Phát triển kinh tế số ở Việt Nam, một cách tiếp cận mới

Kinh tế số hoạt động theo những nguyên lý gì? Quá trình bản chất của nó là gì? Khác biệt cơ bản của kinh tế số với kinh tế truyền thống ở Việt Nam là gì? Chúng ta cần phát triển kinh tế số theo cách nào? Đâu là cơ hội cho một cách đi riêng?... Trả lời được những câu hỏi này thì việc tiếp cận, chuẩn bị và phát triển kinh tế số ở nước ta sẽ trở nên đơn giản hơn.

Từ những kết quả nghiên cứu và triển khai thí điểm đã được thực hiện trong những năm vừa qua, chúng tôi phác họa một cách tiếp cận tìm lời giải cho những vấn đề này như sau để những ai quan tâm tham khảo.

I. Sự khác biệt của kinh tế số so với kinh tế truyền thống

Trong mọi nền kinh tế, việc chuẩn bị và thực hiện quy trình sản xuất luôn luôn là bài toán trung tâm. Sự khác biệt giữa các mô hình kinh tế nằm ở chỗ việc này được thực hiện như thế nào. So với kinh tế truyền thống, kinh tế số có sự khác biệt hoàn toàn, thậm chí có phần trái ngược. Bảng sau mô tả điều này.

Quy trình sản xuấtKinh tế truyền thốngKinh tế số
Chuẩn bị quy trình SXCon người suy nghĩ – máy hỗ trợMáy xử lý – Con người hướng dẫn
Thực hiện quy trình SXCon người thực hiện – máy hỗ trợMáy thực hiện – Con người giám sát, đánh giá

Trong nền kinh tế truyền thống, việc tính toán, lập kế hoạch sản xuất do con người thực hiện, dù có ứng dụng máy tính thì máy tính cũng chỉ trợ giúp con người tính toán cho nhanh hơn và chính xác hơn. Khi kế hoạch đã được phê duyệt, cũng chính con người thực hiện kế hoạch đó, có áp dụng máy móc, thiết bị thì chúng cũng chỉ là công cụ giúp con người thực hiện tốt hơn.

Trong nền kinh tế số, con người hướng dẫn cho máy phương pháp tính toán, xử lý dữ liệu, lập kế hoạch, lên quy trình sản xuất. Kết quả xử lý được con người kiểm tra, đánh giá, nếu đúng thì cho thực hiện, nếu sai thì hướng dẫn lại cho máy điều chỉnh, sửa lỗi. Khi quy trình sản xuất được phê duyệt, máy tự điều khiển các cơ chế chấp hành thực hiện quy trình như đã được duyệt. Nếu kết quả thực hiện quy trình sản xuất là tốt thì quy trình sản xuất này được máy lưu giữ để tới lần thực hiện tiếp theo, đúng quy trình này thì không cần hỏi con người để phê duyệt nữa, nếu kết quả sản xuất không như mong muốn, con người sẽ hướng dẫn cho máy bằng cách can thiệp bằng các điều chỉnh. Quá trình này lặp cho đến khi tạo ra được quy trình hoàn chỉnh, từ đó máy thực hiện tự động hoàn toàn.

Phương thức sản xuất “Máy xử lý – con người hướng dẫn; Máy thực hiện – con người đánh giá” tạo ra sự phát triển đột phá về năng suất lao động (vì máy làm là chính) mở ra một chân trời mới cho nền kinh tế: kinh tế số và nhờ ứng dụng AI, khả năng học và học sâu của máy ngày càng cao hơn và sâu sắc hơn nên nền kinh tế có mức trưởng thành số ngày một cao hơn.

Sở dĩ gọi là “Kinh tế số” là vì “Máy” ở đây thực tế là một hệ thống thiết bị phức tạp được điều khiển bởi bộ não là máy tính hoạt động trong không gian số và điều khiển các cơ chế chấp hành trong thế giới thực. Hệ thống đó có tên là “hệ thống vật lý – số” (cyber physical systems – viết tắt là CPS).

II. Vấn đề trọng tâm của kinh tế số

Dễ dàng nhận ra vấn đề trọng tâm trong xây dựng nền kinh tế số là việc chế tạo và áp dụng rộng rãi các CPS. Để hiểu rõ cơ chế hoạt động của các CPS, chúng ta quan sát cách thức con người hướng dẫn máy lập quy trình sản xuất và cách thức máy tự học các bài học kinh nghiệm từ thực tế. Con người hiểu rõ muốn lập một quy trình sản xuất thì cần thu thập được những dữ liệu gì, cần xử lý chúng ra sao trên từng công đoạn sản xuất và cần tổng hợp kết quả xử lý trên tất cả các công đoạn sản xuất như thế nào để lập ra quy trình sản xuất tốt nhất, sẵn sàng đưa vào triển khai. Con người biết vậy nhưng không có đủ thời gian và khả năng thu thập đầy đủ mọi dữ liệu cần thiết, đặc biệt là những dữ liệu trạng thái biến động theo thời gian thực, con người cũng không đủ khả năng xử lý một khối lượng lớn dữ liệu trong một khoảng thời gian ngắn. Khi công nghệ số đạt tới mức phát triển cao, con người “giao” những việc đó cho máy. Với các IoT, máy có thể thu thập mọi dữ liệu cần thiết. Khi có đủ dữ liệu, máy có thể xử lý một lượng dữ liệu lớn với tất cả các độ khó mà quy trình sản xuất yêu cầu. Nó có thể xây dựng được hàng trăm hay hàng ngàn phương án khác nhau cho cùng một quy trình sản xuất để lựa chọn phương án tối ưu. Như thế, con người chỉ cần trao cho máy quy trình logic cần phải thực hiện và các điều kiện cần đáp ứng để thực hiện là máy có thể tự phát sinh code cho một quy trình tự động đáp ứng các yêu cầu đề ra. Rõ ràng, con người làm được việc này phải là các chuyên gia chuyên ngành (domain experts) – những người am hiểu nhất việc lập một quy trình sản xuất trong cơ sở sản xuất của mình. Và, chắc chắn là, để con người “giao” được việc cho máy thì máy phải được thiết kế đặc biệt để có thể giao tiếp và hiểu được mệnh lệnh của con người. Nói cách khác, để xây dựng các CPS, các chuyên gia chuyên ngành cần có bộ công cụ phát triển phù hợp. Bộ công cụ đó được gọi là nền tảng số (digital platform) và có những tính năng như sau:

  • Có giao diện tiếp nhận quy trình logic từ các chuyên gia chuyên ngành thông qua ngôn ngữ giao tiếp với máy và tự động chuyển đổi thành quy trình tự động, tự phát sinh mã (code);
  • Có khả năng xử lý, tính toán theo quy trình được nạp, điều khiển các thiết bị IoT trong việc thu thập dữ liệu và điều khiển các thiết bị chấp hành (actuators) thực hiện các thao tác trong quy trình sản xuất thực tế.
  • Có khả năng tự học (machine learning) và học sâu (deep learning) các bài học thực tiễn dựa trên những điều chỉnh của con người và kết quả thực tế thu được.

Người ta có thể chế tạo rất nhiều chủng loại CPS, từ đơn giản (chỉ điều khiển một công đoạn sản xuất) đến phức tạp (điều khiển cả một hệ thống lớn) và rất đa dạng, tùy theo lĩnh vực áp dụng như trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giao thông, vận tải, giáo dục, đào tạo, y tế,… Vì thế, cũng cần có nhiều loại nền tảng số khác nhau để phát triển các CPS này. Có thể nói, phát triển các nền tảng số để tạo ra các CPS là năng lực số quan trọng nhất của một quốc gia trong quá trình chuyển đổi số.

III. Nguyên lý hoạt động của kinh tế số

Như đã trình bày, nội dung quan trọng nhất của nền kinh tế số là làm thế nào tạo ra được các CPS gắn kết được với các hệ thống hiện hữu và có thể ứng dụng rộng khắp trong tất cả các đơn vị kinh tế. Để các quy trình sản xuất được ứng dụng các CPS hoạt động hài hòa, đồng bộ và phát huy tốt nhất năng lực số của hệ thống, các nguyên lý sau đây cần được áp dụng.

1.Kết nối và vận hành liên hệ thống (Interoperability and intersystem)

Đây là yêu cầu tiên quyết. Thứ nhất là liên kết được các hệ thống thông tin và hệ thống vật lý với nhau để từ kết quả xử lý dòng thông tin trên không gian số (cyber) có thể giám sát và điều khiển được các dòng vật lý (physical) trong thế giới thực. Thứ hai là các hệ thống vật lý khác nhau có thể liên kết và phối hợp vận hành với nhau thông qua các hệ thống thông tin. Hiển nhiên, các hệ thống thông tin khác nhau (ví dụ các hệ thống ứng dụng CNTT truyền thống và các CPS) cũng có thể liên kết với nhau một cách dễ dàng.

2. Phân tán hóa (Decentralization)

Bình thường, các hệ thống riêng lẻ giữ kết nối và hoạt động theo nguyên lý 1 nhưng khi cần thiết có thể tự vận hành ngay cả khi ngắt kết nối. Điều này rất cần thiết cho những nơi có hạ tầng kết nối không ổn định. Đặc biệt là ở những vùng lãnh thỗ mà hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật chưa thật sự hoàn chỉnh thì càng cần phi tập trung để tránh trình trạng bị sụp đổ toàn hệ thống chỉ bởi vì một trục trặc cục bộ nào đó.

3. Ảo hóa (Virtualization)

Mỗi đối tuợng trong thế giới thực (cả vật thể và phi vật thể) đều cần có đại diện số (digital rep) của mình trên cloud. Ở đây, khái niệm “đại diện số” có các đặc tính sau:

  • Mỗi đại diện số có một địa chỉ trên cloud.
  • Trả lời các yêu cầu từ các hệ thống khác hỏi về thông tin trạng thái của các thành phần thuộc hệ thống mình làm đại diện (chỉ trả lời những yêu cầu được phép hỏi thông tin).
  • Ra lệnh cho đối tượng mình làm đại diện thực thi các qui trình hành động theo yêu cầu của các hệ thống khác (chỉ ra lệnh thực hiện những gì mà đối tượng cho phép đại diện số ra lệnh).
  • Chủ động thông báo cho các hệ thống khác thông tin về các sự kiện xảy ra với đối tượng mà mình làm đại diện.

Đại diện số là công cụ thiết yếu để thực thi nguyên lý 1 – Kết nối và vận hành liên hệ thống. Các hệ thống số kết nối với các hệ thống vật lý thông qua các đại diện số trên cloud của các đối tượng vật lý mà không cần phải kết nối trực tiếp đến đối tượng vật lý. Nhờ vậy mà việc thiết lập kết nối cho các hệ thống vật lý – số đơn giản hơn nhiều.

4. Theo thời gian thực (realtime)

Thông tin thu thập được từ các giao dịch của các dòng vật lý phải được thu thập với độ trễ bằng quãng thời gian dịch chuyển của dòng thông tin trên không gian số. Thông tin thu thập được phải đảm bảo 3 yếu tố sau: Thu thập ngay tức thì khi xảy ra giao dịch; Khách quan, chính xác không phụ thuộc vào con người; Đầy đủ các thông tin cần thiết trong đó có thông tin về thời điểm xảy ra giao dịch.

Ở chiều ngược lại, các hành động phản hồi để điều chuyển các dòng thông tin và dòng vật lý trong thế giới thực cũng cần thực hiện theo thời gian thực.

5. Đơn thể hóa (modularity)

Các thành phần của hệ thống phải được thiết kế theo kiểu đơn thể (modul) theo các chuẩn kết nối đầu vào, đầu ra để đảm bảo các moduls này có thể sử dụng ở các hệ thống khác nhau nhằm hỗ trợ tính co giãn dễ mở rộng tùy theo nhu cầu. Ví dụ như các đối tượng vật lý cơ khí thì chuẩn kết nối chung là tiêu chuẩn về dung sai lắp lẫn, còn giữa các hệ thống thông tin thì dùng các chuẩn kết nối chung như https://… và ngôn ngữ giao tiếp giữa các hệ thống thông tin với các hệ thống vật lý.

6. Hướng dịch vụ (Service Oriented)

Cung cấp đúng dịch vụ khách hàng cần mà khách hàng không cần phải sở hữu hệ thống như là tài sản cố định. Ví dụ như cung cấp dịch vụ phân phối lưu kho thông qua tủ kệ kho thông minh mà khách hàng không cần phải sở hữu thiết bị hay mặt bằng kho. Khách hàng sẽ trả phí theo số lần sử dụng hay khoảng thời gian sử dụng.

7. Đóng gói tri thức (knowhows packaging)

Hệ thống phải có khả năng đóng gói được các tri thức (knowhows) của các chuyên gia chuyên ngành thể hiện dưới dạng các bộ qui trình vận hành. Theo đó, hệ thống phải có công cụ giúp các chuyên gia chuyên ngành (không chuyên IT – Non IT person) dễ dàng diễn đạt các qui trình vận hành theo hiểu biết của mình bằng ngôn ngữ tự nhiên. Tri thức được đóng gói trở thành một dạng hàng hóa có thể dễ dàng thương mại hóa trên Internet mà không lo ngại bị vi phạm bản quyền sáng tạo của tác giả vì chúng đã được đóng gói và bảo vệ bởi công nghệ số. Cách này giúp lan tỏa tri thức của từng chuyên gia ra khắp toàn cầu, phục vụ ở bất cứ nơi nào cần đến. Nguyên lý này thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn xã hội đối với mọi đối tượng.

IV. Những điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế số

Để phát triển kinh tế số, cần có các điều kiện cần và đủ như sau.

Hạ tầng IoT

IoT là công nghệ quyết định, mở đầu cho kỷ nguyên kinh tế số vì chỉ có các IoT mới có thể thu thập được những dữ liệu trạng thái diễn ra trong thời gian thực phản ánh khách quan những gì thực sự đang diễn ra. Chính vì lẽ này mà số lượng thiết bị IoT tăng lên không ngừng, từ 24 tỷ chiếc vào nằm 2020 sẽ đạt 75 tỷ chiếc vào năm 2025 và tới 2030 sẽ vượt qua con số 200 tỷ chiếc (theo MCKinsey và nguồn khác). IoT được cài đặt ở khắp mọi nơi tùy vào lĩnh vực áp dụng như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, bán lẻ, y tế,…

Để tạo ra được nền tảng dữ liệu đầu vào vững chắc và hiệu quả, cần chú trọng xây dựng hạ tầng IoT mà nội dung chính là hệ thống giám sát và điều khiển các IoT từ thu nhận tín hiệu, chuyển về cloud, chuyển hóa thành dữ liệu số đến cập nhật dữ liệu trạng thái của thực thể được giám sát. Phương án được xem là tối ưu là phát triển và sử dụng hệ điều hành cho IoT (IoT operating system hay IoT O.S) để quản lý các IoT như các divices của mình.

Hạ tầng Cloud

Vì làm việc với dữ liệu lớn được thu thập chủ yếu bằng các IoT nên hạ tầng lưu trữ và kết nối chỉ có thể là cloud, không thể sử dụng các mạng nội bộ LAN hay mạng diện rộng MAN như trước đây. Trong lĩnh vực này, cũng chỉ có các nhà cung cấp chuyên nghiệp mới có thể cung cấp dịch vụ cloud vì nhiều lý do, trong đó, an ninh, an toàn hệ thống cần được đảm bảo ở mức chuyên nghiệp và khả năng phát triển, nâng cấp hệ thống diễn ra thương xuyên vì công nghệ thay đổi liên tục là những lý do chính.

Hạ tầng dữ liệu

Đây là tài sản lớn nhất của hệ thống kinh tế số vì toàn bộ nền kinh tế số hoạt động dựa trên xử lý dữ liệu số. Trong hạ tầng này lưu trữ nhiều kho dữ liệu khác nhau, từ kho dữ liệu lưu trữ, dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành và quan trọng nhất là các dữ liệu trạng thái thu thập được bởi các IoT. Dữ liệu trạng thái là loại dữ liệu có khối lượng lớn nhất trong hạ tầng dữ liệu quốc gia. Với vai trò cực kỳ quan trọng đó, hạ tầng dữ liệu cần được tổ chức và quản lý hết sức khoa học, chặt chẽ và an toàn. Cần có những chính sách riêng cho việc xây dựng, cập nhật, bảo vệ, khai thác và đảm bảo an toàn cho hạ tầng này.

Hạ tầng ứng dụng

Đây là nguồn năng lượng của nền kinh tế, nơi chứa các công cụ phát triển các ứng dụng, các nền tảng, các công nghệ số (AI, Blockchain, Fintech,…), các ứng dụng CNTT, tự động hóa và quan trọng hơn cả là các hệ thống vật lý – số CPS. Các hệ thống ứng dụng này được cung cấp như các dịch vụ, chúng được bổ sung, hoàn thiện và đổi mới liên tục, càng ngày chất lượng càng cao hơn, với những tính năng phong phú hơn và có giá thuê dịch vụ phù hợp với mọi đối tượng sử dụng theo xu hướng ngày càng rẻ hơn.

Lực lượng tiên phong

Ai là người quan trọng nhất trong nền kinh tế số? Đó là các chuyên gia chuyên ngành. Họ là những người đưa quy trình logic vào hệ thống CPS. Vì thế, năng lực và hiệu quả hoạt động của một CPS hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, sự hiểu biết và trách nhiệm của chuyên gia chuyên ngành. Vì lẽ này, cần có những chính sách đặc biệt trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên  gia chuyên ngành của đất nước.

Hạ tầng chính sách

Trong nền kinh tế số, có nhiều việc đổi mới khác hẳn kinh tế truyền thống, thậm chí, có chỗ trái ngược, ví dụ trước việc do người làm thì nay giao cho máy làm. Vì thế, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong hệ thống chính sách vì những gì áp dụng cho kinh tế truyền thống có chỗ, có nơi không thể áp dụng cho kinh tế số. Bên cạnh đó, cũng có những việc, những hoạt động hoàn toàn mới cần có những chính sách mới chi phối, ví dụ xe tự lái, giao hàng tự động, drone,…

Khi những điều kiện cần và đủ này được đáp ứng, nền kinh tế số sẽ được xây dựng và phát triển một cách ổn định và chắc chắn.

V. Những ngành kinh tế số tiềm năng của Việt Nam

Công nghệ số làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, làm thu hẹp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực nhưng cũng tạo ra nhiều việc làm mới, hình thành các ngành nghề mới. Dưới đây là những ngành như vậy.

1.Ngành phát triển các nền tảng số

Nền tảng số là máy cái chế tạo ra các CPS. Vì thế, phát triển và kinh doanh các nền tảng số (digital platforms) là một ngành quan trọng và kén người. Chỉ những doanh nghiệp công nghệ hùng mạnh và những chuyên gia chuyên sâu về công nghệ số mới có thể tham gia vào ngành này. Đây cũng là ngành đóng góp mạnh mẽ nhất vào việc thay đổi thứ bậc của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới nếu phát triển thành công các nền tảng số mang thương hiệu Việt Nam.

2. Ngành phát trỉển các CPS

Đây là ngành có phạm vi phát triển rộng nhất và biên độ trưởng thành số cao nhất vì tất cả các tổ chức, doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực đều cần ứng dụng và mức độ ứng dụng cũng rất khác nhau. Ngành này có tính chất tập hợp, thu hút các chuyên gia chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau kết hợp với các chuyên gia công nghệ để chế tạo, phát triển và kinh doanh các CPS dưới nhiều hình thức, trong đó, cung cấp như dịch vụ để được chia sẻ lợi nhuận là hướng chủ đạo.

3. Ngành chế tạo các thiết bị, phụ kiện cho các hệ thống tự động hóa thông minh.

Phát triển các CPS kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị cơ khí, các phụ kiện, thiết bị phụ trợ. Ví dụ hệ thống CPS điều khiển tưới nước cho cây trồng sẽ cần tới các mô tơ, ống dẫn, vòi phun, giá đỡ, bể chứa,…, các hệ thống CPS điều khiển tự động quy trình khai thác than sẽ cần băng chuyền, thiết bị đào, chống lò, thiết bị vận chuyển vả rất nhiều thiết bị, phụ kiện khác.

4. Ngành đào tạo các chuyên gia chuyên ngành

Các chuyên gia chuyên ngành là các nhân vật trung tâm của nền kinh tế số mà mọi ngành, mọi địa phương đều cần. Vì lượng Cầu rất lớn nên chắc chắn hình thành hệ thống Cung để đáp ứng. Nhu cầu quan trọng này sẽ làm thay đổi chương trình và phương thức đào tạo trong các trường, viện. Sẽ hình thành các trung tâm đào tạo, chia sẻ, liên kết các chuyên gia chuyên ngành để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế số của đất nước.

5. Ngành kinh doanh các sản phẩm tri thức

Một ngành mới mẻ sẽ hình thành và phát triển mạnh mẽ là ngành kinh doanh các sản phẩm tri thức. Từ trước tới nay, đa phần các sản phẩm tri thức (hay gọi là bí quyết công nghệ, bí quyết giải pháp) thường được giữ kín vì rất khó có thể bảo vệ bản quyền. Trong nền kinh tế số, với công nghệ số, tri thức có thể đóng gói và phổ biến khắp toàn cầu mà không lo bị sao chép vì chỉ chủ nhân của bí quyết mới có quyền mở và trao bí quyết đó cho ai.   

6. Ngành phân tích dữ liệu lớn

Đây là ngành đặc trưng của kinh tế số nơi dữ liệu là tài sản quý nhất, lớn nhất giống như một mỏ tài nguyên quý cho tất cả những ai có khả năng phân tích được big data trong mỏ dữ liệu đó. Sản phẩm phân tích sẽ vô cùng phong phú và hấp dẫn, ví dụ việc phát hiện những quy luật vận động trong xã hội, vì thế cũng có giá trị rất cao – phần thưởng xứng đáng cho người làm nghề này.

7. Ngành tư vấn chuyển đổi số

Chuyển đổi số là quá trình không có điểm dừng trong vài chục năm nữa. Vì thế, ngành tư vấn chuyển đổi số còn là ngành hot khá lâu dài. Nước ta có gần 800.000 doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh tế gia đình, tất cả các đơn vị kinh tế đó đều cần chuyển đổi số – một thị trường khổng lồ cho các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Phương án mà nhiều doanh nghiệp mong muốn là nhà tư vấn giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và được chia sẻ từ giá trị gia tăng do chuyển đổi số mang lại. Cách làm này giống như phép lọc thúc đẩy nâng cao chất lượng tư vấn chuyển đổi số ở nước ta.

8. Ngành cung cấp các dịch vụ số

Đây là ngành hoạt động phong phú bậc nhất và cũng có thị trường lớn nhất vì cá nhân hay tập thể thì đều cần tới các dịch vụ số. Đối với cơ quan nhà nước là các dịch vụ công số, đối với xã hội, các dịch vụ số là vô cùng phong phú để đáp ứng như cầu học tập, mua sắm, làm việc, giao lưu, nghiên cứu, giải trí,… của tất cả mọi người.

Công nghệ số làm thu hẹp công việc ở một số ngành nghề nhưng lại tạo ra hơn thế ở các ngành nghề mới, các cơ hội mới mà 8 ngành trên chỉ là ví dụ.

Có thể bạn quan tâm
Mũi vaccine Pfizer thứ 3 có tác dụng phụ tương tự như mũi thứ 2

Một cuộc khảo sát ban đầu ở Israel cho thấy hầu hết những người được tiêm mũi thứ ba vaccine Covid-19 của Pfizer đều cảm thấy tác dụng phụ tương tự hoặc ít hơn so với sau khi tiêm liều thứ hai.

Amazon tan rã giấc mơ giao hàng bằng máy bay không người lái

Amazon đã sa thải hơn 100 nhân viên tại nhóm giao hàng bằng máy bay không người lái của mình ở Anh, tờ Wired đưa tin. Các cựu nhân viên của Prime Air nói với Wired rằng, bộ phận này bắt đầu tan rã từ năm 2019.

Ấn Độ tình cờ tiêm hai mũi vaccine Covishield và Covaxin cho khả năng miễn dịch tốt hơn

Sáng nay ngày 9/8, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 5.155 ca mắc Covid-19 mới, trong đó nhiều nhất vẫn là TP.HCM với 2.349 ca. Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, 10.000 lọ thuốc Remdesivir sẽ được phân bổ đến các bệnh viện để phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM.

Vaccine Moderna đạt hiệu quả 93% trong 6 tháng

Moderna đã công bố chi tiết tài chính quý 2/2021 cũng như thông tin về các thử nghiệm và kế hoạch vaccine COVID-19 trong tương lai của hãng.

Honor đang có nguy cơ vào danh sách đen của Mỹ dù đã được Huawei bán đi

Một nhóm gồm 14 chính trị gia đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ vừa yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ bổ sung Honor vào Danh sách đen của họ.

Tính năng an toàn trẻ em của Apple đang bị gây hiểu lầm?

iOS 15 dự kiến sẽ đi kèm một tính năng mà Apple hứa hẹn sẽ giúp bảo vệ trẻ em trước các cuộc tấn công lạm dụng tình dục, tuy nhiên nhiều chuyên gia đang cảm thấy lo ngại trước tính năng khi nó có thể xâm phạm quyền riêng tư.

Ra mắt nền tảng họp trực tuyến OnMeeting, hình ảnh chất lượng và bảo mật cao

FPT Telecom vừa ra mắt giải pháp họp trực tuyến OnMeeting đáp ứng những tiêu chuẩn cao về chất lượng hình ảnh, âm thanh, khả năng bảo mật cả về phần mềm lẫn phần cứng.

Doanh thu giảm 29%, Huawei đặt mục tiêu tồn tại bền vững trong 5 năm tới

Trong báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2021 vừa công bố, Chủ tịch luân phiên Huawei cho biết, mục tiêu của công ty là tồn tại và thực hiện mục tiêu đó một cách bền vững trong 5 năm tới.

Vaccine Việt Nam có kết quả thử nghiệm khả quan

Sáng nay 7/8, Bộ Y tế cho biết Việt Nam có thêm 3.794 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó nhiều nhất vẫn là TP.HCM với 1.836 ca. Đồng thời, vaccine Nanocovax đầu tiên của Việt Nam đã cho ra kết quả thử nghiệm khả quan, hôm nay Bộ Y tế sẽ tiến hành họp khẩn để thẩm định.

Các công ty công nghệ đang hạ nhiệt sau mức tăng trưởng đỉnh điểm nhờ Covid-19

Sau mức tăng trưởng doanh thu đáng kinh ngạc trong suốt năm 2020 khi nhiều người chuyển sang công nghệ để làm việc và giải trí trong thời gian giãn cách bởi đại dịch Covid-19, các công ty công nghệ đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng chậm lại.