Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9

Đội ngũ y bác sỹ ngày đêm điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Việt Đức tại TP.HCM. Ảnh: @TTXVN.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 6/9, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 524.307 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 292.000 ca khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước ta đến nay là 13.074 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 524.307 ca mắc Covid-19, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, với bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm.

Còn nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) thì số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 520.013 ca, trong đó có 288.953 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày 5/9 là 9.211, nâng tổng số ca được điều trị khỏi đạt 291.727. Cũng theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.291 ca, trong đó:

– Thở oxy qua mặt nạ: 4.015 ca.

– Thở oxy dòng cao HFNC: 1.207 ca.

– Thở máy không xâm lấn: 146 ca.

– Thở máy xâm lấn: 892 ca.

– ECMO: 31 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.074 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc.

Về tình hình tiêm chủng, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 21.445.181 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9 - Covid 19 3 2
Ảnh: @Báo Tuổi Trẻ.

Riêng tại TP.HCM, tính đến 6 giờ sáng ngày 6/9, toàn địa bàn thành phố có tổng cộng 251.414 ca nhiễm Covid-19, 10.452 ca tử vong, cùng 6.218.530 liều vaccine Covid-19 đã được tiêm chủng cho người dân.

Thông tin “TP.HCM bắt đầu sống chung với Covid-19 từ 15/9” là sai sự thật

Tại cuộc họp báo chiều 5/9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM cho biết, một số thông tin lan truyền trên mạng như: “Bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 từ sau 15/9. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Sở Công thương là đầu mối để hướng dẫn công ty. Cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online. Chuyển sang điều trị Covid-19 có thu phí…” là thông tin sai sự thật, thành phố chưa có các chủ trương này.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9 - Covid 19 2 2
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh phát ngôn tại buổi họp chiều 5/9. Ảnh: @Báo Người Lao Động.

Về việc người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có được tham gia các hoạt động trở lại sau 6/9 hay 15/9 hay không, ông Hải cho biết hiện thành phố cũng chưa có quy định gì về người thuộc diện này.

“Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố sẽ có thông tin cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng tham gia hoạt động, đến nay chưa có thông tin về quy định cụ thể. Đề nghị người dân bình tĩnh và chờ quy định được ban hành từ UBND TP.HCM”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết thêm, UBND TP.HCM đã ký quyết định 3204 về việc thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM. Theo quyết định này, TP.HCM sẽ thành lập 4 tổ công tác, tổ phòng chống dịch có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, kịch bản và giải pháp phòng chống dịch theo các mốc thời gian gồm: 15/9 đến 31/1/2021 và từ năm 2022 trở đi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tiếp tục kêu gọi người dân TP HCM tự test nhanh Covid-19 tại nhà

Sau khi gửi thư kêu gọi các bệnh nhân F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch Covid-19 tại TP HCM, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thay mặt Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM chống dịch Covid-19 tiếp tục có thư ngỏ, kêu gọi người dân TP HCM tự thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên, góp sức vào công tác chống dịch của TP.

Trong thư, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ công dân của TP mang tên Bác đã cùng nhau trải qua hơn 100 ngày hết sức khó khăn trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của biến chủng Delta. Người dân đã sát cánh cùng nhau, được sự giúp đỡ của các nhân viên y tế toàn thành phố cũng như lực lượng hỗ trợ đến từ các tỉnh thành.

Hiện tại, công tác phòng, chống dịch Covid-19 do biến chủng Delta đã đạt được một số kết quả bước đầu và đang có sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được bệnh dịch.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9 - Covid 19 3 2
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: @Bộ Y tế.

Với sự lây truyền nhanh và mạnh của biến chủng Detla, xét nghiệm là chìa khóa để xác định nguồn lây nhiễm, bóc tách, cách ly và điều trị kịp thời. Xét nghiệm cũng là mắt xích đầu tiên, đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng chống virus SARS-CoV-2 của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

TP HCM đã và đang áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Các nhân viên y tế, người tình nguyện và lực lượng hỗ trợ đã ngày đêm thực hiện công tác xét nghiệm, cống hiến, hy sinh với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước thương dân, không ngại khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, do dân số TP đông, nguồn nhân lực có hạn nên khả năng lặp lại xét nghiệm để loại bỏ triệt để nguồn lây nhiễm mạnh còn hạn chế.

Tại một số nơi, điểm lấy mẫu chưa đảm bảo an toàn sinh học có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm cho cả người lấy mẫu và người được lấy mẫu. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và gia đình.

“Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM đã xây dựng các hướng dẫn bằng hình ảnh và video clip giúp người dân tự xét nghiệm. Các bạn có thể nhờ nhân viên y tế hướng dẫn ở lần đầu thực hiện, hoặc tham khảo hướng dẫn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội” – Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị các cơ sở y tế địa phương và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm chủ động đề xuất, giúp người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên.

“Kiểm soát và sớm đẩy lùi dịch bệnh là mong muốn, ước vọng không những của người dân TP, mà còn của nhân dân cả nước. Với trách nhiệm cá nhân, với tình yêu thương bản thân, gia đình và tri ân lực lượng y tế đang nỗ lực hết sức để điều trị và bảo toàn sinh mệnh cho bệnh nhân Covid-19, tôi hiểu rằng các bạn sẽ sẵn lòng tự thực hiện xét nghiệm thường xuyên, và tin rằng kết quả xét nghiệm test nhanh của các bạn và gia đình luôn được cập nhật tới cơ quan y tế địa phương” – Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Theo Thứ trưởng, kết quả test nhanh của người dân sẽ là những thông tin có giá trị để đánh giá tình hình dịch bệnh, là “những viên gạch” góp phần xây “pháo đài” chống dịch của các phường, xã trong TP.

TP.HCM: Giải mã việc kiểm soát dịch thành công của quận 7

Quận 7 là một trong rất ít quận đầu tiên ở TP.HCM tuyên bố kiểm soát được dịch và bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện kế hoạch bình thường mới.

Sáng ngày 2/9, Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận này đã công bố kiểm soát được dịch trên địa bàn quận. Đây là một điểm sáng trong chiến lược chống dịch của TP.HCM khi một địa phương đã chuyển dần từ vùng đỏ qua vùng xanh, tức là ở mức kiểm soát được virus SARS-CoV-2.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9 - Covid 19 4 2
Đồ họa: @Đông Trúc.

Như thế nào là “kiểm soát được dịch”?

Tại thời điểm công bố “kiểm soát được dịch” (ngày 2/9), số ca nhiễm trong ngày của quận 7 là 135, trong đó số ca trong cộng đồng là 51 và trong khu phong tỏa là 84 (không có ca mới trong khu cách ly). Trong ngày cũng không có F0 nào chờ chuyển viện.

Trong tháng 8, trung bình mỗi ngày quận chỉ có hơn 100 F0, trong đó nhiều ngày có dưới 50 ca. Đến cuối tháng 8, quận có trên dưới 2.600 F0 nhưng phần lớn đều được tổ chức chăm sóc, điều trị tại nhà một cách an toàn, khoa học; có khoảng 25% được cách ly tập trung và gần 20% F0 lưu lại các cơ sở chữa trị Covid-19.

Trong hai tuần qua, tỉ lệ ca nhiễm trên tổng số ca xét nghiệm cộng đồng của quận 7 chỉ dao động ở mức 1%. Điều quan trọng là suốt giai đoạn này, số ca F0 tử vong giảm mạnh, như tại Bệnh viện (BV) dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 mỗi ngày chỉ còn hai ca tử vong, cá biệt như ngày 1/9 không có ca tử vong nào. Số ca nhiễm, tỉ lệ nhiễm cộng đồng và số ca tử vong này đều rất thấp khi so sánh với mặt bằng chung của cả TP trong mấy tuần qua.

Về vaccine, quận 7 nằm trong nhóm tiêm chủng hiệu quả nhất TP. Tính đến ngày 2/9, quận đã tiêm gần 244.000 mũi. Điều đó có nghĩa gần như toàn bộ người dân của quận, đặc biệt nhóm người già trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đều đã hoàn thành mũi 1, bắt đầu mũi 2. Cho đến nay quận 7 đã không còn các điểm phong tỏa y tế, với tỉ lệ vùng xanh chiếm khoảng 55%, trong khi vùng đỏ chỉ còn gần 26% nếu xét theo khung đánh giá vùng nguy cơ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành. Cả 10 phường của quận đều đã được trao chứng nhận kiểm soát được dịch bệnh.

Mô hình y tế được tổ chức ra sao?

Quận 7 không ngừng nâng cao năng lực y tế địa phương. Để theo dõi và chăm sóc người dân có nhu cầu y tế trong mùa dịch, quận lập ra 10 tổ y tế cộng đồng quy mô trên 10-15 người/tổ, trong đó phần lớn là các bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa, Hội Chữ thập đỏ.

Đây là lực lượng “phản ứng nhanh” với nhiệm vụ: Thăm khám, chăm sóc cho F0, F1 trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Sàng lọc, sơ cấp cứu các F0 có thể chuyển nặng để chuyển tuyến kịp thời; Hỗ trợ kết nối xe cấp cứu cho người dân; Giúp đỡ y tế cho người ở khu phong tỏa; giúp người dân xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh kịp thời để chữa trị; Phối hợp tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch. Quận cũng bàn giao 10 xe cấp cứu cho 10 phường. Người dân có vấn đề y tế có thể liên hệ vào đường dây nóng của tổ y tế cộng đồng phường nơi cư trú.

Bên cạnh đó, quận 7 đã xây dựng các trạm y tế chăm sóc F0 tại nhà. Hiện đã có 44 trạm y tế (trong đó có 34 trạm lưu động) với tổng số trên 350 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên. Họ đảm nhận nhiệm vụ điều trị, chăm sóc ban đầu cho các bệnh nhân nhẹ, có bệnh lý thông thường. Đến nay, các trạm y tế đã khám trực tiếp cho gần 1.100 người, tư vấn trực tuyến cho hơn 3.300 người, chuyển kịp thời 40 trường hợp trở nặng đi cấp cứu.

Về hạ tầng y tế chăm sóc F0, quận đã tổ chức 21 khu cách ly tập trung, quy mô 3.400 giường. Đây là khu vực dành cho các F0 không có điều kiện tự cách ly tại nhà hoặc F0 có triệu chứng nhẹ, có một số bệnh nền được theo dõi kịp thời. Để ngừa tình trạng F0 trở nặng nhanh do biến chủng Delta, các khu cách ly có trang bị oxy, thuốc điều trị Covid-19.

Với các F0 có triệu chứng trung bình, nặng và hồi sức cấp cứu ban đầu, quận đã tổ chức ba cơ sở điều trị gồm: BV quận 7, BV đa khoa Tân Hưng và BV dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1. Sức chứa tổng thể là 690 giường, hiện đang điều trị cho gần 500 người. Riêng BV dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 có trang bị một bồn oxy 32 tấn cùng hệ thống oxy trung tâm đảm bảo cung cấp cho hàng trăm bệnh nhân cùng lúc, đồng thời còn có 50 máy thở dòng cao HFNO, 54 máy tạo oxy…

Ngoài ra, quận còn có quy chế phối hợp liên kết với các BV tư nhân trên địa bàn (BV FV, BV Tâm Đức) và với các BV dã chiến của TP (BV dã chiến số 16, Trung tâm hồi sức của BV Bạch Mai…). Mô hình này giúp người dân quận 7 có thể tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời trong trường hợp các cơ sở của quận 7 gặp quá tải, hoặc không đủ điều kiện và khả năng chữa trị.

Quận 7 cũng chủ trương và kế hoạch hình thành nhiều tầng, nhiều lớp tự quản để đảm bảo nhu cầu y tế của người dân được đáp ứng kịp thời. Tại các khu dân cư, quận lập ra các tổ tự quản về y tế (khoảng 100 người dân lập một tổ). Các doanh nghiệp, chợ, cơ sở tôn giáo… cũng lập ra các tổ tự quản về y tế tương tự. Mục đích là để người dân nắm thông tin kịp thời, hỗ trợ lẫn nhau: Tự xét nghiệm luân phiên, theo dõi, nâng cao sức khỏe theo hướng dẫn của ngành y tế; Kịp thời báo với các tổ y tế cộng đồng, lực lượng y tế khi có ca F0 hoặc có trường hợp chuyển nặng để xử lý kịp thời, không bị bất ngờ.

Đảm bảo an sinh cho người dân bằng cách nào?

Tương tự tổ tự quản trong y tế, quận 7 cũng tổ chức mô hình tự quản về an sinh xã hội. Cứ mỗi 30-50 hộ gia đình thì sẽ lập ra một tổ tự quản, dưới sự theo dõi và quản lý của tổ dân phố. Các khu phố sẽ lập ra ban tự quản để theo dõi, hỗ trợ tổ dân phố. Mỗi phường sẽ có nhiều ban tự quản.

Bằng mô hình này, nhu cầu của từng hộ gia đình sẽ được các tổ tự quản nắm bắt kịp thời; vận động các nguồn lực để tự hỗ trợ lẫn nhau hoặc đề xuất Trung tâm tiếp nhận, điều phối và cứu trợ hàng hóa, thực phẩm cho người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Tổ tự quản cũng sẽ giúp thống kê, hỗ trợ việc chi các chế độ, chính sách cho người dân (theo các gói cứu trợ từ ngân sách chính phủ, chính quyền TP, các gói cứu trợ khác).

Quận 7 cũng là địa phương thuộc nhóm tiên phong thành lập Trung tâm tiếp nhận, điều phối và cứu trợ hàng hóa, thực phẩm cho người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Đây là đơn vị có chức năng vận động quyên góp; tổ chức tiếp nhận và quản lý tiền, hiện vật cứu trợ; tổ chức phân phối sử dụng tiền, hiện vật cứu trợ; thực hiện việc thông tin, báo cáo và giám sát các hoạt động cứu trợ trên địa bàn quận.

Tính tới đầu tháng 9, quận đã hỗ trợ hơn 73.000 lượt người từ tiền ngân sách. Ngoài ra, quận chủ động hỗ trợ người dân bằng nhiều cách khác nhau với tổng số tiền gần 109 tỉ đồng.

Quận cũng vận động chủ nhà trọ giảm giá cho hàng chục ngàn hộ dân với tổng số tiền đạt được trên 15,6 tỉ đồng. Quận còn tổ chức phát 338 tấn gạo cho tất cả 10 phường và kế hoạch phát gạo sẽ lên tới 1.230 tấn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quận triển khai đi chợ hộ giúp hàng chục ngàn hộ gia đình mua được thực phẩm và hàng hóa thiết yếu kịp thời trong những ngày TP siết chặt giãn cách.

Tình hình thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 415.884 trường hợp mắc Covid-19 mới và 6.391 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 221,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,58 triệu người không qua khỏi.

Theo số liệu thống kê của trang Worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 221.507.899 ca, trong đó có 4.581.062 người tử vong.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9 - Covid 19 1 2
Ảnh: @Worldometers.info.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh có số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Ấn Độ quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với 39.521 ca, Anh 37.011 ca và Mỹ 31.617 ca.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9 - Covid 19 2 2
Ảnh: @Worldometers.info.

Về số ca tử vong cao nhất trong 24 giờ qua, Nga đứng đầu thế giới với 793 ca, Mexico 647 ca, Iran 610 ca. Ở hạng mục này, Việt Nam đứng vị trí thứ 7 trên toàn cầu với 281 ca tử vong mới.

Tình hình Đông Nam Á

Theo thống kê của trang Worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 75.341 ca mắc bệnh Covid-19 mới, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 232.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 6/9 - Covid 19 1 2
Phun thuốc khử trùng để ngăn chặn dịch Covid-19 tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: @THX/ TTXVN.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao. Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới trong ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì Covid-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia và cao nhất ASEAN trong 24 giờ qua. 

Ngày 5/9, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 336 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ hai trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không cố bố số liệu. Tình hình Covid-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 5/9 ghi nhận thêm trên 15.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 224 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.

Campuchia dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt khi nước này chỉ có 461 bệnh nhân mới và 7 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh dịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì Covid-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm.Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm
Các ông lớn công nghệ Trung Quốc bị chính phủ giám sát cam kết đầu tư hàng tỷ USD

Cùng với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác, Alibaba cũng sẽ đầu tư 15,5 tỷ USD trong vài năm tới vào các sáng kiến ​​“sự thịnh vượng chung”.

Apple trì hoãn tính năng quét thư viện ảnh để bảo vệ trẻ em tránh bị lạm dụng

Sau những phản đối về quyền riêng tư, hôm 3/9, Apple cho biết họ sẽ trì hoãn triển khai kế hoạch quét thư viện ảnh của người dùng để tìm các hình ảnh liên quan đến khả năng lạm dụng tình dục, bóc lột trẻ em.

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Hoàng Mai trang bị hạ tầng CNTT hiện đại, hạn chế tiếp xúc

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế, triển khai hạ tầng CNTT cho bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 vừa đi vào hoạt động tại Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9

Tính đến 6 giờ sáng ngày 4/9, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 501.649 ca mắc Covid-19, có hơn 50% bệnh nhân đã khỏi bệnh, trong số các ca đang điều trị có gần 6.500 ca nặng, cùng hơn 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm chủng cho người dân.

Vỏ Sò ghi nhận 36.000 đơn hàng sau 3 ngày triển khai ‘Đi chợ online’ tại TP.HCM

Theo ghi nhận từ sàn TMĐT Vỏ Sò (sàn TMĐT của Viettel Post), sau 3 ngày triển khai gian hàng ‘Đi chợ online’, hệ thống đã nhận được hơn 36.000 đơn hàng tại TP.HCM.

ASUS đã sẵn sàng tung loạt laptop màn hình OLED và Windows 11 cho người sáng tạo nội dung

Tại sự kiện Create the Uncreated diễn ra ở Đài Loan tối ngày 2/9 phát trực tuyến toàn cầu, ASUS đã công bố hệ sinh thái toàn diện dành cho nhà sáng tạo nội dung và người tiêu dùng với dải sản phẩm ProArt mới cùng các mẫu laptop sử dụng màn hình OLED chạy Windows 11.

WhatsApp nhận án phạt nặng từ Châu Âu vì vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu

Ireland vừa đưa ra mức phạt cao thứ hai từ trước đến nay tại Châu Âu vì vi phạm các quy định về GDPR của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền tảng nhắn tin phổ biến của Facebook, WhatsApp.

Apple có thể tiếp tục trì hoãn ra mắt MacBook Pro vì thiếu chip

Báo cáo mới cho thấy tình trạng thiếu chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến việc sản xuất các mẫu MacBook Pro sắp tới của Apple và buộc công ty trì hoãn ra mắt nó.

Cẩn trọng với cáp Lightning giả, bởi đó là công cụ tấn công của tin tặc

Việc giữ an toàn cho iPhone và dữ liệu cá nhân của người dùng có thể trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của cáp O.MG mới nhằm mục đích hack trông giống như cáp Lighting.

Âm thầm dọn rác thông tin cho Facebook, mỗi năm Accenture thu về 500 triệu USD

Accenture trở thành đối tác quan trọng của Facebook khi thực hiện các nhiệm vụ thanh lọc nội dung độc hại xuất hiện trên nền tảng ứng dụng này, với mức lương chi trả tầm khoảng 500 triệu USD mỗi năm.