Những chất liệu quen thuộc như da, gỗ hay giấy, những vật dụng quen thuộc như giá sách, micro kiểu cổ, đồng hồ… nếu bạn từng sử dụng thiết bị của Apple, bạn sẽ không ít hơn một lần được gặp thể loại này trong các ứng dụng cũng như hệ điều hành của họ. Tuy nhiên sau thời của Steve Jobs, nguyên tắc thiết kế của quả táo đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Việc này cơ bản là tốt nhưng Apple có thể sẽ phải đối mặt với những khó chịu nơi người dùng.
Đưa thực lên ảo Phong cách thiết kế giả thực (skeuomorphism) ám chỉ việc bắt chước những đối tượng vật lý, đường nét hay cách tương tác có trong thực tế và cụ thể ở đây là áp dụng lên
giao diện người dùng của các thiết bị số. Đó là cách mà Apple đã áp dụng trong nhiều năm qua cho những ứng dụng và hệ điều hành của họ. Cách tiếp cận này được ủng hộ bởi Scott Forstall, người vừa mới có “lịch nghỉ hưu” tại Apple khi hết năm nay. Là một trong những người kế thừa tiêu chí của Jobs nhất là ở thiết kế giả thực, Forstall đã đặt dấu ấn của phong cách này lên loạt sản phẩm của Apple cho đến khi có tuyên bố thay đổi nhân sự của Tim Cook. Đảm nhiệm vai trò quản lý bộ phận Giao diện người dùng giờ đây sẽ là Jonathan Ive – một tài năng thiết kế phần cứng đã tạo nên các sản phẩm thành công nhất của Apple như iPhone, iPad, MacBook Pro. Điểm chung của chúng là đều có phong cách tối giản, không kiểu cách và luôn được mọi người chờ xem trong các phiên bản iOS hay OS X mới.
Khả năng những thứ như cuốn lịch trong iCal hay cuốn sổ tay của Reminder có thể biến mất khỏi OS X và iOS rất thấp. Hệ điều hành của Apple được sử dụng rộng rãi bởi hàng trăm triệu người và họ đã quen với cái họ nhìn và cách họ tương tác. Nếu muốn giảm bớt ảnh hưởng của phong cách thiết kế giả thực, Ive và nhóm của ông cần một giải pháp tiếp cận tinh tế và tỷ mỷ, có thể bắt đầu từ Notification Center với một giao diện gọn và không bắt chước ngoài đời.
Hết cần văn hóa giả thực Thiết kế giả thực đã trở thành chủ đề gây tranh cãi sôi nổi, cả ở Apple nói riêng lẫn giới thiết kế nói chung. Wells Riley, một nhà thiết kế đã coi đây là một cách dễ dàng khiến mọi người hiểu sai khả năng và hạn chế của sản phẩm số. Ví như giá sách số của Apple không thực sự làm việc giống như một giá sách trong thực tế. Ngoài việc có phần phô trương, thiết kế giả thực đang trở nên lỗi thời trong mắt nhiều người. Gadi Amit, người thiết kế máy ảnh Lytro cho biết phong cách này chỉ sáng giá trong thời kỳ đầu liên quan đến việc hỗ trợ người dùng thu hẹp khoảng cách giữa thế giới số và thế giới thực. Tuy nhiên nền văn hóa đã thay đổi và việc dịch thế giới số theo thuật ngữ của thế giới thực không còn cần thiết. Cụ thể theo một nhà thiết kế cao cấp ở Apple, dường như công ty này đang tập trung quá nhiều vào một giao diện trực quan hơn là ưu tiên các chức năng hữu ích. Sẽ không cần làm mọi thứ trở nên long lanh nếu sản phẩm có thể tự đứng trên đôi chân của riêng nó. Và ngay cả ở trong thế giới di động,
điện thoại thông minh và máy tính bảng với màn hình cảm ứng không còn quá mới mẻ, nhất là khi có sự “phổ cập hóa” từ iPhone và Android. Hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu người dùng chưa hề được biết đến nhưng nguyên mẫu là cảm hứng cho các sản phẩm số, nhiều người chưa từng nghe, chưa từng thấy hoặc chạm vào nguyên mẫu khi sử dụng một tính năng giả thực nào đó.
Vẫn là món gia vị tốt Chắc chắn là trong một số trường hợp, bạn không nên quá lạm dụng thiết kế này. Tuy nhiên bằng cách bố trí khéo léo các đối tượng quen thuộc có thể là một cách tốt để khiến mọi thứ trở nên “ngon miệng” hơn, đặc biệt là cho người dùng mới. Giả thực gợi nên những mối giao tiếp và củng cố tình cảm – biến một ứng dụng trở thành một
trải nghiệm đáng nhớ chứ không chỉ là một công cụ.
Thế giới thiết bị số đã vay mượn hình ảnh từ thế giới thực trong một thời gian dài. Kể từ buổi bình minh của máy tính cá nhân, chúng ta đã tương tác với các thư mục giống như cặp tài liệu hay ném những miếng giấy thu nhỏ vào thứ trông giống như cái thùng rác. Trong nhiều trường hợp, thiết kế số bắt chước các mô hình thực tế có thể thúc đẩy cảm giác quen thuộc cho người dùng, những người đang chi tiêu ngày càng nhiều hơn, nhiều hơn nữa cho việc nhìn chằm chằm vào một màn hình tĩnh. Thoải mái, thân thiện – đó có lẽ là yêu cầu chung của mọi người đối với những thiết bị số khi chúng dấn sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của họ.
iPhone và iPad đóng góp phần lớn doanh thu để đưa Apple trở thành một trong những công ty giá trị nhất hành tinh. Thật khó để đánh giá sự thay đổi của Apple trong thời hậu Steve Jobs là đúng hay sai và việc tước bỏ những tàn tích của thế giới thực có đưa Apple tiến xa hơn nữa?
Với Amazon, công ty đã làm khá tốt với dòng sản phẩm Kindle, không đi quá xa như iBooks hay như Microsoft được khen ngợi với những thay đổi triệt để trên Windows Phone và Windows 8. Với Microsoft, mặc dù chúng ta vẫn có bì thư đại diện cho Email, máy ảnh đại diện cho Camera nhưng nổi bật nhất vẫn là một giao diện người dùng phẳng, các biểu tượng không có những đường vát hay không có đổ bóng hoặc mô phỏng hiển thị 3D. Giao diện người dùng rút gọn của người khổng lồ phần mềm bước đầu đã hấp dẫn được người dùng và được coi là một giải pháp thay thế được hoan nghênh cho cách tiếp cận của Apple lẫn các công ty “ăn theo”.
Cuối cùng, có thể thấy thiết kế giả thực là một công cụ tuyệt vời cho giải trí với các hình ảnh động, nhưng không phát huy được tối đa khả năng sử dụng. Tương lai sẽ trả lời cho cuộc tranh luận này, có lẽ là một nơi nào đó ở giữa khi mà các giao diện số vẫn vay mượn nhưng tiếp tục đổi mới để từ bỏ phong cách giả thực ngay khi có thể. Tại Apple, ngôn ngữ hình ảnh của iOS hay OS X sẽ tiếp tục hợp nhất nhanh hơn bạn nghĩ, trở nên rõ ràng hơn, nhất quán hơn, ít đi các yếu tố “giả” gỗ, giấy hay da. Hãy luôn nhớ rằng, các thiết bị số ở đây để làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn chứ không chỉ đơn giản là một thứ “số hóa” hay “mô phỏng” các sản phẩm thực tế.
Hoàng Anh
Thế Giới Số 160 – Ngày 17.12.2012