Trong khi những chú Android mới nhất đang được trình làng dưới ánh đèn lộng lẫy của triển lãm Mobile World Congress thì ở một nơi khác vẫn có 3 người mẫu đang khao khát được chú ý. Đó chính là những hệ điều hành di động mới đang nhắm mục tiêu ngăn cản sự bành trướng của Google hay Apple trên thị trường di động.
Tham vọng lớn Android và iOS hiện đang chiếm ngôi vị số 1 và 2 trên thị trường di động với thị phần tổng lên tới hơn 90%. Tuy nhiên không vì thế mà những nền tảng khác từ bỏ giấc mơ có thể vượt qua 2 ông lớn hay chí ít cũng dành lấy ngôi vị thứ ba về cho mình. Chúng ta đang nói tới 4 nhân tố mới trên thị trường
hệ điều hành di động trong năm 2013: Mozilla có Firefox OS, Canonical có Ubuntu Touch, Jolla có Sailfish và Samsung có Tizen để thay thế Bada OS. Cộng thêm cả dòng thiết bị Asha của Nokia, người dùng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn về dòng smartphone “đơn giản” trong năm nay. Tất cả chúng đang nhắm đến những thị trường mới nổi, nơi nhạy cảm với giá cả hoặc những ai cảm thấy iPhone hay các thiết bị Android quá phức tạp. Ngoài ra, Firefox OS và Ubuntu Touch còn mạnh dạn quảng bá một cách tiệp cận “mở” thay vì “đóng” như iOS, Android, Windows Phone, BlackBerry – có thể thay đổi sâu sắc cục diện thị trường di động trong tương lai.
Góc nhìn từ người nghèo Tại những thị trường mới nổi, người dùng không cần những phần cứng giống như trên iPhone hay các thiết bị Android trung và cao cấp hiện nay. Điển hình như dòng Asha của Nokia sau 16 tháng có mặt trên thị trường đã đạt doanh số 9 triệu đơn vị trong quý 4/2012. Tuy nhiên bấy nhiêu đó mới chỉ chiếm 2% doanh số
điện thoại di động toàn cầu (theo thống kế của Gartner). Điều đó thôi thúc các công ty còn lại với suy nghĩ rằng còn 5 tỷ người trên thế giới sẵn sàng cho một chiếc smartphone nếu chúng đủ rẻ.
Ở những nước đang phát triển, iOS bắt đầu với những người giàu và dần mở rộng đối tượng thông qua các phiên bản giá rẻ hơn như iPhone 3GS và iPhone 4. Các phương thức thúc đẩy doanh số khác cũng được áp dụng như bán hàng giá sốc, trả góp (được thực hiện bởi BlackBerry, Samsung hay LG). Tại những thị trường trên, một chiếc smartphone hoạt động giống như một chiếc máy tính đối với người dùng, do đó chúng cần có nhiều tính năng mà không quá tốn kém. Những sảm phẩm thương mại đầu tiên dùng Firefox OS có cấu hình khá khiêm tốn như chip Cortex A5, RAM 256 MB và bộ nhớ trong 512 MB.
Một nền tảng có phần cứng ít tốn kém có thể tạo cho mình chỗ đứng vững chắc tại những thị trường mới nổi trước khi hòa mình vào làn sóng smartphone từ các nước phát triển. Samsung có lẽ là người năng động nhất với Tizen – ngoại trừ việc thương hiệu Hàn Quốc này đang đồng nghĩa với Android. Dòng Asha phổ biến nhờ thương hiệu Nokia vốn được biết đến với những sản phẩm bền và giá cả hấp. Số lượng các thiết bị Android giá rẻ đang gia tăng nhanh chóng trong khi Nokia cũng đang tích cực giới thiệu các dòng Windows Phone cấp thấp. Do vậy, thời gian là không còn nhiều để các thiết bị với hệ điều hành mới tới được tay người dùng.
Góc nhìn đơn giản Tháng trước, Canonical đã tung ra phiên bản thử nghiệm của Ubuntu Touch dành cho các thiết bị dòng Nexus. Đó thực sự là một sự kết hợp hấp dẫn của những nền tảng hiện có, nhấn mạnh sự đơn giản trong sử dụng. Không giống như iOS và Android, màn hình chính của Ubuntu Touch không bị phủ kín bởi các biểu tượng ứng dụng. Thay vào đó Canonical lại sử dụng một sự pha trộn giữa hình ảnh và biểu tượng để phục vụ những chức năng chủ yếu nhất của thiết bị và người dùng có thể truy cập thông qua các thao tác dựa trên cử chỉ. Firefox OS cũng đã hoạt động trên những thiết bị đầu tiên của ZTE/Alcatel và dự kiến sẽ được phát hành rộng rãi vào mùa thu tới. Cả hai có một cách tiếp cận khá tương đương: hãy suy nghĩ về các widget và các trang web thu nhỏ thay cho các ứng dụng.
Sự đơn giản của hai nền tảng trên có thể thu hút được những người thấy iOS và Android phức tạp hơn cần thiết. Tuy nhiên đó cũng là điều từng được nghe khi nói về Windows Phone, hiện chưa đạt được thành công dù đã trải qua 3 năm phát triển dưới bàn tay của Microsoft và sự trợ lực của Nokia. Đơn giản cũng có mặt trái của nó: ví như Windows Phone tuy đẹp, tuy mượt mà nhưng không có nhiều thứ hay ho để làm. Tất nhiên là cả Ubuntu Touch và Firefox OS vẫn còn thời gian để phát triển trước khi tung ra phiên bản cuối cùng, khắc phục những lỗi hay phản hồi chậm chạp trên các thiết bị thử nghiệm như hiện nay.
Cuối cùng là Sailfish, một nhánh của nền tảng mở MeeGo – từng được Nokia nuối nấng trước khi dứt bỏ sang chọn Windows Phone. Tập hợp những kỹ sư từng phụ trách bộ phận MeeGo, nền tảng này được coi là một minh chứng của niềm đam mê hơn là nhắm mục đích kinh doanh. Mặc dù có sự ủng hộ lớn của Samsung, Tizen cũng phải đón nhận nhiều sự hoài nghi với những tàn dư của Moblin, Maemo hay cả MeeGo – vốn đặt dưới sự quản lý yếu kém của Nokia và Intel. Học hỏi một số điểm của Android và iOS, Tizen sẽ có những tính năng như trượt để mở khóa, cửa sổ thông báo… bên cạnh những gì còn sót lại của Bada.
Góc nhìn mở Mozilla chào đón Firefox OS như một sự thay thế cởi mở hơn nền tảng di động của Google hay Apple, không quá tập trung vào lợi nhuận và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên tham gia. Không giống như những đối thủ cạnh tranh, Mozilla không sẽ không nằm ở trung tâm của việc phân phối ứng dụng. Thay vào đó, các nhà mạng được khuyến khích để tạo ra các cửa hàng ứng dụng riêng của họ để nhà phát triển có thể tiếp thị trực tiếp sản phẩm của họ tới người dùng thông qua nhiều mô hình kinh doanh linh hoạt.
Cộng đồng nguồn mở mong muốn HTML có thể đánh bại iOS hay Android – bỏ qua thực tế là người dùng muốn ứng dụng với những ưu điểm nhiều hơn mà thế giới HTML có thể mang lại. Người dùng sẵn sàng gắn bó với nền tảng có ứng dụng phong phú để có được một
trải nghiệm tốt hơn – giống như họ đã làm với Windows và OS X mà không phải là các phiên bản của Linux. Năm 2007, iOS ra đời với mong muốn hướng tới thành công qua ứng dụng HTML nhưng rồi quyết định của Steve Jobs đã thay đổi tất cả chỉ một năm sau đó và mang lại kho ứng dụng chất lượng như ngày nay. Còn WebOS lại thiếu đi hiệu năng cần thiết cho các ứng dụng của nó, kể cả dưới trướng Palm hay HP – một bài học cho những ai chỉ ủng hộ HTML. Rõ ràng HTML rất hữu ích trên điện thoại, không chỉ trong các trình duyệt bởi các bộ công cụ phát triển của các nền tảng đều cho phép bổ sung các thành phần HTML và Javascript trong ứng dụng. Nhưng nếu đi theo con đường HTML thuần khiết, bạn cơ bản đã ném ði thể loại ứng dụng đã làm cho các thiết bị di động thành công được như ngày hôm nay.
Đã một thời gian dài trôi qua kể từ khi các nhà phát triển được chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các nền tảng mới. Phát triển hay chìm vào quên lãng, đó là một cuộc phiêu lưu thú vị và không thể đoán trước của bất cứ nền tảng nào. Có thể bạn không thích phải lựa chọn quá nhiều nhưng hãy cứ chuẩn bị tinh thần để trải nghiệm hàng loạt “món ăn mới” vào nửa cuối năm nay.
Mạnh Tuấn
Thế Giới Số 163 – Ngày 18.3.2013