Trong năm 2012, Microsoft đã trình làng Windows 8, công bố một chiếc máy tính bảng đối đầu trực tiếp với các đối tác lâu năm của mình và chứng kiến sự ra đi của một trong những giám đốc điều hành cao cấp chỉ vài tuần sau khi phát hành Windows.
Nhìn chung, năm 2012 có thể sẽ trở thành năm đánh dấu sự chuyển mình lớn nhất trong lịch sử phát triển của Microsoft. Nhận định này có thể sẽ không nhận được ý kiến đồng tình từ một số nhà phân tích khi họ cho rằng màn ra mắt của Windows 95 và sự kiện đồng sáng lập Bill Gates nghỉ hưu mới là những cột mốc đáng nhớ nhất đối với Microsoft.
Tuy nhiên, năm 2012 đã đánh dấu một năm mà Microsoft đưa ra quyết định việc chỉ dựa trên kinh doanh mảng phần mềm không đủ để tồn tại trong một thế giới không ngừng phát triển của công nghệ.
Hiện tại, Microsoft đã nhảy vào lĩnh vực phần cứng và trực tiếp xây dựng các thiết bị, điển hình như chiếc máy tính bảng Surface mới nhằm tận dụng hết lợi thế của hàng loạt các dịch vụ mới của hãng như dịch vụ cung cấp dung lượng lưu trữ SkyDrive Web do chính Microsoft tạo ra.
Dưới đây là 5 sự kiện quan trọng nhất trong bức tranh năm 2012 của Microsoft:
1. Chính thức ra mắt Windows 8
Hệ điều hành Windows 8 mà Microsoft trình làng vào tháng 10 được dự đoán sẽ bán rất chạy bất kể chất lượng của nền tảng này như thế nào. Chỉ trong vòng một tháng sau khi ra mắt, Microsoft đã hào hứng khoe rằng 40 triệu bản Windows 8 đã được tiêu thụ và tất nhiên, doanh thu mà gã khổng lồ phần mềm Mỹ gặt hái được từ nền tảng mới này cũng không hề nhỏ.
Tuy nhiên, Microsoft đã đặt cược rất lớn vào Windows 8, phiên bản mới của sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Microsoft. Tính năng mới trung tâm trong Windows 8 là người dùng có thể điều hướng bằng cách chạm vào màn hình của các thiết bị chạy trên hệ điều hành này. Đây là một nỗ lực để thúc đẩy vị thế bá chủ trong lĩnh vực hệ điều hành của Microsoft vào thế giới máy tính bảng vốn đang nổi lên, nơi mà Microsoft và Windows đang bị tụt lại phía sau.
Microsoft rõ ràng đang mạo hiểm bởi hệ điều hành mới này trong hoàn toàn khác biệt so với các phiên bản trước đây của Windows mà người dùng máy tính đã rất quen thuộc. Họ vẫn có thể sử dụng Windows 8 trên máy tính để bàn có sẵn của họ. Tuy nhiên, Microsoft muốn người dùng làm quen với giao diện dạng “ô gạch” mà hãng đã cài đặt trên toàn bộ dòng sản phẩm của mình.
Sự thành công của Microsoft sẽ không thể được đánh giá bằng cách chỉ dựa vào doanh số mà Microsoft đã bán ra. Thước đo thành công thực sự của nền tảng này là liệu Microsoft có thể giành được bao nhiêu phần của thị trường máy tính bảng và làm chậm bước tiến của Apple lẫn Google trong cuộc chiến này. Câu trả lời sẽ có chỉ trong một vài tháng tới.
2. Màn trình làng của máy tính bảng Windows Surface
Hàng rào lớn nhất ngáng đường đội quân máy tính bảng Windows 8 lại chính là chiếc máy tính bảng Surface mới của Microsoft. Kể từ khi phát hành MS-DOS vào năm 1981, Microsoft đã phải dựa vào các nhà sản xuất phần cứng để đưa hệ điều hành máy tính của hãng vào cuộc sống. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây các nhà sản xuất máy tính này đã mất vị thế và cả thị phần thị trường vào tay Apple và các sản phẩm đình đám của hãng này.
Trong năm 2012, Microsoft đã đánh dấu bước chân đầu tiên của mình trong lĩnh vực sản xuất máy tính. Surface được trình làng cùng lúc với Windows 8, là một chiếc máy tính bảng màn hình cảm ứng với kiểu dáng thiết kế công nghệ đẹp mắt và sử dụng giao diện Windows mới. Hơn nữa, không giống như iPad, Surface đi kèm với một bàn phím cho phép người dùng tạo nội dung trên thiết bị này một cách dễ dàng.
Tất nhiên, trước đây, Microsoft cũng đã tự mình sản xuất phần cứng. Máy chơi
game Xbox của Microsoft đã có mặt trên thị trường hơn một thập kỉ. Trước đó, Microsoft cũng đã bán chuột và bàn phím. Gã khổng lồ phần mềm Mỹ thậm chí còn đã nỗ lực sản xuất điện thoại di động với những mẫu điện thoại Kin ONE và Kin TWO.
Nhưng Surface lại phản ánh một sự thay đổi đáng kể về mặt tư duy ở Microsoft. Theo đó, Microsoft đã quyết định sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối tác sản xuất phần cứng lâu năm của mình bởi hãng này nhận ra rằng họ sẽ bị tụt lại phía sau Apple và khiến Microsoft bị mất chỗ đứng trong một thị trường mới nổi quan trọng.
3. Steven Sinofsky ra đi
Chỉ ba tuần sau khi Windows 8 và Microsoft Surface được trình làng, vị giám đốc điều hành chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc phát triển hai sản phẩm này đã nói lời chia tay với Microsoft. Steven Sinofsky, người đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại Microsoft, từng là trợ lý kĩ thuật của Bill Gates, đứng đầu mảng Office và sau này là bộ phận Windows 8 đã ra đi khi những mối lo ngại về phong cách quản lý của ông lên đến đỉnh điểm. Giới phân tích từng cho rằng trong tương lai, Steven Sinofsky sẽ thay ông Ballmer ngồi vào chiếc ghế tổng giám đốc điều hành của Microsoft.
Sinofsky, một nhân vật gây tranh cãi trong nội bộ công ty, và là người thường xuyên có những cách làm trái chiều, trái quan điểm với những người khác. Nội bộ Microsoft cho biết Sinofsky thường xuyên gây chiến tranh với CEO Steve Ballmer. Tuy nhiên, Sinofsky đã có công khôi phục lại đế chế Windows từ sự thất bại nặng nề của Windows Vista. Hệ điều hành Windows 7 là nỗ lực đầu tiên của Sinofsky và sự thành công của phần mềm này đã quét sạch bóng mây u ám mà Vista mang đến.
4. Windows Phone 8 Sau Windows 8, Microsoft đã tiếp tục trình làng nền tảng di động Windows Phone 8. Đây là nỗ lực hết mình của hãng nhằm lấy lại một chỗ đứng trên thị trường smartphone. Hơn ai hết, Microsoft rất cần Windows Phone 8 tạo ra được bước đột phá nếu công ty này nung nấu ý định đạt được mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái các thiết bị và dịch vụ để cạnh tranh với các đối thủ.
Hiện tại, Microsoft đang lần lượt giới thiệu và mong chờ các thiết bị từ Nokia, HTC, Samsung và các nhà sản xuất khác để giúp hãng gây dựng được chỗ đứng của mình trong một thị trường vốn đang bị thống trị bởi Apple và đội quân điện thoại sử dụng hệ điều hành Android của Google. Microsoft cũng rất cần các nhà phát triển, những người đã có công tạo ra những ứng dụng không thể thiếu cho các nền tảng đối thủ, để ủng hộ cho Windows Phone 8.
Tuy nhiên, Microsoft sẽ phải rất chật vật để thắng trong “canh bạc” này. Windows Phone hiện chỉ có mặt trên chưa đến 3% số điện thoại thông minh trên toàn thế giới, theo số liệu của IDC. Mặc dù vẫn tỏ ra lạc quan về Windows Phone nhưng hãng phân tích này lại không mong đợi
hệ điều hành di động của Microsoft sẽ trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với cả Apple lẫn Google trong tương lai gần.
5. Office trực tuyến ra mắt
Microsoft đã đạt được bước tiến lớn khi trình làng bộ ứng dụng văn phòng Office 365 vào tháng 6 vừa qua. Office 365 cho phép khách hàng trả một khoản phí hàng tháng để sử dụng các dịch vụ Word, Excel và PowerPoint cũng như phần mềm máy chủ như chương trình email Exchange để truy cập di động tới email, phần mềm SharePoint để chia sẻ tài liệu và trang web nội bộ cũng như công nghệ truyền thông Lync cho nhắn tin tức thì của Microsoft. Các dịch vụ mới này là nhằm cạnh tranh với các dịch vụ đối thủ mà đáng chú ý nhất là từ Google với Google Apps for Business. Bộ Office 365 nhắm tới các
doanh nghiệp vừa và nhỏ với các công cụ văn phòng và truyền thông tích hợp cho máy để bàn và các thiết bị di động sử dụng thông qua trình duyệt Web.
Theo Dân Trí