SmartCity: Lớn từ những dự án nhỏ

Tại hội thảo khoa học Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh diễn ra ngày 19/9/2017 tại TPHCM, TS. Đoàn Xuân Huy Minh, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán cho biết, các lĩnh vực của đô thị thông minh rất đa dạng, bao gồm hạ tầng thông tin - viễn thông, quản lý nhà nước trên hạ tầng CNTT, Hệ thống quản lý an sinh - xã hội điện tử, kinh tế, các ứng dụng di động..., trong đó sự tham gia của người dân và quản lý công dân điện tử đóng vai trò rất quan trọng.

Dưới đây là một số dự án điển hình đã và đang được triển khai tại một số tỉnh thành lớn. Tuy chỉ là một phần rất nhỏ của thành phố thông minh, song lại mở ra hệ sinh thái mới cho đô thị thông minh đầy hứa hẹn.

Kinh nghiệm của Đà Nẵng
 

SmartCity: Lớn từ những dự án nhỏ - IMG 20171006 151636
TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT thành phố Đà Nẵng.

 

TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT thành phố Đà Nẵng cho rằng, Đà nẵng đã có một quá trình dài trong việc tin học hóa công tác quản lý hành chính, rồi xây dựng mô hình, triển khai chính phủ điện tử và hiện nay cũng theo xu thế phát triển thành phố đang chập chững với những bước đi của thành phố thông minh sau khi đã tìm hiểu rất nhiều mô hình của những quốc gia tiên tiến.
 

Thông qua giải thưởng IBM, Đà Nẵng đã làm việc với các chuyên gia quốc để xây dựng Khung kiến trúc của thành phố thông minh dựa trên cách tiếp cận “cứng”, trong đó CNTT là nền tảng chủ chốt. Đây còn gọi là mô hình phát triển dựa theo cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết những lĩnh vực mang tính vật thể, như tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đô thị, hiệu năng sử dụng năng lượng, xử lý nước thải… Cách tiếp cận “cứng” này cho phép chính quyền Đà Nẵng có thể phản ứng một cách nhanh chóng nhờ vào một loạt hệt hống cảm biến, mạng truyền dẫn và các giải pháp thông minh (máy học, trích chọn đặc trưng, điện toán đám mây…) để xử lý các gói dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đồng thời tiếp cận theo cả hướng “mềm”, nhắm tới việc nâng cao giá trị của các thành phần phi vật thể, như vốn xã hội, vốn con người, vốn tri thức của các công ty, tổ chức, cơ quản quản lý, hiệp hội…
 

Từ kiến trúc đó, thành phố Đà Nẵng đã lấy chính phủ điện tử làm nền tảng để xây dựng thành phố thông minh, hướng đến mục tiêu làm sao để thỏa mãn yêu cầu cho người dân một cách tốt nhất. Theo quan điểm của Sở TT-TT Đà Nẵng, chính quyền điện tử không thể giải quyết hết được những vấn đề tổ chức công dân, vì vấn đề của tổ chức công dân rất đa dạng. Mặt khác, công nghệ không phải yếu tố quan trọng để xây dựng thành phố thông minh. Cách đi của Đà Năng là sẽ xây dựng khung kiến trúc tổng thể trước, sau đó xây khung kiến trúc từng phần.
 

Đà Nẵng hiện đã lắp đặt 80.000 camera (kế hoạch sẽ đạt được là 120.000 camera), ông Thanh cho biết, hệ thống camera này hướng đến việc giám sát hướng dẫn viên du lịch chui. Đà Nẵng hiện cũng đã triển khai giám sát hệ thống cấp nước của thành phố, thông qua trang web, người dân hoàn toàn có thể biết được chất lượng nước mình đang dùng hôm đó thể nào. Hệ thống cũng cho phép giám sát các ao hồ trên địa bàn thành phố, để các cơ quan có thể tự động hóa để điều chỉnh chỉ số nước bị ô nhiễm bằng cách bơm nguồn nước sạch hoặc tăng cường bèo xử lý ở ao hồ. Đà Năng cũng đã xây dựng được nguồn cơ sở dữ liệu, khi người dân đến các nhà hàng nhắn tin thì sẽ trả lại cho người dân về thông tin của nhà hàng đó đã bảo đảm an toàn thông tin thực phẩm hay chưa. 
 

Nêu những khó khăn hiện nay của việc xây dựng đô thị thông minh, ông Thanh thẳng thắn cho rằng, đó là có quá nhiều người hiểu về thành phố thông minh theo cách rất khác nhau, do vậy rất lắm chỉ đạo, nhiều tư vấn, khiến ban triển khai dễ bị lúng túng. Chính vì vậy, nếu thành phố không xây dựng được một kiến trúc cụ thể thì sẽ rất dễ bị lung lay. Điều đó cũng cần lắm một đội ngũ lãnh đạo cấp triển khai đủ bản lĩnh phản biện, để có những tham mưu tốt cho lãnh đạo. Ông Thanh cũng nhấn mạnh thêm, khi xây dựng kế hoạch phát triển thành phố thông minh từ phiên bản này đến phiên bản khác phải mang tính liên vùng, liên kết, lâu dài, không nên thông minh theo kiểu áp đặt, gấp gáp. Hãy bắt đầu từ những dự án nhỏ, đáp ứng nhu cầu của người dân, nếu chúng ta cứ cầu toàn về một thành phố thông minh phải như thế nào mới hoàn hảo thì sẽ không thể triển khai được.
 

Smart Saigon: người dân đóng góp dữ liệu
 

TS. Đoàn Xuân Huy Minh, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán cho biết, người dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển một đô thị, đặc biệt là đô thị thông minh. Bởi bản thân mỗi công dân đều có thể đóng góp dữ liệu cho hệ thống thông tin của một đô thị được quản lý trên nền hạ tầng CNTT-VT, đồng thời sự tương tác của người dân với chính quyền, với các nhà quản lý là một yếu tố luôn được chú trọng trong các hệ thống chính quyền điện tử. Mạng xã hội cũng là công cụ khá phổ biến để chính quyền và các chính trị gia chuyển tải thông báo hoặc tiếp nhận thông tin từ những công dân và các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. 
 

SmartCity: Lớn từ những dự án nhỏ - 1 40 1
Ứng dụng cập nhật và thông báo tình hình ngập lụt từ cộng đồng.
 

Theo hướng sử dụng sự đóng góp của người dân để hỗ trợ các thông tin quản lý nhà nước, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán đã triển khai dự án Smart Saigon (tên gọi đầy đủ là “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và mạng xã hội trong quản lý giao thông đô thị với điều kiện thời tiết khắc nghiệt”), với mục tiêu xây dựng một hệ thống tự động tổng hợp, hiển thị và chia sẻ các thông tin ngập lụt và giao thông được gửi từ người dùng mạng xã hội, kết hợp với thông tin giao thông và báo ngập chính thức từ các cơ quan quản lý trong khu vực TP.HCM.
 

Các tin báo của cộng đồng về tình hình ngập lụt và giao thông (có thể kèm hình ảnh hoặc video clip) với từ khóa #ngaplut được gửi đến phần mềm Smart Saigon trên các trang mạng xã hội (Twitter: @smartsaigon, Facebook: @smartsaigon). Các dữ liệu này sẽ được hệ thống tự động phân tích, đối chiếu và cập nhật tức thời trên một trang bản đồ trực tuyến ở địa chỉ http://smartsaigon.info. Nhóm nghiên cứu cũng đã triển khai thành công việc hiển thị các tin báo trên các bản đồ trực tuyến của Google maps và Vietbando (maps.vietbando.com) và tích hợp vào website của dự án. 
 

Nhóm dự án đã tiếp cận nhiều cộng đồng dân cư tại các khu vực có khả năng ngập lụt để mời gọi người dân nhắn tin báo ngập cho hệ thống. Dự án cũng được giới thiệu và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các thầy cô và các đội, nhóm sinh viên từ các trường đại học của TP.HCM như Đại học Hoa Sen, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Sài Gòn, và Đại học Tài nguyên và Môi trường. Trong tháng 7/2017, Smart Saigon cũng đã được giới thiệu đến Quận Đoàn Quận 1, và từ sự hỗ trợ của Quận Đoàn, được triển khai đến các Đoàn viên trên địa bàn Quận 1 như một hoạt động tình nguyện của Mùa hè xanh năm 2017. 
 

Thời gian tới, nhóm dự án sẽ tiếp tục triển khai ở các quận, huyện trên toàn thành phố để kêu gọi sự đóng góp của người dân; đặc biệt là Đoàn viên, Thanh niên, Sinh viên và những người trẻ tuổi có điều kiện và có khả năng tiếp cận công nghệ di động nói chung. Dự án cũng thành lập một số nhóm cung cấp thông tin thường xuyên để duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống. Mỗi nhóm đều được quản lý và theo dõi hoạt động trên bảng thông tin trực tuyến của dự án tại trang web http://smartsaigon.info. Những thành viên của nhóm thông tin thường trực cũng được hỗ trợ mỗi người 01 tài khoản truy cập 3G hàng tháng.
 

Sau hơn 3 tháng hoạt động thử nghiệm (từ tháng 5/2017), hệ thống đã ghi nhận gần 1.800 tin báo ngập. Từ những tin nhắn này, Smart Saigon đã thể hiện được 1 bản đồ chi tiết về các điểm ngập của thành phố. So sánh với thông tin về 40 điểm có nguy cơ ngập trên cổng thông tin điện tử về giao thông của Sở Giao thông vận tải TP.HCM (giaothong.hochiminhcity.gov.vn), có thể thấy ngay hiệu quả cảnh báo của Smart Saigon đối với các điểm nóng về ngập lụt trên toàn thành phố. Với dữ liệu được cập nhật và bổ sung hàng ngày, Smart Saigon sẽ còn ghi nhận được các điểm ngập mới để các cơ quan hữu quan của thành phố đưa vào kế hoạch chống ngập trong tương lai. 
 

Mô hình tại Công viên Phần mềm Quang Trung
 

SmartCity: Lớn từ những dự án nhỏ - IMG 20171006 151738
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc QTSC.


Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) là công viên phần mềm tập trung đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Ngay từ ban đầu, QTSC đã được thiết kế theo định hướng mô hình đô thị phần mềm (software city). Tính đến thời điểm này, QTSC đã thu hút được 150 doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó có 5 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 người. Với quy mô 20 tòa nhà văn phòng, 5 trung tâm đào tạo CNTT, 4 phòng giao dịch ngân hàng, 15 bãi đỗ xe, khu nhà ở chuyên gia và khu ký túc xá, hệ thống lưới điện ngầm hóa, hệ thống xử lý nước thải, trường mầm non, phòng y tế, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ kinh doanh…, QTSC đã chính thức trở thành một “software city” phục vụ cho 20.000 người học tập, làm việc thường xuyên. QTSC còn có kế hoạch đầu tư phòng thí nghiệm về IoT trong thời gian tới.
 

Theo đánh giá mới nhất năm 2017 của tập đoàn tư vấn KPMG, QTSC xếp thứ 3 trên tổng số 8 khu công nghệ tại châu Á xét về các yếu tố liên quan đến hiệu quả hoạt động của khu, như tỷ lệ lấp đầy, chính sách đãi ngộ, hạ tầng viễn thông. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc QTSC chia sẻ, trong quá trình phát triển, QTSC gặp không ít những khó khăn, thách thức trong hoạt động quản trị, điều hành của một “software city”. Đó là phải làm sao đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng 24/7, quản lý trật tự, kiểm soát an ninh, nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu ngày càng lớn, phức tạp của các doanh nghiệp, học tập và làm việc…
 

QTSC đã tìm kiếm giải pháp quản lý nội khu nhằm giải quyết được các thử thách trước mắt, nhưng phải theo kịp xu hướng hội nhập quốc tế để nâng tầm QTSC sánh ngang với khu công nghệ của các nước dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đầu năm 2016, QTSC đã chủ động ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán về quản trị nội khu, tiến đến trở thành một hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước với 3 mục tiêu chính: nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu; phát triển thương hiệu QTSC. 
 

Để đạt được những mục tiêu này, QTSC tập trung vào 3 bước: Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin các hoạt động quản lý nội khu, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng trên nền tảng số hóa; Kết nối các ứng dụng công nghệ, dữ liệu trên cùng một nền tảng chung (platform); Chia sẻ, phân tích, khai thác dữ liệu và dự báo các diễn biến trong tương lai để hoạch định các chính sách phát triển. 
 

Đến nay, QTSC đã đạt được một số kết quả nhất định và đang tiếp tục tiếp thu ý kiến với tinh thần cầu thị. Việc ứng dụng hệ thống SMS đã giảm thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ 2 ngày (tương đương 2.880 phút) xuống còn 2 phút, giảm chi phí chuyển thông tin cho khách hàng từ 15.000 đồng còn 3.000 đồng cho một khách hàng. Hệ thống quản lý tài sản không gian trên nền GIS, số hóa toàn bộ hệ thống cáp ngầm và cây xanh, giúp việc truy xuất, thống kê, dự báo dễ dàng. QTSC cũng đã số hóa toàn bộ hạ tầng kỹ thuật nội khu. Trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng đã tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ. Về lĩnh vực môi trường, tại QTSC đã quản lý được 11 thông số nước thải đầu ra (COD, BOD, lưu lượng, pH, TSS, TDS, Amonium, Nitrat, Sunfua, Phosphat, tổng dầu mỡ) theo thời gian thực, cảnh báo tức thời khi có thông số vượt ngưỡng quy định. Tương tự, trong lĩnh vực giao thông nội khu, việc ứng dụng chia sẻ xe đạp đã làm rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vị trí từ 3 – 7 phút cho 1 lần di chuyển. Trong lĩnh vực an ninh, an toàn nội khu, phát hiện biển số xe của 4 trường hợp phá rối, gây mất an ninh nội khu và chuyển giao cho công an phường xử lý.

Ô Lâu

 

GrabTaxi chính thức có mặt ở Khánh Hòa

Grab vừa chính thức triển khai dịch vụ GrabTaxi tại tỉnh Khánh Hoà, đây là đô thị thứ 5 tại Việt Nam mà GrabTaxi có mặt sau hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Người dùng cá nhân vay và làm thẻ tín dụng qua Fingo

Nền tảng công nghệ Fingo giúp từng cá nhân có thể vay vốn hoặc làm thẻ tín dụng một cach nhanh chóng và dễ dàng đã được công ty Fingo Việt Nam cung cấp ra thị trường.

Lenovo ThinkCentre M910z và M810z: bộ đôi máy tính để bàn tầm cao

Lenovo vừa ra mắt thêm bộ đôi máy tính để bàn tất cả trong một (AIO) – ThinkCentre M910z và ThinkCentre M810z tích hợp các công nghệ mới mạnh mẽ và bảo an.

iPhone 8 cuối tháng 9 có hàng, giá từ 20,9 triệu đồng

Chuỗi siêu thị Di động Việt cho biết các mẫu iPhone 8 và 8 Plus phiên bản quốc tế sẽ lên kệ với giá khá tốt, từ 20,9 triệu đồng vào cuối tháng 9 ở chuỗi này.

Vivo V7+ sẽ ra mắt thị trường Việt Nam vào tuần tới

Vừa ra mắt ở Ấn Độ vào ngày 7/9, dòng điện thoại Vivo V7+ với màn hình Fullview và camera trước lên đến 24MP sẽ nhanh chóng được giới thiệu tại thị trường Việt Nam ngày 22/9 tới.

Khách hàng Data Mobifone không tin mình trúng xe ô tô Mazda 6 2.0L

MobiFone Toàn Cầu (MobiFone Global), trực thuộc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã tổ chức Lễ trao thưởng chương trình “Xài Data – Du lịch thả ga – Trúng Mazda”, đáng ngạc nhiên là người may mắn trúng giải bảo “đến giờ mới tin là thật”.

Rác thải điện tử, mỗi năm thải ra 100 ngàn tấn, thu được 7 tấn

Năm 2016, Việt Nam Tái Chế đã thu gom và tái chế gần 7 tấn rác thải điện tử, gồm các thiết bị như: máy tính bàn, máy in, fax, scaner, server, điện thoại, tivi, đầu đĩa… Đây vẫn là một con số khá nhỏ so với tổng khối lượng gần 100 ngàn tấn rác thải điện tử mà người Việt thải ra hàng năm.

Tiki triển khai dịch vụ Giao hàng 2 tiếng

Từ ngày 13/9/2017, Tiki chính thức triển khai dịch vụ Giao hàng 2 tiếng đáp ứng nhu cầu mong muốn được giao hàng nhanh của khách hàng.

Galaxy Note8 ra mắt, giá 22,5 triệu đồng, 15.000 đơn đã đặt

Được ra mắt trên thế giới vào ngày 23/8, Galaxy Note8 là một thiết bị di động đáng chờ đợi với màn hình vô cực lớn, một bút S Pen nâng cấp khả năng chụp ảnh cùng tính năng dịch thuật tức thời. Đáng chú ý, xuất hiện cùng Samsung Pay, Galaxy Note8 sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen người dùng Việt.

Mua điện thoại xịn trên Tiki, 1 tiếng sau nhận hàng

Tiki đã chính thức ra mắt dịch vụ đặc biệt “Giao hàng 2 tiếng” với mọi sản phẩm đang bày bán trên Tiki.vn.