Game NFT: giữa hai bờ sáng tối

Trào lưu GameFi vừa chơi game vừa kiếm tiền đang nở rộ khắp hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng nghe về những triệu phú mới nổi, mỗi tuần lại đọc tin về tựa GameFi mới ra mắt, tất cả cùng tạo nên một cơn sốt ‘tiền ảo’ và ‘GameFi’. Đây có phải là cơ hội làm giàu? GameFi là gì?

GameFi đột nhiên thành cứu tinh

Theo số liệu mới nhất công bố tháng 8/2021 từ Hãng phân tích thị trường Chainalysis, Việt Nam là một trong những quốc gia có cộng đồng nhà đầu tư cá nhân hàng Top trong thế giới tiền mã hóa (crypto). Liên tục trong 5 năm trở lại đây, những thuật ngữ và từ khóa về sàn giao dịch tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa) liên tục nằm trong Top tìm kiếm nhiều nhất của người Việt trên Google Tìm kiếm đã cho thấy người Việt tham gia vào thị trường tiền mã hóa, đầu tư vào các dự án blockchain rất sôi nổi. Và đặc biệt trong hai năm  2020 và 2021, GameFi đã thật sự trở thành một cơn sốt không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy GameFi là gì?

GameFi hiểu cơ bản là sự kết hợp giữa Game (trò chơi) và Fi (tài chính) cho phép người tham gia vừa chơi game vừa kiếm tiền, mà trong đó, mô hình Play-to-Earn (chơi để kiếm tiền) chiếm chủ đạo và tạo được sự thu hút lớn nhất. Các game dạng GameFi tạo ra một nền kinh tế cho người chơi tham gia và sở hữu, và tại đó, họ có thể tạo ra nguồn thu nhập là các token từ việc làm các nhiệm vụ trong game, sở hữu vật phẩm NFT và giao dịch với những người chơi khác. Hoạt động dựa trên triết lý tài chính phi tập trung của DeFi và NFT nên hệ thống kinh tế trong GameFi có tính minh bạch, và quyền sở hữu thực sự thuộc về người tham gia.

Game mô hình Play-to-Earn vượt mốc khối lượng giao dịch NFT 1 tỷ USD, tăng trưởng đến 71% theo từng tháng

Số liệu công bố tháng 11/2021 bởi DappRadar

Trong hai năm đại dịch hoành hành 2020 và 2021, GameFi đã trở thành ‘cứu tinh’ cho rất nhiều người như nhân viên văn phòng bị thất nghiệp, các sinh viên không thể tới trường, những người lái xe công nghệ không thể chạy khi các thành phố bị đóng cửa vì dịch COVID. Đơn cử theo một phóng sự được trích lại từ đài CNBC cho thấy người dân thành phố Cabanatuan, phía Bắc Manila, Philippines đã tìm được phao cứu sinh cho sinh kế của mình nhờ GameFi, cụ thể là tựa game lừng danh Axie Infinity do SkyMavis phát triển.

Axie Infinity sử dụng các vật phẩm NFT có thể được người chơi đầu tư mua chúng để tham gia, và nuôi dưỡng những thú ảo này bằng các phương thức vận hành trong game. Một mô hình kinh tế vận hành trong Axie Infinity không quá phức tạp với người chơi giúp họ cải tiến được vật phẩm mình sở hữu nhằm tăng giá trị của chúng hoặc kiếm được tiền số được phát hành trong Axie Infinity. Từ vật phẩm và tiền số này, người chơi có thể giao dịch trên sàn với những người khác từ khắp nơi trên thế giới, thu về tiền mã hóa và từ đó chuyển đổi sang loại tiền tệ tương ứng. Người chơi tích cực ‘cày’ game để kiếm càng nhiều nguồn thu càng tốt và nếu họ không có đủ khoản đầu tư ban đầu thì đã có những công ty với mô hình hoàn toàn mới xuất hiện cung cấp khoản phí đầu tư này đồng thời huấn luyện họ cách chơi tối ưu doanh thu nhất. Theo đó, một mối liên kết chặt chẽ giữa người chơi có nhiều thời gian rảnh rỗi và nhà đầu tư đã được hình thành để cùng tạo ra lợi nhuận.

Axie Infinity được xem là cú hích cho ‘địa chấn’ GameFi trỗi dậy trên toàn cầu, làm chao đảo cả ngành công nghiệp game truyền thống lẫn thế giới crypto. Giá trị vốn hóa của Axie Infinity vượt 5 tỷ USD với giá trị token AXS luôn ở mức cao trong nhóm dẫn đầu GameFi, cùng hơn 2,5 triệu lượng giao dịch, gần 330 nghìn nhà đầu tư và gần một triệu người sở hữu vật phẩm NFT. Không chỉ gặt hái được những con số ấn tượng mà Axie Infinity còn mở ra những ngách thị trường mới như startup Yield Guild Games (YGG) ra đời theo nhu cầu hội nhóm của người chơi Axie Infinity đã trở thành cộng đồng lớn mạnh nhất thế giới hiện nay.

Game NFT: giữa hai bờ sáng tối - Axie Infinity0

Không chỉ tạo điểm nhấn về số lượng nhà đầu tư cá nhân trong thị trường crypto, Việt Nam còn là một thị trường tạo được dấu ấn to lớn về các dự án GameFi. Bên cạnh Axie Infinity, tựa game kế tiếp đang tạo ra một cột mốc lịch sử mới cho GameFi thể loại MOBA trên thế giới là Thetan Arena với hơn 5 triệu người tham gia từ khắp nơi trên thế giới.

Được phát triển bởi đội ngũ Việt Nam là Công ty Wolffun, Thetan Arena lướt trên cú hích của Axie Infinity tạo ra một cột mốc mới về số lượng người tham gia với 5 triệu người tham gia chỉ sau 02 tuần ra mắt, đứng Top 1 trên Apple App Store và Google Play tại nhiều thị trường. Câu chuyện tạo thu nhập từ game của người chơi Philippines hay Đông Nam Á nay đã lan rộng khiến thị phần giờ đây chiếm lĩnh bởi người chơi từ khu vực Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và các cộng đồng lớn từ Châu Á.

Tuy vậy, câu chuyện tươi đẹp của Axie Infinity hay Thetan Arena chỉ là một điểm nhấn hồng tươi tô điểm chưa tương xứng trong bức tranh nhiều mảng xám của thị trường GameFi vốn đầy cạm bẫy và quá nhiều bão giông.

Một mét vuông, trăm cạm bẫy

Thực chất, GameFi là một thị trường đầy rẫy cạm bẫy, ‘một mét vuông trăm tên lừa đảo’ đang chờ đợi những ‘con nai vàng’ ngơ ngác bị hấp dẫn trước những món lợi được bày ra. Những nhân tố chấm đen này phải kể đến bao gồm: dự án ‘ma’, những kẻ lừa đảo và tội phạm mạng, và bao gồm cả chính từ các nhà đầu tư hay người chơi.

Những ‘Dự án ma’. Được gọi tên chung là ‘Scam’, thuật ngữ phổ thông được giới crypto gọi tên cho các dự án nghi ngờ lừa đảo nhà đầu tư. Những dự án này lập ra bởi những hội nhóm bao gồm vài cái tên có tiếng tăm hoặc tự thổi phồng tiếng tăm trong một lĩnh vực khác, ‘vá víu’ lấy nhau trước sức hút tạo ra lợi nhuận kinh khủng từ thị trường GameFi. Rất nhiều sản phẩm GameFi trở thành nỗi cay đắng của nhà đầu tư khi đổ xô vào mua token theo tâm lý lo sợ mất phần (fomo) khi thậm chí game còn chưa có lộ trình ra mắt sản phẩm rõ ràng, thông tin về đội ngũ phát triển và ngay cả nhà sáng lập cũng rất mập mờ.

Có thể gọi những hội nhóm này là lừa đảo có tổ chức. Mô típ chung là lập ra một tên sản phẩm với đường hướng đẹp đẽ. Kế đến, chúng tung ra đội ngũ đi quảng bá khắp các ngóc ngách mạng xã hội, diễn đàn lẫn hội nhóm trong các kênh được cộng đồng crypto sử dụng như Telegram và ở Việt Nam là Zalo theo dạng ‘cơ hội có một không hai để số lời gấp xx lần’. Chúng lôi kéo được đông đảo những nhà đầu tư non nớt và hám lợi lao vào mua token được chúng phát hành theo các vòng bán lên sàn (Private / IDO / Listing). Ta có thể hiểu con số lợi nhuận khổng lồ mà các nhóm lừa đảo này thu về khi giá trị khởi điểm của một token ví dụ tương ứng 0.001 USDT (một đồng tiền pháp định tương ứng với USD trên thị trường crypto), nhờ hiệu ứng ‘fomo’ nên giá bị đẩy lên mức vài USDT/token, tỉ lệ tăng gấp hàng trăm lần. Thay vì dùng số chi phí thu về từ việc bán token ban đầu để phục vụ cho việc phát triển và ra mắt sản phẩm theo đúng lộ trình cũng như quảng bá và phân phối phủ rộng sản phẩm ra nhiều thị trường, thì các ‘nhà sáng lập’ này nhanh chóng xả hết những token dự trữ với mức giá ‘fomo’ đó để ‘thoát hàng’. Điều này tạo ra một làn sóng ‘thoát hàng’ từ các nhà đầu tư đã lỡ mua giá đỉnh để kịp cứu vãn dòng vốn. Đồng token đó nhanh chóng tụt giá thảm hại nhưng điều cay đắng hơn cho các nhà đầu tư là mức thanh khoản cũng bị giảm nhanh chóng khiến họ có muốn bán ra thì cũng không còn ai muốn mua vô, dẫn đến một kết quả thường thấy, đó là token chết, dự án ‘chết từ trong trứng nước’, băng nhóm nhà sáng lập thu lợi khủng chuồn đi êm thấm và tiếp tục xây dựng thêm các dự án mới.

Bên cạnh đó, nhóm các nhà sáng lập cho một dự án GameFi còn phải hội tụ các nhân tố như quỹ đầu tư có cùng tầm nhìn dài hạn vì nếu họ chỉ đầu tư ngắn hạn và ‘xả hàng’ ngay thời điểm thỏa thuận kết thúc thì sẽ có thể dẫn đến những tác động rất lớn đến giá trị token và dự án. Ngoài ra, đội ngũ phát triển thị trường và marketing có đủ sức đảm đương. Các yếu tố này cũng sẽ góp phần khiến một sản phẩm tốt có thể sụp đổ và theo đó mang tiếng ‘dự án lừa đảo’.

Cạm bẫy khắp nơi. Dự án ma và băng nhóm nhà sáng lập lừa đảo chưa phải là tất cả. Nhà đầu tư dù mới bước vào thế giới crypto hay rành hơn vẫn có thể mắc phải các bẫy lừa đảo của tội phạm mạng giăng khắp nơi.

Bạn có thể bị lừa mất ví điện tử chứa danh mục đầu tư khi lỡ kết nối ví vào một trang web giả mạo sàn giao dịch. Ví điện tử của bạn có thể bị khoắng sạch khi bạn tham gia vào các chương trình tặng miễn phí token (airdrop) chưa rõ thông tin. Hoặc bạn dại dột cung cấp các mã bí mật bảo mật ví cho kẻ lừa đảo giả mạo quản trị viên của một dự án chỉ vì ‘nhìn avatar và nickname giống quản trị viên’. Bạn dễ dàng giao dịch khi đang ở nơi đông người, kết nối bằng những mạng Wi-Fi chia sẻ công cộng hay bảo vệ tài khoản email đăng ký ví hay sàn với mật khẩu lỏng lẻo… Những sai lầm này đa phần đều rơi vào nhóm những nhà đầu tư non nớt.

Nhà đầu tư non nớt. Họ là những người muốn làm giàu nhanh và rất nhanh nên bỏ qua những bước cơ bản nhất mà một nhà đầu tư crypto cần phải nắm bắt, chưa kể đến việc phải học và tìm hiểu thêm nhiều kiến thức cơ bản liên quan. Con số ‘nai vàng tham lam’ này rất đông và ngày càng tăng tạo ra một thị trường màu mỡ cho dự án lừa đảo và tội phạm mạng hoành hành.

Bạn sẽ dễ dàng thấy mỗi ngày trong các nhóm mạng xã hội xuất hiện câu cửa miệng ‘Có vài trăm đô thì vô game nào để mau về bờ’ và thế là hàng trăm ‘nhân viên quảng bá’ cùng những nhà đầu tư đang đau buồn chờ thanh khoản để thoát hàng có dịp chào mời về dự án với những lời lẽ tươi đẹp cùng tiềm năng to lớn. Thế là họ chơi trò xổ số, chọn lựa đầu tư theo một bên quảng bá hay nhất mà không màng đến đọc tài liệu mô tả dự án (whitepaper) vốn rất quan trọng và cơ bản nhất để tìm hiểu về một dự án crypto, cho đến tìm hiểu về đội ngũ phát triển và nhà sáng lập, tầm nhìn về dự án… Ở một thị trường tài chính vận hành 24/7 không ngơi nghỉ và họ mong nhận được sự ban phước lành từ ‘Ông Bụt’ hay ‘Bà Tiên’. Thế rồi chuyện thần tiên sụp đổ, hầu hết là vậy, họ quay sang chửi rủa dự án, họ đổ vấy tất cả lỗi lầm sang mọi thứ nhưng chưa hề nghĩ về sai lầm của mình. Và họ tiếp tục vòng quay đó tìm kiếm may rủi với dự án khác.

Thế chân vạc từ ba yếu tố trên đang tạo thành một hệ sinh thái xấu xí. Và thuật ngữ ‘vũ trụ ảo’ Metaverse càng làm cơn sốt về GameFi cũng như NFT lên cao hơn, dự kiến sẽ thêm bùng nổ trong năm 2022. Điều bạn cần làm bây giờ khi muốn tham gia đón xu hướng này là tìm hiểu thật kỹ lưỡng kiến thức cơ bản nhất, đọc thật nhiều tài liệu và các case sụp đổ cũng như thành công để định ra cho mình những tiêu chuẩn về đầu tư. Metaverse đang nhận được sự cổ vũ rất lớn từ cộng đồng trên toàn thế giới và cả những ông lớn nền tảng công nghệ. Đây sẽ là một xu hướng nổi trội trong tương lai gần mà bạn không nên bỏ qua.

Có thể bạn quan tâm
Facebook đối mặt với vụ kiện tập thể 3,2 tỷ USD tại Anh

Công ty mẹ Facebook, Meta Platforms, đang phải đối mặt với vụ kiện tập thể trị giá 3,2 tỷ USD tại Anh vì cáo buộc lạm dụng vị trí thống trị thị trường bằng cách khai thác dữ liệu cá nhân của 44 triệu người dùng.

Nhóm giám sát Đức không tìm thấy công cụ kiểm duyệt trên điện thoại Xiaomi

Một nhóm giám sát của Đức được thuê để điều tra cáo buộc từ Lithuania trong tháng 9/2021 liên quan đến việc điện thoại Xiaomi có thể kiểm duyệt các điều khoản nhất định.

Lenovo ra mắt loạt sản phẩm sáng tạo hướng tới làm việc thông minh

Tại CES 2022 vừa qua, Lenovo đã giới thiệu các sản phẩm và giải pháp mới tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp làm việc kết hợp (hybrid world), thân thiện với môi trường.

iPhone 13 Pro Max VN/A giảm giá còn dưới 30 triệu đồng

Với giá bán mới được điều chỉnh giảm đến 6,5 triệu đồng cùng ưu đãi giảm thêm 500.000 đồng áp dụng từ ngày 11 – 14/1/2022, người dùng chỉ cần thanh toán 29,49 triệu đồng là có thể sở hữu iPhone 13 Pro Max VN/A.

Đeo kính VR, bò cảm thấy thư giãn như đang dạo trên đồng cỏ và tạo ra nhiều sữa hơn

Một nông dân đến từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, anh đã mô phỏng đồng cỏ xanh tươi trên kính thực tế ảo (Virtual Reality- viết tắt là VR) để giảm bớt căng thẳng cho những con bò trong nỗ lực để chúng sản xuất nhiều sữa hơn.

Microsoft kéo nhân sự cao cấp của Apple về phát triển chip nội bộ của riêng mình

Apple dường như không còn là nơi lý tưởng cho các nhà thiết kế chip khi liên tục nhiều nhân sự cao cấp của bộ phận Apple Silicon đã rời khỏi công ty trong thời gian gần đây.

Phần mềm độc hại giả dạng dữ liệu biến thể Omicron đánh cắp thông tin người dùng

Fortinet đã phát hiện ra nỗ lực phát tán phần mềm độc hại RedLine thông qua các tin tức về chủng Omicron của Covid-19.

Chính thức phát động Giải thưởng Sao Khuê 2022

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa chính thức phát động Giải thưởng Sao Khuê 2022 – một trong những giải thưởng lớn của ngành phần mềm và CNTT Việt Nam.

Samsung trình diễn điện toán trong bộ nhớ đầu tiên thế giới dựa trên MRAM

Hôm 13/1, Samsung đã trình diễn thành công công nghệ điện toán trong bộ nhớ đầu tiên sử dụng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên từ tính (MRAM) – một loại bộ nhớ không mất dữ liệu.

Sự cạnh tranh của dịch vụ e-Logistics đang âm thầm giúp nhà bán hàng “chuyển đổi số”

Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống con người, từ đó tạo ra áp lực nặng nề lên khả năng sản xuất và dây chuyền cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên ở góc nhìn tích cực, đây là cánh cửa mở ra con đường mới để ngành dịch vụ e-logistics phát triển. Ông Lê Văn Quốc Khánh, Giám Đốc Vận Hành Ninja Van Việt Nam đã có những chia sẻ về bức tranh sáng màu này.