Có thể thấy trong thời gian cuối năm 2012 và đầu năm 2013, cuộc chiến tranh giành thị trường phổ thông mới là cuộc chiến được các hãng tập trung khai phá. Đến như Apple, một hãng luôn kiên quyết nói không với thiết bị giá rẻ cũng phải tung ra chiếc iPad mini với mức giá mềm hơn iPad một chút để thu hút thị phần. Điều này càng chứng minh thêm được phân khúc phổ thông này mới là chiến trường khốc liệt nhất của mảng di động trong năm 2013 này.
Sản phẩm đinh xuất hiện nhỏ giọt: Các sản phẩm đinh dĩ nhiên luôn là con át chủ bài chiến lược của từng hãng, nhưng có vẻ như, trong thời gian gần đây, các sản phẩm này chỉ được mang tính gọi là phô trương sức mạnh công nghệ, nhằm nâng cao tên tuổi thương hiệu, và sau đó, mở đường cho các sản phẩm phổ thông có mức giá tốt hơn, phù hợp hơn với nhiều đối tượng người dùng để chiếm thị phần. Điều này đã dẫn đến tình trạng các sản phẩm đinh xuất hiện không nhiều như những năm trước, ngoại trừ Sony. Đơn cử, trong suốt cả năm qua, khi nhắc đến các sản phẩm đình đám của từng hãng, ta chỉ có thể kể đến Apple iPhone 5, Nokia Lumia 920, Samsung Galaxy Note 2, HTC 8S và One X+, LG 4X HD… Những năm trước đây, vòng đời của các sản phẩm chủ lực này ngắn hơn nhiều, với ít nhất là 2 sản phẩm/năm, tùy thuộc vào sự phát triển của công nghệ, và phần mềm.
Thị trường máy tính bảng cũng như thế. Ngoại trừ Samsung có thêm một động thái mới là việc giới thiệu Galaxy Note 10.1, Apple cũng không có sự sáng tạo nào mới với việc chỉ giới thiệu thêm iPad 4 với một chút nâng cấp về phần cứng và thay đổi cổng kết nối. Có thể thấy, chưa bao giờ thị trường máy tính bảng lại trở nên chậm chạp như năm 2012 vừa qua.
Nhìn chung, trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, các thiết bị di động dường như đã chạm ngưỡng phần cứng và các hãng thì vẫn đang loay hoay trong việc tìm cách phát triển phần mềm, ứng dụng của mình sao cho đột phá. Và, chưa có hãng nào thành công trong việc tìm cho mình chỗ đứng riêng so với phần còn lại.
Chiến trường tầm trung:Điện thoại: Không khó để nhận ra sự tấn công mạnh mẽ của những dòng sản phẩm trung cấp được cắt gọt tính năng từ những chiến binh hàng đầu ở mỗi hãng vào thị trường. Nếu như đầu năm 2012, cả Lumia 900 lẫn 800 của Nokia đều được đưa vào phân khúc sản phẩm cao cấp thì cuối năm 2012, chỉ có Lumia 920 được lọt vào danh sách này, và dĩ nhiên Lumia 820 được xếp vào nhóm sản phẩm trung cấp. Trong khi đó HTC cũng liên tục tung ra những sản phẩm thuộc nhóm Desire, và nếu như trước đây khi tham gia thị trường Windows Phone, chỉ có 1 sản phẩm được giới thiệu thì năm ngoái, khi giới thiệu HTC 8S, HTC cũng đã kịp bổ sung thêm sản phẩm 8X vào danh sách sản phẩm của mình nhằm tăng cường thêm doanh số. Và không cần phải nói thì cũng có thể thấy được Apple đã phải vội vã cho ra iPhone 5 với không quá nhiều thay đổi, để có lý do đưa iPhone 4S xuống mức giá thấp hơn, cạnh tranh với những đối thủ khác của mình. Samsung có thể nói đã tương đối thành công với dòng sản phẩm Galaxy S3 của mình, với doanh số cao. Những người hâm mộ Samsung Galaxy S3 nhưng không có một túi tiền dư dả cũng có thể sở hữu một “mô hình” nhỏ gọn hơn là Galaxy S3 mini, để có thể
trải nghiệm gần như toàn bộ những gì mà Galaxy S3 có được. Dĩ nhiên, với truyền thống của mình, Samsung vẫn luôn xem trọng thị trường phổ thông và trung cấp khi vẫn liên tục giới thiệu những sản phẩm tầm trung khác. Và LG cũng không hề chậm chân với việc tung bộ 3 L5, L7, L9 vào thị trường.
Máy tính bảng: Trái ngược với tình hình ảm đạm của những thiết bị được trao trọng trách dẫn đầu xu hướng, phân khúc sản phẩm phổ thông và tầm trung trở nên nhộn nhịp hơn rất nhiều. Có thể thấy được sức nóng của phân khúc tầm trung lan tỏa mạnh mẽ đến độ Apple cũng không thể làm ngơ mà tung ngay sản phẩm iPad mini vào thị trường. Mặc dù vẫn còn một chút gì đó tương đối “chảnh” trong việc định giá, với phiên bản thấp nhất là iPad mini Wi-Fi 16GB được bán ra khoảng 8,5 triệu đồng, cao hơn tương đối so với các thiết bị của những hãng khác (Nexus 7 Wi-Fi 16GB có mức giá 5,7 triệu đồng) nhưng điều này cũng chứng tỏ rằng Apple vẫn mong muốn “cắn” một phần nhỏ trong miếng bánh rất to này.
Samsung đã từng nổi tiếng với dòng máy tính bảng Galaxy Tab của mình, ở cả kích thước 10.1 inch hay là kích thước nhỏ hơn như 7, 8.9 inch, và các sản phẩm này được đánh giá là con bài chiến lược của hãng khi ra mắt. Tuy nhiên, khi giới thiệu bộ sản phẩm Galaxy Tab 2, những thiết bị này được xếp vào nhóm sản phẩm tầm trung, với mức giá thấp hơn nhiều so với các đàn anh của mình khi ra mắt. Samsung cũng đã bỏ hẳn các sản phẩm có kích thước màn hình 8.9 inch nhằm có chiến lược tập trung hơn.
Một điểm khá thú vị ở thị trường máy tính bảng là, trong khi Apple lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm có kích thước màn hình nhỏ đi – điều các hãng khác đã làm từ lâu, thì Samsung cũng lần đầu tiên giới thiệu các sản phẩm chỉ có tích hợp kết nối Wi-Fi (Galaxy Tab 2 7 inch P3110 và Galaxy Tab 2 10.1 inch P5110) – chiến lược của Apple từ khi mới giới thiệu iPad cho đến nay. Cả 2 động thái trên tuy khác nhau nhưng đều có cùng một mục đích: Đưa ra thêm những giải pháp sản phẩm có mức giá tốt hơn cho người dùng phổ thông, những người hạn hẹp về kinh phí nhưng vẫn muốn trải nghiệm các sản phẩm thương hiệu danh tiếng.
Lợi cho người dùng Không phủ nhận việc phát triển công nghệ mới luôn phải là một ưu tiên hàng đầu của các hãng sản xuất thiết bị di động, nhưng bên cạnh đó, họ cũng phải có những động thái quan tâm đến người tiêu dùng của mình, bởi doanh số của hãng được tạo ra bởi người dùng, và lợi nhuận khổng lồ cũng như các bảng báo cáo tài chính thành công rực rỡ cũng từ đây mà ra. Nếu như trước đây, các động thái như tung ra các chương trình khuyến mãi, trợ giá khi mua sản phẩm, tặng quà kèm theo được đánh giá là tốt, có thể giúp hãng thu hút được người mua hơn, nhưng có lẽ con số này vẫn chưa cao như mong đợi. Không khó để nhận ra, những người có túi tiền hạn chế chỉ thích trải nghiệm sản phẩm chứ không có nhu cầu sử dụng các phụ kiện hay các sim khuyến mãi kèm theo. Chính vì thế, dần dà các chương trình này cũng không còn được đánh giá là có hiệu quả cao nữa.
Chiến lược mới của các hãng – học tập từ Nokia và Samsung (2 hãng có nhiều mẫu thiết bị nhất trong cùng một dòng sản phẩm) – đang giúp cho doanh số tăng trưởng hơn khá nhiều. Như đã nói ở trên, với việc tung ra một sản phẩm đinh mang tính chiến lược giới thiệu công nghệ và phô diễn sức mạnh, khi giới thiệu một sản phẩm tầm thấp hơn, người dùng sẽ nhanh chóng hưởng ứng mà không phải e ngại về chất lượng sản phẩm. Tâm lý của người tiêu dùng vẫn ít nhiều nghiêng về sự đảm bảo của thương hiệu và sản phẩm đi trước. Có thể thấy, Galaxy S3 mini không dễ gì đạt được doanh số như mong đợi nếu đổi thành một cái tên khác.
Người tiêu dùng phổ thông hiện nay đã có thể trải nghiệm tính năng của những sản phẩm cao cấp với một mức chi phí hợp lý hơn. Đây có thể xem như là một hình thức tri ân khách hàng rất hay, đồng thời cũng góp phần tạo thêm doanh số, xoay chuyển dòng tiền để có thể đầu tư cho việc
nghiên cứu và phát triển thêm những điều hay mới trên các thiết bị của mình.
Với mục tiêu mở rộng thêm phân khúc người dùng đối với các dòng sản phẩm cao cấp của mình, các hãng đã chú trọng hơn trong việc phổ biến các dòng sản phẩm có cùng tính năng nhưng có thể là nhỏ hơn hay cắt bớt một ít về phần cứng nhằm có một mức giá phù hợp hơn cho người tiêu dùng phổ thông.
Tôn Bảo
Thế Giới Số 163 – Ngày 18.3.2013