Đi cùng với những sự đổi mới từ công nghệ và xu hướng sử dụng của người dùng, kết nối không dây đã và đang trở nên phổ biến để dần dần thay thế cho truyền thống có dây trước đây. Các nhà sản xuất vẫn luôn luôn tìm kiếm những phương thức, những kỹ thuật truyền thông, giao tiếp mới để ứng dụng vào trong đời sống con người. Và năm 2013 hứa hẹn sẽ là thời điểm đánh dấu sự phổ biến của một số các công nghệ không dây vốn đã xuất hiện trên thị trường nhưng vẫn chưa được áp dụng một cách rộng rãi.

Hiện nay, số lượng công nghệ không dây có thể kể đến thật sự rất đa dạng về chức năng cũng như trang thiết bị hỗ trợ. NFC, DLNA, Wi-Fi hay WiDi, Miracast đều là những kỹ thuật có thể giúp người dùng làm được rất nhiều công việc như giao dịch tài chính, phát hình ảnh từ xa, truy cập mạng Internet không dây cũng như đồng bộ dữ liệu giữa hai thiết bị… Công nghệ không dây đã giải quyết những bất cập phát sinh trong giao tiếp có dây và dần dần trở nên mạnh mẽ hơn và hầu như dễ dàng bắt gặp trong đời sống con người.
Nói về NFC, đây là công nghệ giao tiếp trạng thái gần mà trong đó người dùng có thể chia sẻ nội dung, giao dịch tài chính hoặc nhận dạng thông tin, đọc quảng cáo thông qua thẻ NFC đặc trưng. Bằng cách sử dụng môi trường điện từ để kết nối giữa các thiết bị với nhau, người dùng chỉ cần đặt một thiết bị hỗ trợ NFC bên cạnh một sản phẩm tương thích khác với khoảng cách tối đa là 4 cm để kích hoạt kết nối giữa hai máy. Chính vì vậy, NFC có lợi thế mạnh về tốc độ khi chỉ mất 1 giây để kết nối đến một thiết bị tương thích khác nhưng chỉ trong một khoảng cách ngắn. Tuy vậy, nhược điểm này cũng có thể là một lợi thế bởi nó có khả năng bảo mật thông tin của người dùng. Bên cạnh đó, ngoài việc đề xuất chuẩn dành cho mạng ngang hàng peer-to-peer, NFC còn có một đặc tả về thẻ NFC với khả năng mang lại nhiều sự tiện lợi không chỉ dành cho phía khách hàng mà cả các nhà sản xuất. Trong 2012, cả Sony và Samsung đều đã lần lượt cho giới thiệu Smart Tags và TecTile, những thẻ NFC để từ đó người dùng có thể đồng bộ, trao đổi thông tin giữa hai máy cùng dòng hoặc thanh toán tiền mua hàng… NFC hiện nay đã được tích hợp sẵn trong hệ điều hành Android và Google Wallet chính là một ví dụ về khả năng hỗ trợ đó. RIM cũng không nằm ngoài cuộc khi nhà sản xuất đã có BlackBerry Tag trên một số các thiết bị khởi chạy BlackBerry OS 7 và mới hơn. Song song với đó, Windows Phone 8 cũng như Windows 8 cũng đã có một “Wallet hub” để người dùng có thể nhanh chóng sử dụng dịch vụ chi trả thông qua NFC chỉ bằng một ứng dụng đơn lẻ.
Ở một khía cạnh khác, WiDi hay Miracast lại hỗ trợ khả năng kết nối để xuất nội dung
video độ phân giải cao và âm thanh vòm từ một thiết bị di động hoặc máy tính sang màn hình tương thích lớn hơn. Đây là những chuẩn công nghệ được phát triển dựa trên chuẩn Wi-Fi Direct mà ở đó, hai thiết bị sẽ có thể kết nối trực tiếp với nhau thông qua mạng không dây để trao đổi nội dung mà không cần phải thông qua bộ phát sóng không dây. Ưu điểm của cả hai công nghệ này chính là khả năng thiết lập kết nối nhanh chóng và hầu như không hề phải lệ thuộc vào vấn đề nhà sản xuất. Trước đây, phần cứng tương thích với Wi-Fi Direct là yếu tố cản trở khiến cho công nghệ này chưa được phổ biến nhưng hiện nay, WiDi đã chính thức được đề xuất hỗ trợ trong các thế hệ ultrabook mới mà Intel đã công bố vào hồi IDF 2012. Trong khi đó, Miracast đã được Google hỗ trợ tích hợp trong phiên bản hệ điều hành Android 4.2 và các sản phẩm mới nhất như Nexus 4, Sony Xperia Z, ZL, T, V cũng đã chính thức hỗ trợ. Điều này chứng tỏ rằng người dùng sẽ có thể tiện lợi hơn trong việc sử dụng các công nghệ không dây dựa trên Wi-Fi Dirce mà không hề gặp phải khó khăn trong yếu tố phần cứng như trước đây.
Một công nghệ khác đầy hứa hẹn và cũng đã được tích hợp trong những smartphone cao cấp trước đây nhưng có lẽ ít được người dùng để ý đến chính là DLNA. Đây là công nghệ cho phép những smartphone, máy tính bảng, TV, các máy chơi
game console hay camera tương thích có thể trực tiếp chia sẻ nhạc, video, hình ảnh cũng như cho phép in ấn thông qua hệ thống mạng. Một khi được kết nối vào chung mạng, các thiết bị có hỗ trợ DLNA sẽ có thể “nhìn” thấy nhau và cho phép chia sẻ mà không cần bất kỳ thiết lập nào. DLNA bao gồm các lớp thiết bị tương thích có thể trải rộng từ máy tính, TV cho đến các thiết bị di động cũng như các sản phẩm chuyên dụng. Số lượng các thiết bị hỗ trợ công nghệ này được thống kê là đã lên đến hơn 9000 sản phẩm trong đó những smartphone “cựu” cao cấp như Nokia N8, Samsung Galaxy S II, HTC Sensation và Sony Ericsson Xperia Arc S là những ví dụ trong đó mà người dùng có thể sử dụng để nhanh chóng truyền tải những nội dung cần thiết một cách nhanh chóng thay vì sử dụng kết nối dây như trước đây.

Bên cạnh một số các chuẩn được tích hợp phổ biến dành cho những thiết bị công nghệ nói chung, một số nhà sản xuất như HTC hay Apple vẫn đề xuất ra những kỹ thuật riêng để làm nổi bật dòng sản phẩm của mình nhằm tạo được ấn tượng đến người tiêu dùng. Apple có AirPlay, một bộ giao thức cho phép chuyển tải không dây nhạc, video, hình ảnh cùng những dữ liệu liên quan giữa những thiết bị hỗ trợ. Để sử dụng được AirPlay, người dùng cần có hai loại thiết bị trong đó bao gồm một thiết bị gửi nội dung và một thiết bị nhận có khả năng dựng hình (render) trên màn hình và loa ngoài. Các thiết bị gửi bao gồm dòng sản phẩm chạy iOS hoặc OS X hay máy tính có chạy iTunes. Phía bên nhận là Apple TV hoặc Airport Express và các loa của hãng thứ ba. Cải tiến hơn so với AirPlay, HTC Connect có thể dễ dàng tìm thấy ở các smartphone của HTC và được tích hợp thêm nhiều công nghệ không dây khác như DLNA, Bluetooth, NFC để kết nối đến loa ngoài hay hệ thống âm thanh của xe hơi hay tại gia với khả năng hỗ trợ đa dạng các sản phẩm của hãng thứ ba.
Ngoài những công nghệ điển hình như NFC, DLNA, WiDi hay đặc trưng của từng hãng như AirPlay, HTC Connect, còn có rất nhiều những chuẩn công nghệ khác mà trong khuôn khổ bài viết này không thể giới thiệu hết đến bạn đọc. Có thể kể đến như mạng 4G hay chuẩn Wi-Fi 802.11ac mới với tốc độ và bán kính truyền phủ mạnh hơn so với thế hệ trước nhưng tựu chung, cách sử dụng chúng vẫn không hề thay đổi nếu đứng ở khía cạnh của người dùng cuối. Dĩ nhiên, khi cuộc sống đang dần đi lên thì công nghệ cũng theo đó ra đời và đổi mới theo chiều hướng hỗ trợ người dùng tốt hơn. Hy vọng, năm 2013 sẽ được chứng kiến nhiều kỹ thuật truyền tải không dây được sử dụng phổ biến hơn trong các năm trước khi đời sống vật chất con người trở nên tốt hơn.
Minh Hiển
Thế Giới Số 163 – Ngày 18.3.2013