TP.HCM: 312 pháo đài phòng chống dịch, quân đội sẽ hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Ảnh: @VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với đại diện Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng lên phương án quan trọng, gấp rút với độ quyết tâm cao nhất, sớm đưa TP.HCM và các tỉnh phía Nam về giai đoạn “bình thường mới”, khi diễn biến dịch đang ngày càng phức tạp, khó lường.

TP.HCM phải xác định mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ

Tối 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Sau khi nghe lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh báo cáo tình hình và ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, ý kiến các bộ trưởng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch, Thủ tướng đề nghị căn cứ vào tình hình dịch tễ, TP.HCM phải xác định mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt ổ dịch để kiểm soát dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối “ai ở đâu thì ở đó”, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã phường cách ly với xã phường, trong thời gian ít nhất 2 tuần tới.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý khi đã phong tỏa thì không để người dân nào bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc; phải đáp ứng nhu cầu y tế thiết yếu của mọi người ở mọi lúc, mọi nơi; đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, chia sẻ, động viên, kêu gọi, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm bởi đây là quyền lợi, nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm của công dân, vì sức khỏe của bản thân, của gia đình và cộng đồng.

“Nếu phong tỏa chặt thì phải lo ăn, lo mặc, phải lo y tế cho người dân. Vì thế phải tăng cường trạm y tế phường”, Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết đã có thư kêu gọi 63 tỉnh, thành và đề nghị tiếp tục có thư để kêu gọi các địa phương đăng ký nhanh để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. “Đừng có chần chừ nữa, nói gì là phải làm ngay, cháy nhà chết người thì không làm ngay làm sao được”, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo. Ông cũng yêu cầu Bộ trưởng Y tế tổng hợp về lực lượng y tế, cần bao nhiêu bác sĩ thì phải có ngay cho TP.HCM.

Huy động xe vận tải của quân đội, công an để vận chuyển hàng hóa

Theo người đứng đầu Chính phủ, xe vận tải của quân đội và công an phải tập trung để đưa hàng hóa đến các phường vì lấy phường là pháo đài, vấn đề tổ chức ở các phường thế nào để các lực lượng này phối hợp cho tốt.

Thủ tướng yêu cầu khi các địa phương quyết định giãn cách để phong tỏa ổ dịch thì phải thực hiện cách ly triệt để tìm ra được F0, nhanh chóng đưa ra khỏi cộng đồng và có hướng điều trị phù hợp. Và muốn làm được điều này thì phải xét nghiệm đại trà.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “dứt khoát phải xét nghiệm, vì có xét nghiệm thì mới biết F0 nằm ở đâu”. Theo ông, trong lúc phong tỏa có thể đến tận nhà xét nghiệm, hoặc có thể báo đến xã, phường vì mỗi xã, phường là một pháo đài, có thể xét nghiệm tới 500.000 người/ngày. “Vấn đề là tổ chức, đừng để lộn xộn”, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại.

Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM vận động người dân các tỉnh khác ở lại thành phố, không trở về vì việc ở lại chính là cứu mình. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an, Quốc phòng được giao phối hợp với chính quyền thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những khu vực phong tỏa.

Đồng thời, có cơ chế huy động nguồn lực tư nhân như khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhà thuốc tư nhân trong phòng chống dịch. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và có thể huy động thêm lực lượng công an, quân đội để hỗ trợ.

312 pháo đài phòng chống dịch

Để thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, để 312 xã phường tại Thành phố thực sự là 312 pháo đài phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu thực hiện bằng được các nhiệm vụ trọng tâm.

TP.HCM: 312 pháo đài phòng chống dịch, quân đội sẽ hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân - Covid 19 2 20
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 312 xã phường tại TP Hồ Chí Minh là 312 pháo đài phòng chống dịch – Ảnh: @VGP/Nhật Bắc.

Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân… các cấp tham gia động viên, giải thích, tuyên truyền, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Thứ ba là về bảo đảm về y tế. Tăng cường năng lực y tế cho cấp xã phường về ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng…, bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường. Chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Như vậy, có ba tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19: tại xã phường, tại quận huyện và Thành phố, trong đó tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng. Tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng và tiếp tục nghiên cứu nhiều biện pháp phù hợp khác như điều trị tại bất cứ nơi nào tốt nhất, có không gian thoáng mát, kết hợp đông y và tây y, tăng cường hướng dẫn điều trị qua các phương tiện thông tin đại chúng… Giảm tối đa các trường hợp tử vong. Bộ Y tế phải hướng dẫn về các nội dung này.

Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.

Thứ năm, về an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…

Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm “thần tốc” theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bộ Y tế chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách, chỉ đạo chung về công tác hậu cần, tài chính, xuất cấp dự trữ quốc gia… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách, chỉ đạo chung về công tác phòng chống dịch và y tế. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phụ trách, chỉ đạo chung về công tác cung ứng hàng hóa. Các Bộ trưởng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì nhân dân. “Các Bộ trưởng phải vào cuộc ngay, không chập chờn” để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Thủ tướng yêu cầu.

Các lực lượng tăng cường, chi viện hoạt động dưới sự chỉ huy thống nhất, tập trung, cụ thể là của ban chỉ đạo phòng chống dịch, sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy phòng chống dịch của địa phương.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ liên quan tới công tác tiêm vaccine (có thể huy động lực lượng y tế của công an và quân đội hỗ trợ), huy động nguồn lực tư nhân trong phòng chống dịch, thông tin – truyền thông, lưu thông hàng hóa, hoạt động của các cơ quan nhà nước, xuất cấp dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương, duy trì sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm an toàn…

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất, là ưu tiên số 1 hiện nay, nhưng cũng không thể bỏ quên, lơ là, để tê liệt các hoạt động, các nhiệm vụ quan trọng khác.

Đồng tình với các nhóm giải pháp quyết liệt, triệt để

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bộ đã đẩy mạnh đào tạo về hồi sức cấp cứu, thậm chí bổ túc khẩn cấp về hồi sức cấp cứu cho cả bác sĩ trong các chuyên ngành khác; trong những ngày tới có thể chi viện thêm 3.000 nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

TP.HCM: 312 pháo đài phòng chống dịch, quân đội sẽ hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân - Covid 19 4 7
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: @VGP/Nhật Bắc.

Các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành đồng tình với các nhóm giải pháp quyết liệt, triệt để trong phòng, chống dịch thời gian tới tại khu vực TP.HCM nhưng đặc biệt nhấn mạnh phải có kế hoạch chặt chẽ, chi tiết, khả thi về nguồn lực, nhân lực, vật lực, phương án áp dụng đối với các xã, phường, khu vực doanh nghiệp.

Trong đó cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành, triển khai đồng bộ, phối hợp nhuần nhuyễn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, “mặc dù xác định mỗi xã phường là một pháo đài” nhưng trong triển khai thực tế phải cố gắng đánh giá nguy cơ dịch bệnh nhỏ nhất đến từng khu phố, từng tổ dân cư, để giữ, củng cố vùng xanh nhỏ nhất.

Trong công tác điều trị phải rất chú ý đặc điểm diễn biến triệu chứng bệnh, vì vậy cần chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng, các loại thuốc bổ để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho người nhiễm Covid-19, nhất là những bà con vốn có hoàn cảnh khó khăn, không để bệnh chuyển nặng.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị TP.HCM phải có chỉ đạo để cấp ủy, hệ thống chính trị phải vào cuộc chuẩn bị ngay từ bây giờ với tinh thần “mỗi xã, phường là một pháo đài” từ cơ sở vật chất để điều trị, chăm sóc y tế tại chỗ cho người dân tại nhà, hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, trạm y tế lưu động, phương án tiếp nhận, phân phối lương thực, thực phẩm đến tận từng gia đình, nhân lực cần chi viện…

“Chúng ta phải rà soát hết các chi tiết, các khâu như trước khi bước vào trận đánh lớn”, Phó thủ tướng nói.

Quyết tâm cao nhất, triển khai lực lượng mạnh nhất

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tỷ lệ ca nhiễm ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng rất cao. Thời gian tới, khi các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm, đẩy số ca nhiễm tăng cao. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án điều trị với các kịch bản số ca nhiễm cao. Mục tiêu là phải giảm tối đa số trường hợp tử vong.

Hiện nay, các trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thiết lập đã đi vào hoạt động. Bộ đã ban hành hướng dẫn chi tiết các địa phương về kế hoạch xét nghiệm, căn cứ vào nguy cơ dịch bệnh trên từng địa bàn; triển khai chương trình điều trị tổng hợp có kiểm soát tại nhà; thiết lập mô hình trạm y tế lưu động…

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đều thống nhất cao, khẳng định quyết tâm cao nhất và phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại cuộc họp.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn từ ngày 15/8 đến 31/8 phải giảm tối đa trường hợp tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận điều trị; kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại một số quận, huyện.

Thành phố sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh cụ thể tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để có chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, làm sạch, mở rộng “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, để từ ngày 1/9 đến ngày 15/9 Thành phố sẽ duy trì kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng.

TP Hồ Chí Minh giao Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; lập gần 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0; xét nghiệm nhanh và RT-PCR toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ”; bổ sung thêm một số đối tượng nguy cơ cao… Thành phố đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện nay, đến cuối tháng 8 Thành phố có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.

Quân đội sẽ hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân…

Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.

TP.HCM: 312 pháo đài phòng chống dịch, quân đội sẽ hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân - Covid 19 1 19
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: @VGP/Nhật Bắc.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân.

Thành phố đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện nay, đến cuối tháng 8 Thành phố có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.

TP.HCM lập gần 400 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà

Ngày 19/8, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện về việc xây dựng kế hoạch triển khai các trạm y tế lưu động.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM và các tỉnh phải thành lập các trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn để chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

TP.HCM: 312 pháo đài phòng chống dịch, quân đội sẽ hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân - Covid 19 3 14
Các y bác sĩ trong Hội Thầy thuốc trẻ TP đi vào hẻm để khám cho các trường hợp F0 . Ảnh: @Duyên Phan.

Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết, Sở Y tế yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Tùy theo số lượng F0 của mỗi phường, xã, thị trấn đang quản lý, UBND phường, xã, thị trấn chọn các địa điểm để tham mưu cho UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện thành lập các trạm y tế lưu động.

Các địa phương có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân… để làm trụ sở hoạt động của trạm y tế lưu động.

Mỗi trạm y tế lưu động phải bố trí một phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chánh, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị… và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.

Trạm y tế lưu động sẽ quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vaccine… dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Thủ Đức, quận, huyện và Sở Y tế.

Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 – 100 F0. Về nhân lực, mỗi trạm y tế lưu động có ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng từ trạm y tế, trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của thành phố, trung ương (khi thật sự cần thiết), 3-4 nhân sự khác (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động F0 đã khỏi bệnh có nguyện vọng chăm sóc người F0) do UBND phường, xã, thị trấn đề xuất. Tất cả nhân sự này đều phải được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0.

Về dụng cụ và trang thiết bị tối thiểu, mỗi trạm y tế lưu động có 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, test kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác.

Trạm y tế lưu động có túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác. Phương tiện vận chuyển cho nhân viên của trạm y tế lưu động khi khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người F0 là xe máy, xe taxi.

Tính đến ngày 19/8, TP.HCM có 18.943 F0 đang được cách ly tại nhà, ước tính mỗi trạm y tế lưu động sẽ chăm sóc 50 F0, dự kiến sẽ có gần 400 trạm y tế lưu động. Nếu số lượng F0 tiếp tục tăng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thành lập các trạm y tế lưu động tương ứng 50 – 100 người/trạm.

Có thể bạn quan tâm
OPPO Find X3 Pro giành giải “Advanced Smartphone” tại EISA Awards 2021 – 2022

Đây là năm thứ hai liên tiếp OPPO giành được giải thưởng “Advanced Smartphone – Điện thoại thông minh tiên phong” tại giải thưởng EISA Awards.

Các nhà bán lẻ điều chỉnh giá bán bộ đôi smartphone màn hình gập Samsung Galaxy Z thế hệ 3

Cả FPT Shop và Di Động Việt đều đã điều chỉnh giá bán lẻ chính thức cho bộ đối smartphone màn hình gập Galaxy Z thế hệ ba ngay sau khi Samsung Việt Nam công bố chương trình mở bán chính thức.

FPT eCovax: “vaccine” số, giúp doanh nghiệp vượt đại dịch

FPT vừa công bố Chương trình FPT eCovax nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành và các giải pháp số, giúp doanh nghiệp vận hành không gián đoạn, miễn nhiễm để vượt qua đại dịch.

Sẽ thiết lập trạm y tế lưu động tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An

Tính đến 6 giờ sáng ngày 20/8, Bộ Y tế công bố Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 312.611 ca mắc Covid-19, trong đó có 120.059 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có hơn 1.900 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19.

Tính năng hỗ trợ người khó khăn do dịch bệnh Zalo Connect đã mở tại 20 tỉnh thành

Sau hơn 1 tuần thí điểm tại TPHCM, Zalo Connect – tính năng tìm kiếm, giúp đỡ những người khó khăn, tương trợ nhau vượt qua đại dịch Covid đã được triển khai rộng rãi tại hơn 20 tỉnh/thành đang giãn cách.

OPPO tiết lộ nhiều cải tiến cho camera smartphone

OPPO luôn là hãng tiên phong phát triển các tính năng camera mới trong những năm qua, có thể kể đến như camera selfie dưới màn hình, công nghệ thu phóng… Công ty này vừa tiếp tục giới thiệu các cải tiến công nghệ camera tiếp theo của mình.

Gojek ra mắt dịch vụ GoCar giữa mùa giãn cách

Dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ GoCar của ứng dũng Gojek ra đời trong bối cảnh giãn cách xã hội do COVID-19

Chung cư tự xây khu cách ly F0 để hỗ trợ các hộ dân, một mô hình rất hay và ý nghĩa

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ca nhiễm F0 tăng và phải tự điều trị tại nhà, các thành viên trong ban quản trị chung cư Hiệp Tân – 8X Đầm Sen, Quận Tân Phú, TP.HCM đã quyết định cùng nhau tự xây khu cách ly F0 để hỗ trợ người dân trong khu mình sinh sống.

Việt Nam đang gặp khó vì Covid-19, Apple và Google tạm thời chuyển sản xuất sang Trung Quốc

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Việt Nam đã tạo ra sự kìm hãm chuỗi cung ứng sản xuất các sản phẩm thế hệ tiếp theo cho Apple và Google.

LG chi 2,81 tỷ USD sản xuất màn hình OLED cho iPad, iPhone

LG Display đang đầu tư 2,81 tỷ USD vào dây chuyền lắp ráp màn hình OLED cho iPhone và iPad của Apple vào năm 2024.