Bản tin Covid-19 sáng 4/9

Nhân viên y tế lấy thông tin tất cả người dân lấy mẫu xét nghiệm tại Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: @Hoàng Hiếu/TTXVN.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 4/9, Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có tổng cộng 501.649 ca mắc Covid-19, có hơn 50% bệnh nhân đã khỏi bệnh, trong số các ca đang điều trị có gần 6.500 ca nặng, cùng hơn 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm chủng cho người dân.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 501.649 ca mắc Covid-19, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, với bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca nhiễm.

Còn nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 497.391 ca, trong đó có 267.894 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 3/9 là 11.344, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 270.668. Cũng theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca, trong đó:

– Thở oxy qua mặt nạ: 4.122 ca.

– Thở oxy dòng cao HFNC: 1.295 ca.

– Thở máy không xâm lấn: 179 ca.

– Thở máy xâm lấn: 867 ca.

– ECMO: 28 ca.

Ngoài ra, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.446 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc.

Về tình hình tiêm chủng, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 20.831.478 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.872.356 liều, tiêm mũi 2 là 2.959.122 liều.

Riêng tại TP HCM, tính đến 6 giờ sáng ngày 4/9, toàn địa bàn thành phố có tổng cộng 241.084 ca nhiễm, 9.974 ca tử vong, cùng 6.090.003 liều vaccine đã được tiêm chủng cho người dân.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 2 1
Ảnh: @Báo Tuổi Trẻ.

Camera quét mã QR khai báo “di chuyển nội địa”: Vừa nhanh, vừa hạn chế tiếp xúc

Ngày 3/9, Công an TP HCM cho biết đã thử nghiệm camera quét mã QR khai báo “di chuyển nội địa” tại hai chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn quận 1 và quận 3. Hai chốt được thực hiện thử nghiệm là giao lộ Nguyễn Trãi – Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1 và chốt trên đường Cách Mạng Tháng Tám trước trụ sở Công an quận 3.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 1 1
Người đi đường quét mã QR qua camera tại chốt kiểm soát đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, chiều 3/9. Ảnh: @Gia Minh.

Khi người dân đi qua chốt, CSGT kiểm tra giấy tờ xong, sẽ thực hiện quét mã khai báo “di chuyển nội địa”, đưa mã QR vào camera, máy sẽ tự động quét mã, đồng thời ghi thông tin dữ liệu được truyền đến máy tính do cán bộ trực ngồi kiểm tra. Cán bộ trực sẽ kiểm tra thông tin người dân đã khai báo xem có đúng với giấy đi đường, giấy tờ tùy thân hay không và cho qua (nếu đúng), hoặc yêu cầu quay đầu.

Như vậy, thay vì cán bộ tại chốt phải dùng điện thoại cá nhân của mình để quét mã và kiểm tra như trước đây, thì với camera này, cán bộ công an chỉ việc ngồi kiểm tra trên máy tính được truyền dữ liệu từ hình ảnh mà camera ghi lại.

Ngoài ra, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM, việc quét mã QR tự động bằng camera giúp cán bộ tại chốt và người dân không tiếp xúc nhau, hạn chế lây lan dịch bệnh. Việc sử dụng camera quét mã vạch tự động bước đầu thử nghiệm khá tốt, người dân đi qua chỉ cần xuất trình mã QR trước máy đọc, chỉ mất khoảng 5 giây để máy xác thực.

Đây là giải pháp an toàn nhất cho người dân và lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an. Tuy nhiên, Thượng tá Hà cho biết, khó khăn đối với giải pháp này là mua sắm trang thiết bị, mỗi trạm đều cần phải có laptop, camera…

Bộ Y tế: Từ nay đến 15/9, khu vực nguy cơ cao, rất cao xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình ít nhất 2-3 ngày/lần

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Công điện số 1305/CĐ-BYT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.

Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, cùng với đó vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 2 1
Hướng dẫn người dân lấy mẫu xét nghiệm tại hộ gia đình. Ảnh: @Bộ Y tế.

Từ nay đến 15/9, khu vực có nguy cơ cao, rất cao xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình ít nhất 2-3 ngày/ lần.

Nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách. Tiếp tục tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ để đảm bảo giá trị và tiến độ xét nghiệm.

Từ nay đến ngày 15/9/2021, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình;

Thực hiện nghiêm các nội dung theo Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 05/8/2021, Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, trong đó đặc biệt lưu ý việc đánh giá tình hình dịch để phân loại các khu vực theo mức độ nguy cơ để triển khai thực hiện việc xét nghiệm thần tốc.

Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp… đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu. Xem xét, tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế.

Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động sàng lọc, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế, và trả kết quả xét nghiệm chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy mẫu bệnh phẩm. Áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp.

Bộ Y tế nêu rõ căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động sàng lọc, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế

Thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu toàn bộ hoặc đại diện thành viên nhà ở, hộ gia đình là người có tần suất tiếp xúc nhiều bên ngoài (thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhân viên ngân hàng, tiếp thị, người làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, người giao hàng…) và người sống ở khu vực nguy cơ tập trung đông người nguy cơ cao (nhà trọ, khu dân cư mật độ dân số cao…).

Thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu. Tần suất lấy mẫu trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo văn bản số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021.

Tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh lây lan rộng.

Bộ Y tế kêu gọi F0 khỏi Covid-19 tham gia chống dịch tại TP HCM

Sáng 3/9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM gửi thư ngỏ tới các F0 đã khỏi Covid-19.

Trong thư, lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ TP.HCM “vẫn còn có quá nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết liệt, nỗ lực hết sức của chính quyền địa phương, nhân dân thành phố và lực lượng y tế đến hỗ trợ”.

Chính vì thế, ông Sơn đánh giá sự chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết chiến thắng bệnh tật của những F0 đã khỏi Covid-19 là một phần trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở TP.HCM hiện nay.

Qua thư, ông kêu gọi sự chung tay đóng góp của những người đã khỏi Covid-19, “thiết tha mong đợi sự tham gia của các bạn và công tác phòng, chống dịch của thành phố”.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 3 1
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: @Bộ Y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định bất kỳ vị trí, công việc nào mà các người bệnh tham gia đều được ông và toàn thể nhân dân TP HCM trân trọng, biết ơn.

Khi cảm thấy có đủ điều kiện sức khỏe, niềm tin và mong muốn chung tay góp sức, các F0 có thể đăng ký tham gia chống dịch Covid-19 tại phòng tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM theo số điện thoại 028.393.09967 hoặc 0907.574.269.

Ngành y tế sẽ đánh giá mức độ kháng thể kháng nCoV bằng test nhanh và bố trí điều kiện hợp lý cho các F0.

Trong thư, Thứ trưởng Sơn cũng chia sẻ và gửi lời chúc mừng, cảm ơn tới các bệnh nhân vì đã không từ bỏ hy vọng, dũng cảm chiến đấu, vượt qua bệnh tật để đem lại niềm vui cho gia đình, bạn bè, mang lại hạnh phúc cho đội ngũ nhân viên y tế và thắp sáng niềm tin cho sự chiến thắng đại dịch tại TP.HCM.

Khám bác sĩ 9 chuyên khoa tại nhà thông qua Tổng đài 1022 – nhánh 5

Sáng 3/9, Sở TT&TT TP HCM cho biết Cổng thông tin 1022 đã mở thêm “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa” hoạt động từ 8 giờ cùng ngày.

Theo Sở TT&TT, “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa” có sự tham gia tình nguyện của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ giàu kinh nghiệm đến từ Hội Y học TP.

Người dân chỉ cần gọi 1022 – nhấn phím 5 và tiếp tục bấm các phím theo hướng dẫn để chọn một trong chín lĩnh vực chuyên khoa cần tư vấn, hướng dẫn. Gồm bệnh Tim mạch – Huyết áp – phím 1; bệnh đường thở/hô hấp – phím 2; bệnh Sản phụ khoa – phím 3; bệnh Nhi khoa – phím 4; bệnh Tiểu đường – phím 5; bệnh Tai Mũi Họng – phím 6; bệnh Răng miệng – phím 7; các bệnh khác – phím 8.

Riêng lĩnh vực tư vấn tâm lý trong dịch Covid-19 – phím 9 sẽ hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 4 1
Gọi 1022 khi cần chăm sóc sức khỏe chuyên khoa. Ảnh: @Báo Người Lao Động.

Thời gian tư vấn sẽ diễn ra vào tất cả các ngày trong tuần theo các khung giờ cố định từ 8 giờ đến 10 giờ; từ 14 giờ đến 16 giờ; từ 19 giờ đến 21 giờ.

Sở TT&TT cho biết sở dĩ Cổng 1022 hoạt động thêm nhánh 5 này vì nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là tâm lý và sức khỏe của người dân TP.

Bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực để điều trị cho người dân mắc Covid-19 thì nhóm người dân mắc các bệnh lý thuộc các chuyên khoa như tim mạch, nội tiết, hô hấp… cũng rất cần được quan tâm, chăm sóc sức khỏe.

Chính vì vậy, việc được kết nối, trò chuyện với các chuyên gia y tế để chủ động nắm bắt tình trạng sức khỏe, cách tự chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn hiện nay là nhu cầu hết sức bức thiết của người dân.

Sở TT&TT TP khẳng định với việc đưa vào hoạt động “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa” thông qua Cổng 1022, người dân sẽ có cảm giác an toàn, giữ vững tinh thần lạc quan khi luôn có các bác sĩ đồng hành trong quá trình phòng chống dịch.

Chung cư ở TP.HCM lắp đèn UV khử khuẩn trong thang máy để phòng dịch

Ban quản lý khu đô thị Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) vừa thống nhất với cư dân lắp đèn UV khử khuẩn cho toàn bộ thang máy trong các tòa tháp tại đây.

Thang máy được xem là không gian kín, nhiều bề mặt kim loại là nơi virus SARS-CoV-2 bám dính lâu, có nhiều chỗ thường xuyên tiếp xúc như nút bấm trên bảng điều khiển, thanh vịn…

Nhiều chung cư, tòa nhà đã phải lên lịch khử khuẩn thang máy bằng dung dịch cồn liên tục. Tuy nhiên, biện pháp truyền thống này cũng có nhiều hạn chế như không thể thực hiện xuyên suốt, cồn có thể làm hỏng, chập điện bảng điều khiển…Sau khi lựa chọn nhiều giải pháp, Ban quản lý tại đây đã đề xuất lắp đèn UV khử khuẩn. Toàn bộ thang máy tại các tòa nhà sẽ được lắp thiết bị từ ngày 1-8/9.

Chị Lê Ngọc Trân (cư dân Masteri Thảo Điền) cho biết: “Thông tin được ban quản lý gửi đến cho toàn bộ cư dân, riêng cá nhân tôi rất ủng hộ biện pháp này. Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, với người dân tại chung cư thì thang máy là nguồn lây nhiễm nhiều nguy cơ nhất. Nếu có biện pháp này thì tôi khá yên tâm”.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 6
Nhiều hệ thống đèn UV diệt khuẩn dần được lắp đặt ở thang máy của các tòa nhà bệnh viện, chung cư, trung tâm y tế. Ảnh: @THU TRINH.

Ngoài ra, theo thông tin từ Ban quản lý chung cư này, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cư dân, đèn UV khử khuẩn chỉ bật sáng khi thang máy không có người. Bên cạnh Masteri Thảo Điền, Ban quản trị và Ban quản lý của Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) cũng đang thử nghiệm đèn UV khử khuẩn tại một vài thang máy.

Hiện, Ban quản trị tại đây còn đang đợi thêm sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia về ảnh hưởng của loại đèn này khi sử dụng đối với sức khỏe.

Song song với việc khử khuẩn, Vinhomes Central Park hiện cũng tăng cường thêm các biện pháp chống dịch. Để tránh tình trạng có nguồn lây nhiễm không mong muốn từ các shipper, đơn hàng giao nhận của cư dân sẽ được giao tại chốt kiểm soát, các tình nguyện viên phụ trách giao đến tận cửa cho cư dân.

“Chúng tôi muốn thực hiện các biện pháp chống dịch tốt nhất có thể. Ở chung cư phân phối dân cư phức tạp, nên việc giao nhận tại chốt do tình nguyện viên đảm nhận sẽ phần nào giảm thiểu khả năng tiếp xúc của cư dân với nguồn lây nhiễm từ bên ngoài”, đại diện Ban quản trị Vinhomes Central Park cho biết.

Các tình nguyện viên đăng ký đều đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, ngoài ra cứ 3-4 ngày phải thực hiện test nhanh toàn bộ.

Tình hình thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 632.304 trường hợp mắc Covid-19 mới và 9.436 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 220 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,56 triệu người không qua khỏi.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 1 1
Ảnh: @Worldometers.info.

Theo số liệu thống kê của trang Worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 220.564.525 ca, trong đó có 4.565.833 người tử vong.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 3 1
Ảnh: @Worldometers.info.

Về tổng số ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, Mỹ đứng đầu với 168.030 ca, Ấn Độ 42.346 ca và Anh 42.076 ca. Còn về tổng số ca tử vong mới cao nhất trong 24 giờ qua, Mỹ đứng đầu với 1.413 ca, Mexico với 993 ca, còn Nga với 799 ca. Ở hạng mục này, Việt Nam có 308 ca tử vong mới đứng vị trí thứ 9 trên toàn cầu.

Số ca mắc bệnh trong ngày đang tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều nước Á-Âu tình hình cũng đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.

Liên quan đến biến thể C.1.2 mới được xác định gần đây tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 3/9 dẫn báo cáo của các nhà khoa học cho biết trong giai đoạn hiện nay, biến thể này “không phải một nguy cơ”. Biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5 và đến nay đã lây lan ra tất cả 9 tỉnh của Nam Phi, được cho là biến thể có nhiều đột biến nhất so với các biến thể từ trước đến nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/9, Bộ trưởng Phaala cho biết: “Ở giai đoạn hiện nay, các nhà khoa học xác nhận rằng biến thể C.1.2 không phải một nguy cơ và đang tiếp tục được theo dõi”. Theo ông, tỷ lệ số ca bệnh được ghi nhận nhiễm biến thể này tương đối thấp. Ông cũng cho rằng gần như chắc chắn là Nam Phi sẽ đối mặt với đợt bùng phát thứ tư vào cuối năm nay. Trong tuần vừa qua, WHO đã đưa biến thể C.1.2 vào nhóm cần theo dõi thêm, tức là những biến thể có thể có nguy cơ trong tương lai nhưng các bằng chứng hiện tại vẫn chưa rõ ràng.

Tình hình Đông Nam Á

Theo thống kê của trang Worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 78.049 ca mắc bệnh Covid-19 mới, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 228.700 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã kéo dài nhiều tháng ở mức đỉnh. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.

Bản tin Covid-19 sáng 4/9 - Covid 19 5 1
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: @THX/ TTXVN.

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới trong ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì Covid-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia và cao nhất ASEAN trong 24 giờ qua. 

Ngày 3/9, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 330 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ hai trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Cũng theo trang web Worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không cố bố số liệu. Tình hình Covid-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 3/9 ghi nhận thêm trên 14.600 ca bệnh mới (nhiều thứ tư khu vực), trong khi số ca tử vong là 271 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.

Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại hơn khi nước này chỉ có 491 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh dịch, và số ca mắc mới cũng như tử vong vì Covid-19 tại nước này đang tiếp tục trên đà thuyên giảm. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Có thể bạn quan tâm
Vỏ Sò ghi nhận 36.000 đơn hàng sau 3 ngày triển khai ‘Đi chợ online’ tại TP.HCM

Theo ghi nhận từ sàn TMĐT Vỏ Sò (sàn TMĐT của Viettel Post), sau 3 ngày triển khai gian hàng ‘Đi chợ online’, hệ thống đã nhận được hơn 36.000 đơn hàng tại TP.HCM.

ASUS đã sẵn sàng tung loạt laptop màn hình OLED và Windows 11 cho người sáng tạo nội dung

Tại sự kiện Create the Uncreated diễn ra ở Đài Loan tối ngày 2/9 phát trực tuyến toàn cầu, ASUS đã công bố hệ sinh thái toàn diện dành cho nhà sáng tạo nội dung và người tiêu dùng với dải sản phẩm ProArt mới cùng các mẫu laptop sử dụng màn hình OLED chạy Windows 11.

WhatsApp nhận án phạt nặng từ Châu Âu vì vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu

Ireland vừa đưa ra mức phạt cao thứ hai từ trước đến nay tại Châu Âu vì vi phạm các quy định về GDPR của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền tảng nhắn tin phổ biến của Facebook, WhatsApp.

Apple có thể tiếp tục trì hoãn ra mắt MacBook Pro vì thiếu chip

Báo cáo mới cho thấy tình trạng thiếu chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến việc sản xuất các mẫu MacBook Pro sắp tới của Apple và buộc công ty trì hoãn ra mắt nó.

Cẩn trọng với cáp Lightning giả, bởi đó là công cụ tấn công của tin tặc

Việc giữ an toàn cho iPhone và dữ liệu cá nhân của người dùng có thể trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của cáp O.MG mới nhằm mục đích hack trông giống như cáp Lighting.

Âm thầm dọn rác thông tin cho Facebook, mỗi năm Accenture thu về 500 triệu USD

Accenture trở thành đối tác quan trọng của Facebook khi thực hiện các nhiệm vụ thanh lọc nội dung độc hại xuất hiện trên nền tảng ứng dụng này, với mức lương chi trả tầm khoảng 500 triệu USD mỗi năm.

Coocaa ra mắt dòng TV thông minh chạy hệ điều hành Coolita

Coocaa cho biết hệ điều hành Coolita mới sẽ mang đến trải nghiệm nhanh, mượt và tiện dụng cho nhu cầu sử dụng Internet TV đang rất phổ biến hiện nay.

iPhone 12 sẽ có giá trị bao nhiêu sau khi iPhone 13 ra mắt?

Decluttr – nền tảng cho phép người dùng bán các mặt hàng công nghệ bao gồm cả smartphone – vừa công bố báo cáo giá trị khấu hao điện thoại hàng năm dựa vào những định giá mà họ áp dụng.

iPhone 13 đang đẩy giá cổ phiếu của Apple lên mức cao kỷ lục

Vài tuần trước khi dòng iPhone 13 được công bố, cổ phiếu của Apple bất ngờ đạt mức cao nhất mọi thời đại mới.

Quốc gia nào sử dụng mạng dữ liệu đắt nhất, rẻ nhất?

Theo số liệu mới được StockApps báo cáo, vào tháng 7/2021, tổng số người dùng điện thoại di động trên toàn thế giới đạt gần 5,3 tỷ (chiếm 67% dân số thế giới), tăng hơn 117 triệu người so với tháng 7 năm ngoái.