tổ chức hội thảo “Tính toán hiệu năng cao và ứng dụng thực tiễn”, với sự tham dự của nhiều nhà phân tích, các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học…

Điện thoại Obi SF1 sẽ lên kệ vào ngày 9/11/2015

Sau lần đầu tiên ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 9/2015, đúng như kế hoạch, dòng điện thoại Obi Worldphone SF1 sẽ chính thức mở bán tại các cửa hàng trên toàn quốc vào ngày 9/11 này.

VNPT VinaPhone bán iPhone 6S và 6S Plus giá thấp nhất là 18,1 triệu đồng

Ngày 06/11/2015, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone chính thức mở bán iPhone 6S, iPhone 6S Plus với 3 phiên bản 16GB, 64GB và 128GB trên toàn quốc với mức giá được phân ra cho thuê bao trả sau và thuê bao trả trước.

Kết nối VPBank với MoMo hoàn ngay 200 ngàn đồng

Ngày 05/11/2015, VPBank và M_Service đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược. Theo đó, khách hàng của Ngân hàng VPBank từ nay có thể kết nối với Ví điện tử MoMo để có thêm kênh Nạp/Rút, Chuyển nhận tiền cũng như thanh toán di động (mobile payment) gần 100 hóa đơn/dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ lớn ở Việt Nam.

3 năm liên tiếp ASUS là Thương hiệu số 1 Đài Loan

Vừa qua, ASUS đã lần thứ 3 liên tiếp giành giải Thương hiệu số 1 Đài Loan. Đây là chương trình được tổ chức bởi Bộ Kinh tế và Thương Mại Đài Loan, trong lễ trao giải, công ty tư vấn chiến lược thương hiệu toàn cầu – Interbrand cũng tiết lộ giá trị thương hiệu của ASUS đạt 1,78 tỉ USD.