Việc cập nhật cho các thiết bị Android dường như chỉ xoay quanh việc ai sẽ là người may mắn được thưởng thức “món tráng miệng mới” từ Google. Số lượng người cập nhật phiên bản Android mới luôn thấp và nguyên nhân, hậu quả của việc này thì rất dài.
Nửa tỉ thiết bị chưa cập nhật Hồi đầu tháng 11, những ai sở hữu “siêu phẩm” HTC One X (hay trước đó là Samsung Galaxy S III) đã được hưởng niềm vui khi nhận được bản cập nhật Android 4.1 chính hãng. Tuy nhiên, theo một báo cáo công khai được thu thập từ các thiết bị truy cập cửa hàng Google Play thì số tỷ lệ dùng Android 4.1 chỉ là 1,8%, Android 4.0 là 23,7% và nhiều nhất vẫn là Android 2.3 với 55,5%. Như vậy, vẫn còn hơn nửa tỷ thiết bị Android khác vẫn còn phải chờ đợi để được cập nhật lên phiên bản Android mới nhất hay tệ hơn là chúng đã hoàn toàn bị bỏ rơi. Nhớ lại một chút, phiên bản Android 2.3 Gingerbread đã có mặt trên thị trường được hai năm – giờ được ví như một “Windows XP” của Google bởi sức sống mãnh liệt của nó dù không được cập nhật riêng từ tháng 9 năm ngoái. Nhìn ra xung quanh, các báo cáo khác cho thấy 60% chủ sở hữu iPhone đã nâng cấp lên iOS 6 chỉ sau một tháng, bỏ lại Google với 2% thị phần của 4.1 Jelly Bean sau gần ba tháng.
Tốc độ tăng trường của Android vẫn đang rất tốt, khi mà mỗi ngày có khoảng 1,3 triệu thiết bị được kích hoạt và Google còn dự đoán rằng sẽ có 1 tỷ thiết bị Android vào tháng 11/2013. Các phiên bản mới vẫn đều đặn được cho ra mắt và mới đây chúng ta đã có Android 4.2 (vẫn được gọi là Jelly Bean). Trong khi đó lộ trình nâng cấp lên phiên bản Android 4.1 vẫn còn khá mập mờ với phần đông các nhà sản xuất, trong đó có những cái tên lớn như LG, Motorola. Sony cũng không phải là ngoại lệ khi đã quyết chia tay với dòng Xperia 2011 và các mẫu cấp thấp như U, Miro, Tipo còn các mẫu mới như T, TX, V sẽ phải đợi đến quý I/2013 nếu mọi thứ đều thuận lợi. Những nhà sản xuất gần đây có tốc độ cập nhật tốt như Samsung là bởi sản phẩm của công ty này bán chạy và phổ biến trên thế giới, cộng với đội ngũ kỹ thuật hùng hậu, và một khởi đầu sớm như với Jelly Bean thông qua việc hợp tác sản xuất chiếc Galaxy Nexus.
Kéo theo nhiều mối nguy hiểm Khi bạn hỏi bất cứ một chuyên gia công nghệ thông tin về việc làm sao để giữ được an toàn khi lướt web trên máy tính? Câu trả lời thường nhận được là hay cập nhật mọi thứ, từ hệ điều hành, phần mềm diệt vi rút cho đến trình duyệt. Liên tục trong thời gian gần đây các lỗi hổng bảo mật trên Android được phát hiện và một số lượng không nhỏ trong đó có thể gây ra lỗi bảo mật nghiệm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng. Ravishankar Borgaonkar, một nhà nghiên cứu bảo mật của tại Đức đã phát hiện ra một cách khai thác Android không qua việc thực thi các mã USSD tự động mà không cần sự cho phép của người dùng. Hay việc các nhà nghiên cứu tại đại học Bắc Calorina (Mỹ) đã khám phá ra các lỗ hổng trong ứng dụng cài sẵn trên thiết bị Android (phiên bản 4.0) mà có thể giúp kẻ xấu gửi SMS, ghi âm cuộc gọi hay xóa dữ liệu. Đây là một vài trong số rất nhiều minh chứng cho việc các nhà sản xuất đã quá chậm trễ hoặc ngừng tung ra các bản vá cho các thiết bị Android. Ngoài ra các nhà phát triển phải duy trì sự hỗ trợ cho một mảng rộng lớn các phiên bản đồng thời cũng ngăn cản họ triển khai đồng bộ các tính năng nhằm tận dụng những điểm cải tiến trên phiên bản Android mới.
Ngành công nghiệp di động với đại diện là các nhà sản xuất và
nhà cung cấp dịch vụ di động đang chơi một trò chơi không công bằng với người dùng. Điều này đặc biệt đúng trong hệ sinh thái Android, khi mà sự “trung thành” với những người trả tiền cho mình là có phần hạn chế. Người dùng đang mất niềm tin vào những lời hứa của Google và các đối tác khi nhắn đến việc cập nhật cho các thiết bị Android. Những công ty đã nhiều lần đưa ra những lời bảo đảm “chắc chắn”, bao gồm cả cam kết buồn cười là cập nhật các thiết bị lên phiên bản mới nhất trong vòng 18 tháng sau khi được bán ra. Thực tế là có rất ít các nhà sản xuất phần cứng và nhà cung cấp dịch vụ di động có những động thái để giữ cho các thiết bị được tươi mới và chủ yếu mời khách hàng nâng cấp hệ điều hành bằng cách mua phần cứng mới.
“Lắm thầy thối ma” Lý do chung được đưa ra là phức tạp, đúng nhưng bởi vì chính các nhà sản xuất đã “cố gắng” làm như vậy. Họ lao vào chạy đua về cấu hình, hòa theo hiệu ứng tự nhiên của ngành
công nghiệp công nghệ cao với những chu kỳ biến đổi chóng mặt, những cải tiến xuất hiện hàng ngày thay vì hàng tháng, hàng năm như trước đây. Phần còn lại là do để bản cập nhật tới được tay người dùng thì nó phải qua rất nhiều công đoạn trung gian với đầy đủ các bên liên quan. Đầu tiên là Google, người chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển để cho ra đời các phiển bản Android mới rồi giới thiệu nó thông qua các thế hệ sản phẩm thuộc mang thương hiệu Nexus. Sau khi nhận được mã nguồn gốc từ Google các nhà sản xuất bắt tay vào các tùy chỉnh, tinh chỉnh để thêm bớt tính năng cho phù hợp với phần cứng, phần mềm của bên thứ ba rồi thử nghiệm để khắc phục các lỗi phát sinh và tối ưu hóa hoạt động của thiết bị. Công đoạn thứ ba, phụ thuộc vào nơi bạn sinh sống mà các nhà cung cấp dịch vụ cũng tham gia sửa đổi để nhét thêm vào đó các phần mềm nhằm xây dựng thương hiệu cho mình.
Như vậy việc cung cấp phiên bản mới nhất của hệ điều hành cho hàng trăm, hàng ngàn thiết bị Android khác nhau đến từ một loạt các nhà sản xuất thật sự khó khăn. Đó là lý do tại sao người sử dụng iPhone sẽ yên lòng khi nhận được bản cập nhật khi đến hạn trong khi người dùng Android không biết những gì sẽ đến với mình. Đây chính là một trong những lý do quan trọng để doanh số của Apple luôn ổn định, nhưng có phải là do lòng trung thành của người dùng, thứ mà quả táo có nhiều hơn bất cứ công ty công nghệ nào khác trên thế giới? Thay vào đó, cái được nói đến ở đây là sự trung thành của công ty với khách hàng của mình. Với Apple cho dù các thiết bị cũ sẽ vẫn nhận được cập nhật (như chiếc 3GS với iOS 6) nhưng sẽ bị giới hạn một số tính năng nhằm đảm bảo sự hoạt động được trơn tru.
Mỗi người một việc, bạn sẽ trách ai khi mà việc Google quan tâm chủ yếu là làm sao để kích hoạt được càng nhiều thiết bị càng tốt, tăng thị phần lên tối đa. Các nhà sản xuất bán điện thoại cho bạn và hy vọng không phải gặp lại bạn cho đến lần mua sắm tới. Cuối cùng, nếu mua theo mô hình hợp đồng, các nhà cung cấp dịch vụ đã đặt bạn vào một mối ràng buộc trong nhiều năm nên họ cần gì phải quan tâm đến những gì chạy trên điện thoại hay máy tính bảng của bạn.
Công bằng mà nói, người tiêu dùng thông thường ít quan tâm xem phiên bản hệ điều hành trên thiết bị của họ hay người thân có phải là phiên bản mới nhất hay không bởi nhu cầu của họ đã được đáp ứng đủ, dù chưa phải là tốt nhất. Mọi người chỉ dành sự chú ý đến việc cập nhật khi mà có những ứng dụng không hỗ trợ cho phiên bản hiện tại của máy hay khi điện thoại của bạn bè có những tính năng hay ho mà máy mình không có. Dù gì đi nữa, Android vẫn đang là một trong những nền tảng phát triển nhanh chóng và năng động trên thị trường hiện này. Để so sánh, 5 năm trước đây thì
điện thoại thông minh không hề được hỗ trợ tốt như thế, với hàng loạt cửa hàng ứng dung, cửa hàng nội dung, cập nhật OTA, tích hợp lưu trữ/đồng bộ đám mây hay tùy biến cho từng khu vực.
Với những ai đã mất hết kiên nhẫn khi đợi thực hiện những lời hứa hẹn từ nhà sản xuất thì họ có thể tự quyết định “vận mệnh” cho mình bằng việc tải các bản cập nhật không chính thức từ cộng đồng hacker Android đông đảo mà tiêu biểu như nhóm CyanogenMod. Chứng kiến việc cộng đồng XDA phát triển rực rỡ cho thấy người dùng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để được thỏa mãn đâm mê
trải nghiệm những điều mới mẻ.Tất nhiên là cộng đồng Android, đặc biệt là Google nên hoc hỏi từ Apple, Microsoft bởi thị trường thiết bị di động nói chung và điện thoại thông minh nói riêng vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Còn bạn, hãy bình tĩnh bởi không phải lúc nào chúng ta cũng cần những công cụ cao nhất để có được một kết quả tốt nhất.
Hoàng Anh
Thế Giới Số 159 – Ngày 19.11.2012