Khi thị trường máy tính bảng đang dần trở nên lớn mạnh hơn với động lực là các nền tảng di động như iOS, Android và tất nhiên là cả Windows 8, Intel thực sự đang có một đối thủ cạnh tranh năng ký. Đó chính là ARM với loạt sản phẩm PC sử dụng tảng xử lý của hãng hứa hẹn sự cạnh tranh quyết liệt trên lãnh địa mà Intel thống trị trong nhiều năm qua.
“Bờ cõi đã chia”
ARM hiện là nhà thiết kế chip đứng đầu thế giới trong phân khúc của smartphone và máy tính bảng. Với khả năng
tiết kiệm năng lượng hiệu quả và được phát hành dưới dạng bản quyền sáng chế, rất nhiều các vi xử lý SoC (System on Chip) của những nhà sản xuất chip nổi tiếng như Texas Instruments, Samsung, Apple và cả NVIDIA đều đã ra đời dựa trên những thiết kế của ARM.
Xét riêng về dự phổ biến của các CPU dành cho các thiết bị di động trên toàn cầu, hiện nay có đến hơn 75% những vi xử lý ARM được tích hợp bên trong các sản phẩm bao gồm ổ đĩa cứng, bộ định tuyến hay PDA, smartphone, laptop… Trong đó, nếu nói về smartphone và máy tính bảng, hai công ty điển hình nhất làm gia tăng sự phổ biến của chip ARM trên thị trường là Samsung và Apple. Bản thân Samsung và Apple là hai công ty đang có những sự tăng trưởng mạnh trong doanh số bán hàng của dòng smartphone Galaxy và iPhone nói riêng cũng như các thiết bị Android và iOS nói chung. Theo thống kê trong quý 3 năm nay, Samsung đã bán được 58 triệu sản phẩm còn Apple là 41 triệu sản phẩm. Những con số này đã phần nào chứng tỏ sự lớn mạnh của nền tảng ARM trên thị trường di động mà không một nhà sản xuất nào khác có thể đạt được.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ARM không có sự ảnh hưởng nhất định trên thị trường PC. Nhờ vào khả năng tiết kiệm năng lượng vượt trội vốn rất phù hợp với các hệ thống máy chủ và siêu máy tính vốn yêu cầu hoạt động liên tục 24/7, giải pháp đến từ ARM mà cụ thể là dự án Mont-Blanc đang được triển khai với mức đầu tư 14 triệu Euro là một bản hợp đồng không hề tệ chút nào đối với công ty Anh. Bên cạnh đó, AMD cũng sắp sửa cho tung ra các vi xử lý Opteron 64-bit dựa trên nền tảng ARM dành cho hệ thống máy chủ.
Không chỉ vậy, mới đây còn có thông tin cho rằng, Apple quyết định sẽ chuyển đổi nền tảng xử lý Intel sang sử dụng ARM. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây chính là một bước đệm tuyệt vời để nhà sản xuất nước Anh tiến sâu hơn để tiếp cận với khách hàng của thị trường PC. Những sản phẩm của Apple mà cụ thể là dòng máy iMac, MacBook chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ trên thị trường và ARM hẳn sẽ biết rằng đây chính là một cơ hội rất lớn dành cho hãng. Tuy nhiên nếu thiếu vắng đi Intel, Apple chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm một sản phẩm có hiệu năng tốt (các vi xử lý Intel đã đi trước thời đại so với các đối thủ hơn rất nhiều lần), dây chuyền sản xuất thành phẩm ổn định (Intel hiện có 9 nhà máy sản xuất và 7 nhà máy kiểm thử) và dĩ nhiên là có cả một số lượng fan hâm mộ đã quen với sự kết hợp giữa cái đẹp (Apple) và mạnh mẽ (Intel). Bản thân Apple cũng đang trong quá trình phát triển dòng chip xử lý Ax của riêng mình, dựa trên thiết kế của ARM và mới nhất đã là A6X trên iPad 4. Điều này thực sự gây một mối lo dành cho Intel khi rất có thể trong tương lai, Apple sẽ có được những vi xử lý do mình thiết kế, mạnh mẽ hơn và tiết kiệm điện năng hơn để tích hợp vào trong nhưng dòng máy tính như MacBook Air.
Mặt khác, ở thị trường PC, Intel là nhà sản xuất làm chủ thế trận bởi khả năng yêu cầu về hiệu năng tính toán và tốc độ xử lý cao hơn so với mảng di động. Theo thống kê doanh thu của quý 2 và quý 3 năm nay, Intel liên tục đạt được lợi nhuận khủng, 13 tỷ USD nhờ vào các sản phẩm vi xử lý của mình. Mặc dù thiên về sức mạnh tính toán nhưng điều này là không hẳn đồng nghĩa với việc Intel sẽ bỏ đi yêu cầu tiết kiệm năng lượng mà bù vào đó, phát triển song hành giữa hai yếu tố hiệu năng và điện năng tiêu thụ chính là những gì mà các nhà sản xuất CPU đang hướng tới. Tiêu biểu cho điều này là xu hướng chế tạo CPU có bóng bán dẫn dựa trên công nghệ ngày càng nhỏ hơn, từ 45 nanomet, 32 nanomet đến những sản phẩm 22 nanomet ở hiện tại và tương lai là 14 nm. Intel đã và đang làm điều này rất tốt ở phân khúc PC và hãng cũng rất muốn mang kết quả này hiện thực ở mảng di động.
Khởi lại chiến sự Intel bước vào thị trường di động với những sản phẩm đầu tiên được thiết kế dựa trên dòng sản phẩm Atom của hãng. Các smartphone Android chạy Atom đầu tiên cũng đã xuất hiện cách đây không lâu, tiêu biểu là Lenovo K800 được công bố vào tháng 6 năm nay cũng đã tạo được một ấn tượng ban đầu khá tốt. Mặc dù 0,2% thị phần chip di động trong nửa đầu 2012 là bước khởi đầu không mấy tốt đẹp nhưng Intel vẫn đang rất muốn mở rộng sang một thị trường smartphone, máy tính bảng đang phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian này.
Đỉnh điểm của việc cạnh tranh gay gắt trên thị trường Tablet PC chính là khi Microsoft chính thức công bố hệ điều hành Windows mới dưới hai phiên bản, một dành cho nền tảng phần cứng x86 có tên gọi Windows 8 và một dành cho nền tảng ARM dưới tên Windows RT. Khi nhắc đến Windows, người dùng thường nghĩ ngay đến hai nhà sản xuất vi xử lý chính cho dòng hệ điều hành này là Intel và AMD. Nhưng với Windows 8 cùng thêm tùy chọn về thị trường Tablet PC, Intel và ARM chính là hai nhà sản xuất chính đang cạnh tranh nhau một cách rõ rệt nhất. Tiêu biểu là việc Microsoft giới thiệu Surface ở hai phiên bản Surface Pro và Surface RT lần lượt chạy trên hệ thống phần cứng của Intel và ARM. Surface Pro có hiệu năng tỏ ra vượt trội hơn nhưng Surface RT lại có khả năng tiết kiệm năng lượng tốt hơn lẫn mức giá dễ chịu hơn.
Cùng với sự ra mắt của Windows 8/RT, cả Intel và ARM đều thấy rõ được những cơ hội phía trước. Intel vốn thống trị ở thị trường PC sẽ dần chuyển hướng sang các thiết bị di động và Tablet PC bằng việc tung ra các dòng chip xử lý mới. Điển hình là mới đây, Intel đã cho công bố dòng CPU Atom Z2760, được nhắm đến các máy tính bảng dùng Windows 8. Atom Z2760 sẽ được tích hợp đầy đủ các kết nối thông dụng hiện nay như Wi-Fi, 3G, 4G LTE, GPS và cả kết nối NFC với khả năng hứa hẹn thời lượng sử dụng thiết bị lên đến 10 tiếng bên cạnh khả năng hỗ trợ đa dạng phần mềm ở nền tảng x86 là một lợi thế không nhỏ trong việc cạnh tranh với các sản phẩm khác dựa trên nền tảng ARM. Tuy nhiên, mức giá dự đoán vào khoảng 800 USD thực sự thực sự khiến người dùng cảm thấy “chùn chân” khi cân nhắc giữa một Tablet PC có khả năng thay thế hoàn hảo cho laptop hay không.
Trong khi đó, ARM cũng nhận thấy khả năng tiềm tàng ở phiên bản Windows RT khi đặt mục tiêu tham vọng đến 2013 sẽ tăng thị phần PC từ 10% lên 20% và đạt 50% trong vòng 5 năm tới. Sự xuất hiện của phiên bản Windows 8 rút gọn này không chỉ tạo sự phấn khởi dành cho ARM mà cũng khiến các nhà sản xuất khác như NVIDIA hay Qualcomm hào hứng cung cấp những giải pháp riêng, tối ưu cho Tablet PC. Hệ thống SoC Tegra 3 mới nhất của NVIDIA có trong Surface RT sở hữu một hiệu năng khá ấn tượng và không hề thua xa so với phiên bản Surface Pro sử dụng Intel Core i5. Mặc dù vậy, những sản phẩm của Windows RT vẫn đang gặp phải vướng mắc trong vấn đề hỗ trợ phần mềm khi hiện nay các nhà lập trình phải phát triển lại ứng dụng để hỗ trợ cho ARM. Đây là một sự bất lợi nhưng không phải là điểm yếu nếu nhìn ở khía cạnh những người sử dụng thông thường, các phần mềm phổ biến đều đã xuất hiện trên nền tảng dành cho ARM như Office 2013 RT hay Firefox, Chrome cũng đã có phiên bản dành cho Windows RT. Ngoài ra sự chênh lệch rõ ràng về giá thành của các phiên bản sử dụng Windows RT và Windows 8 Pro sẽ khiến cho các sản phẩm của ARM trở nên có giá trị hơn trong mắt người tiêu dùng.
Sự đối nghịch và cạnh tranh nhau giữa Intel và ARM từ phân khúc thị trường di động cho đến PC đang dần hiện lên ngày một rõ ràng hơn. Sự thay đổi này có liên quan không nhỏ đến xu hướng sử dụng của người tiêu dùng cũng như công nghệ phát triển hiện nay với sự lên ngôi của điện toán đám mây. Dù thế nào đi nữa, khi các nhà sản xuất cạnh tranh nhau thì những người tiêu dùng sẽ là những người được lợi nhất. Sẽ có nhiều mẫu mã được ra mắt, có nhiều sản phẩm được ra đời ở nhiều phân khúc để khách hàng lựa chọn và chắc chắn rằng đây mới chỉ là thời điểm chính thức bắt đầu của cuộc chạy đua giữa ARM và Intel trên thị trường vi xử lý.
Minh Hiển
Tin học & Đời sống 168 – Tháng 12.2012