TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8

Người dân TP HCM xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp). Ảnh: @Quỳnh Trần.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 23/8, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 348.059 ca mắc Covid-19, trong đó gồm 147.667 ca đã được chữa khỏi.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có tổng cộng 348.059 ca mắc Covid-19, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, với bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm.

Còn nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 ca, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, có thêm 7.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/8. Tổng số ca được điều trị khỏi là 147.667 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 687 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 22/8 là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc.

Về tình hình tiêm chủng, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 17.065.896 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều.

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 1 10
Ảnh: @Báo Tuổi Trẻ.

Riêng tại TP.HCM, tính đến 6 giờ sáng ngày 23/8, toàn địa bàn thành phố có 175.994 ca nhiễm, cùng 6.670 ca tử vong, có 5.488.054 liều vaccine Covid-19 đã được tiêm chủng cho người dân.

TP Hồ Chí Minh: Trong 3 ngày xét nghiệm nhanh toàn bộ người dân ở ‘vùng cam’, ‘vùng đỏ’

Chiều qua ngày 22/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã ký văn bản khẩn số 2817 điều chỉnh kế hoạch số 2716 ngày 15/8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.

Theo đó, TP chỉ định xét nghiệm cộng đồng tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ rất cao “vùng đỏ”, bằng hình thức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong vùng. Còn tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc “vùng xanh”,” vùng cận xanh”, “vùng vàng” thì thực hiện như kế hoạch 2716.

Về phương thức tiến hành, các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm. Trong đó, mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm (test) kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh này phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp…

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 1 7
Lực lượng y tế xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: @Hoàng Giang.

Trường hợp người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm thì đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện, và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.

Sau khoảng 30-60 phút, nhân viên đội xét nghiệm sẽ quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp dương tính vào danh sách. Danh sách người dương tính sẽ được gửi về Trung tâm y tế địa phương, xử lý như trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế. Người dân sẽ được hướng dẫn thu gom rác sau khi làm test nhanh cho vào túi ni-lông để trả cho đội xét nghiệm; rác này sẽ được xử lý như rác thải y tế.

Trong thời gian từ ngày 23/8 đến ngày 25/8 phải hoàn tất xét nghiệm cho toàn bộ người dân, sau đó tiến hành lặp lại xét nghiệm lần 2. UBND TP giao Sở Y tế, quận, huyện, TP Thủ Đức chuẩn bị đầy đủ công tác hậu cần phục vụ cho việc xét nghiệm.

Chính quyền địa phương cũng phải tiến hành xác định các mức nguy cơ theo tổ dân phố, tổ nhân dân dựa vào thời gian và số lượng các ca F0 trên địa bàn; cập nhật tỉ lệ tiêm chủng cho đối tượng trên 18 tuổi…

TP HCM: 16 nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 (bổ sung)

Ngày 22/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký công văn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Công văn này thay đổi một số nhóm đối tượng và quy định so với công văn được ban hành trước đó (Công văn 2796/UBND-VX ngày 21/8/2021).

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 1 20
TP.HCM quy định rõ lực lượng nào được ra đường từ ngày hôm nay 23/8. Ảnh: @Hà An.

Theo đó, từ 23/8, TP.HCM cho phép các nhóm đối tượng được ra đường và yêu cầu có giấy đi đường, đồng phục để nhận diện.

Nhóm 1A: Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

Nhóm 1B: Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: Ngân hàng, chứng khoán.

Nhóm 2A: Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố.

Nhóm 2B: Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mới bổ sung).

Nhóm 2C: Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Tân Cảng Cát Lái (mới bổ sung).

Nhóm 3A: Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối hoạt động trong địa bàn 01 quận/huyện từ 06 – 18 giờ.

Nhóm 3C: Nhân viên phục vụ hệ thống phân phối, nhân viên điện lực (không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động).

Nhóm 3D: Nhân viên làm việc liên quan xuất, nhập khẩu (thời gian hoạt động 6 – 18 giờ, Sở Công Thương quyết định số lượng và phạm vi hoạt động).

Nhóm 4A: Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng trên địa bàn Thành phố (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật….).

Nhóm 4B: Các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

Nhóm 5: Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh Covid-19, người cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Nhóm 7A: Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao.

Nhóm 7B: Nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (có thời gian và đề xuất cụ thể).

Nhóm 8A: Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ trực thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện…).

Nhóm 8B: Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc Thành Đoàn (mới).

Nhóm 8C: Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố (mới).

Nhóm 9A: Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí.

Nhóm 9B: Lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính Nhà nước.

Nhóm 10: Dịch vụ công chứng.

Nhóm 11: Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ…

Nhóm 12: Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ; Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và các lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng; Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, xuất ăn, thiết bị y tế; Nhân viên các ngành phục vụ xăng dầu, gas; Nhân viên các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…), cơ sở xuất ăn công nghiệp; Lực lượng cung ứng dịch vụ công ích; xây dụng, bảo trì công trình, trang thiết bị; Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ phòng, chống Covid-19 bao gồm tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hoá (mới); Các lực lượng khác của ngành y tế.

Nhóm 13: Người dân đi tiêm ngừa vaccine Covid-19 (cần có phiếu tiêm ngừa vaccine); Tổ Covid-19 cộng đồng; Cấp cứu, khám, chữa bệnh định kỳ, người dân về quê theo kế hoạch: Không cấp giấy; Các lực lượng thu gom rác dân lập (mới).

Nhóm 14B: Người đi chợ thay.

Nhóm 15: Công tác kiểm dịch động, thực vật (mới).

Nhóm 16: Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng)

Nhóm 17: Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế… do Sở Du lịch quản lý.

Kết quả giai đoạn 3a của vaccine Nano Covax có nhiều triển vọng

Sáng 22/8, Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế tiếp tục thẩm định kết quả lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3a vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax của Công ty Nanogen. Hội đồng đạo đức vẫn xem xét kỹ báo cáo trước khi đưa ra thông cáo báo chí cuối cùng. Được biết, đầu tuần tới, Nanogen tiếp tục bổ sung thêm một số tài liệu.

Tại cuộc họp, nhóm nghiên cứu đã báo cáo tiến độ giai đoạn thử nghiệm, kết quả về tính an toàn và tính sinh miễn dịch giai đoạn 3a. Theo báo cáo, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên ở Hà Nội và Long An. Đây là nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược với tỷ lệ 6:1 (6 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược).

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 2 3
Vaccine phòng Covid-19 Nano Covax được Công ty Nanogen phát triển. Ảnh: @Văn Nguyện.

Việc chọn mẫu tham gia pha 3a đảm bảo cân bằng về giới, đa dạng nhóm tuổi, trong đó trẻ nhất là 18 tuổi, người cao tuổi nhất là 81. Nhóm 18-45 tuổi chiếm 60%, 46-60 tuổi chiếm 22%, hơn 17% còn lại là nhóm trên 60 tuổi.

Đáng lưu ý, nghiên cứu cũng cho phép các tình nguyện viên có tiền sử dị ứng, bệnh tim mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, từng mắc ung thư, người béo phì… tham gia, với tổng 162 người.

Kết quả, vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính an toàn. Cụ thể, kết quả thu thập từ 856 người tiêm mũi 1 và 824 người tiêm mũi 2 cho thấy một trường hợp đau nặng tại chỗ tiêm (chiếm 0,1%). Tỷ lệ đau nhẹ sau tiêm mũi 1 và mũi 2 lần lượt là 38,7% và 44,7%. Tỷ lệ này ở giả dược dao động 37-42%.

Hai trường hợp ngứa trung bình sau tiêm mũi 2. Tỷ lệ ngứa mức độ nhẹ khi tiêm mũi 1 là 46 trường hợp (5,4%), mũi 2 là 83 trường hợp (10,1%). Mức độ ngứa nhẹ ở nhóm tiêm giả dược dao động trong khoảng 3,6-5,5%.

Một trường hợp bị sưng cục cứng nặng sau tiêm mũi 2, hai trường hợp nổi cục cứng mức độ trung bình. 19 trường hợp (chiếm 2.2%) sau tiêm mũi 1 và 9 trường hợp (1,1%) sau tiêm mũi 2 bị nổi cục nhẹ, tỷ lệ này ở nhóm giả dược 2,1%.

Tỷ lệ buồn nôn mức độ nhẹ sau tiêm 2 mũi Nano Covax là 1,8%, mức độ nặng là 0,1%; tỷ lệ đau cơ mức nhẹ sau tiêm 2 mũi vaccine dao động 6,3-11,4%, tỷ lệ ở nhóm giả dược là 4,1-13%; đau cơ mức độ nặng dao động 0,4-0,6%.

Khoảng 12-14% tình nguyện viên bị đau đầu mức độ nhẹ sau tiêm vaccine; mức độ nặng chiếm 0,8-1,1%. Ở nhóm giả dược, tỷ lệ đau đầu nhẹ là 13,8-15,9% và 0,7% đau trung bình.

Về tỷ lệ đau khớp, 6-6,8% nhóm tiêm vaccine bị đau khớp nhẹ, tỷ lệ này ở nhóm giả dược là 3,4-9,4%. Mức độ đau khớp trung bình sau tiêm vaccine dao động 0,2-0,5%.

Khoảng 20-25% tình nguyện viên bị mệt mỏi mức độ nhẹ sau tiêm vaccine, tỷ lệ này ở nhóm giả dược là 23-29%; mệt mỏi mức độ trung bình khá thấp, dao động 1,2-1,9% so với 0,7-2,9% ở nhóm giả dược.

Tiêm đủ 2 mũi vaccine mà tiếp xúc với F0, làm gì để đừng bị bệnh?

Khi được một bạn đọc ở TP HCM hỏi nếu đã tiêm 2 mũi vaccine mà có tiếp xúc với F0, vậy phải làm gì để phòng ngừa, đừng phát bệnh Covid-19, Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP HCM) trả lời rằng, việc tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh nếu đã tiếp xúc với F0, cho dù khả năng có thấp hơn người khác. Nhân viên y tế làm nhiệm vụ đã tiêm 2 mũi nhưng nhiều người vẫn bị bệnh trở lại. Nếu đã tiếp xúc với F0, bạn đã thành F1 và nếu bạn đã lỡ nhiễm mà không có cách gì để phòng ngừa, bệnh sẽ phát trong những ngày tới.

Bạn cần tự cách ly, báo với y tế địa phương, tự theo dõi sức khỏe, có thể nhờ mua giúp test nhanh để tự thử vài lần. Nếu tự cách ly đến ngày thứ 15 mà test nhanh hay test PCR vẫn âm tính thì bạn an toàn. Bạn đã tiêm 2 mũi vaccine, nếu thực sự đã nhiễm thì thường bệnh cũng nhẹ, có khả năng cao trở thành ca không triệu chứng nhưng bạn vẫn có thể lây cho người khác nên tự cách ly đúng vẫn là quan trọng nhất.

Bộ Y tế tiếp nhận hơn 1,2 triều liều vaccine AstraZeneca

Sáng 22/8, sau 3 ngày hoàn thành thủ tục kiểm định chất lượng, lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca gồm 1.209.400 liều chính thức được Công ty CP Vaccine Việt Nam (VNVC) bàn giao cho Bộ Y tế.

Đây là lô vaccine thứ 9 thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều của VNVC và AstraZeneca, được VNVC đưa về Việt Nam ngày 19/8 và hôm qua (22/8) Viện Pastuer TPHCM đại diện Bộ Y tế nhận số vaccine này.

Như vậy, chỉ sau 1 tuần kể từ khi lô vaccine thứ 8 gồm hơn 1,1 triệu liều được VNVC bàn giao cho Bộ Y tế, VNVC tiếp tục lần bàn giao số lượng lớn với hơn 1.2 triệu liều, kịp thời đóng góp cho công tác phòng chống dịch.

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 3 1
AstraZeneca vừa chuyển về Việt Nam thêm 1.209.400 liều vaccine Covid-19. Ảnh: @Báo Người Lao Động.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, từng liều vaccine Covid-19 được đưa về Việt Nam trong thời điểm này đều vô cùng quý giá. Ngay lúc này, chỉ có tiêm vaccine phòng bệnh chủ động, đạt miễn dịch cộng đồng thật sớm mới có thể tránh khỏi thảm kịch quá tải điều trị và tử vong cao.

Trong bảy tuần qua, kể từ ngày 9/7, hơn 6,2 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được VNVC đưa về Việt Nam. Như vậy, VNVC đã đưa về Việt Nam tổng số gần 7 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều từ tháng 11/2020, chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế với cam kết bàn giao nhanh chóng, an toàn và đảm bảo chất lượng cao nhất. VNVC cũng cam kết hỗ trợ, tự chi trả mọi chi phí phát sinh trong quá trình mua, tiếp nhận, bàn giao vaccine từ AstraZeneca.

15 nơi được nhận 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19

Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19. Đây là lần thứ 3 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Theo quyết định của Bộ Y tế, ở đợt 3 này có 11 bệnh viện (trong đó có các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19), 13 Sở Y tế các tỉnh TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang và Hậu Giang và Cục Y tế; Cục Quân Y nằm trong danh sách xuất cấp thuốc Remdesivir.

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 3 15
Bộ Y tế cấp xuất 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19. Ảnh: @Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 17/8, Bộ Y tế cũng đã có quyết định xuất cấp lần 2 thuốc Remdesivir cho 17 đơn vị gồm các Bệnh viện và một số Sở Y tế phía Nam.

Vào ngày 8/8, lô thuốc đầu tiên 10.000 lọ Remdesivir đã được xuất cấp đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Như vậy, đến nay đã có 70.000 lọ thuốc Remdesivir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 được Bộ Y tế xuất cấp.

Remdesivir là là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, từng được cựu Tổng thống Mỹ sử dụng để chữa Covid-19.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Thuốc Remdesivir cũng là thuốc đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị Covid-19, cho bệnh nhân Covid-19 nặng, thở máy/ECMO…

TP.HCM triển khai hệ thống tra cứu thông tin người bệnh Covid-19

Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia đã phối hợp triển khai hệ thống tra cứu thông tin người bệnh Covid-19 tại địa chỉ https://tracuuf0.medinet.org.vn.

Theo Sở Y tế, bệnh nhân mắc Covid-19 vào bệnh viện điều trị thì người thân sống cùng nhà cũng là F1 và cũng sẽ bị cách ly. Nếu bệnh nhân diễn biến nặng, không giao tiếp được hoặc không liên lạc được gia đình sẽ không có thông tin, rất lo lắng. Trong khi đó các bác sỹ, cán bộ y tế tại cơ sở điều trị lại rất bận rộn và thường không có kênh liên lạc với gia đình bệnh nhân.

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 2 8
Người dân chỉ cần nhập thông tin của F0 tại địa chỉ https://tracuuf0.medinet.org.vn. Ảnh: @Vietnamnet.

Hệ thống tra cứu thông tin người bệnh Covid-19 được triển khai thông qua việc kết nối thông tin bệnh nhân trên hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở điều trị để cung cấp cho gia đình bệnh nhân có thể tra cứu được tình trạng người thân của mình, nhắn tin đến người nhà bệnh nhân khi tình trạng bệnh của họ thay đổi.

Thông tin về người bệnh Covid -19 sau khi tra cứu bao gồm: Bệnh viện điều trị; tên bệnh viện, địa chỉ, số điện thoại; tình trạng bệnh, mức độ… và các thông tin liên lạc khác.

Thân nhân người bệnh sẽ nhận được tin nhắn cập nhật thông tin diễn tiến của người thân mình qua số điện thoại đã đăng ký. Hệ thống sẽ nhắn tin đến người thân của F0 khi có sự thay đổi về tình trạng bệnh, chuyển viện hoặc xuất viện.

Người dân chỉ cần nhập thông tin của F0 tại địa chỉ https://tracuuf0.medinet.org.vn, hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh sẽ tra cứu đầy đủ thông tin người bệnh đang điều trị hoặc đã rời khỏi khu cách ly hoặc xuất viện.

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 3 7
Bảng điền thông tin để tra cứu thông tin người F0. Ảnh: @Vietnamnet.

Việc giúp gia đình bệnh nhân tra cứu, xem, nhận thông tin tình trạng của người F0 rất có ý nghĩa kết nối và mang tính nhân văn, phù hợp tình hình hiện nay.

Tình hình thế giới

Theo trang Worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, tính đến 6 giờ sáng ngày 23/8, thế giới ghi nhận thêm 445.407 ca mắc Covid-19 mới và thêm 8.158 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 212.548.953 ca, trong đó 4.443.797 ca tử vong.

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 4 4
Ảnh: @ Worldometer.info.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Iran (36.419 ca), Anh (32.253 ca) và Mỹ (trên 27.488 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.030 ca), Mexico (847 ca) và Nga (762 ca). Ở hạng mục này, Việt Nam có tổng cộng 737 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, đứng vị trí thứ 4 trên toàn cầu.

TP HCM: bổ sung các nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay 23/8 - Covid 19 5 1
Ảnh: @ Worldometer.info.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với 38.541.816 ca mắc, trong đó có 645.045 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.527 ca trong tổng số 20.570.891 ca nhiễm. Với 434.784 ca tử vong trong tổng số 32.448. 969 ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ ba về số ca tử vong với 434.784 ca.

Tình hình Đông Nam Á

Theo trang thống kê Worldometers.info, trong ngày 22/8, 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 79.674 ca mắc Covid-19 mới và 1.726 ca tử vong mới. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 9.326.908 ca, trong đó 206.084 người tử vong.

Trong ngày 22/8, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Malaysia với 19.807 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 1.555.093 ca. Malaysia cũng ghi nhận thêm 232 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 14.168.

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 19.014 ca. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.049.295 ca mắc Covid-19. Số ca mắc ở Thái Lan đang có xu hướng giảm dần sau khi đã qua đỉnh.

Philippines đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 22/8 với 16.044 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.839.635 ca.

Tiếp đó là Indonesia với 12.408 ca mắc, Việt Nam với 11.208 ca, Campuchia với 496 ca, Brunei với 314 ca, Đông Timor với 235 ca, và Singapore với 35 ca.

Có thể bạn quan tâm
CEO Elon hứa sẽ ra mắt robot Tesla Bot trông giống như người vào năm tới

CEO Elon Musk cho biết Tesla sẽ chế tạo một robot hình người được gọi là Tesla Bot, với kế hoạch giới thiệu nó lần đầu tiên vào năm sau.

TP.HCM: 312 pháo đài phòng chống dịch, quân đội sẽ hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với đại diện Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng lên phương án quan trọng, gấp rút với độ quyết tâm cao nhất, sớm đưa TP.HCM và các tỉnh phía Nam về giai đoạn “bình thường mới”, khi diễn biến dịch đang ngày càng phức tạp, khó lường.

OPPO Find X3 Pro giành giải “Advanced Smartphone” tại EISA Awards 2021 – 2022

Đây là năm thứ hai liên tiếp OPPO giành được giải thưởng “Advanced Smartphone – Điện thoại thông minh tiên phong” tại giải thưởng EISA Awards.

Các nhà bán lẻ điều chỉnh giá bán bộ đôi smartphone màn hình gập Samsung Galaxy Z thế hệ 3

Cả FPT Shop và Di Động Việt đều đã điều chỉnh giá bán lẻ chính thức cho bộ đối smartphone màn hình gập Galaxy Z thế hệ ba ngay sau khi Samsung Việt Nam công bố chương trình mở bán chính thức.

FPT eCovax: “vaccine” số, giúp doanh nghiệp vượt đại dịch

FPT vừa công bố Chương trình FPT eCovax nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành và các giải pháp số, giúp doanh nghiệp vận hành không gián đoạn, miễn nhiễm để vượt qua đại dịch.

Sẽ thiết lập trạm y tế lưu động tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An

Tính đến 6 giờ sáng ngày 20/8, Bộ Y tế công bố Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 312.611 ca mắc Covid-19, trong đó có 120.059 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có hơn 1.900 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19.

Tính năng hỗ trợ người khó khăn do dịch bệnh Zalo Connect đã mở tại 20 tỉnh thành

Sau hơn 1 tuần thí điểm tại TPHCM, Zalo Connect – tính năng tìm kiếm, giúp đỡ những người khó khăn, tương trợ nhau vượt qua đại dịch Covid đã được triển khai rộng rãi tại hơn 20 tỉnh/thành đang giãn cách.

OPPO tiết lộ nhiều cải tiến cho camera smartphone

OPPO luôn là hãng tiên phong phát triển các tính năng camera mới trong những năm qua, có thể kể đến như camera selfie dưới màn hình, công nghệ thu phóng… Công ty này vừa tiếp tục giới thiệu các cải tiến công nghệ camera tiếp theo của mình.

Gojek ra mắt dịch vụ GoCar giữa mùa giãn cách

Dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ GoCar của ứng dũng Gojek ra đời trong bối cảnh giãn cách xã hội do COVID-19

Chung cư tự xây khu cách ly F0 để hỗ trợ các hộ dân, một mô hình rất hay và ý nghĩa

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ca nhiễm F0 tăng và phải tự điều trị tại nhà, các thành viên trong ban quản trị chung cư Hiệp Tân – 8X Đầm Sen, Quận Tân Phú, TP.HCM đã quyết định cùng nhau tự xây khu cách ly F0 để hỗ trợ người dân trong khu mình sinh sống.