Thu phí tải nhạc trực tuyến – “Đường còn dài, còn dài”

Gần 3 tháng trôi qua kể từ tọa đàm "Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" (15/08) và nửa tháng kể từ ngày chính thức thu phí tải nhạc trực tuyến (1/11), cả giới nghệ sĩ, người nghe lẫn người thực thi đều nhận định xét trong bối cảnh thực của văn hóa nghe người Việt thì thu phí tải nhạc online để đi đến thành công không hề đơn giản, ngay cả khi “phát súng đầu” đã nổ …

Thu phí tải nhạc trực tuyến - “Đường còn dài, còn dài” - ddg2l61y
 

Đồng tình nhưng ngại tính khả thi

    Sau thời gian chuẩn bị, từ ngày 1/11, dưới sự quản lý của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và MV Corp đã có 19 websites nhạc số ký thoả thuận với MVCorp để tham gia chương trình thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số với mức giá 1.000 đồng/bài hoặc thu theo thuê bao hàng tháng (Zing (VNG), Nhaccuatui (NCT), nhac.vui.vn (24h), yeucahat.com, music.vnn (VDC), keeng.vn (Viettel), Go.vn (VTC))… Ngoài 25 đơn vị thành viên của Hiệp hội công nghiệp ghi âm VN – RIAV, còn có hơn 100 ca sỹ độc lập cũng đồng ý tham gia.

    Đa số nghệ sĩ đều ủng hộ việc triển khai thu phí. Theo chia sẻ từ NSND Thanh Hoa, “thu phí tải nhạc là điều đáng mừng không chỉ riêng bản thân tôi mà còn cả giới nghệ sỹ, điều này sẽ góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng nên văn hóa nghe nhạc trong cộng đồng. Số tiền sau khi ca sĩ nhận được thực ra không ảnh hưởng nhiều tới tài chính bản thân, nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt tinh thần, đó có thể xem như nguồn động viên ca sĩ hát, nhạc sĩ sáng tác, bởi tác phẩm của họ làm ra đã được người nghe trân trọng ”. Đại diện cho giới ca sĩ trẻ mới vào làng giải trí, hot girl Khánh Chi tâm sự: “Hiện nay thực tế là các bài hát của ca sĩ tràn lan trên nhiều website không có bản quyền, ca sĩ không phải ai cũng có thể tự đi “dẹp” hết, còn cơ quan chức năng thì chưa thực sự can thiệp sâu. Thu phí tải nhạc như một mũi tên trúng hai đích vừa để thúc đẩy chất lượng các ca khúc tốt hơn lại vừa giúp cơ quan quản lý tình trạng nhạc lậu”.

    Trong khi đó, dưới góc độ là người tải nhạc, anh Thái Hưng (Hà Nội) sẵn sàng chi trả số tiền 1.000 đồng/1 lượt tải “thoạt nhìn thì số tiền có vẻ lớn nhưng thực ra mấy ai nghe được vài chục bài hát trong 1 tháng, nếu gom tất cả nhạc lưu trữ của bản thân cả mấy năm trời chắc chỉ được 200- 300 bài hát là cùng. Thu phí mà để chất lượng âm thanh hình ảnh cao hơn thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cổ vũ, một số khác lại lo ngại cho tính khả quan của dự án này. “Dân Việt mình từ xưa tới nay ai cũng chuộng rẻ, miễn phí lại càng nhào vào, bất chấp nó có tốt hay không. Nghe nhạc cũng thế, với 2 website, 1 cái được nghe chất lượng âm thanh tốt hơn nhưng phải trả tiền và 1 cái kém hơn mà miễn phí thì chắc chắn đa phần mọi người sẽ chọn website lậu kia mà không cần đắn đo. Chỉ khi cơ quan chức năng mạnh tay “trảm” các web lậu thì tính thích dùng của “chùa” mới chuyển sang chịu trả phí”, chị Hà (nhân viên công ty Sông Đà) nói.

    Ngoài ra, quá trình thanh toán rắc rối, không phải cá nhân nào cũng có sẵn tài khoản trên website tải nhạc, hay là có sẵn tiền trong tài khoản để khi cần có thể tải về… cũng khiến cho nhiều người e ngại về tính khả thi của dự án.

Vẫn là chuyện đường dài

     Là khẳng định của ông Phùng Tiến Công khi nói về thực tại của việc thu phí tải nhạc trực tuyến, “hơn 1 tuần qua đã có những lượt tải đầu tiên. Chúng tôi đều xác định đây là giai đoạn thử nghiệm hệ thống quản lý, thanh toán nên chưa kỳ vọng gì vào doanh số”.

    Vấn đề bản quyền nhạc số khá phức tạp, kinh nghiệm từ những nước đi trước từ khi bắt đầu tới chạm đích cũng phải mất từ 2 đến 3 năm. Ở Việt Nam, với nhiều đặc thù riêng, việc thu phí lại cần thời gian lâu hơn, không thể có một sự thay đổi đột biến một sáng một chiều mà phải tiến lên từng bước, các website ký cam kết tham gia chương trình vẫn đang chạy beta hệ thống thanh toán và quản lý nội dung chứ chưa có động thái quảng bá mạnh mẽ việc thu tiền người tải nhạc,  ông Công cho biết. Bởi thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay của các đơn vị thực hiện là hệ thống thanh toán còn chưa thực sự thuận tiện cho người sử dụng. Nhiều người còn chưa rõ từng bước thanh toán thì phải làm như thế nào hay như công đoạn trả phí còn diễn ra khá phức tạp, nhiều bước. Trong khi đó, đứng ở phương diện cá nhân bên phụ trách thì “quá trình thanh lọc cơ sở dữ liệu cũ của các websites khá mất thời gian, hiện nay vẫn đang lẫn lộn giữa các bài thu phí và miễn phí, gây bất tiện cho khách hàng. Thời gian tới các đơn vị sẽ tiến hành sát sao hơn để loại bỏ các bài hát trùng và dữ liệu cũ”, ông Công nhấn mạnh.

     Mặt khác, sau hơn 1 tuần thử nghiệm, đã xuất hiện những lời phàn nàn của người nghe khi họ bỏ tiền ra tải nhạc về thì phát hiện ra chất lượng không đúng như bên cung cấp cam đoan. Bàn về vấn đề này, ông Công thừa nhận: “Vì hiện nay đang là giai đoạn thử nghiệm nên mọi việc còn đang khá ngổn ngang, sơ suất kỹ thuật là điều khó tránh khỏi. MV Corp thành thật xin lỗi, mong người nghe bỏ qua và sẽ đền bù cho thiệt hại này, đồng thời sẽ thay thế các ca khúc này bằng những ca khúc có chất lượng cao thực sự được chuyển đổi từ đĩa gốc do RIAV cũng như các hãng băng đĩa gửi sang”.

    Bên cạnh đó, hiện nay có một thực tế là đa phần nhiều ca sĩ chưa nổi tiếng thường tự thu âm và chia sẻ allbum miễn phí trên các website nghe nhạc mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào để giới thiệu bản thân và thu hút fan… vô hình trung đã tạo điều kiện cho website tải nhạc “lậu” phát triển. Với những trường hợp này ông Công nói:“Những trường hợp đó thực ra không liên quan đến MVCorp nên đó là quyết định của các ca sĩ. Tuy nhiên chúng tôi hết sức cởi mở và luôn sẵn sàng hỗ trợ các ca sĩ để vừa tiếp cận được khán giả vừa có bước chuẩn bị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ca sĩ”. Đồng thời, đối với những website “lậu” sử dụng các bản nhạc nằm trong danh sách thu phí thì sẽ bị yêu cầu hạ xuống.

    Tuy vẫn còn có nhiều vấn đề trong vận hành và quản lý, nhưng theo ông Công, “Tôi hoàn toàn tin tưởng dự án sẽ thành công, theo kinh nghiệm của các nước đi trước. Sẽ còn vô số khó khăn, và đây là câu chuyện đường dài, chúng tôi luôn mong được các khán giả yêu nhạc ủng hộ, để từng bước đưa thị trường nhạc số VN vào quỹ đạo, mang lại lợi ích cho tất cả các bên”.

Để tạo thuận lợi cho người nghe, hình thức thu phí khi tải nhạc sẽ được mỗi trang web nghe nhạc trực tuyến áp dụng theo những cách riêng của mình miễn sao thích hợp nhất. Cụ thể, thông qua các hệ thống cổng thanh toán (nganluong, baokim…), qua Internet Banking, SMS hay thẻ điện thoại trả trước … người dùng có thể lựa chọn một trong số những hình thức đó để trả phí khi tải nhạc.

Ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cung cấp nội dung nhạc số MV Crop cho biết, thời gian đầu thử nghiệm trên cơ sở được nhiều người nghe, ca sĩ có tên tuổi thì MV Corp và RIAV sẽ cung cấp 100 album (khoảng 1000 ca khúc với chất lượng được chuẩn hóa 320 kbps stereo, đầy đủ ảnh bìa album, thông tin bài hát, ca sĩ, hãng sản xuất, năm phát hành…).

Với mỗi lượt tải nhạc, dự kiến tỉ lệ quyền tác giả và quyền liên quan sẽ là 40%-45% đơn vị phân phối và các trang web cung cấp nội dung đến người dùng, 55%-60% còn lại chi trả cho đơn vị trực tiếp tạo ra sản phẩm.


Trần Trang
Thế Giới Số 159 – Ngày 19.11.2012



Sẽ quản lý phần mềm nhắn tin, thoại qua mạng?

Sự bùng nổ của những ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí thông qua các mạng Wi-Fi hay 3G hiện nay là một bước tiến vượt bậc của ngành công nghệ, giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn kết nối bạn bè với chi phí thấp nhất có thể. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là sự đe dọa đối với thị trường viễn thông Việt nam. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn Thông (Bộ TT&TT) cho biết, sắp tới, Cục sẽ tổ chức hội thảo để đưa ra chính sách quản lý phù hợp.

Nokia Lumia 920 chưa “được lòng” cộng đồng công nghệ Việt

Lumia 920 chiếc smartphone Windows Phone 8 đầu bảng của Nokia chỉ mới ra mắt cách đây hơn 10 ngày nhưng đã gặp không ít phản hồi từ cộng đồng người tiêu dùng khi họ mua sản phẩm chính hãng tại Việt Nam.

Dân mạng bàn chuyện gì cho đêm Noel?

Noel đang đến gần, cư dân mạng cũng đang tất bật chuẩn bị cho một mùa Giáng sinh an lành, ấm áp. Và mùa Noel này, vẫn có những niềm vui và cả những nỗi buồn được chia sẻ.

5 sự kiện đáng nhớ của Microsoft trong năm 2012

Trong năm 2012, Microsoft đã trình làng Windows 8, công bố một chiếc máy tính bảng đối đầu trực tiếp với các đối tác lâu năm của mình và chứng kiến sự ra đi của một trong những giám đốc điều hành cao cấp chỉ vài tuần sau khi phát hành Windows.

Facebook: ưu tiên game, chuộng di động

Sau đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng không thành công như mong đợi, Facebook đang tích cực mở mang trên mảng di động đồng thời củng cố lại các mặt lợi thế của mình như mảng trò chơi.

Những kế hoạch lớn của Google cho năm 2013

Gã khổng lồ tìm kiếm đang ấp ủ nhiều dự định tham vọng cho 12 tháng tới, dưới đây là những sản phẩm chủ chốt mà chúng ta có thể kỳ vọng từ Google trong 2013: Từ Nexus cho đến Google Glass.

Apple mất bằng sáng chế zoom hai ngón

Văn phòng quản lý bằng sáng chế và thương hiệu (Mỹ) vừa công bố bằng sáng chế có tên gọi “pinch to zoom” là vô hiệu.

Qualcomm bổ nhiệm Tổng Giám đốc ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia

Ngày 20/12, Qualcomm Incorporated công bố việc bổ nhiệm ông Thiều Phương Nam vào vị trí Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, với cấp bậc Giám đốc Cấp cao phụ trách Phát triển Kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

VNG ngừng phát hành game có đường lưỡi bò

Sau sự kiện bản đồ trong game Chinh Đồ khi được phát hành tại thị trường Việt Nam bị phát hiện có phần thể hiện đường lưỡi bò yêu sách của Trung Quốc, VNG đã chính thức ngừng phát hành trò chơi này.

Instagram thanh minh về việc bán ảnh người dùng

Người đồng sáng lập của Instagram Kevin Systrom khẳng định mạng xã hội chia sẻ hình ảnh này không có ý định bán hình ảnh của người dùng để thu lợi.