Trong một thế giới nơi Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến, sự hiện diện của nó được cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhiều người xem thời đại của chúng ta ở hiện tại là một thời đại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy nhưng thách thức. Tuy nhiên, bản thân tôi nhận thấy rằng, mọi người xung quanh mình có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của AI, đặc biệt là khi AI được áp dụng vào các lĩnh vực sáng tạo như hội họa hoặc sáng tác âm nhạc.
Những quan niệm sai lầm này đã trở nên phổ biến, định hình quan điểm của đại đa số về AI. Theo quan điểm của tôi, AI nên được xem như là một công cụ, là một cánh tay nối dài, một “năng lực mới” của con người, được sử dụng cho các “tác vụ phổ thông”. Những “tác vụ phổ thông” được định nghĩa là các công việc phổ biến, thông thường của con người, và cũng vì lẽ đó, các tác vụ phổ thông này được con người thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần, cung cấp một lượng dữ liệu lớn và phong phú cho các mô hình AI có thể học được.
AI là một nhạc cụ, không phải là nhà soạn nhạc
Khả năng của AI đã và đang phát triển theo cấp số nhân, và ngày nay, AI tạo được tiếng vang sâu sắc hơn trong cuộc sống của chúng ta hơn bao giờ hết. Đặc biệt, lĩnh vực nghệ thuật thị giác và âm nhạc đã chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của AI, làm dấy lên các cuộc tranh luận về vai trò của AI trong lĩnh vực sáng tạo của con người.
Là một người viết nhạc, tôi hiểu được sự thiêng liêng của nghệ thuật – nó thường được xem là một khái niệm “độc quyền” của con người, nghệ thuật nói lên cảm xúc và sự khéo léo của người nghệ sĩ thông qua các tác phẩm của mình. Đồng thời, với tư cách là một người nghiên cứu và ứng dụng học máy, tôi đánh giá cao sự phức tạp của các thuật toán và dữ liệu cho phép AI tạo ra hình ảnh và âm nhạc.
Dưới con mắt học thuật, những công trình nghiên cứu này cũng được xem là kiệt tác của toán học và công nghệ. Tôi cũng xem các công trình này là các tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp rất khéo léo những lý thuyết khoa học được chuyển hóa thành những kết quả hữu hình và mở ra vô vàn các ứng dụng thú vị. Tuy nhiên, trong số những người đồng nghiệp của tôi trong cộng đồng nghệ thuật, có một nỗi lo sợ rõ ràng rằng một ngày nào đó AI có thể làm lu mờ khả năng sáng tạo của con người.
AI trong nghệ thuật của con người
Tôi tin rằng sự e ngại này bắt nguồn từ nỗi sợ hãi hơn là từ những suy nghĩ thấu đáo, có lý do. Nếu chúng ta tin tưởng vào giá trị độc đáo của nghệ thuật con người, chúng ta nên xem AI như một công cụ giúp chúng ta hoàn thành tác phẩm hơn là thay thế khả năng sáng tạo của chúng ta. Giống như một họa sĩ sử dụng bảng vẽ wacom hoặc một nhạc sĩ sử dụng các phần mềm làm nhạc, AI có thể trở thành một công cụ trong các sản phẩm nghệ thuật của con người, mở rộng khả năng của chúng ta và cho phép chúng ta khám phá những biên giới sáng tạo mới. Ở thời đại trước khi có bảng vẽ wacom, hay phần mềm làm nhạc, con người chúng ta cũng đã sử dụng cọ vẽ, và các nhạc cụ, để thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Ở mỗi thời kỳ, chúng ta sẽ có thêm nhiều công cụ khác nhau để thể hiện sức sáng tạo của mình.
Tác giả nổi tiếng Yuval Noah Harari, trong cuốn sách ‘Sapiens’, đã viết về sự tiến hóa của xã hội loài người và công nghệ. Chúng ta có thể xem AI là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển xã hội của chúng ta, cung cấp cho chúng ta một lăng kính mới để xem và sáng tạo nghệ thuật. Đó không phải là đối thủ mà có thể được xem là một cộng tác viên, giúp chúng ta phát huy tiềm năng sáng tạo của các nghệ sĩ.
Thông qua các dự án tổng hợp giọng nói và sáng tác nhạc dựa trên AI mà tôi đang thực hiện, AI đã có thể bắt chước và thậm chí đổi mới theo những cách mà trước đây không thể tưởng tượng được. Trong dự án Tổng hợp Giọng hát Việt của mình, sự tương tác giữa thuật toán học và khả năng âm nhạc, ca hát của con người đã mở ra cánh cửa đến những vùng chưa từng được khám phá.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là đằng sau mỗi giai điệu hoặc nét vẽ do AI tạo ra, đều có bộ óc con người hình thành ý tưởng, thiết kế thuật toán và quy trình. Trên hết, AI không phải được ngẫu nhiên tạo ra; nó là sự mở rộng của trí tuệ và sáng tạo của con người, gọi chung là dữ liệu. Có thể nói, sự bùng nổ dữ liệu đã mang đến sự tồn tại của các mô hình học máy ở thời điểm hiện tại. Nếu không có dữ liệu, sẽ không có AI.
Chúng ta có thể cần phải nhận định lại
Dựa vào định nghĩa ban đầu về các “tác vụ phổ thông”, một tác vụ muốn trở nên phổ thông thì tác vụ đó phải được con người làm nhiều lần, lặp đi lặp lại đủ nhiều, đủ dữ liệu cho máy có thể học được.Khi máy có thể học được cách vẽ tranh, hay cách viết nhạc, thì liệu các công việc tưởng chừng như là công việc sáng tạo của con người có còn là một công việc “sáng tạo” nữa hay không, hay chỉ là một “tác vụ phổ thông” lặp đi lặp lại?
Nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy được rằng, các sản phẩm sáng tạo của chúng ta, đôi khi cũng không hẳn là một tác phẩm sáng tạo hoàn toàn. Chúng ta sẽ có xu hướng đi theo sự sáng tạo của thời đại (ví dụ như thay vì vẽ tranh với phong cách ở thập niên 1950s, chúng ta vẽ với phong cách hiện đại hơn, như anime, chibi…). Vì lẽ đó, khả năng sáng tạo này có lẽ không hẳn là một kĩ năng mà chỉ số ít nghệ nhân trên thế giới làm được. Vì có nhiều người có khả năng làm được, dẫn đến việc sự vẽ tranh theo các phong cách nhất định trở thành một “tác vụ phổ thông”, từ đó sinh ra dữ liệu và dẫn đến sự tồn tại của AI vẽ tranh. Nói cách khác, khi sự phát triển của các mạng xã hội (như Tiktok, Youtube, Facebook) trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, người dùng rất khát nội dung trên các nền tảng này, dẫn đến việc thúc đẩy nội dung (như tranh ảnh, âm nhạc) ngày càng nhiều. Trong số rất nhiều nội dung được đưa lên mạng xã hội, chúng ta khó mà phân loại được đâu là nội dung có sự sáng tạo thật sự, hay là nội dung có sự vay mượn từ các nội dung cũ hơn, có “pattern” dễ dàng nhận ra bởi con người, và kể cả máy.
Ở một khía cạnh khác, có những tác phẩm độc nhất, tồn tại mãi với thời gian, bất hủ, thì AI sẽ không thể bắt chước được vì không đủ nhiều dữ liệu cho phong cách đó, kiểu vẽ đó, hoặc cách triển khai giai điệu của bài hát bất hủ đó. Khi một phong cách vẽ không đủ nhiều dữ liệu để máy học, ta có thể suy ra được cách vẽ của các nghệ sĩ này thật sự không phải là một “tác vụ phổ thông”, mà thật sự là một sự sáng tạo gần như độc nhất.
Hợp tác có kiểm soát
Khi tôi có dịp làm cố vấn cho thế hệ tiếp theo, những người đam mê AI hay lĩnh vực khai thác dữ liệu, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem AI như một công cụ cộng tác. Đó là phương tiện mà qua đó chúng ta cần dùng để giải quyết các vấn đề phức tạp, chứ không phải là một công cụ điều khiển ngược lại con người, không phải là thứ mà chúng ta phải bị phụ thuộc vào. Suy cho cùng, vai trò của AI trong nghệ thuật và cuộc sống không phải là để thay thế con người, mà là tăng cường và mở rộng.
Trong tương lai, sự tương tác giữa AI và con người sẽ phát triển thành mối quan hệ đối tác và có thể được kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện tại, các mô hình như ChatGPT đã trở thành một khái niệm đồng nghĩa như AI đối với nhiều người, được biết đến với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên trực quan. Tuy nhiên, khái niệm AI hay học máy rộng hơn rất nhiều so với các mô hình ngôn ngữ lớn.
Tôi hình dung ra một tương lai mà sự hiểu biết về AI không chỉ giới hạn ở các chuyên gia trong lĩnh vực này. Thay vào đó, nó trở thành một kỹ năng cơ bản, giống như đọc hoặc viết, và tất cả mọi người có thể làm được. Khả năng huấn luyện và điều chỉnh các mô hình AI cho nhu cầu cá nhân hoặc các vấn đề thông thường – cho dù đó là tạo ra hình ảnh, văn bản hay âm nhạc – sẽ trở thành một kỹ năng phổ biến.
Vẻ đẹp của tương lai này nằm ở việc dân chủ hóa kiến thức AI. Mọi người sẽ không chỉ dựa vào các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT cho mọi nhu cầu của họ. Thay vào đó, họ sẽ có kỹ năng đào tạo các mô hình học máy cho các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với cuộc sống cá nhân và công việc. Sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn cho tất cả các tác vụ là một sai lầm khá nghiêm trọng, vì suy cho cùng, các mô hình ngôn ngữ lớn này không có đủ các kiến thức chuyên ngành để có thể hỗ trợ chúng ta trong một bài toán cụ thể nào đó (ví dụ như sử dụng ChatGPT cho bài toán viết nhạc). Thay vào đó, chúng ta có thể cần phải biết cách huấn luyện các mô hình học máy truyền thống (các mô hình học máy trước thời đại Generative AI diễn ra). Khi đó, không những máy có thể hỗ trợ giải quyết các bài toán cụ thể, mà chi phí cho năng lượng tính toán, huấn luyện, sẽ nhỏ hơn rất rất nhiều so với các mô hình ngôn ngữ lớn.
Trong bức tranh tương lai này, khả năng sử dụng AI trở thành một kỹ năng bắt buộc phải có, một thành phần thiết yếu của giáo dục hiện đại và cuộc sống hàng ngày. Giống như chúng ta học cách sử dụng máy tính và điều hướng trên Internet, thế hệ tiếp theo khi lớn lên sẽ hiểu biết những kiến thức cơ bản về AI, thuật toán học máy và khoa học dữ liệu. Sự thay đổi này sẽ cho phép chúng ta sử dụng và kiểm soát được AI, các mô hình AI sẽ được cá nhân hóa và làm việc hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy mối liên kết giữa con người và công nghệ.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu về AI và cũng là một người làm nghệ thuật, tôi mơ về một thế giới nơi AI không phải là một khái niệm xa vời, bí ẩn, mà là một công cụ quen thuộc và dễ tiếp cận trong bộ công cụ của mọi người. Một thế giới nơi AI nâng cao tiềm năng, khả năng sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của con người, mà không làm lu mờ tinh thần, mai một kỹ năng của con người.
Nguyễn Hoàng Bảo Đại là một nhạc sĩ trẻ. Anh còn được biết như một nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực máy học. Anh đã áp dụng các kỹ thuật máy học để nâng cao, phát triển các tác phẩm của mình. Ngoài việc sáng tác, anh còn là một nhà khoa học, nghiên cứu AI trong lĩnh vực Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural language processing) và Thị giác máy tính (Computer Vision). Tháng 3/2021, anh được được Google công nhận là Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực Machine Learning. |
Những người yêu thích AI đều tin tưởng rằng công nghệ này sẽ nâng cao khả năng giải quyết công việc cũng như sáng tạo. Tuy nhiên, cũng còn đó nhiều ý kiến cho rằng AI cũng có thể tạo ra những bước ngoặt đen tối như bộ phim “Kẻ hủy diệt” đã từng dự báo.
Lenovo, Google cùng các đối tác Intel, Đại học Sài Gòn, AI Education (AIE), Digiworld và Achison vừa công bố hợp tác triển khai dự án thí điểm Google for Education nhằm thúc đẩy giáo dục kỹ thuật số tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (Đồng Nai).
Chủ đề năm 2024 sẽ tập trung vào “Xây dựng Tương lai Thương mại cùng Visa”, trong 5 lĩnh vực tiềm năng: Trí tuệ nhân tạo/Trí tuệ nhân tạo tạo sinh, Tài chính nhúng, Chuyển tiền quốc tế, Chấp nhận thanh toán số ở khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMBs) và Chương trình khách hàng trung thành trong tương lai.
Synology vừa công bố ra mắt BeeStation, thiết bị lưu trữ đóng vai trò như đám mây cá nhân, giúp người dùng sao lưu, quản lý và chia sẻ tập tin mà không phải trả thêm bất kỳ khoản phí đăng ký nào, cũng như mang đến khả năng kiểm soát dữ liệu, đạt độ riêng tư tối đa.
Lì xì là một phong tục truyền thống mang ý nghĩa chúc phúc, cầu bình an và may mắn, lì xì online đang là xu hướng vì có thể kèm theo những lời chúc bắt trend hay ho, hài hước, không phải cân đo đổi tiền lẻ, tiền mới.
Visa vừa đưa ra những cập nhật mới nhất trong chương trình xử lý tranh chấp, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh đề phòng và giảm thiểu gian lận lạm dụng bồi hoàn, còn được biết tới như gian lận thân thiện hay gian lận từ bên thứ nhất
Trong khuôn khổ dự án chuỗi hoạt động Tết Online Festival do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức, Trung tâm Livestream TPHCM, đại siêu thị số Nova AI Mall – Hệ sinh thái Livestream– AI Livestream đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức được ra mắt với nhiều kỳ vọng.
Giai đoạn 2024 – 2030 và những năm tiếp theo chứng kiến những thay đổi to lớn và quan trọng ở nước ta vì đây là giai đoạn chuyển hóa giữa hai phương thức sản xuất là tự động hóa và thông minh hóa. Những thay đổi lớn nhất được dự báo sẽ hiện diện trong các lĩnh vực sau.
Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng trưởng ấn tượng trong năm qua: QR code nổi lên như một phương thức thanh toán tối ưu và được xã hội ủng hộ; Các đơn vị Fintech, cánh tay nối dài của ngân hàng đã và đang nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên, nhiều đơn vị Fintech hiện vẫn chịu lỗ để xây dựng mạng lưới và mở rộng thị phần.
Nền tảng thanh toán ZaloPay và Ngân hàng CIMB Việt Nam vừa hợp tác ra mắt sản phẩm Gửi Tiết Kiệm với mức lãi suất cao nhất lên đến 6.1%/năm, đồng thời cho phép người dùng rút gốc từng phần mà không ảnh hưởng lợi tức của phần gửi còn lại.