Câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam, từ vi mô đến vĩ mô

Chuyển đổi số (digital transformation) đang là đề tài nóng nhất hiện nay, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả với quốc tế. Trào lưu này mới xuất hiện khoảng hơn 10 năm nay và ngày càng khẳng định như một xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Nó trở thành thước đo của cuộc cạnh tranh khốc liệt xem ai sẽ vượt lên trước và ai sẽ là kẻ tụt hậu.

Điều làm cho cuộc chơi trở nên thú vị, hấp dẫn và không kém phần quyết liệt là cơ hội trải đều cho tất cả, nhưng ai vượt lên trước sẽ chiếm được thế thượng phong lâu dài, còn kẻ chậm chân sẽ tụt hậu vĩnh viễn. Đó là cuộc chạy đua chiếm lĩnh tương lai.

Vậy chuyển đổi số (CĐS) là gì mà lại có khả năng thay đổi thế giới mạnh mẽ như thế? Nói theo ngôn ngữ sách vở thì CĐS là động lực tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4), còn nói nôm na, dễ hiểu CĐS là quá trình chuyển đổi từ phương pháp ứng dụng CNTT truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, khai thác những ưu việt của công nghệ số để tạo ra những giá trị mới, vượt trội so với trước đây trong mọi lĩnh vực KTXH.

Trước khi đề cập tới CĐS, chúng ta cùng điểm lại những đặc điểm nổi bật của phương pháp ứng dụng CNTT truyền thống mà ta đã quen hàng chục năm qua. 

Những ứng dụng CNTT truyền thống có chung một đặc điểm là lấy quy trình nghiệp vụ làm trung tâm, mọi nỗ lực điện tử hóa đều xoay quanh việc thuật toán hóa quy trình nghiệp vụ đó, dữ liệu được thu thập nhằm phục vụ cho quy trình nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của chức năng quản lý đề ra. Cách tiếp cận này bị “chặn” bởi chính quy trình nghiệp vụ vì quy trình này thay đổi theo thời gian và theo yêu cầu của hệ thống chứ không cứng nhắc. Thực tế ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước ở nước ta đã chứng minh điều đó. Các quy trình nghiệp vụ được chuyển đổi rất chậm theo tiến độ cải cách hành chính mà tin học hóa lại dựa vào các quy trình đó nên tác dụng mang lại bị hạn chế. Trước đây, thế giới cũng từng bị kìm hãm bởi nguyên tắc thiết kế các ứng dụng CNTT như thế. Dần dần, người ta hiểu ra rằng cần phải có khả năng hiểu rõ thế giới xung quanh đang vận động như thế nào hơn là khư khư giữ quan niệm chủ quan về cách mà mình muốn.

Điều này mở đường cho những phát kiến vĩ đại sản sinh ra các thiết bị, công cụ đo: các cảm biến, thiết bị đo, theo dõi, giám sát như camera, GPS, RFID,… gọi chung là các thiết bị IoT. Nhờ các IoT này, người ta có thể thu thập được dữ liệu về trạng thái vận động của mọi thực thể trong xã hội dưới mọi dạng thức (hình ảnh, video, tín hiệu, văn bản,…) chuyển đổi về dạng số (digital) trong thời gian vật lý. Đó là một khối lượng dữ liệu khổng lồ (big data) và liên tục tăng lên hàng ngày. Với lượng dữ liệu lớn đó, cần các phương pháp khác để lưu trữ và xử lý. Cloud và AI đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu này. Việc thu thập, tổ chức, xử lý dữ liệu lớn bằng AI dẫn đến những điều mới mẻ mà trước đây không hề có, phát huy mạnh mẽ năng lực của các hệ thống CNTT phục vụ con người. Người ta gọi công nghệ mới này là công nghệ số. Công nghệ số làm thay đổi tất cả: từ nhận thức, quan niệm đến nguyên tắc thiết kế, vận động dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về mọi mặt hoạt động của xã hội. Người ta gọi đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Ở Việt Nam, chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu. Cần chuyển đổi số như thế nào trong hoàn cảnh thực tế ở nước ta là vấn đề được tất cả mọi người quan tâm, cả ở mức vi mô (từng doanh nghiệp) đến mức vĩ mô (quốc gia, vùng hay địa phương). Dưới đây chúng tôi xin đóng góp một vài ý nhỏ để bạn đọc tham khảo với hy vọng cung cấp được một lượng thông tin hữu ích nào đó. 

Mức vi mô

Nước ta có gần 700.000 doanh nghiệp, trên 95% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp lớn đều đã có chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình, vì vậy ở đây chỉ đề cập tới các DNVVN. Về trình độ ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp có những đánh giá khác nhau. Theo ý kiến riêng của chúng tôi, những người đã song hành với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vài chục năm qua (từ 1974), đối với các DNVVN, trình độ đó là thấp. Tuy nhiên, chuyển đổi số mang lại sự bình đẳng cho tất cả mọi người vì phải thực hiện từ đầu quy trình chuyển đổi để phù hợp với mục tiêu ứng dụng công nghệ số. Vì thế, đôi khi, doanh nghiệp chưa có nhiều ứng dụng CNTT lại tiếp cận nhanh hơn, nếu biết chọn cách tiếp cận đúng.

Trục hoạt động chính của tất cả các doanh nghiệp là giám sát toàn bộ quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ của mình bắt đầu từ khâu chuẩn bị đầu vào sản xuất đến khi sản phẩm hay dịch vụ được cung cấp cho người tiêu dùng. Quá trình chuyển đổi số xoay quanh trục này. Trong thực tế, bức tranh này được mô tả dưới ngôn ngữ kế toán thông qua hệ thống sổ sách, chứng từ và các quy tắc tính toán. Về khối lượng công việc và thời gian cần bỏ ra để thực hiện thì việc thu thập, kiểm tra các chứng từ, lập sổ cái, sổ con, đối chiếu, cân đối tài khoản,… là những việc lặp đi lặp lại nhàm chán, vô vị nhưng lại chiếm nhiều thời gian nhất trong khi việc quan trọng hơn là phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn lại quá ít thời gian để thực hiện.

Công nghệ số giúp đảo ngược tình thế này: Việc sử dụng các giao dịch điện tử, hợp đồng số, hóa đơn số, thanh toán số, áp dụng những cơ chế tự động hóa thu thập và cập nhật dữ liệu thông qua các thiết bị IoT, ứng dụng công nghệ Blockchain và các thuật toán trí tuệ nhân tạo làm thay đổi hoàn toàn nghề kế toán. Từ nay, các kế toán viên không còn vất vả chìm trong ngổn ngang chứng từ mà việc của họ là khai thác hệ thống số để đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đồng vốn và đưa ra những đề xuất về chiến lược tài chính.

Để làm được như vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện các chuyển đổi như sau:

Chuyển từ sử dụng chứng từ giấy sang chứng từ số: Mọi chứng từ được sử dụng trong giao dịch, hợp đồng, thanh toán, hóa đơn,… dạng tương tự (analog) trước đây đều chuyển sang dạng số (digital) và tuân thủ các nguyên tắc, quy định về chứng từ số của nhà nước.

Chuyển từ cách thu thập dữ liệu bởi con người là chính sang áp dụng các cơ chế tự động hóa, con người tập trung vào đánh giá về chất lượng dữ liệu nhiều hơn.

Chuyển từ tập quán tự xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT sang sử dụng các dịch vụ công nghệ số chuyên nghiệp (bao gồm cả thuê cloud, dịch vụ xử lý dữ liệu lớn, khai thác hệ thống blockchain,…).

Chuyển từ việc tổ chức lực lượng quản lý nặng về sự vụ đông người sang sử dụng số ít người có khả năng phân tích, dự báo, hoạch định chiến lược và lựa chọn giải pháp hoặc thuê chuyên gia.

Đối với nhiều DNVVN, phương án tối ưu là thuê ngoài dịch vụ. Theo hướng này, cần có nhiều nhà cung cấp dịch vụ công nghệ số chuyên nghiệp và lực lượng tư vấn đủ mạnh để giúp các doanh nghiệp thực hiện thành công các bước chuyển đổi số. Hướng này mở ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp CNTT.

Tại thời điểm hiện nay, các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với đối tác như CPTPP, EVFTA, Việt Nam – Hoa Kỳ,…) mở ra cơ hội to lớn chưa bao giờ có cho hàng hóa Việt Nam. Hai yêu cầu cơ bản để hàng hóa Việt Nam tới được các thị trường quan trọng này là nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Điều này dẫn tới khẳng định rằng nếu muốn tận dụng được lợi thế đang mở ra thì doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa của mình một cách chuyên nghiệp. Vì hệ thống này giám sát sự hình thành sản phẩm từ gốc và bám theo quá trình sản xuất tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng nên không có cách tiếp cận nào tốt hơn cho chuyển đổi số ở doanh nghiệp là gắn với quá trình xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa này.

Câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam, từ vi mô đến vĩ mô - Chuyen doi so
Chuyển đổi số là cuộc chơi sống còn (Ảnh: Internet)

Mức vĩ mô

Chuyển đổi số có mục tiêu trực tiếp là nhằm phát triển nền kinh tế số. Vì vậy, chuyển đổi số ở mức quốc gia hay địa phương bắt đầu hợp lý nhất là từ việc nhận diện sức khỏe của nền kinh tế dựa trên công nghệ số.

Sức khỏe của nền kinh tế được xác định dựa trên năng lực sản xuất ra của cải vật chất và cách thức đưa chúng đến tay người tiêu dùng trong xã hội. Lập luận này dẫn tới phương pháp “đo” sức khỏe của nền kinh tế thông qua hoạt động logistics. Logistics được hiểu là tập hợp của các dịch vụ cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất và đưa kết quả sản xuất (các sản phẩm hay dịch vụ) đến tay người tiêu dùng. Thông qua hệ thống logistics có thể hiểu rõ các doanh nghiệp đang sản xuất những sản phẩm – dịch vụ gì, ứng dụng các công nghệ gì, với chất lượng và giá trị như thế nào, chúng được đưa tới các thị trường như thế nào,…? Có thể dễ dàng nhận ra rằng hệ thống logistics gắn liền với những thực thể quan trọng nhất của nền kinh tế như “doanh nghiệp”, “hạ tầng sản xuất”, “công nghệ”, “sản phẩm”, “lao động”, “thị trường”,… Vì thế, việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics là cách thực tế nhất trong việc kiến tạo nền tảng xây dựng hạ tầng số của nền kinh tế tương lai vốn có hạt nhân là những CSDL về những thực thể này. 

Khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số bắt đầu từ hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa thì hoạt động logistics trở nên thuận tiện hơn nhiều bởi lẽ công nghệ blockchain được áp dụng trong các hệ thống này là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc giám sát trạng thái vận động của các luồng hàng hóa trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu theo cơ chế tự động bằng các thiết bị IoT không mấy khó khăn trên tất cả các công đoạn của chuỗi dịch vụ logistics nhanh chóng tạo ra lượng dữ liệu lớn và toàn diện về trạng thái hoạt động logistics ở nước ta. Khai phá kho dữ liệu này bằng các thuật toán trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ đưa tới những kết quả phân tích sâu sắc về thực trạng logistics Việt Nam, đặc biệt là xác định những nguyên nhân gây ra sự trì trệ trong hoạt động của lĩnh vực quan trọng này.

Nước ta có tiềm năng và lợi thế trong phát triển logistics. Tuy nhiên, hiện nay, logistics lại là lĩnh vực dịch vụ yếu kém bậc nhất, trực tiếp làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với chất lượng dịch vụ thấp, thời gian kéo dài và chi phí quá cao. Trạng thái này chỉ có thể thay đổi triệt để khi thực hiện chuyển đổi số.

Logistics là bài toán vĩ mô. Vì vậy, việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực này đồng thời hướng tới nhiều mục tiêu: nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm chi phí logistics và tạo ra nền tảng ban đầu cho hạ tầng số của nền kinh tế nhúng trong thực tiễn vận động, làm điểm tựa cho việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

Thay lời kết

Chuyển đổi số không phải là một phong trào mà là một quá trình bản chất. Quá trình đó dành cho những ai muốn “tận hưởng” những ưu việt mà công nghệ số mang lại. Thành quả chắc chắn sẽ tới với những người chủ động thay đổi để đón nhận những công nghệ mới. Có nhiều cách để tiếp cận chuyển đổi số, nhưng có một yêu cầu chung là người trong cuộc cần phải vượt qua chính mình, từ nhận thức đến hành động.  

  • Nguyễn Tuấn Hoa
    Chuyên gia phân tích hệ thống

    Chủ tịch hội đồng chuyên gia viện Kinh tế xanh nơi quy tụ các chuyên gia về nhiều lĩnh vực: Kinh tế biển, logistics, IT, công nghệ vi sinh, công nghệ vật liệu mới, AI, Blockchain, công nghệ môi trường, tự động hóa, tài chính, luật,…Nguyễn Tuấn Hoa sinh năm 1949, chuyên gia phân tích hệ thống, được đào tạo tại LX (cũ), Pháp, Mỹ, Úc, có hơn 40 năm kinh nghiệm tư vấn. Đã tham gia tư vấn cho nhiều bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế về xây dựng chiến lược, quản lý dự án, thiết kế hệ thống.

Có thể bạn quan tâm
Báo Mỹ nhận 19 triệu USD để làm truyền thông cho Trung Quốc

Hai tờ báo lớn của Mỹ là Washington Post và Wall Street Journal lần lượt bị điểm mặt chỉ tên khi đã nhận rất nhiều tiền của Trung Quốc trong những năm qua.

TSMC hướng đến tiến trình 4nm

Theo chia sẻ của Liu Deyin, CEO của hãng sản xuất chipset lớn nhất thế giới TSMC, công ty đang hướng đến việc sản xuất hàng loạt các dòng chip tiến trình 4nm vào năm 2023.

Acer Aspire 7 thêm lựa chọn cấu hình mới

Dòng laptop gaming phổ thông Aspire 7 vừa được Acer thêm lựa chọn cấu hình mới với CPU AMD Ryzen 7 3750H cùng card đồ họa NVIDIA Geforce GTX 1650 4GB có giá bán 17,99 triệu đồng.

Samsung ra thêm Galaxy S20 Ultra trắng thiên vân

Galaxy S20 Ultra trắng thiên vân thể hiện gu thẩm mỹ tinh tế, tách biệt giữa những gam màu thường thấy trong mùa hè.

BKAV chuẩn bị tung ra điện thoại “cục gạch”

Điện thoại cục gạch này của BKAV sẽ có ký hiệu là BKAV-C85. Dự kiến, BKAV C85 sẽ được tung ra thị trường vào tháng 7.

Hoa Kỳ cảnh báo lỗ hổng của Windows 10

Đơn vị tư vấn an ninh mạng của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang cảnh báo người dùng Windows 10 cần đảm bảo hệ thống của họ đã được vá đầy đủ sau khi mã khai thác lỗ hổng được công bố trực tuyến vào tuần trước.

Cuộc đua 5G, ai đang hưởng lợi?

Từ chỗ tiến đến nguy cơ thất bại hoàn toàn trước Trung Quốc trong cuộc đua 5G, nhưng giờ đây, Nokia và Ericsson đang trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhờ sự yếu thế của Huawei.

Cuộc gọi dọa nạt, mạo danh công an, tòa án để lừa đảo đang bùng phát

Sau một thời gian yên ắng, các đối tượng lừa đảo mạo danh công an, tòa án gọi điện đe dọa người dùng đang bùng phát trở lại mạnh mẽ. Nhiều người suýt bị lừa hàng trăm triệu đồng.

Thái tử Samsung đã được bỏ lệnh bắt giữ

Người thừa kế tập đoàn kinh tế lớn nhất tại Hàn Quốc Samsung, ông Lee Jae-yong được toà tuyên bố tự do, sau khi các công tố viên đệ đơn, trình lên tòa án và yêu cầu lệnh bắt giữ.

Thái tử Samsung đã được bỏ lệnh bắt giữ

Người thừa kế tập đoàn kinh tế lớn nhất tại Hàn Quốc Samsung, ông Lee Jae-yong được toà tuyên bố tự do, sau khi các công tố viên đệ đơn, trình lên tòa án và yêu cầu lệnh bắt giữ.