Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi

Công tác điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 (Bình Chánh, TP HCM). Ảnh: @Báo Người Lao Động.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 30/8, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 435.265 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 50% số bệnh nhân đã khỏi bệnh. Trong số các trường hợp đang điều trị có 6.309 ca nặng, cùng 19.431.093 liều vaccine đã được tiêm chủng cho người dân.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có tổng cộng 435.265 ca mắc Covid-19, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 164/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, với bình quân cứ 1 triệu người có 4.427 ca nhiễm.

Còn nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 431.072 ca, trong đó có 217.028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 29/8 là 8.813 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên tới 219.802 ca. Cũng theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.309 ca, trong đó:

– Thở oxy qua mặt nạ: 4.069 ca.

– Thở oxy dòng cao HFNC: 1.221 ca.

– Thở máy không xâm lấn: 118 ca.

– Thở máy xâm lấn: 877 ca.

– ECMO: 24 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.749 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc.

Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 29/8 có thêm 261.692 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.

Riêng tại TP HCM, tính đến 6 giờ sáng ngày 30/8, toàn địa bàn thành phố có tổng cộng 209.921 ca nhiễm, 8.624 ca tử vong, cùng 5.945.488 liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm chủng cho người dân.

Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi - Covid 19 4 7
Ảnh: @Báo Tuổi Trẻ.

Bộ Y tế: F0 không được tiếp xúc với vật nuôi trong nhà

Đây là khuyến cáo của Bộ Y tế được thông tin trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà ban hành kèm theo quyết định số 4156. Bộ Y tế cũng lưu ý người cùng nhà với người nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc người và các động vật khác ngoài gia đình.

Người nhiễm nên được bố trí phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng. Nếu không có, gia đình cần đánh dấu không gian riêng cho người nhiễm và luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với F0.

Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi - Covid 19 1 25
Bộ Y tế khuyến cáo người mắc Covid-19 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus có thể lây sang động vật. Ảnh: @AFP.

Bên cạnh đó, người nhiễm không ăn uống cùng hoặc tiếp xúc gần người khác hoặc di chuyển ra khỏi khu vực cách ly.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có một số lưu ý khác về việc vệ sinh dụng cụ ăn uống của người mắc Covid-19 để tránh lây nhiễm như: F0 nên có một bộ đồ ăn riêng, tốt nhất là nên dùng dụng cụ dùng một lần; rửa bát đĩa bằng nước nóng và xà phòng; nên tự rửa bát ở phòng riêng. Người chăm sóc hỗ trợ phải mang găng tay khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa hộ.

Nhà phải thường xuyên mở cửa sổ và lối đi khi có thể để không khí luôn được thay đổi; không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm; không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung; sử dụng quạt và máy lọc không khí.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh rửa tay là cách giảm lây nhiễm Covid-19 tốt nhất. Theo đó, người dân cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước tối thiểu là 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây.

Các thời điểm rửa tay bao gồm: Trước và sau khi nấu ăn; trước và sau khi ăn uống; sau khi ho, hắt xì, xì mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh và sau khi thu dọn rác thải…

Để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng, các thành viên cùng chung sống trong gia đình phải tuân thủ các lời khuyên sau đây:

– Cách ly người nhiễm khỏi những người khác

– Vệ sinh tay thường xuyên

– Đeo khẩu trang, sử dụng găng tay đúng cách

– Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm

– Vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ

– Xử lý đồ vải và vật dụng đúng quy định

– Quản lý chất thải và dịch tiết đúng cách.

Bộ Y tế chưa cấp phép sản phẩm liên quan đến giun đất chữa Covid-19

Ngày 29/8, Bộ Y tế thông tin về việc đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần Địa long (giun đất) nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của giun đất.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang.

Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi - Covid 19 3 19
Nhiều người đang lan truyền những thông tin sai lệch trên mạng xã hội về “địa long”. Ảnh: @Google.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Delta gây ra đang diễn biến rất phức tạp ở Việt Nam hiện nay, lợi dụng tâm lý người dân về việc tìm kiếm các sản phẩm có tác dụng phòng, chống Covid-19, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, chia sẻ những thông tin không chính xác, không có căn cứ khoa học, chưa được kiểm chứng về tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19 của dược liệu Địa long trong thời gian qua.

TP.HCM: Gỡ hơn 300 nội dung bài viết, video trên mạng xã hội đăng tin giả về Covid-19

Thông tin từ Trung tâm báo chí TP.HCM, vừa qua Sở TT&TT TP đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các chủ tài khoản của trang mạng xã hội có hành vi lan tin giả, tin xuyên tạc. Từ đó xâm phạm trật tự xã hội, gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch tại TP.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, Sở đã phối hợp với Công an TP, các Cục thuộc Bộ TT&TT thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên không gian mạng.

Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi - Covid 19 2 4
Sở TT&TT TP.HCM và Công an TP lập biên bản với người vi phạm. Ảnh: @TTBC.

Theo ông Thắng, trong hoạt động quản lý thông tin trên không gian mạng, Sở phối hợp với các Cục thuộc Bộ TT&TT đã gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, 182 video trên kênh Youtube, 17 video trên ứng dụng Tiktok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Sở cũng phối hợp với Trung tâm xử lý tin giả, Bộ TT&TT xác minh và công bố ba tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Đồng thời, chuyển bốn trường hợp cho Bộ TT&TT xử phạt theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, từ tháng 4/2021 đến nay, Sở TT&TT TP đã tiến hành xử phạt 15 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là hơn 122 triệu đồng. Trong đó, có bảy trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật; tám trường hợp chia sẻ thông tin gây hiểu lầm, hiểu sai nội dung, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Sở TT&TT rất mong người dân TP không cung cấp, chia sẻ, phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang cho xã hội và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý cương quyết, áp dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm răn đe, hạn chế các trường hợp lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ Y tế: Chế độ ăn cho người mắc Covid-19 giảm diễn biến nặng, nhanh hồi phục

Người bệnh nhiễm Covid-19 đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị.

Nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng:

– Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm (nếu được) để duy trì thể trạng, thể chất bình thường

– Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi mức ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi…

– Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng.

– Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.

– Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

Dinh dưỡng đầy đủ và cân đối

– Đảm bảo đủ các và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm.

– Không bỏ bữa: Ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ.

– Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường; 10% tổng năng lượng ăn vào).

– Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sỹ.

– Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng cho người trưởng thành

– Năng lượng 30- 35 kcal/kg cân nặng/ngày, chất đạm 15-20% tổng năng lượng, nhu cầu chất béo 20-25% tổng năng lượng, chất đường bột 50 -65% tổng năng lượng.

– Cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi. Đặc biệt tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E; các thực phẩm giàu kẽm và selen. Rau xanh 300g/ngày, hoa quả 200g/ngày.

– Chất xơ cung cấp 18-20g/ ngày.

– Muối 5g/ngày.

– Uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày), nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát, nên uống nước lọc, nước ép hoa quả.

– Người bệnh có sốt nên uống Orezol để bù nước và điện giải.

Nguyên tắc dinh dưỡng đối với trẻ em:

– Định kỳ theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng cân nặng và lượng thức ăn trẻ ăn vào.

– Chế độ ăn cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính: lipid (lipid động vật và lipid thực vật), vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lƣợng (protein, lipid, carbohydrate), protein (protein động vật và thực vật).

Trẻ phải ít nhất có 1 bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.

– Hàng ngày phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).

– Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường 5% tổng năng lượng ăn vào).

– Hạn chế ăn quá mặn.

– Cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi, tránh uống nước ngọt công nghiệp.

– Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi dùng sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ 2 tuổi dùng 500 ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).

Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.

Tình hình thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 448.140 ca mắc Covid-19 mới và 7.258 ca tử vong, nâng tổng người chết từ đầu đại dịch lên trên 4,51 triệu người. Ấn Độ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới trong khi Nga đứng đầu về ca tử vong mới.

Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi - Covid 19 1 15
Ảnh: @Worldometer.info.

Theo trang thống kê Worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 30/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 217.172.942 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.514.161 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 448.140 và 7.258 ca tử vong mới.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ dẫn đầu thế giới với 43.381 ca nhiễm mới; tiếp theo là Mỹ (36.561 ca), Anh (33.196 ca) và Iran (31516 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới trong 24 giờ qua với 797 người chết, tiếp theo là Mexico (756 ca) và Iran (581 ca). Ở hạng mục này, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu với 344 ca.

Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi - Covid 19 2 11
Ảnh: @Worldometer.info.

Tình hình Đông Nam Á

Trong ngày 29/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 80.000 ca nhiễm mới và 1.665 ca tử vong. Indonesia ghi nhận ca nhiễm mới giảm mạnh, mở đường cho kế hoạch sống chung lâu dài với dịch bệnh, trong khi Singapore đạt tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới.

Theo thống kê của trang Worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 80.046 ca mắc mới Covid-19 và 1.665 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 9.927.616 trường hợp và 220.211 ca tử vong. Toàn khối có 8.612.535 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 551 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 344 ca; Malaysia ghi nhận 285 ca tử vong; Thái Lan thêm 264 ca; Campuchia ghi nhận thêm 11 ca, Đông Timor 3 ca.

Bộ Y tế: Không để vật nuôi ra khỏi nhà, F0 không được tiếp xúc với vật nuôi - Covid 19 1 10
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: @AFP/ TTXVN.

Với 20.579 ca nhiễm trong ngày 29/8, Malaysia tiếp tục đứng đầu khu vực về ca mắc mới, trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan nhanh tại nước này do biến thể Delta. Philippines ghi nhận thêm 18.528 ca mắc mới, đứng thứ hai trong khối, với tổng ca bệnh 1.954.023, bao gồm 33.109 ca tử vong.

Cùng ngày, Thái Lan thông báo đã ghi nhận 16.536 ca mắc mới và 264 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên mức 1.174.091 ca, trong đó có 11.143 ca tử vong. Riêng thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận ghi nhận gần 7.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan xuống dưới mốc 17.000 ca kể từ ngày 29/7. Số ca mắc mới tại Thái Lan đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Cho tới nay. khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều.

Indonesia ghi nhận ca mắc mới giảm mạnh xuống dưới 10.000, với 7.427 ca trong ngày. Tuy vậy, nước này vẫn dẫn đầu khu vực về tổng ca bệnh là 4.073.831, bao gồm 131.923 ca tử vong.

Campuchia thông báo đã ghi nhận tổng cộng 438 ca mắc mới và 11 ca tử vong trong ngày 29/8, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 92.208 ca và 1.881 ca tử vong. Có khoảng 10,44 triệu người, tương đương 65,25% dân số Campuchia đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi đó 8,34% đã hoàn thành tiêm chủng.

Trong ngày 29/8, Bộ Y tế Lào thông báo nước này ghi nhận thêm 195 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 97 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, Savannakhet vẫn là tỉnh có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nhất cả nước với 57 ca.

Trên 80% dân số đã tiêm chủng, Singapore dẫn đầu thế giới

Trong thông báo ngày 29/8, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết “đảo quốc sư tử” đã hoàn thành việc tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cho 80% trong tổng số 5,9 triệu người dân nước này. Trên tài khoản Facebook, ông viết: “Chúng ta đã vượt qua một cột mốc mới, trong đó 80% dân số (Singapore) đã được tiêm đủ hai liều vaccine”.

Theo thống kê của hãng Reuters, Singapore hiện đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Giới chức Singapore thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi đạt cột mốc tiêm ngừa Covid-19 cho 80% dân số.

Hiện giới chức y tế nước này đang cân nhắc khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 bổ sung trong thời gian tới và có thể sẽ tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022.

Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết, hệ miễn dịch của nhiều người đã không thể tạo ra đủ kháng thể chống Covid-19 sau hai mũi tiêm vaccine nên việc nghiên cứu tiêm thêm mũi bổ sung là cần thiết. Ông cho rằng những người này bao gồm những người đang điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo, hoặc các bệnh nhân khác đang được điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch. Do tình trạng bệnh lý của họ như vậy nên cơ thể không thể sản sinh nhiều kháng thể, hoặc kích hoạt các cơ chế cần thiết để chống lại virus SARS-CoV-2.

Ủy ban chuyên gia về vaccine ngừa Covid-19 đang nghiên cứu và theo dõi dữ liệu cả trong và ngoài nước và sẽ sớm đề xuất chiến lược tiêm liều vaccine bổ sung trong thời gian tới. Hiện nay, có một số nước như Israel, Pháp, Đức và Anh đã khởi động, cũng như đang chuẩn bị tiêm mũi bổ sung thứ 3.

Cũng theo Bộ trưởng Ong Ye Kung, Singapore có thể sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022 sau khi nghiên cứu toàn diện về khía cạnh hiệu quả và an toàn.

Có thể bạn quan tâm
Những mẫu iPhone 12 nào được Apple sửa chữa loa miễn phí?

Apple vừa công bố chương trình sửa chữa cho một số thành viên iPhone 12 và iPhone 12 Pro bị lỗi loa tai nghe. Đó là những mẫu được sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021.

Người dân thành phố Thủ Đức có thể mua hàng hóa thiết yếu qua Grab

Từ ngày 28/8/2021, Thành phố Thủ Đức và Grab Việt Nam sẽ phối hợp để triển khai chương trình hỗ trợ mua hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân thông qua ứng dụng Grab.

TP. Đà Nẵng triển khai flycam kiểm tra việc phòng, chống dịch

Với sự hỗ trợ của đội bay đến từ Hội Phát triển Đà Nẵng, quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) đã sử dụng thiết bị quay video được điều từ xa (flycam) để ghi lại hình ảnh về tình hình người dân TP chấp hành phòng, chống dịch tại các ngõ hẻm.

Microsoft sẽ làm cho Windows 11 tương thích với nhiều chip PC hơn

Hôm 27/8, Microsoft cho biết họ sẽ cho phép nhiều loại chip PC có thể chạy Windows 11 – hệ điều hành máy tính để bàn thế hệ tiếp theo dự kiến ​​phát hành vào cuối năm nay.

Laptop cắm nguồn và bật liên tục, lợi bất cập hại

Thói quen sạc và sử dụng nguồn là chìa khóa để giữ cho MacBook luôn hoạt động tốt. Tuy nhiên liệu điều đó có thực sự an toàn hay không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.

Sáng 28/8: Bản tin dịch Covid-19 Việt Nam và thế giới

Tính đến 6 giờ sáng ngày 28/8, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 410.366 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 198.614 trường hợp đã khỏi bệnh, cùng tổng cộng 18.843.004 liều vaccine đã được tiêm chủng cho người dân.

Người dùng iPhone không phải là fan cuồng của Apple

Nếu sở hữu một chiếc iPhone không có nghĩa là mọi người dùng đều lao theo các thiết bị khác của Apple, ít nhất đối với một số lượng nhỏ người tiêu dùng Mỹ.

iPhone 13 đứng trước nguy cơ bị tăng giá

TSMC đã thông báo với các đối tác rằng họ sẽ tăng giá chip trong năm nay, bao gồm cả khách hàng lớn nhất của họ là Apple. Điều này có thể khiến iPhone 13 trở thành sản phẩm đầu tiên bị tăng giá.

Nếu đàm phán thuận lợi, mỗi tuần TP.HCM sẽ nhận 500.000 liều vaccine từ Mỹ vào đầu tháng 9

Tính đến 6 giờ sáng ngày 27/8, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 392.938 ca mắc Covid-19, trong đó có 188.488 bệnh nhân đã khỏi, cùng hơn 18 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm chủng cho người dân.

Cảnh báo lừa đảo “đi chợ hộ”, bán thực phẩm qua hội nhóm Zalo và Facebook

Những ngày gần đây, không ít người dân đã sập bẫy lừa đảo yêu cầu chuyển tiền trước khi mua thực phẩm, đăng ký đi chợ hộ qua các hội nhóm trên Facebook và Zalo.