Cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo lợi dụng mùa Covid-19 tại Việt Nam và toàn cầu

Nhiều hình thức lừa đảo đang phát sinh quanh câu chuyện tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19.

Rao bán giấy chứng nhận chích ngừa Covid-19 giả, lừa đảo tiêm chủng vaccine, mạo danh kêu gọi đóng góp mua vaccine, hay giả dạng cán bộ tới tận nhà truy vết F0 để lừa đảo… là một trong số những hình thức lừa đảo đang nổi cộm hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tràn lan giấy chứng nhận chích ngừa vaccine giả

Vào ngày 10/04/2021, tờ The New York Times (NYT) đưa tin, thị trường chợ đen cung cấp thẻ giả chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 đã lan nhanh chóng mặt tại Mỹ. Dịch vụ làm thẻ giả nhanh chóng phất lên sau khi có tin tức cho rằng, thẻ tiêm chủng Covid-19 có thể trở thành giấy thông hành cần thiết nếu muốn lên máy bay và tham gia các sự kiện công cộng.

Trước tình trạng này, Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo người bán lẫn người mua đã phạm pháp, khi làm giả logo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vốn xuất hiện ở góc phải phía trên của mỗi chứng nhận.

Bên cạnh đó, The New York Times cũng phát hiện hàng chục chỉ dẫn trên mạng, hướng dẫn làm giả thẻ tiêm chủng tại nhà. Hiện FBI cảnh báo dân Mỹ không nên mua thẻ chứng nhận tiêm vaccine Covid-19, không làm giả hoặc tự điền thông tin giả mạo lên thẻ.

“Chúng tôi khuyên bạn không đăng ảnh chụp thẻ tiêm chủng của mình lên các trang xã hội (để tránh bị làm giả)”, theo FBI.

Không riêng tại Mỹ, vào cuối tháng 5/2021, trong bối cảnh những người được tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 sẽ được hưởng một số quyền tự do hơn, tại Đức cũng đã xuất hiện các chứng nhận tiêm chủng giả.

Cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo lợi dụng mùa Covid-19 tại Việt Nam và toàn cầu - Covid 19 2
“Giấy chứng nhận tiêm chủng của CDC hàng chuẩn” được rao bán với giá 9,49 USD trên eBay. Ảnh: @Washington Post.

Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) cho biết tại nước này đã xuất hiện những chứng nhận tiêm chủng giả đầu tiên, và xu hướng làm giả chứng nhận tiêm chủng đang ngày càng gia tăng.

Theo BKA, nếu so sánh với việc làm giả giấy tờ cá nhân thì quy mô giả mạo giấy chứng nhận tiêm chủng mới chỉ là một “hiện tượng nhỏ”, song nhu cầu đang gia tăng khi chính quyền thực hiện nới lỏng quy định phòng dịch với những người đã tiêm chủng.

Cơ quan Công tố thành phố München cho biết, chứng nhận tiêm chủng hiện đang là thứ hàng hóa bị làm giả “sốt dẻo” nhất, trong đó giấy chứng nhận tiêm chủng giả với các vaccine giả phê duyệt được chào bán với giá dao động tùy theo ưu đãi và số lượng chứng nhận đặt mua. Việc làm giả hoàn toàn từ giấy chứng nhận tiêm chủng đến “hộ chiếu vaccine” là rất dễ dàng, bởi có thể dễ dàng mua hợp pháp sổ tiêm chủng mới trên mạng, trong khi các con dấu bác sĩ cũng có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet.

Tại Đức, những người đã được tiêm chủng và có giấy chứng nhận đã tiêm đủ có thể dễ dàng đi lại mua bán, làm tóc hay tới các nhà hàng. Tuy nhiên, Đức cũng đã có quy định chặt chẽ, trong đó trừng phạt nghiêm các hình thức làm giả giấy tờ tiêm chủng, thậm chí người sử dụng giấy tờ tiêm chủng và xét nghiệm giả cũng sẽ chịu các mức phạt tương ứng.

Cụ thể, những người giả mạo hoặc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng/xét nghiệm giả sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù tới một năm; người cung cấp thông tin sai lệch về dịch tễ cũng bị phạt tiền hoặc phạt tù tới 2 năm.

Chính quyền thủ đô Nga yêu cầu 60% lực lượng lao động có tiếp xúc cộng đồng – như tài xế taxi, giáo viên, nhân viên bán hàng, phục vụ nhà hàng và quán bar phải tiêm phòng. Nếu không tuân thủ, người sử dụng lao động sẽ bị phạt nặng. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 28/6 cũng đòi hỏi các nhà hàng, quán bar chỉ tiếp nhận những khách hàng có mã QR xác nhận họ đã tiêm phòng, hoặc có giấy xét nghiệm PCR Covid-19 âm tính trong vòng 3 ngày trước đó. Giới chức Moscow cũng cảnh báo rằng, các bệnh viện sẽ từ chối chăm sóc y tế cơ bản cho những người chưa tiêm chủng. Đây càng là lý do khiến dịch vụ làm giả chứng nhận tiêm chủng càng có cơ hội phát triển.

Cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo lợi dụng mùa Covid-19 tại Việt Nam và toàn cầu - Covid 19 3
Hai đối tượng buôn bán giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 giả ở Campuchia. Ảnh: @Công an Phnom Penh.

Thực trạng này cũng lan truyền sang nước láng giềng gần Việt Nam chúng ta đó là Campuchia. Vào ngày 15/5/2021, Cảnh sát thủ đô Phnom Penh bắt giữ hai nữ đối tượng buôn bán giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 giả tại phường Choam Chao, quận Por Senchay, thủ đô Phnom Penh. Hai nghi phạm khai nhận bán giấy chứng nhận tiêm chủng Vaccine Covid-19 giả với giá 10.000 riel/bản (tương đương khoảng gần 50.000 đồng).

Bởi trước đó vào tháng 4, Chính phủ Campuchia đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang. Sắc lệnh cũng cảnh báo những trường hợp trốn tránh việc tiêm chủng sẽ bị kỷ luật, đồng thời giải thích rõ sắc lệnh tiêm chủng bắt buộc không áp dụng với những cá nhân không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe, nhưng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.

Trong bối cảnh này, việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số được đánh giá sẽ giúp hạn chế tốt hơn nạn làm giả chứng nhận tiêm chủng.

Tại Việt Nam, hiện nay nhiều người đã được tiêm mũi 1, mũi 2 vaccine Covid-19 và được các cơ sở tiêm chủng cấp giấy chứng nhận. Hiện có nhiều người kì vọng vào ý nghĩa của giấy chứng nhận này, cho rằng sau khi được tiêm vaccine, được cấp giấy chứng nhận sẽ được ưu tiên khi vào vùng dịch hoặc khu vực hạn chế mà không cần phải cách ly, hoặc thuộc diện F1, F2 cũng không cần phải cách ly… Tuy nhiên, điều này không có cơ sở.

Theo các chuyên gia, giấy chứng nhận được tiêm vaccine Covid-19 chưa có giá trị trong thời điểm hiện tại. Khi mà dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, người đã được tiêm vaccine Covid-19 vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch. “Phương án về hộ chiếu vaccine đã được Bộ Y tế soạn thảo và trình lên Chính phủ. Tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên hiện chưa được phê duyệt”- thông tin từ Bộ Y tế cho hay.

Khuyến cáo người đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi đầu tiên vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên người đã được tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế”.

Theo TS Phạm Quang Thái, điều này là do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1, phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2, từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%- 90% tùy theo loại vaccine.

Đặc biệt, vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, tức là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Vì vậy, dù có được tiêm vaccine Covid-19, người được tiêm vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng tránh lây nhiễm.

Trong thời gian tới, ngoài các nền tảng như VHD, Ncovi, Bluezone,… sẽ có thêm một số giải pháp mới được đưa vào sử dụng đó là Hệ thống quản lý tiêm chủng và Chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 điện tử. Thông tin người dân sau khi đã tiêm sẽ được quản lý trên hệ thống và đưa vào hồ sơ sức khỏe điện tử.

Cảnh báo những lời mời chào cá nhân, doanh nghiệp tiêm vaccine Covid-19 giả

Vào 11/6, Bộ Y tế cho biết, hiện nay đã xuất hiện tình trạng lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn.

Cụ thể, hiện nay có tình trạng xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vaccine phòng Covid-19, hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.

Cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo lợi dụng mùa Covid-19 tại Việt Nam và toàn cầu - Covid 19 4
Nhiều kẻ xấu làm vaccine giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác. Ảnh: @Google.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Các loại vaccine phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Mỗi lô vaccine phòng Covid-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vaccine nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và sinh phẩm y tế – Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định. Tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine để tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo.

Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

Mạo danh kêu gọi đóng góp tiền mua vaccine Covid-19

Lợi dụng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam về việc vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… chung tay ủng hộ vật chất và tinh thần cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số đối tượng xấu đã mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo chuyển khoản trên danh nghĩa ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, vào ngày 4/6, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa cho hay, có người lạ gọi điện thoại cho Thượng tọa Thích Tuệ Quyền, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa tự giới thiệu tên Dũng, cán bộ phụ trách công tác Tôn giáo thuộc Phòng Nội vụ TP.Biên Hòa và vận động đóng góp Quỹ Mua vaccine phòng dịch Covid-19 của Chính phủ.

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa xác minh thì được biết, Phòng Nội vụ TP.Biên Hòa không có cán bộ này. Do đó, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa đã thông tin cảnh báo đến các chùa, tự viện tại TP.Biên Hòa đề phòng các đối tượng mạo danh cơ quan, ban, ngành vận động đóng góp Quỹ Mua vaccine phòng dịch Covid-19.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa có khuyến cáo, để đề phòng các đối tượng lừa đảo thông qua kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, người dân cần yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương để kiểm chứng thông tin. Đặc biệt, nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể có uy tín, được cấp phép đứng ra tổ chức.

Giả dạng cán bộ tới tận nhà truy vết F0 để lừa đảo

Hiện nay, mọi tập thể, cá nhân, cơ quan, tổ chức đang tập trung mạnh cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự được tăng cường. Tuy nhiên, đâu đó đã xuất hiện tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chủ yếu các đối tượng lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ngày 30/6, Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra cảnh báo về việc kẻ gian lợi dụng việc truy vết, khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo lợi dụng mùa Covid-19 tại Việt Nam và toàn cầu - Covid 19 1
Lợi dụng truy vết F1, F2, người đi khử khuẩn… để yêu cầu thông tin cá nhân hoặc tẩm thuốc mê chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa: @Google.

Theo đó, trong thời gian gần đây, ở một số nơi xuất hiện tình trạng kẻ gian giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến thông báo đang truy vết F1, F2 hoặc đề nghị đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19… yêu cầu cung cấp thông tin, bấm vào đường link mà đối tượng gửi để xác nhận, nhưng thực chất là chúng lấy cắp thông tin cá nhân để lừa đảo.

Có trường hợp giả danh cán bộ, nhân viên phòng dịch phun thuốc khử khuẩn để xịt thuốc mê, phát khẩu trang tẩm thuốc mê rồi chiếm đoạt tài sản; giả danh lực lượng chống dịch đến các gia đình đề nghị đóng tiền cọc để tiêm vaccine ngừa Covid-19; thông qua mạng xã hội hoặc đến tận nhà vận động quyên góp quỹ phòng, chống dịch để lừa lấy tiền…

Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, khi gặp các trường hợp trên cần báo ngay cho công an hoặc gọi 113 để được hỗ trợ.

Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm
Qualcomm sắp có chip máy tính xách tay tốt hơn Apple M1

Qualcomm tin rằng họ có thể sản xuất một chip máy tính xách tay có thể cạnh tranh với Apple Silicon nhờ đội ngũ cựu kỹ sư của Apple hiện đang làm việc cho nhà sản xuất chip này.

Mỹ tiếp tục bị tấn công mạng đòi tiền chuộc, hàng trăm công ty toàn cầu tê liệt

Hàng trăm công ty trên khắp thế giới đã phải vật lộn với các lỗ hổng bảo mật mạng tiềm ẩn hôm 3/7 sau khi nhà cung cấp phần mềm phục vụ hơn 40.000 tổ chức, Kaseya, cho biết họ là nạn nhân của một “cuộc tấn công mạng tinh vi”.

Sẽ giám sát cam kết bảo vệ phụ nữ trực tuyến của Twitter, TikTok, Google và Facebook

Facebook, Google, TikTok và Twitter đã cam kết chống lạm dụng trực tuyến và cải thiện sự an toàn của phụ nữ trên nền tảng của họ.

TikTok công bố xóa hơn 7 triệu tài khoản trẻ vị thành niên

TikTok được biết đến với nền tảng thu hút nhiều người dùng trẻ với các điệu nhảy lan truyền … nhưng bạn vẫn phải từ 13 tuổi trở lên mới được sử dụng nó.

Windows 11 sẽ không còn là cơn ác mộng của người dùng khi cập nhật?

Windows 11 đang mang đến một tính năng quan trọng liên quan đến quá trình cập nhật mà rất nhiều người đã chờ đợi.

Cảnh báo: Sử dụng GB WhatsApp bản sửa đổi sẽ khiến bạn bị cấm vĩnh viễn

GB WhatsApp là một bản sao của WhatsApp không chính thống dành cho Android. Lý do đằng sau sự phổ biến ngày càng tăng của ứng dụng này là do các tính năng bổ sung của nó, vốn đang bị hạn chế trên WhatsApp.

Hạn hán đã qua, sản xuất chip tại Đài Loan vẫn gặp khó

Sự gia tăng của các trường hợp nhiễm Covid-19 có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng DRAM, 3D NAND tại Đài Loan, mặc dù tình hình hạn hán tại quốc gia này được cải thiện.

Màn hình xanh chết chóc chuyển thành màn hình đen trong Windows 11

Màn hình xanh chết chóc (BSOD) khét tiếng của Windows có thể sớm thay đổi màu sắc và trở thành “màn hình đen chết chóc” trên Windows 11.

Mạo danh ứng dụng công nghệ Blockchain để lừa đảo người dùng vào bẫy tiền ảo

Nhiều dự án lừa đảo hiện nay đang mạo danh ứng dụng Blockchain để giăng bẫy người dùng. Đây chỉ là một chiêu trò lừa đảo bằng kỹ thuật xã hội đơn giản nhưng dễ thu hút người dùng vì “đánh trúng” vào lòng tham.

Huawei phủ nhận tin đồn điện thoại Nokia mới sẽ dùng hệ điều hành HarmonyOS

Không lâu sau khi có thông tin cho rằng HMD Global đang chuẩn bị ra mắt smartphone Nokia mới đi kèm hệ điều hành HarmonyOS, Huawei đã lên tiếng phủ nhận điều này.