Việt Nam có thể xây dựng những ngôi làng công nghệ cao bằng nguồn lực xã hội?

Hình minh họa quy hoạch làng công nghệ cao (Nguồn: Internet)

Liệu Việt Nam có thể xây dựng được những ngôi làng công nghệ cao - nơi tận dụng được ngành nghề đặc trưng của người dân trong làng, với một phương pháp triển khai bài bản, khoa học cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại để nâng tầm sản phẩm và dịch vụ của chính ngôi làng đó? Câu trả lời là hoàn toàn có thể được.

Từ xưa đến nay, “làng” là đơn vị dân cư quan trọng nhất trong kết cấu kinh tế xã hội Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, khi thế giới tiến mạnh mẽ vào kỷ nguyên số, người dân của họ được hưởng những ưu việt vượt trội mà các công nghệ tiên tiến mang lại về mọi mặt: sống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi, giao lưu,… Trong khi đó ở Việt Nam, hầu hết các ngôi làng đều vẫn mang hình hài cổ xưa từ bố cục không gian, hạ tầng, kiến trúc đến các tiện nghi và môi trường sống, làm việc, học tập dù đã có những nỗ lực thay đổi, hướng tới một nông thôn mới tốt đẹp hơn.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể xây dựng được những ngôi làng công nghệ cao, nơi có sự điều chỉnh về quy hoạch cho phù hợp với từng vùng (vùng núi, vùng đồng bằng, vùng ven biển,…) và từng ngành nghề đặc trưng của những người dân trong làng (sản xuất lúa, chăn nuôi, thủy sản, làng nghề truyền thống,…), nơi có hạ tầng phù hợp cho cuộc sống, sinh hoạt và làm việc của người dân trong làng, nơi có điều kiện áp dụng các công nghệ cao vào mọi mặt đời sống xã hội trong làng, trước tiên là phát triển kinh tế hiệu quả và giữ gìn môi trường an toàn, bền vững?

Nội dung dưới đây sẽ đề cập đến dự án xây dựng những ngôi làng như vậy bằng các nguồn lực của xã hội.

Mục đích: Nhằm xây dựng mô hình mẫu làng công nghệ cao: là nơi có hạ tầng, điều kiện làm việc, môi trường được tạo ra bằng các công nghệ cao phục vụ người dân sinh sống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi một cách tốt nhất; Nơi có điều kiện phát triển kinh tế mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ cao, hướng tới phát triển kinh tế số; Nơi người dân có điều kiện làm giàu và đóng góp phát triển xã hội, nơi có chất lượng cuộc sống cao và ổn định.  

Ý nghĩa: Tạo ra cách tiếp cận mới làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn Việt Nam cả về năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất lẫn cảnh quan theo mô hình xã hội hóa. Tạo ra các khu dân cư có điều kiện làm kinh tế, chủ động nâng cao thu nhập cho người lao động, nâng cao mức sống cho người dân. Từng bước hình thành văn hóa số trong cộng đồng người dân sinh sống trong những ngôi làng Việt kiểu mới, phù hợp với kỷ nguyên số.

Phương pháp triển khai: Phát triển các làng công nghệ cao theo chuyên đề chọn theo thế mạnh và đặc thù của từng nơi như nghề trồng lúa, trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu, trồng hoa, sản xuất thủ công mỹ nghệ, làm gốm, nuôi thủy sản, trồng rừng,…

1.Về quy hoạch

Ngay khi lập dự án, cần quy hoạch khu đất. Tùy thuộc vào quy mô (tính theo trăm ha), đặc tính của ngôi làng công nghệ (làng lúa, làng hoa, làng cây ăn trái, làng thủy sản,…) và đặc điểm của nơi sẽ được xây dựng (miền núi, đồng bằng, ven biển, ven sông, hải đảo) mà quy hoạch.

Trong bản quy hoạch cần xác định rõ khu sản xuất, khu dân cư, khu cây xanh, cảnh quan, hồ nước (hay sông, suối, bờ biển). Đường đi bao gồm cả đường bộ, đường thủy và ở một số nơi, có thể có cả đường sắt chạy điện hay cáp treo để phục vụ du lịch. Nếu là nơi đã có dân sinh sống (thường là như vậy), cần thống nhất với chính quyền và người dân về dự án này vì nó sẽ mang lại bộ mặt mới cho địa phương cả về kinh tế, mức sống, giá trị khu đất và nhiều lợi ích khác (người dân vẫn sống ở đó).

Ví dụ về quy hoạch (Hình dưới đây – nguồn từ Internet) được sử dụng để minh họa cho ý tưởng của dự án. Quy hoạch này rất cần thiết bởi nó sẽ quyết định tương lai của làng công nghệ. Từ trước tới nay, các dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn có mức độ thành công thấp vì chỉ chú trọng vào khía cạnh kỹ thuật, thậm chí là rời rạc, không mang tính hệ thống.

2.Về hạ tầng

Hạ tầng bao gồm hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội và hạ tầng sản xuất. Hạ tầng cơ sở gồm đường sá, cầu cống, điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, trường học, trạm y tế,… Có hai phương án đối với làng công nghệ cao là hạ tầng cơ sở có thể nhà nước xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách hoặc giao cho chủ đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn và các quy định của nhà nước.

Hạ tầng xã hội bao gồm nhà ở của dân, nhà cộng đồng…, do người dân xây dựng theo quy hoạch và tiêu chuẩn xây dựng trong khu dự án đã được phê duyệt hay do chủ đầu tư xây dựng. Phương án sau đảm bảo chất lượng công trình, sự hài hòa cảnh quan và hỗ trợ phát triển tốt hơn. Trong trường hợp này cần có thỏa thuận giữa hộ dân và nhà đầu tư có chính quyền làm chứng để đảm bảo quyền lợi cho cả 3 bên.

Về mẫu nhà ở trong làng công nghệ cao, phương án nhà đầu tư xây dựng sẽ kết hợp được nhiều giải pháp công nghệ cao. Chẳng hạn, nhà được xây dựng bằng vật liệu mới không mối mọt, khó cháy, an toàn, thoáng mát, mái lắp tấm pin mặt trời hòa, sơn chống nhiệt, hệ thống an ninh, tự động điều khiển cho ngôi nhà thông minh (theo yêu cầu). 

7 mẫu nhà cấp 4 đẹp ở nông thôn giá 400-500 triệu - Vtkong
Hình minh họa nhà ở nông thôn mới (Nguồn: Internet)

Khu sinh hoạt chung đối với làng công nghệ (vườn hoa, khu cây xanh, nhà cộng đồng,…) có ý nghĩa kinh tế xã hội rất cao vì làng công nghệ xem phát triển du lịch, giao lưu, chuyển giao công nghệ, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của cả làng là một hoạt động quan trọng (Ở Hà Lan, du lịch sản xuất góp 30 – 40% doanh thu của làng hoa). 

Hạ tầng sản xuất gồm hệ thống cấp nước, thoát nước cho sản xuất, hệ thống tưới, tiêu, điện sản xuất, đường nội đồng, nhà xưởng, kho bãi, đường tàu điện… do nhà đầu tư xây dựng phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao tại từng nơi. Đây là bí quyết của hệ thống tích hợp đa công nghệ vào phục vụ sản xuất bao gồm cả hệ thống xử lý rác thải, nước thải, tái chế theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Vì thế, hạ tầng sản xuất sẽ do nhà đầu tư xây dựng. Các hộ gia đình, đơn vị sản xuất trong làng sẽ sử dụng hạ tầng này theo cơ chế tham gia chuỗi liên kết theo giá trị Sản xuất – Chế biến – Tiêu thụ mà nhà đầu tư (hay đối tác của nhà đầu tư) chủ trì. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ đầu ra đối với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình công nghệ được chuyển giao cho làng công nghệ.

Dưới đây là hình minh họa về các công trình phúc lợi xã hội trong làng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thu hút du lịch.

Thiết kế cảnh quan đô thị
Hình minh họa bố cục không gian (Nguồn: Internet)

Hạ tầng số: Trong kỷ nguyên số, các ngôi làng đầu phải “nhúng” trong không gian số. Đó là hạ tầng số của làng công nghệ cao, nó bao gồm nền tảng IoT, Cloud, Big data, AI và Blockchain. Hạ tầng với các công nghệ này giúp kiểm soát toàn bộ hệ thống IoT được lắp đặt trong làng để đo các dữ liệu trạng thái của các thực thể tham gia quá trình sản xuất, tổ chức dữ liệu lớn, xử lý chúng bằng AI (trên Cloud) và hỗ trợ nhà sản xuất lựa chọn các phương án sản xuất tối ưu dựa trên các dữ liệu về thị trường, nhân lực, thiết bị, vật tư,.. và các yêu cầu về chất lượng và các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật. Để kết nối với thị trường còn có nền tảng thương mại (commerce platform) gắn với hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa ứng dụng blockchain nhằm đảm bảo tính minh bạch của quá trình sản xuất.

3.Về sản xuất, kinh doanh

Mô hình kinh tế chung: Chủ đầu tư chỉ khởi động dự án cụ thể nào đó khi đã có sẵn thị trường. Ví dụ đã kết nối được chắc chắn thị trường tiêu thụ gạo đặc sản, trái cây hữu cơ, than hoạt tính, vật liệu carbon, thuỷ sản hữu cơ, tinh dầu, dược liệu, mỹ phẩm,… Điều này đảm bảo chắc chắn khi xây dựng làng công nghệ thì sản phẩm đầu ra của làng này đã có địa chỉ. Như thế, việc đầu tư vào làng công nghệ một chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là khả thi và đảm bảo đồng bộ.

Như thế, chỉ riêng khâu sản xuất đã đảm bảo thu nhập cho cả làng. Các khoản thu khác từ dịch vụ du lịch homestay, farmstay, chuyển giao công nghệ,… được xem là các giá trị gia tăng: Tăng GRDP của địa phương, tăng đóng góp thuế, tăng thu nhập cho người sản xuất và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Điều này khuyến khích cả người dân lẫn chủ đầu tư và chính quyền cùng tham gia phát triển làng công nghệ ngày càng mạnh hơn.

Về sản xuất: Hệ thống sản xuất trong làng tuân thủ nguyên tắc kinh tế tuần hoàn hướng theo kinh tế số. Theo đó, tất cả các tài nguyên tham gia quá trình sản xuất (đất, nước, năng lượng,…) đều được tuần hoàn hóa, xử lý, tái sử dụng, hạn chế tối đa thải chất thải ra môi trường. Trong làng công nghệ cao tồn tại hệ sinh thái sản xuất theo chuỗi liên kết Sản xuất – Chế biến – Tiêu thụ. Vì vậy, trong làng có cả đơn vị chế biến (sấy, chưng cất, sản xuất,…) và Logistics (đóng gói, kho bãi, vận chuyển,…).   

Mọi thực thể tham gia hệ sinh thái làng công nghệ cao như lao động, đất đai, nước, sản phẩm, công nghệ, hạ tầng, thị trường, chính sách,… đều được xây dựng phiên bản số cập nhật dữ liệu văn bản (text data) và dữ liệu số (digital data) bằng các cơ chế thu thập dữ liệu bán tự động (bằng các phần mềm chuyên dụng) hay tự động (dựa trên các IoT). 

Từng bước chuyển đổi số, nhờ các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành làng công nghệ sẽ được hệ thống đề xuất các phương án tối ưu cho chuỗi liên kết lựa chọn.

Về kinh doanh: mọi sản phẩm, dịch vụ của làng công nghệ cao đều được truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ Blockchain từ khâu đầu tiên (gieo trồng, thả tôm, cá giống,…) đến khâu cuối cùng (tiêu thụ, xuất khẩu) theo đúng chuẩn quốc tế dựa trên hạ tầng Blockchain kết nối với sàn giao dịch tiêu chuẩn quốc tế.  Ưu tiên kết nối với thị trường EU để hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Phấn đầu và duy trì hình ảnh trong làng công nghệ cao không có sản phẩm kém chất lượng.

Để thu hút du lịch, trong làng công nghệ có địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo, phục vụ homestay, farmstay hay hình thức khác.

4.Về lực lượng tham gia

Chủ đầu tư liên kết với đội ngũ các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế đảm bảo mọi khâu trong chuỗi liên kết đều có lực lượng chuyên nghiệp chủ trì việc triển khai và vận hành. 

Lực lượng tham gia chủ lực sẽ là các doanh nghiệp địa phương được tuyển chọn theo nguyên tắc hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Họ là lực lượng mở rộng, phát triển các làng công nghệ khác trong tương lai.

Lực lượng lao động tại chỗ (người dân trong làng hay ở địa phương) sẽ được các chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật của nhà đầu tư hướng dẫn quy trình canh tác cụ thể trên thực tế sản xuất, chỉ sau 1, 2 vụ là quen dần. Những người thành thạo lại truyền đạt cho các lao động mới.

5.Về công nghệ

Làng công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến trong hệ thống sản xuất khép kín. Cụ thể về đất, công nghệ xử lý và tái cân bằng đất. Các thiết bị IoT giúp xác định các thông số kỹ thuật của đất như độ pH, độ dinh dưỡng (EC), lượng oxy hòa tan (DO), độ mùn, độ ẩm,… Về nước, công nghệ xử lý và cân bằng nước. Các thiết bị IoT giúp xác định các thông số kỹ thuật của nước như độ pH, lượng oxy hòa tan (DO), lượng oxy sinh hóa (BOD), độ mặn, độ phèn,… Những dữ liệu này giúp lựa chọn giải pháp cân bằng lại các thông số này về mức chuẩn, phù hợp với cây trồng, vật nuôi. Cả đất và nước đều được tuần hoàn hóa để phục vụ phát triển nông nghiệp.

Về các tài nguyên khác như rác nông nghiệp (cành, lá tỉa, hoa qua hư hỏng, vỏ trái cây,…) được xử lý thành than sinh học, phân bón hữu cơ. Phân gia súc, gia cầm được xử lý mùi hôi, làm giá thể nuôi trùn quế, trùn hổ làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, bèo lục bình làm than sinh học, khí sinh học (biogas),…

Về năng lượng, sẽ lắp tấm năng lượng mặt trời tạo ra điện, sử dụng các lò đốt không khói, không gây ô nhiễm để sản xuất than sinh học, sấy sản phẩm hay phục vụ sinh hoạt. Về xử lý chất thải, chọn phương án xử lý chất thải từ khâu sản xuất trong các làng nghề chế biến thực phẩm, hải sản, nuôi thủy sản,… bằng công nghệ xử lý hữu cơ và sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường và tái sử dụng các tài nguyên (như các chất hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi, nước quay vòng tái sử dụng,…).

Ngoài ra còn có sự tham gia của các công nghệ tiên tiến khác như công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, robot và tự động hóa, công nghệ IoT, Big data, AI, Blockchain,…

6.Về vốn:

Vốn không phải vấn đề lớn khi đã có đầu ra ổn định và quy trình sản xuất đáp ứng đầu ra đó. Việc vay ngân hàng hay thu hút đầu tư từ xã hội là dễ dàng đối với các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp trong làng công nghệ.

Công nghệ blockchain góp phần thay đổi nông nghiệp Việt Nam ...
Minh họa về truy xuất nguồn gốc hàng hóa

7.Về quản lý, điều hành

Chủ đầu tư và các đối tác công nghệ của mình nắm quyền quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh đối với các thành viên (hộ gia đình, doanh nghiệp, HTX) tham gia chuỗi liên kết theo giá trị Sản xuất – Chế biến – Tiêu thụ. Chủ đầu tư cũng là người điều hành hệ thống hạ tầng sản xuất mà mình đã đầu tư để đảm bảo hệ thống luôn vận hành hiệu quả và được nâng cấp, bảo trì.

Các mặt khác, người dân tuân theo cơ chế quản lý của nhà nước ở địa phương và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

8.Điều kiện thực hiện

Được áp dụng các chính sách hiện hành: Chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư xây dựng làng công nghệ cao như các khu công nghệ cao; Cơ chế hợp tác công tư; Cơ chế khuyến khích xã hội hóa xây dựng nông thôn mới; Cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo; Cơ chế khuyền khích đổi mới công nghệ.

Mô hình “Làng công nghệ cao” giới thiệu một cách tiếp cận xã hội hóa cùng chung tay phát triển đất nước. Chắc chắn là không thể làm đại trà ngay vì lý do chính là chưa đủ lực lượng triển khai. Đó không phải là lực lượng chuyên gia hay nhà cung cấp giải pháp công nghệ mà là lực lượng kỹ thuật viên am hiểu các quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và người dân sống trong làng. Bởi vì họ mới là chủ nhân của cách làm mới.

Có thể bạn quan tâm
Mayflower: Con tàu không thuyền trưởng, không hành khách vượt Đại Tây Dương

Sau hai năm thiết kế, xây dựng và đào tạo các mô hình AI, con tàu Mayflower đã xuống nước ở cảng Plymouth vào ngày 15/9, cùng các thông số kỹ thuật, công nghệ bá đạo chưa từng thấy.

Laptop cao cấp ThinkPad X1 Carbon Gen 8 và Yoga Gen 5 cho doanh nhân

Lenovo vừa ra mắt hai mẫu laptop cao cấp mới dành cho doanh nhân và người dùng chuyên nghiệp, gồm ThinkPad X1 Carbon Gen 8 và ThinkPad X1 Yoga Gen 5.

Kiểm tra lỗi phần mềm dễ dàng bằng kỹ thuật phân loại, truy tìm lỗi mục tiêu

Tiến sĩ Đại học Công nghệ Eindhoven, Thomas Neele đã phát triển kỹ thuật mới để kiểm tra lỗi phần mềm một cách thông minh hơn, nhanh hơn và chuẩn xác hơn, đáp ứng xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai.

Trung tâm dữ liệu dưới nước an toàn gấp 8 lần trên cạn

Trung tâm dữ liệu dưới nước kích cỡ thùng container này nằm trong một dự án thử nghiệm kéo dài nhiều năm của Microsoft, nhằm mục đích kiểm tra tiềm năng thực sự của các trung tâm dữ liệu đặt dưới nước.

Lối đi nào giải quyết phần cứng cho Huawei?

Một số lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Huawei đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2020. Điều này có ý nghĩa gì đối với Huawei và khách hàng của họ?

Apple A14 Bionic: Chipset 5nm thương mại đầu tiên trên thế giới

Không có iPhone 12 nào được Apple công bố ngày hôm nay, nhưng Táo khuyết đã nói về con chip “khủng” mới hoàn toàn, cung cấp năng lượng cho thế hệ phần cứng tiếp theo của hãng – A14 Bionic.

Apple One: Tham vọng mới của Apple

Tại sự kiện, Apple giới thiệu một gói đăng ký mới hoàn toàn mang tên Apple One, kết hợp Music, TV Plus, Game,…

Bán hàng thời 4.0: Treo đầu dê bán thịt chó lại còn hăm dọa người mua

Vì không nhận hàng do sản phẩm mua không đúng như quảng cáo, không ít người dùng đã bị chủ shop bán hàng trên mạng xã hội gọi điện và nhắn tin SMS hăm dọa sẽ bêu rếu trên Facebook với đầy đủ thông tin và hình ảnh người mua hàng.

HTC chuẩn bị ra điện thoại với cấu hình cũ kỹ của năm 2016

Dù thuộc phân khúc giá thấp, nhưng chiếc điện thoại mới của HTC vẫn sẽ rất kén người dùng.

Apple phát hành iOS 14 GM cho nhà phát triển

Sau nhiều tháng thử nghiệm, Apple vừa phát hành bản dựng iOS 14 GM (Gold Master) và iPadOS 14 cho các nhà phát triển, cũng như watchOS 7 và tvOS 14 ngay sau sự kiện thường niên kết thúc.