Kịch bản tấn công chuỗi cung ứng vào các nền tảng AI, hậu quả nhìn từ hai sự vụ Crowdstrike và XZ

Ông Vitaly Kamluk – Chuyên gia an ninh mạng của Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT) tại Kaspersky.

Các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là góc nhìn chuyên môn về vụ việc của Crowdstrike và dự án XZ Utils, cùng chiến lược mà các tổ chức có thể áp dụng để ứng phó với các cuộc tấn công chuỗi cung ứng.

Toàn cầu hóa và số hóa đã khiến nhiều khía cạnh của nền kinh tế thế giới phụ thuộc mạnh mẽ vào công nghệ như điện thoại thông minh và ứng dụng ghi chú trên máy tính xách tay, vốn đòi hỏi các bản cập nhật phần mềm và bảo mật thường xuyên từ các nhà sản xuất. Mạng lưới phức tạp này, bao gồm các thực thể, nguồn lực, hàng hóa và dịch vụ, tạo thành một lưới cung ứng (supply mesh) trên quy mô toàn cầu, là nền tảng cho hoạt động thương mại quốc tế, du lịch và giao thương như chúng ta biết hiện nay.

Khi cập nhật phần mềm, người dùng thường có niềm tin nhất định vào nhà sản xuất, họ cho rằng các bản cập nhật sẽ không chứa mã độc (malware) và lỗi. Sự tin tưởng ngầm định này chính là “lỗ hổng”, mở đường cho các cuộc tấn công chuỗi cung ứng. Bằng cách xâm nhập vào cơ sở hạ tầng của nhà sản xuất, kẻ xấu có thể cài mã độc vào các bản cập nhật phần mềm chính thức. Đây là một trong những mối đe dọa nguy hiểm và khó phòng tránh nhất đối với an ninh mạng hiện nay.

Mặc dù không phải là vấn nạn mới xảy ra, nhưng các vụ tấn công như ShadowPad, CCleaner và ShadowHammer trong những năm gần đây cho thấy kẻ xấu hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào những hệ thống được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Sự cố Crowdstrike gần đây đã một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và hậu quả nghiêm trọng chưa từng có nếu xảy ra sự cố.

Crowdstrike – Ngày Trái Đất Ngừng Quay

Sự cố xảy ra vào ngày 19/7/2024 khi CrowdStrike, một công ty an ninh mạng có quyền truy cập vào lõi hệ điều hành Windows, phát hành một bản cập nhật cấu hình nội dung mang lỗi nghiêm trọng. Hậu quả là, nền kinh tế toàn cầu gần như bị tê liệt trong vòng hai đến ba ngày.

Ông Vitaly Kamluk – Chuyên gia an ninh mạng của Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT) tại Kaspersky cho biết: “Vốn dĩ, bản cập nhật cấu hình cho Crowdstrike chỉ nhằm mục đích nâng cấp hệ thống bảo vệ Falcon, giúp thu thập dữ liệu và phát hiện các cuộc tấn công mới nhắm vào Windows. Thế nhưng, bản cập nhật này lại gây ra một lỗi khiến 8,5 triệu máy tính Windows trên toàn cầu phải khởi động lại liên tục”.

Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông, bản cập nhật lỗi của CrowdStrike đã gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với các cơ sở hạ tầng trọng yếu trên toàn cầu sử dụng hệ điều hành Windows và được bảo vệ bởi Crowdstrike, bao gồm bệnh viện, ngân hàng, hãng hàng không và các cơ quan Chính phủ như Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Cục Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA), trung tâm cuộc gọi khẩn cấp 911, các trang web chính phủ ở Philippines… Đây là sự cố gián đoạn nghiêm trọng nhất từng xảy ra trong lịch sử, khiến nền kinh tế thế giới gần như tê liệt, gây ra thiệt hại kinh tế chưa từng có. 

Các hệ thống bị ảnh hưởng bao gồm các máy chủ Windows sử dụng CrowdStrike Falcon phiên bản 7.11 trở lên, trực tuyến trong khoảng thời gian từ 04:09 đến 05:27 (UTC) ngày 19/7/2024 và đã được cập nhật bản mới nhất. Máy tính sử dụng hệ điều hành Mac và Linux không gặp phải vấn đề này. Cần phải nói thêm, sự cố này không phải một cuộc tấn công mạng có chủ đích, mà chỉ do lỗi từ bản cập nhật phần mềm của CrowdStrike. Điều này cho thấy hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn, nếu một cuộc tấn công thực sự có chủ đích xảy ra. Tuy nhiên, đây không phải là sự cố đầu tiên về chuỗi cung ứng, trước đó, thư viện Linux XZ đã trở thành “đích ngắm” cho một cuộc tấn công tinh vi. 

Linux XZ – Khi kẻ xấu lợi dụng lỗ hổng nghiêm trọng 

Đầu năm 2024, bộ công cụ và thư viện nén dữ liệu mã nguồn mở Linux XZ Utils xuất hiện một lỗ hổng nghiêm trọng. Kẻ tấn công đã lợi dụng lỗ hổng này để cài đặt một backdoor vào phần mềm. Backdoor cho phép kẻ tấn công truy cập trái phép vào các hệ thống bằng cách can thiệp vào nguyên lý hoạt động của OpenSSH, chương trình mã nguồn mở sử dụng Secure Shell (SSH). SSH là một giao thức mạng bảo mật được sử dụng rộng rãi để quản lý các thiết bị như máy chủ, thiết bị Internet vạn vật (IoT), bộ định tuyến, các thiết bị lưu trữ mạng và nhiều thiết bị khác. 

Hiện tại, hàng chục triệu thiết bị gia dụng kết nối IoT, hàng triệu máy chủ, trung tâm dữ liệu và thiết bị mạng đều phụ thuộc vào giao thức SSH. Nếu lỗ hổng này bị kẻ xấu lợi dụng, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với sự cố CrowdStrike gần đây. Công ty phần mềm mã nguồn mở Red Hat thông báo lỗ hổng này đã được Cơ sở dữ liệu về Lỗ hổng bảo mật Quốc gia (National Vulnerability Database) của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) ghi nhận với mã số CVE-2024-30942 và đánh giá ở mức 10 – cấp độ nghiêm trọng nhất. 

Các nhà điều tra số chỉ ra rằng người dùng JiaT75, hay còn gọi là Jia Cheong Tan trên GitHub, tham gia vào nhóm dự án XZ Utils và đóng góp cho dự án XZ từ năm 2021. Danh tính thật của JiaT75 vẫn còn là một ẩn số, vì có thể có nhiều kẻ tấn công dùng chung một tài khoản, tuy nhiên các nguồn tin khác cho thấy tài khoản này sử dụng VPN của Singapore và thuộc múi giờ UTC+8. 

Giống như một con sói đội lốt cừu, JiaT75 tích cực tham gia và đóng góp, dần gây dựng lòng tin với cộng đồng phát triển dự án XZ Utils. Nhờ vậy, JiaT75 giành được quyền quản lý kho lưu trữ của dự án XZ và phê duyệt các thay đổi của dự án. Tiếp theo, mã nguồn của thành phần XZ/libzma bị chỉnh sửa và ngụy trang tinh vi, trở thành một phần không thể thiếu của phần mềm SSH trên một số hệ điều hành, từ đó cho phép kẻ tấn công xâm nhập toàn bộ hệ thống bị ảnh hưởng.

Sự cố đã được phát hiện kịp thời và hiện đang được tiếp tục điều tra. Vụ việc này một lần nữa cho thấy nếu kẻ xấu lợi dụng kỹ thuật tấn công phi xã hội (social engineering) đánh vào tâm lý và đặc tính mã nguồn mở, có thể tạo ra lỗ hổng nghiêm trọng để tấn công chuỗi cung ứng. Các chuyên gia của Kaspersky đã tiến hành một cuộc phân tích toàn diện về vụ việc, để làm rõ kỹ thuật mà kẻ xấu đã sử dụng. 

Kịch bản xấu cho tương lai tích hợp AI (Trí thông minh nhân tạo) sẽ phải đối mặt?

AI đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như tối ưu hóa cơ sở hạ tầng trong các thành phố thông minh, cải thiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều công nghệ khác, AI không hoàn hảo, vì phụ thuộc vào mô hình học máy và chất lượng của dữ liệu đầu vào. Kẻ xấu có thể lợi dụng kẽ hở này, cài đặt mã độc vào dữ liệu đầu vào, để tấn công chuỗi cung ứng. “Kịch bản tấn công chuỗi cung ứng vào các nền tảng AI có thể là thao túng dữ liệu đào tạo (training data), tiêm nhiễm các thành kiến và lỗ hổng vào mô hình, hoặc sửa đổi các mô hình AI bằng các phiên bản đã bị biến đổi để tạo ra kết quả không chính xác,” Vitaly nhận định. Ông cũng cho biết thêm các hành vi này rất khó phát hiện, vì có thể diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát giác.

Các cuộc tấn công có chủ đích vào chuỗi cung ứng, theo chiến lược lâu dài có thể diễn ra âm thầm. Trong lúc lặng lẽ chờ đợi mục tiêu thích hợp, tác nhân đe dọa có thể ngụy trang và che giấu mã độc dưới dạng tệp hợp pháp, đặt các công cụ mở rộng trong cơ sở hạ tầng của công ty đáng tin cậy. Mục đích của hành động này nhằm để tạo điều kiện cho việc truy cập cấp độ cao hơn hoặc xâm nhập toàn bộ hệ thống. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, trong các cuộc tấn công chuỗi cung ứng nhắm vào AI, việc tiêm nhiễm lỗi bugs hoặc sai sót trong thời gian dài, có thể biến AI trở thành một “quả bom” hẹn giờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ thống quan trọng.

Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) dễ dàng tiếp cận như ChatGPT, CoPilot và Gemini có thể bị lợi dụng để tạo ra các vụ lừa đảo qua email (spear phishing), còn công nghệ deepfake có thể được sử dụng để giả mạo những người quan trọng của nạn nhân. Những thủ đoạn này đã được sử dụng trong cuộc tấn công gây ra thiệt hại lên tới 25 triệu USD tại Hồng Kông, khi kẻ tấn công đã giả mạo hình ảnh của giám đốc tài chính một công ty để lừa đảo lấy số tiền này.

Trong gần hai thập kỷ, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về Trí tuệ Nhân tạo của Kaspersky (Kaspersky’s AI Technology Research Center) đi đầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào an ninh mạng và phát triển Trí tuệ Nhân tạo có Đạo đức (Ethical AI). Kiến thức chuyên môn về AI của đội ngũ được tích hợp vào nhiều sản phẩm của Kaspersky để nâng cao hiệu quả cho việc phát hiện mối đe dọa có sử dụng AI và ưu tiên cảnh báo, đồng thời cung cấp thông tin tình báo về mối đe dọa được hỗ trợ bởi AI tạo sinh (Generative AI).

Để đối phó với thực trạng ngày nay, khi nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công chuỗi cung ứng tiềm ẩn ở khắp mọi nơi, các tổ chức cần đề ra một số chiến lược. “Ngoài các giải pháp an ninh mạng tối ưu nhất, các doanh nghiệp, tổ chức cần đề ra chiến lược để quản lý hoặc giảm thiểu tác động của một cuộc tấn công chuỗi cung ứng tiềm ẩn trong cơ sở hạ tầng của mình” – Vitaly cho biết. Các công ty cần kiểm tra nghiêm ngặt các sản phẩm trước khi đưa vào sử dụng, đảm bảo tính toàn vẹn của công cụ, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, quản lý các phiên bản cập nhật và xác thực chặt chẽ các mô hình, giám sát liên tục để phát hiện bất thường, sử dụng chữ ký số và kiểm toán bảo mật định kỳ.

Có thể bạn quan tâm
iPhone được dùng để thay thế công nghệ VAR trong bóng đá

Ít nhất tại mùa giải năm nay của giải Ngoại hạng Anh, những chiếc iPhone (từ iPhone 14 trở về sau) sẽ được dùng để hỗ trợ triển khai hệ thống phát hiện việt vị với độ chính xác cao.

realme ra SuperSonic Charge 320W có thể sạc trong 4 phút 30 giây và công nghệ pin gập

realme vừa ra mắt công nghệ 320W SuperSonic Charge tại Lễ hội người hâm mộ 828 do công ty tổ chức tại trụ sở chính ở Thâm Quyến, Trung Quốc.

Cùng với sự phát triển của AI, nhiều mối đe dọa mới xuất hiện

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) khiến các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng mức độ tinh vi, biến ransomware thành một dịch vụ cho tội phạm mạng. Các mối đe dọa mới cũng xuất hiện, nhắm vào hệ điều hành iOS thông qua Chiến dịch Operation Triangulation năm 2024.

OPPO A3 và A3x ra mắt, bền bỉ, thời thượng, giá chỉ từ 3 triệu đồng

Có mức giá từ 3 đến 6 triệu đồng, bộ đôi tân binh OPPO A3 và A3x sở hữu thiết kế đẹp, bền bỉ, kháng nước, sạc nhanh, âm thanh nổi, bộ xử lý mạnh mẽ Snapdragon 6s 4G Gen1 và camera lên đến 50MP.

Huawei có Giải pháp Điện mặt trời Thông minh toàn diện 5.0 cho hộ gia đình, giúp nhà độc lập về năng lượng

Huawei Digital Power ra mắt Giải pháp Điện mặt trời Thông minh Toàn diện 5.0 cho hộ gia đình – giải pháp thế hệ mới nhất của Huawei FusionSolar cho phép các ngôi nhà đạt được khả năng độc lập về năng lượng.

Keysight bổ sung các mô-đun công suất cao cho nền tảng giả lập quang điện

Keysight Technologies đã bổ sung hai mô hình mới của khung chính và mô-đun cho Bộ mô phỏng tấm pin mặt trời dạng mô-đun (SAS) dòng MP4300A, cung cấp tổng công suất lên tới 8,4 kW với kích thước 2U.

Giải thưởng Editor’s Choice Mid 2024: ROG Strix G16 (2024, mã G614JIR-N4046W), laptop gaming Esport và thiết kế đồ họa đỉnh nhất

Có phân khúc giá gần 63 triệu đồng, ASUS ROG Strix G16 (2024) không chỉ là một cỗ máy mạnh mẽ thông thường mà còn được ví như một con quái thú, sẵn sàng nuốt chửng bất cứ tác vụ nào, từ giải trí đến công việc đòi hỏi khả năng đồ họa ở cao.

iPhone SE 4 sẽ cung cấp hiệu năng mạnh hơn cả iPhone 15?

Trong báo cáo mới nhất, phóng viên Mark Gurman của Bloomberg cho biết chiếc iPhone SE giá rẻ tiếp theo của Apple sẽ sở hữu hiệu năng khiến người dùng iPhone 15 phải tiếc nuối.

VNPT cung cấp giải pháp quản lý đất đai toàn diện

Nhằm giải quyết bất cập của các phần mềm quản lý đất đai hiện nay, Tập đoàn VNPT đã xây dựng và phát triển hệ thống phần mềm VNPT iLIS, giúp các địa phương quản lý cơ sở dữ liệu đất đai dựa trên công nghệ số một cách toàn diện, thông suốt và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Luật Đất đai vừa có hiệu lực từ 1/8/2024.

Dữ liệu không chỉ được lưu trữ, bảo mật, mà còn phải tải lên, lấy về nhanh, ở bất cứ đâu

Ngày 10/8/2024 tại Tinh Tế Cafe, Synology đã tổ chức buổi workshop với sự tham gia của các khách mời, chia sẻ kinh nghiệm về cách quản lý và bảo vệ dữ liệu tối ưu, thông minh và tiết kiệm chi phí dành cho người dùng, đặc biệt là các nhà sáng tạo, những người đam mê công nghệ.