Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8

Từ ngày 23/8, TPHCM thực hiện việc siết chặt phòng, chống dịch Covid-19. Tại nhiều địa phương, công tác lập tổ lưu động, tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 hay tầm soát lấy mẫu tại nhà đã được triển khai đồng bộ. Ảnh: @Thanh Vũ.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 25/8, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 369.267 ca mắc Covid-19, trong đó có 162.279 bệnh nhân đã khỏi, cùng hơn 17,6 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm chủng cho người dân.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có tổng cộng 369.267 ca mắc Covid-19 đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, với bình quân cứ 1 triệu người có 3.756 ca nhiễm.

Còn nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) thì số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca, trong đó có 159.501 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, có thêm 7.663 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 24/8 nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 162.279 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 706 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 27 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 24/8 là 9.014 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc.

Về tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 17.647.353 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.725.040 liều, tiêm mũi 2 là 1.922.313 liều.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 5 2
Ảnh: @Báo Tuổi Trẻ.

Riêng tại TP.HCM, tính đến 6 giờ sáng ngày 25/8, toàn địa bàn thành phố có tổng cộng 184.872 ca mắc Covid-19, có 7.302 ca tử vong, cùng 5.619.013 liều vaccine đã được tiêm phòng cho người dân.

Bộ Quốc phòng bàn giao 30 xe cứu thương tăng cường cho TP.HCM

Sáng ngày 23/8, 30 xe cứu thương cùng tài xế đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Sở Y tế TP.HCM để tăng cường cho công tác chống dịch của TP trong cao điểm siết chặt chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Được sự ủy quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã bàn giao 30 chiếc xe cứu thương cùng tài xế và nhân viên quân y theo xe cho Sở Y tế TP.HCM. 30 xe cứu thương kèm 30 lái xe và 30 nhân viên quân y được bàn giao đợt này trực thuộc các đơn vị quân y thuộc Quân khu 9 và Quân khu 7.

Trong đợt này, cùng tham gia với lực lượng quân y Bộ Quốc phòng còn có đội ngũ cựu chiến binh là các y bác sĩ quân y đã nghỉ hưu không quản khó khăn, nguy hiểm tình nguyện cùng với lực lượng y tế trên tuyến đầu, tham gia công tác lấy mẫu, xét nghiệm, khám bệnh và điều trị chăm sóc cho những người bệnh Covid-19 đang điều trị.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 2 23
Bộ Quốc phòng bàn giao cho Thành phố 30 xe cứu thương cùng lái xe, cán bộ quân y theo kèm để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: @Xuân Khu-TTXVN.

Bộ Tư lệnh TP.HCM nhận định việc có thêm đội xe cứu thương và đội ngũ cựu quân y sẽ giúp giảm tải rất nhiều cho đội ngũ y tế địa phương trong việc vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 đi điều trị.

Sau buổi tiếp nhận, 30 xe cứu thương được Sở Y tế TP bàn giao về cho Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 của TP.HCM, phục vụ ngay nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân.

Thủ tướng có thư gửi Tổng Giám đốc WHO đề nghị cung cấp vaccine Covid-19 nhanh nhất

Cụ thể, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thư gửi ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong thư, Thủ tướng vui mừng nhận thấy các sáng kiến hợp tác được thống nhất tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng và ngài Tổng Giám đốc WHO vào ngày 24/6 vừa qua đã và đang được tích cực triển khai, trân trọng cảm ơn WHO về điều này. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của WHO và nhiều đối tác quốc tế, Việt Nam đã nhận được nhiều triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 1 12
Việt Nam tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 thông qua cơ chế COVAX. Ảnh: @Báo Người lao Động.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch trên diện rộng do biến chủng Delta gây nên, vì vậy, Thủ tướng đề nghị WHO ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam trong đợt phân bổ vaccine sắp tới của COVAX nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ vật tư y tế, chuyển giao công nghệ vaccine mRNA giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đặc biệt, Việt Nam mong sớm được đón đoàn chuyên gia của WHO sang trao đổi, hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ vai trò của WHO trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống đại dịch Covid-19 và tiếp cận công bằng chẩn đoán, điều trị và vaccine ngừa Covid-19.

Trước tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu ngày càng gay gắt, trong tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hai cuộc điện đàm quan trọng với Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca và Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer.

Lãnh đạo các tập đoàn đều cho biết, sự xuất hiện của chủng virus Delta đã và đang làm tăng mạnh số ca lây nhiễm trên toàn cầu, gây rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu rất lớn của thế giới về vaccine Covid-19 hiện nay, thậm chí một số nước phát triển đang muốn triển khai tiêm vaccine mũi thứ 3. Tuy nhiên, lãnh đạo AstraZeneca và Pfizer đều khẳng định cam kết sẽ nỗ lực đẩy mạnh cung ứng vaccine và tiến độ giao vaccine cho Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất có thể.

TP.HCM ghi nhận 6.000 mẫu dương tính SARS-CoV-2 khi test nhanh ‘vùng đỏ, cam’

Phát biểu tại họp báo về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 24/8, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố thực hiện chiến dịch xét nghiệm tách F0 ra khỏi cộng đồng từ hôm 23/8 và sẽ tập trung xét nghiệm “vùng đỏ, cam” (vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao) trước. Dự kiến, thành phố xét nghiệm 2 triệu mẫu và phải hoàn thành đến ngày 25/8.

Trong ngày đầu tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các “vùng đỏ, cam”, ngành y tế lấy được khoảng 170.000 mẫu test nhanh đơn, trong đó phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính. Theo ông Hưng, đây là tỷ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỷ lệ 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 3 16
Lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng nhằm phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Ảnh: @Đinh Mười.

“Dương tính khoảng 6.000/170.000 mẫu, tỷ lệ dương tính trong cộng đồng như vậy là ở mức cho phép. Phải làm sao người dân ở “vùng đỏ, vùng cam” được xét nghiệm hết. Từ đó, đánh giá tình hình dịch bệnh và tham mưu cho thành phố các giải pháp chống dịch sắp tới”, ông Hưng nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, đối với “vùng xanh” (vùng không có dịch), ngành y tế sẽ lấy mẫu gộp. Thành phố cũng đang hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà để giảm áp lực cho nhân viên y tế.

“Xét nghiệm diện rộng, do đó khối lượng công việc lớn, ngành y tế để người dân tự thực hiện test nhanh với sự hướng dẫn của nhân viên y tế; gấp rút đến ngày 25/8 dự kiến hoàn thành lấy 2 triệu mẫu”, ông Hưng nói.

Yêu cầu gỡ quảng cáo sai lệnh về các sản phẩm điều trị Covid-19 tại nhà

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và sản phẩm phòng chống Covid-19 vi phạm quy định thương mại để có căn cứ xử lý.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà như các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ ôxy trong máu SpO2… với giá từ chỉ vài chục ngàn đến vài triệu, được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí nhiều nơi được quảng cáo là có thể phát hiện virus SARS-Cov-2.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 4 9
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng. Ảnh: @VGP.

Các loại máy này thường nhái với các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter, các máy này thường cho kết quả không chính xác.

Theo phản ánh, các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Theo phản ánh trên các mạng xã hội và một số bộ phận chuyên môn cho thấy, hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy không chính xác.

Theo một bác sĩ chuyên khoa, các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch. Chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị, nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai biệt rất tai hại.

Trước tình trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm để có căn cứ xử lý. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng, và khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh về Cục.

Quân đội triển khai trạm sản xuất oxy lưu động hỗ trợ TP.HCM

Ngày 24/8, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng triển khai hai trạm thiết bị sản xuất oxy di động có công suất thiết kế 16m3/giờ tại Bệnh viện Quân y 175 để sẵn sàng hỗ trợ kịp thời nhu cầu oxy y tế của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xe máy-điện khí, Quân chủng Phòng không-Không quân cho biết, mỗi trạm sản xuất oxy lưu động gồm một đơn vị máy móc, thiết bị sản xuất đặt trên xe vận tải và một máy nổ phát điện dự phòng di động kèm.

Nhân lực tại trạm thiết bị sản xuất oxy lưu động gồm sáu người, trong đó hai lái xe và bốn nhân viên điện khí phục vụ sản xuất. Mỗi trạm sản xuất oxy lưu động có công suất mỗi ngày có thể cho ra 40-60 bình oxy sang chiết 40 lít, áp suất 150 kg/cm2. Oxy được sản xuất theo công nghệ PSA, tạo ra sản phẩm oxy tinh khiết đạt tỷ lệ 99,5% theo thiết kế.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 2 9
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan hệ thống sản xuất oxy lưu động triển khai tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: @TTXVN.

Hiện nay, nhu cầu oxy thở từ các bệnh viện, nhất là các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 rất cao. Mặc dù lượng oxy sản xuất vẫn đáp ứng nhu cầu tại các bệnh viện nhưng do việc phối hợp giữa khâu sản xuất, vận hành đưa oxy đến các bệnh viện còn chưa đồng bộ, kịp thời dẫn đến có những thiếu hụt cục bộ về oxy y tế.

Hệ thống sản xuất oxy lưu động của Bộ Quốc phòng với ưu điểm có thể cơ động nhanh chóng đến mọi vị trí sẽ góp phần thiết thực đáp ứng ứng nhu cầu cấp thiết về oxy y tế cho các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Cấm thu tiền tiêm vaccine Covid-19 dưới mọi hình thức

Ngày 24/8, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học về việc chấn chỉnh hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo Bộ Y tế, phản ánh của cơ quan truyền thông cho thấy tại một số cơ sở tiêm chủng vẫn có hiện tượng thu tiền để được tiêm vaccine. Việc làm này không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được phân công tiêm vaccine Covid-19 khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thực hiện tiêm vaccine đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí. Bộ Y tế nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng với bất kỳ hình thức nào. Đơn vị nào để xảy ra tiêu cực trong việc tiêm chủng vaccine sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ Y tế về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ.

Tình hình thế giới

Theo trang thống kê Worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 25/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 213.900.739 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.463.414 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 606.254 và thêm 9.926 ca tử vong mới.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 4 5
Ảnh: @Worldometer.info.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 110.851 ca mắc mới; tiếp theo là Ấn Độ (51,016 ca) và Iran (40,623 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới trong 24 giờ qua với 1.038 người chết, tiếp theo là Mỹ (1.010 ca) và Brazil (798 ca). Riêng Việt Nam trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 348 ca tử vong mới, xếp vị trí thứ 9 trên toàn cầu.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 3 8
Ảnh: @Worldometer.info.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 38.930.466 người, trong đó có 648.000 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.511.370 ca nhiễm, bao gồm 435.788 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.614.866 ca bệnh và 575.742 ca tử vong.  

Tình hình Đông Nam Á

Trong ngày 24/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 81.000 ca nhiễm mới và 2.141 ca tử vong mới. Thái Lan thay đổi chiến lược sang ‘sống chung với dịch” trong khi Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh.

Theo thống kê của trang Worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 81.436 ca mắc mới Covid-19 và 2.141 ca tử vong mới. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 9.487.112 trường hợp và 210.307 ca tử vong. Toàn khối có 8.146.717 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 1.038 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 348 ca; Thái Lan ghi nhận 226 ca tử vong; Malaysia có thêm 211 ca và Campuchia thêm 3 ca, Đông Timor 2 ca.

Với 20.837 ca nhiễm trong ngày 24/8, Malaysia đứng đầu khu vực về ca mắc mới, trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan nhanh tại nước này do biến thể Delta. Indonesia ghi nhận thêm 19.106 ca mắc mới, đứng thứ hai trong khối, với tổng ca bệnh đã vượt ngưỡng 4 triệu, bao gồm trên 19.000 ca tử vong.

Tình hình dịch Covid-19 sáng 25/8 - Covid 19 5 4
Bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: @AFP/TTXVN.

Thái Lan cùng ngày ghi nhận 17.165 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 1.083.951, bao gồm 9.788 ca tử vong .Bộ Y tế Lào ngày 24/8 cho biết, nước này ghi nhận 336 ca mới, trong đó 189 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 147 ca cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm
3 dòng màn hình Dell thích hợp học và làm việc từ xa

Hãng Dell vừa ra mắt 3 mẫu màn hình tích hợp sẵn webcam lẫn micro, đáp ứng nhu cầu họp và học trực tuyến, mang lại góc làm việc rộng rãi lẫn sự thoải mái cho người dùng.

Nhiều người dùng iPhone bị mất kết nối sau khi nâng cấp lên iOS 14.7.1, cách khắc phục

Vào tháng 7, Apple đã phát hành iOS 14.7.1 để vá một vấn đề bảo mật nghiêm trọng trên iPhone cũng như sửa lỗi giúp Apple Watch mở khóa các thiết bị iPhone khi người dùng đeo khẩu trang.

Đại dịch, thiết bị di động nhiễm mã độc tăng cao tại khu vực Đông Nam Á

Khi đại dịch tiếp tục lan rộng ở các quốc gia Đông Nam Á, nhiều người lao động dự kiến sẽ phải thiết lập môi trường văn phòng ở xa cho mình, hoặc tiếp tục làm việc trực tuyến. Xu hướng này đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người, nhưng lại tạo ra các điểm yếu cho doanh nghiệp.

Cuộc thi D-Open 2021 khép lại với 9 tác phẩm xuất sắc, mang đậm dấu ấn Việt

Sau 2 tháng tổ chức (24/5 – 25/7), cuộc thi vẽ kỹ thuật số thường niên D-Open mùa 2 (D-Open 2021) đã chính thức khép lại với đêm Gala được diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Sự kiện được diễn ra trên nền tảng Zoom và livestream trên fanpage của D-Open.

Grab Việt Nam triển khai đội xe phục vụ y tế chống dịch COVID-19 tại Hà Nội

40 xe GrabCar Y tế vận chuyển miễn phí mẫu sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 đến các đơn vị xét nghiệm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Viettel đưa vào vận hành 2 phòng thí nghiệm Innovations Lab hiện đại, kết nối giới công nghệ

Hôm nay 23/8, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa vào vận hành 2 phòng thí nghiệm Viettel Innovation Lab tại Hà Nội và TP.HCM dành cho doanh nghiệp, nhà khoa học, và các startup phát triển công nghệ 4.0.

IBM công bố bộ vi xử lý Telum tích hợp AI đầu tiên phát hiện gian lận ngay trong thời gian thực

Ngày 23/8 tại diễn đàn Hot Chips, Tập đoàn IBM đã công bố Bộ vi xử lý IBM Telum tích hợp AI đầu tiên, có thiết kế hoàn toàn mới với những khả năng học sâu (deep learning) và các tác vụ của doanh nghiệp giúp phát hiện các gian lận thời gian thực.

Bảng điều khiển thông minh dự đoán các đợt bùng phát Covid-19

Bảng điều khiển thông minh hoàn chỉnh đầu tiên ở Hà Lan sẽ tiên đoán một cách chính xác về nơi có thể xảy ra các đợt bùng phát lây nhiễm Covid-19.

Apple bắt đầu thử nghiệm Touch ID dưới màn hình, nên sẽ không có mặt trên iPhone 13

Trong bản tin hàng tuần mới nhất của Bloomberg, nhà báo Mark Gurman cho biết dòng iPhone 13 của Apple được công bố vào tháng 9 sẽ không đi kèm Touch ID dưới màn hình.

Trung Quốc thông qua bộ luật PIPL, nhắm trực tiếp vào các công ty xử lý dữ liệu người dùng

Trung Quốc đã thông qua một trong những luật bảo vệ dữ liệu nhằm thắt chặt kiểm soát cách thức thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng từ các công ty trong nước.