Nhìn lại N97: kẻ hủy diệt của Nokia, thua trên nhiều mặt trận phần cứng lẫn ứng dụng

Đã có khá nhiều mẫu điện thoại từng được cho là kẻ hủy diệt iPhone trong quá khứ, mà tiêu biểu nhất trong thời kỳ đầu chính là Nokia - ông vua của thế giới di động cách đây 1 thập kỷ, với chiếc N97.

N97 là mẫu flagship chạy Symbian S60 thứ hai của Nokia được trang bị màn hình cảm ứng, sau chiếc Nokia 5800. Nokia 5800 có thể coi là một thành công khi bán được tới 8 triệu máy trong năm đầu tiên. Tuy nhiên chiếc N97, vốn được ca tụng là “kẻ hủy diệt iPhone” thì lại gây thất vọng hoàn toàn. Anssi Vanjoki, cựu Giám đốc Điều hành của Nokia, từng phải cay đắng thừa nhận về thất bại của N97: “Nó (N97) là một thành công lớn khi bán được hàng triệu máy, nhưng nó cũng là một thất bại đáng quên về chất lượng lẫn trải nghiệm người dùng, điều mà chúng tôi không lường trước được”.

Điểm yếu cốt lõi khiến Nokia thất bại với N97 bởi họ đã không tập trung vào những trải nghiệm mà một smartphone tương lai phải có, đó là khả năng hiển thị trang web hay chạy các ứng dụng phức tạp như trên máy tính. Thay vào đó, Nokia lại cố gắng giữ nguyên trải nghiệm của di động đương thời, với khả năng làm việc hạn chế và ứng dụng đơn giản. So sánh trực tiếp với iPhone, thì chiếc iPhone 3GS có thể coi như một chiếc PC thu nhỏ, còn Nokia thì không.

iPhone đã làm cho màn hình cảm ứng trở nên tuyệt vời và Nokia đã cố gắng đi theo bằng cách trang bị tính năng cảm ứng cho N97. Thiết bị có màn hình 3.5 inch, tỷ lệ khung hình 16: 9 thân thiện với việc trải nghiệm nội dung đa phương tiện, tuy nhiên nó vẫn chỉ sử dụng công nghệ cảm ứng điện trở với độ nhạy kém, và không hỗ trợ cảm ứng đa điểm. Chiếc iPhone của Steve Jobs đã khiến cả thế giới mê mẩn với tính năng zoom đa điểm và giao diện cảm ứng tuyệt vời. Trong khi đó Symbian S60v5 trên Nokia N97 chỉ như một sự chắp vá cẩu thả để làm cho một giao diện trước đây vốn được thiết kế cho phím điều hướng có thể làm việc được với màn hình cảm ứng. Thực tế mà nói thì điều này không phải quá khó đoán khi mà khi đó, thị phần của Symbian vẫn rất lớn và đối với các nền tảng quá lớn, các công ty thường ít có xu hướng dám thay đổi thực sự. Microsoft từng bê nguyên giao diện Windows trên PC vào Windows Mobile, và Nokia cũng đã làm điều tương tự, khi bê nguyên giao diện Symbian cũ kỹ vào màn hình cảm ứng của N97.

Bên cạnh sự tệ hại của màn hình cảm ứng, sức mạnh xử lý của N97 cũng là điểm yếu kém. Khó có thể tin được một thiết bị ra mắt vào năm 2009, với tư cách là flagship lại có phần cứng xử lý thấp đến đáng thất vọng. Nó chỉ được trang bị CPU ARM 11 434Mhz, RAM 128MB, và chỉ còn khoảng 50MB trống để cài ứng dụng. Phần cứng này chỉ tương đương với thế hệ iPhone đầu tiên, được ra mắt trước đó 2 năm. Khi so sánh trực tiếp với iPhone 3GS, vốn có CPU ARM Cortex A8 600MHz và 256MB RAM, đơn giản là Nokia đã bị đánh bại hoàn toàn về hiệu năng.

Để bù đắp cho sự thua thiệt quá nhiều về hiệu năng, thì khả năng đa nhiệm trên Symbian vẫn rất tốt. Thực tế, Symbian vẫn là một hệ điều hành di động đơn giản thuần túy, thay vì một bản port từ Mac OS như iOS, và vì thế các ứng dụng của Symbian vẫn rất đơn giản, phù hợp với tài nguyên hệ thống vốn hạn chế. Do đó, khả năng đa nhiệm của N97 vẫn tốt hơn so với iPhone, bởi đơn giản là điện thoại Apple khi đó vẫn chưa hỗ trợ đa nhiệm thực thụ.

Nhưng điểm yếu chết người của N97 nói riêng và Symbian nói chung khi đứng trước những cơn bão lớn như iOS hay Android, chính là về mặt ứng dụng. Khi Apple và Google ra mắt cửa hàng ứng dụng, các nhà phát triển đã vội vàng tạo ra các ứng dụng và trò chơi với chất lượng của PC, và một nền tảng đơn giản thuần túy di động như trên N97, đơn giản là không thể đối phó được. Sự thất bại trong việc xây dựng một cửa hàng ứng dụng cạnh tranh có thể là một vấn đề còn lớn hơn cả phần cứng kém hiệu quả của N97. Vào thời điểm chiếc điện thoại này ra mắt, tức năm 2009, cửa hàng Nokia Ovi có “khoảng 525 ứng dụng”. Để so sánh, Apple đã công bố một thông cáo báo chí vào tháng 11 năm 2009, khoe khoang rằng App Store của họ có 100.000 ứng dụng có sẵn để tải xuống (vài tháng trước đó, App Store đã đạt 1 tỷ lượt tải xuống ứng dụng). Cùng thời gian đó, kho ứng dụng Android có khoảng 11.000 ứng dụng.

Nokia N97 có thiết kế trượt để lộ bàn phím QWERTY ba hàng bên dưới màn hình. Đó là một lợi thế vào thời đó, nhưng đó chỉ là một dấu hiệu khác cho thấy quan điểm lỗi thời của Nokia. Bàn phím màn hình cảm ứng ngày càng chính xác hơn và cho tốc độ gõ vượt trội so với bàn phím vật lý. Không mất nhiều thời gian trước khi các kỷ lục về tốc độ gõ được thiết lập trên màn hình cảm ứng. Năm ngoái, BBC đã báo cáo rằng tốc độ gõ trung bình trên điện thoại thông minh là 38 từ mỗi phút so với 52 trên bàn phím PC kích thước đầy đủ. Và chắc chắn bàn phím vật lý trật trội của N97 sẽ không bao giờ có được tốc độ gõ như trên.

Thực tế không phải riêng Nokia thất bại vì giữ quan điểm cũ trên N97, mà cũng có rất nhiều nhà sản xuất lớn khác cố gắng áp dụng lại quan điểm cũ này nhưng sau đó đã phải loại bỏ. Từng có thời gian Samsung bán kèm vỏ case tích hợp bàn phím vật lý cho các mẫu Galaxy S, nhưng đến các thế hệ mới nhất như S9, S10 hay S20 thì họ đã loại bỏ hết các loại phụ kiện này. Đôi khi, cũng có một chiếc điện thoại Android có bàn phím trượt sẽ xuất hiện trên trang web huy động vốn cộng đồng, và trên thực tế, một trong số chúng trông khá giống N97. Nhưng một lần nữa, nó không nhận được sự quan tâm từ phần lớn thị trường.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, Nokia N97 vẫn có rất nhiều điểm mạnh để tự hào. Nó có dung lượng lưu trữ lên tới 32GB, gấp đôi phiên bản iPhone cao nhất khi đó, hay thậm chí là cả mẫu Galaxy S đầu tiên ra mắt vào năm tiếp theo. Bên cạnh đó, N97 cũng có một hệ thống camera chất lượng tốt vào thời điểm 2009, với ống kính Zeiss và cảm biến 5MP, hoàn toàn vượt mặt con số 3.2 MP nghèo nàn trên iPhone 3GS. N97 cũng có một khe cắm microSD, vì vậy người dùng có thể thoải mái lưu trữ những bộ sưu tập video và nhạc lớn. Nó cũng tích hợp loa âm thanh nổi, giắc cắm tai nghe 3,5 mm và thậm chí cả bộ phát sóng FM.

Doanh số của N97 cũng không quá tệ. Nó đạt được doanh số 2 triệu máy trong ba tháng đầu tiên sau khi phát hành, nhưng các vấn đề kiểm soát chất lượng trong quá trình phát triển phần mềm và phần cứng đã khiến người tiêu dùng thất vọng và mất niềm tin hoàn toàn vào điện thoại Nokia cao cấp. N97 có thể coi là một thành công nhỏ của Nokia khi xét về doanh số, nhưng lại là khởi đầu của một chuỗi thất bại thảm hại về khả năng cạnh tranh của họ trước các đối thủ sừng sỏ nhất, đánh dấu cho cái chết của hãng động Phần Lan trong 3 năm tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm
Samsung sẽ khai tử dòng Galaxy Note?

Theo trang tin Ajunews (Hàn Quốc), Samsung dự kiến sẽ ra mắt Galaxy Z Fold 3 tích hợp bút S-Pen vào tháng 6/2021 và rất có thể sẽ không còn ra mắt thêm phiên bản nào nữa của dòng Galaxy Note.

Vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga sẽ có giá rẻ hơn vaccine của Mỹ

Người phát ngôn của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hôm 22/11 đã cho biết giá của vacccin Sputnik V sẽ được công bố vào tuần tới.

Máy lọc không khí thế hệ mới của Philips loại bỏ 99,9% virus và khí dung

Hai dòng máy lọc không khí mới Philips 3000i và 2000i series vừa ra mặt thị trường được cho là đã cải tiến với khả năng loại bỏ tới 99,9% virus và khí dung ra khỏi không khí.

Bộ Y tế yêu cầu giám sát nguy cơ nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau lũ

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đặc biệt là khu vực miền trung cần tăng cường công tác phòng chống bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người).

Dòng iPhone 6S và iPhone SE hết đường nâng cấp lên iOS 15?

Apple đã làm rất tốt việc giữ cho các mô hình iPhone cũ có thể cập nhật lên phiên bản iOS 14, bao gồm iPhone 6S và SE. Tuy nhiên, các sản phẩm này sẽ không còn hỗ trợ lên đời iOS 15 vào năm sau.

Nhờ giãn cách xã hội, nhiều kỷ lục mới đã được xác lập

Một ảo thuật gia người Anh đã phá kỷ lục Guinness thế giới, khi thực hiện 20 màn ảo thuật dưới nước cùng lúc, chỉ trong ba phút.

Cậu bé 14 tuổi được xác nhận là thiếu niên cao nhất thế giới với 2,21m

Vào ngày 18 tháng 10 năm 2020, cậu bé Ren Keyu người Trung Quốc (sinh ngày 18 tháng 10 năm 2006) không chỉ tổ chức sinh nhật lần thứ 14 của mình, mà còn nhận được danh hiệu Kỷ lục Guinness Thế giới ở hạng mục thiếu niên cao nhất (dành cho nam) với chiều cao 2,21m.

Công nghệ radar kép giúp ô tô tự lái nhìn xuyên qua sương mù

Ô tô tự lái thường sử dụng cả LiDAR và radar để phát hiện chướng ngại vật trên con đường phía trước, nhưng cả hai hệ thống này đều không thể nhận dạng các phương tiện qua sương mù. Tuy nhiên, giờ đây, các kỹ sư đã phát hiện ra rằng, công nghệ radar hoàn thành tốt nhiệm vụ này nếu nó được “nhân đôi”.

Robot nhắc người mua sắm đeo khẩu trang và xếp hàng đúng

Yêu cầu ai đó đeo khẩu trang là một điều khá tế nhị, vì vậy một cửa hàng ở Nhật Bản đã thuê một robot để đảm bảo khách hàng của họ đeo chúng trong thời gian đại dịch.

Tại sao Huawei được đối thủ “không đội trời chung” ủng hộ trong cuộc đua 5G?

Ericsson, một trong những đối thủ lớn nhất của Huawei trong cuộc đua 5G đang ra sức giúp công ty Trung Quốc thoát khỏi các lệnh cấm tại chính quê nhà Châu Âu.