Cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn để Nghị quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân sớm đi vào thực tiễn

Toàn cảnh Tọa đàm President Club về Nghị quyết 68.

Ngày 9/5/2025, trong khuôn khổ Tọa đàm chuyên đề do President Club tổ chức tại trụ sở Tập đoàn Công nghệ CMC, hơn 30 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, luật sư và nhà hoạch định chính sách đã cùng thảo luận sâu về quá trình hình thành, tinh thần cốt lõi và các yêu cầu thực tiễn trong việc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ký ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Buổi tọa đàm được điều phối bởi ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC và TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), với không khí cởi mở, thẳng thắn, khơi mở nhiều góc nhìn gắn sát thực tế điều hành và chính sách.

Là một trong những người tham gia trực tiếp vào tổ biên tập Nghị quyết, ông Nguyễn Trung Chính cho biết: “Cường độ làm việc vượt xa mọi giai đoạn tôi từng trải qua. Có bản dự thảo được cập nhật lúc 11 giờ đêm và sáng sớm đã yêu cầu phải có ngay góp ý. Đội ngũ công chức đang làm việc với tinh thần quyết liệt, bền bỉ, thực sự rất đáng trân trọng”. Ông cũng tiết lộ, chỉ hai ngày sau khi Nghị quyết 68 ký ban hành, các nhóm công tác đã họp với Văn phòng Quốc hội để chuẩn bị cho nghị quyết triển khai, dự kiến trình vào ngày 18/5 – tức chỉ sau đúng hai tuần. Nếu đúng tiến độ, lễ công bố có thể được tổ chức vào ngày 19/5 – dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đi thẳng vào vấn đề cần thảo luận, ông Nguyễn Trung Chính khẳng định – Nghị quyết 68 là một bước đột phá về tư tưởng, khi lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là động lực quan trọng nhất. Nếu triển khai đúng hướng, phần lớn các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ”. TS. Võ Trí Thành cũng đồng tình xem đây là một cú chuyển lớn từ quan niệm coi tư nhân là “một bộ phận” đến vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển.

Rào cản lớn vẫn là cơ chế và thủ tục hành chính

Các doanh nhân tham gia tọa đàm đã chia sẻ những khó khăn cụ thể khi triển khai thực tế chính từ câu chuyện doanh nghiệp mình. Ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch NextTech nhắc nhớ: “Từ năm 2008, lãnh đạo cởi mở cấp phép thử nghiệm ví điện tử, nhưng đến 2015, tư duy siết chặt khiến sandbox mất 8 năm để ban hành. Khi ra đời, quy định yêu cầu tổng giám đốc phải có kinh nghiệm làm trong ngành ngân hàng, loại bỏ những người có tư duy đổi mới ngoài ngành”. Ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch Tập đoàn Giovanni cũng phản ánh trường hợp xin phép đầu tư kéo dài 4 năm chỉ vì dự án không nằm trong khu công nghiệp, phải xin đủ 17 chữ ký từ UBND tỉnh để được giao đất. Những thủ tục này không chỉ gây chậm trễ mà còn đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ bị treo dự án vô thời hạn.

Trong khi đó, ông Đào Xuân Dũng – Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn UHY không hài lòng với quy định cấm xuất cảnh lãnh đạo doanh nghiệp vì chậm nộp thuế chỉ vài chục triệu đồng. Theo ông Dũng điều này không chỉ gây khó khăn phiền hà mà nhiều khi có thể làm sụp giá cổ phiếu doanh nghiệp chỉ vì sai sót nhỏ của kế toán. Ai chịu trách nhiệm cho những quy định thiếu linh hoạt này? Ông cũng cảnh báo về tình trạng hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí do các dự án không được chuyển nhượng vì rào cản pháp lý.

“Một doanh nghiệp mất cả năm chỉ để xin phép in bao bì vì bị xếp vào hoạt động xuất bản. Những điều này không chỉ gây khó khăn mà còn cho thấy sự lỗi thời trong hệ thống pháp lý” – Luật sư Bùi Văn Thành nêu một trường hợp khác.

Xung đột lợi ích, thao túng thị trường, khối tư nhân khó tiếp cận nguồn vốn

Nêu bật một góc nhìn thực tế có tính nghiêm trọng khác, bà Nguyễn Ngọc Hà từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cảnh báo: “Các ngân hàng thương mại hiện nay không chỉ cho vay mà còn sở hữu công ty chứng khoán, hoạt động như nhà môi giới, tư vấn, định giá và giao dịch – điều này tạo ra những mắt xích khép kín có thể thao túng thị trường”.

Bà Hà chỉ ra rằng, dòng vốn đang quẩn quanh trong các nhóm đặc quyền, tạo ra “doanh nghiệp zombie” chiếm dụng vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân không thể tiếp cận được nguồn lực. Vì vậy không thể có cạnh tranh công bằng nếu thị trường bị thao túng bởi xung đột lợi ích. Ngoài ra, bà cũng chỉ trích sự lỏng lẻo trong quản lý quảng bá sản phẩm tài chính đại chúng vốn cần được kiểm soát chặt chẽ như ở các nước phát triển.

Một tinh thần mới đang hình thành, doanh nghiệp tư nhân chủ động, gắn kết hơn

Sự thẳng thắn, cởi mở góp ý tại Tọa đàm cho thấy đang có một sự chuyển động tích cực diễn ra. Đó là khu vực tư nhân không còn chờ đợi chính sách ban hành từ trên xuống, mà đã chủ động đóng góp, đề xuất và đồng hành cùng Nhà nước trong từng bước thực thi. Các doanh nghiệp như CMC, MISA, 1Office, Giovanni… không chỉ nêu vướng mắc mà còn đề xuất cơ chế cụ thể, chương trình hành động và cam kết triển khai.

“Luật ban hành càng ngày càng chung chung, đẩy trách nhiệm xuống nghị định, thông tư. Chúng ta cần học cách làm luật của các nước phát triển – rõ ràng, có thể áp dụng ngay” – ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch công ty MISA thẳng thắn chia sẻ.

TS. Võ Trí Thành khuyến nghị doanh nghiệp nên tăng cường phân tích chi phí – lợi ích, đánh giá tác động chính sách để góp ý hiệu quả hơn. Luật sư Bùi Văn Thành đề xuất phát triển cổng thông tin quốc gia minh bạch về cơ hội đầu tư. Ông Đặng Huy Đông – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lưu ý “Sandbox cần kiểm soát theo không gian – thời gian – rủi ro, nhưng không nên trói buộc sáng tạo bằng các điều kiện bảo thủ”.

“Chính phủ nên trích ngân sách mua phần mềm Việt để cấp miễn phí cho doanh nghiệp mới dưới 3 năm tuổi. Chúng tôi không xin hỗ trợ bằng tiền, chỉ cần được đưa công cụ vào tay doanh nghiệp” – là ý kiến của ông Lê Việt Thắng – Tổng giám đốc 1Office.

Rõ ràng, Nghị quyết 68 với tinh thần đột phá, đã mở ra không gian chính sách mới. Nhưng hành trình từ chủ trương đến hiện thực không thể chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước. Đó là một quá trình song hành, trong đó doanh nghiệp, chuyên gia và toàn xã hội phải cùng bước tới.

Tọa đàm lần này cũng ghi nhận vai trò ngày càng nổi bật của President Club – một mô hình kết nối hợp tác Công – Tư với thành viên là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cựu chính khách và các chuyên gia hàng đầu về chính sách trong nhiều lĩnh vực – trong việc thúc đẩy những cuộc thảo luận có chiều sâu và hành động có trọng tâm. Được kỳ vọng là cầu nối hiệu quả giữa khu vực công và tư, giữa ý chí chính trị và đòi hỏi của thị trường, President Club đang trở thành một nền tảng đáng tin cậy để đồng hành với những cải cách lớn vì sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm
‘Đại dịch’ ransomware 2025: Giảm quy mô, tăng lượng tiền

Trong báo cáo về mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) 2025, Hãng bảo mật Kaspersky cho biết tuy số lượng có giảm nhưng mức độ nguy hiểm và lượng người bị ảnh hưởng tăng lên.

Xiaomi lấy lại vị trí Top 2 thị phần smartphone tại Việt Nam trong Quý I/2025

Theo báo cáo mới nhất từ Canalys, Xiaomi chính thức quay trở lại vị trí Top 2 tại thị trường smartphone Việt Nam trong Quý I/2025 với 19% thị phần phân phối, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một cột mốc đáng chú ý, đặc biệt khi đây là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất do nhu cầu tiêu dùng tăng vọt trong mùa Tết Nguyên đán.

Samsung được đồn đoán sẽ thử nghiệm Android 16 trong tháng này

Sau một khởi đầu chậm chạp, Samsung đã gần hoàn tất việc triển khai One UI 7 dựa trên Android 15 mà nhiều người dùng Galaxy đã phải chờ đợi trong nhiều tháng.

Meta công bố các giải pháp AI tăng trưởng kinh doanh và trải nghiệm thương mại tại Việt Nam

Ngày 8/5, tại sự kiện Meta Marketing Summit 2025, Meta chính thức giới thiệu loạt giải pháp AI mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt mở rộng tiềm năng tăng trưởng trong nền kinh tế số.

Chất lượng các mạng di động đồng loạt cải thiện, Viettel dẫn đầu về tốc độ, kể cả 5G

Theo dữ liệu công bố từ nền tảng i-Speed của Trung tâm Internet Việt Nam, tháng 4/2025 tốc độ mạng băng rộng di động của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đồng loạt được cải thiện. Trong đó, Viettel có chất lượng mạng di động tốt nhất, với tốc độ tải xuống đạt 88,97 Mbps và tải lên đạt 27,98 Mbps. 

TV QLED của Samsung là “Màn hình Chấm lượng tử Đích thực” theo đánh giá của TÜV Rheinland

Dòng TV QLED mới nhất của Samsung đã nhận được chứng nhận ‘Màn hình Chấm lượng tử Đích thực’ (Real Quantum Dot Display) từ TÜV Rheinland, tổ chức chứng nhận quốc tế có trụ sở tại Đức.

Có đến 87% tổ chức đã gặp các sự cố bảo mật liên quan tới AI

Theo Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng năm 2025 của Cisco vừa công bố, chỉ có 11% tổ chức tại Việt Nam đạt được cấp ‘Trưởng thành’ về mức độ sẵn sàng cần thiết để có thể ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh mạng hiện nay. Tuy có tăng so với năm ngoái (chỉ có 6% tổ chức tại Việt Nam được đánh giá ở cấp Trưởng thành), mức tăng này không đáng kể.

FPT Shop có đội tuyển eSports chuyên nghiệp riêng, thi đấu bộ môn EA SPORTS FC Online

FPT Shop vừa chính thức ra mắt đội tuyển thể thao điện tử chuyên nghiệp thi đấu bộ môn EA SPORTS FC Online với tên gọi FPT SHOP FC ONLINE.

Một tàu vũ trụ của Liên Xô sắp rơi xuống Trái Đất sau 53 năm phóng lên không gian

Một tàu vũ trụ của Liên Xô có tên Cosmos 482 sẽ quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất trong tuần này, sau hơn 50 năm kể từ khi được phóng.

ASUS ROG tung loạt laptop gaming trang bị RTX 50 series mạnh nhất khuấy đảo thị trường

Ngày 7/5, ASUS Republic of Gamers (ROG) chính thức giới thiệu dải laptop gaming ROG Strix SCAR 16/18, ROG Zephyrus G14 và ROG Zephyrus 16 tại thị trường Việt Nam. Không những là những chiến binh sở hữu công nghệ mạnh nhất, các dòng máy này còn có những cải tiến thiết kế rất ấn tượng lần đầu tiên ra mắt.