Mỹ: Chi phí đền bù để xóa sổ thiết bị Huawei, ZTE tăng vọt ngoài dự kiến

Các nhà mạng Mỹ yêu cầu FCC đền bù 5,6 tỷ USD để thay thế thiết bị của Huawei và ZTE. Ảnh: @AFP.

Chi phí đền bù từ nhiệm vụ kéo dài nhiều năm của Chính phủ Mỹ, nhằm loại bỏ tất cả thiết bị của nhà cung cấp Trung Quốc khỏi hệ thống mạng không dây của quốc gia này đã lên tới 5,6 tỷ USD.

Thay thế thiết bị mạng viễn thông có đắt không? Đây là một câu hỏi gây ra mối quan tâm lớn đối với các nhà khai thác và chính phủ khác nhau trong những năm gần đây, đặc biệt là liên quan đến Huawei, ZTE và các thương hiệu khác, khi mà một số nhà chức trách đã coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Ví dụ, khi các cuộc thảo luận xung quanh khả năng cấm Huawei khỏi các mạng di động của Anh diễn ra vào năm 2020, Chính phủ Anh cho rằng việc giảm mức độ phụ thuộc vào thiết bị Huawei xuống chỉ còn 35% sẽ khiến họ mất tới 500.000 bảng Anh.

Kể từ đó, chính phủ Anh đã đi xa hơn, ra lệnh loại bỏ hoàn toàn công nghệ của nhà cung cấp Trung Quốc trong các mạng di động tại quốc gia này. Tuy nhiên, vì chính phủ đã đồng ý kéo dài thời hạn loại bỏ và thay thế thiết bị này đến năm 2027, nên chi phí được cho là sẽ không tăng cao như lo ngại,

Trong khi đó, ở Mỹ, các nhà khai thác viễn thông đã phải đối mặt với một cuộc chiến tương tự. Chi phí ước tính cho các nhà mạng Mỹ để loại bỏ và thay thế thiết bị mạng rủi ro từ các nhà cung cấp Trung Quốc đã tăng vọt lên 5,6 tỷ USD sau khi xem xét ban đầu các yêu cầu bồi hoàn theo chương trình của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (Federal Communications Commission-viết tắt là FCC) để giúp trang trải các nỗ lực.

Cụ thể, trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 7/2, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel cho biết, có 181 nhà mạng viễn thông Mỹ đã nộp đơn yêu cầu bồi hoàn ban đầu với tổng phí đền bù lên tới khoảng 5,6 tỷ USD.

Mỹ: Chi phí đền bù để xóa sổ thiết bị Huawei, ZTE tăng vọt ngoài dự kiến - huawei 2
Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Rosenworcel. Ảnh: @AFP.

Các nhà viễn thông Mỹ được yêu cầu gỡ bỏ và thay thế thiết bị mạng hiện có của Huawei và ZTE sau khi các nhà cung cấp này bị coi là có nguy cơ an ninh quốc gia. Quốc hội Mỹ vào cuối năm 2020 đã dành khoảng 1,9 tỷ USD để tài trợ và thực hiện nỗ lực theo Đạo luật mạng truyền thông an toàn và đáng tin cậy năm 2019.

Tuy nhiên, con số ước tính sơ bộ 5,6 tỷ USD này tăng vọt so với ước tính của FCC hồi tháng 9/2020, khi cơ quan này đánh giá Mỹ sẽ mất khoảng 1,8 tỷ USD. Quốc hội Mỹ sau đó phê duyệt ngân sách 1,9 tỷ USD để đền bù cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Chủ tịch Rosenworcel cho biết: “Quốc hội Mỹ đã tạo ra một chương trình đặc biệt dành cho FCC để hoàn trả cho các nhà cung cấp dịch vụ vì những nỗ lực của họ nhằm tăng cường bảo mật cho các mạng lưới truyền thông của quốc gia chúng ta; Chúng tôi đã nhận được hơn 181 đơn đăng ký đền bù từ các nhà mạng viễn thông, những doanh nghiệp chủ động phát triển kế hoạch loại bỏ và thay thế thiết bị trong mạng của họ có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia”.

Rosenworcel cho biết còn nhiều việc phải làm để xem xét các đơn đăng ký, nhưng lưu ý rằng, bà “mong muốn được hợp tác với Quốc hội Mỹ để đảm bảo rằng có đủ kinh phí cho chương trình này để thúc đẩy các mục tiêu an ninh của Quốc hội và đảm bảo rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dẫn đầu cách thức về bảo mật công nghệ mạng 5G”.

Đối với việc trích xuất quỹ đền bù nếu không có đủ để đáp ứng tất cả các yêu cầu, Rosenworcel cho biết: “Nếu cần thiết do nhu cầu được đền bù vượt quá, chúng tôi sẽ tuân theo kế hoạch ưu tiên do Quốc hội Mỹ chỉ đạo, như đã nêu trong các quy tắc của chúng tôi, và chia theo tỷ lệ trong sơ đồ ưu tiên”.

Thực tế, chương trình loại bỏ và thay thế các thiết bị Huawei và ZTE phần lớn ảnh hưởng đến các nhà mạng viễn thông nhỏ hơn và ở các vùng nông thôn Mỹ, bởi những doanh nghiệp này trước đây đã lắp đặt thiết bị Huawei và ZTE, thường là do có chi phí thấp hơn.

Mặt khác, các công ty viễn thông Mỹ có thể cũng gặp khó khăn trong việc mua thiết bị mới. Do sự thiếu hụt chip toàn cầu, có sự chậm trễ đáng kể trong việc nhận các thiết bị mạng mới từ các công ty Mỹ như Cisco, Aruba, Palo Alto Networks hoặc Juniper khi thực hiện chương trình này.

Steven Berry, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh đại diện cho các hãng viễn thông Mỹ nhỏ hơn trong khu vực nông thôn đã đưa ra ước tính chi phí cao hơn đáng kể, và tuyên bố rằng, cần phải tài trợ cho chương trình hoàn trả và thay thế ở một mức cao hơn nữa.

Berry cho biết trong một tuyên bố: “Cả số lượng đơn đăng ký yêu cầu đền bù và tổng chi phí ước tính nhu cầu hỗ trợ đều lớn hơn rất nhiều so với ước tính trước đây. Chương trình bồi hoàn là cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với các nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh nhỏ hơn và các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo chương trình được tài trợ đầy đủ để giữ cho các vùng nông thôn của Mỹ được kết nối khi các nhà cung cấp dịch vụ bị ảnh hưởng chuyển đổi mạng lưới của họ”.

FCC đã ra lệnh cho các công ty viễn thông Mỹ bắt đầu gỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng của họ vào tháng 12 năm 2020 như một phần của quá trình thu hồi giấy phép hoạt động tại Mỹ của các nhà cung cấp Trung Quốc, dựa trên những lo ngại liên quan đến mối quan hệ của các công ty này với chính phủ Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 7 năm 2020, FCC chính thức tuyên bố Huawei và ZTE là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Theo Fiercewireless/Itpro/ Totaltele

Có thể bạn quan tâm
NASA sẽ hủy Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng cách cho lao xuống Thái Bình Dương

NASA cho biết, họ có kế hoạch ngừng hoạt động Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2031, bằng cách đâm nó xuống một vùng không có người ở Thái Bình Dương.

Xiaomi 12 Ultra – cao cấp tính năng lẫn mức giá

Dòng điện thoại cao cấp Xiaomi 12 Ultra dự kiến sẽ được trình làng vào mùa Xuân này, tuy nhiên các tin đồn mới nhất cho thấy sản phẩm sẽ được dời lịch phát hành vào nửa đầu năm sau.

Facebook và Instagram có thể rời khỏi Liên minh châu Âu?

Trong bản đệ trình báo cáo thường niên của mình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ mới đây, Meta cho biết một số dịch vụ chính của họ có thể không thể cung cấp tại khu vực Liên minh châu Âu (EU).

MIT tạo ra vật liệu nhựa bền hơn thép, cứng hơn kính chống đạn

Các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một loại vật liệu mới được cho là bền như thép nhưng nhẹ như nhựa.

Cổ đông Samsung đáp trả cứng rắn về cuộc đình công đòi tăng lương của công nhân

Các cổ đông của Samsung Electronics đang đáp trả một cách lạnh lùng trước công đoàn của công ty, nơi họ cho biết có thể tổ chức đình công để yêu cầu mức lương cao hơn.

Google Chrome đổi bố cục màu và hiệu ứng logo sau 8 năm

Vẫn là chấm tròn màu lam được bao quanh bởi 3 mảng màu đỏ – vàng – xanh lá, thế nhưng logo mới của trình duyệt web Chrome được đội ngũ thiết kế của Google thay đổi bố cục và hiệu ứng màu.

Hàng tỷ iPhone bị hack trong hơn 5 năm mà người dùng không hay biết

Theo một báo cáo gây sốc vừa được Reuter tiết lộ, công ty QuaDream thông qua sản phẩm chủ lực REIGN đã âm thầm hack iPhone trong hơn 5 năm, chiếm quyền truy cập vào micrô, camera (trước và sau) của người dùng và giám sát các cuộc gọi trong thời gian thực.

Robot đi học thay và phát biểu khi nhận tín hiệu từ cậu bé mắc bệnh phổi nặng đang ở nhà

Ở Đức, nhờ có robot đại diện gắn camera, trẻ em bị bệnh vẫn có thể tương tác dễ dàng ở trường dù không cần đến lớp.

QuaDream – thêm một công cụ tấn công mới vào iPhone

QuaDream, một nhà cung cấp phần mềm gián điệp nhỏ của Israel, vừa bị phát hiện đã cung cấp công cụ hack để xâm nhập vào iPhone trên khắp thế giới.

4 xu hướng an ninh mạng nổi bật trong năm 2022

Hãng HP dự báo rằng các mối đe doạ an ninh mạng sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô với tốc độ nhanh chóng trong năm tới. Theo HP, năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến sự hoành hành của các băng nhóm ransomware với thủ đoạn tinh vi hơn để khai thác lỗ hổng bảo mật và các chiêu trò khác.