2013, năm của màn hình hiển thị phân giải cao

Năm 2013 được dự đoán sẽ là một năm bùng nổ của các thiết bị với màn hình hiển thị độ phân giải cao. Trong đó có thể kể đến máy thu hình chuẩn 4k Ultra HDTV, điện thoại màn hình Full HD, máy tính siêu mỏng hiệu suất cao, cũng như bùng nổ các máy chụp ảnh thông minh với cảm biến ảnh lớn.

Smartphone hướng đến độ phân giải Full HD
 

2013, năm của màn hình hiển thị phân giải cao - b5r9cvnb

 

Năm 2012, hàng loạt các smartphone màn hình độ phân giải HD 720p đã ra đời tạo nên một bức tranh sống động cho thị trường điện thoại di động. Người dùng đang đòi hỏi chất lượng hiển thị ngày càng cao của các smartphone. Chính vì những đòi hỏi này, các hãng sản xuất điện thoại bắt đầu hướng đến việc chạy đua công nghệ hiển thị trên màn hình khi đã tạo ra được một nền tảng phần cứng mạnh. 

 

Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2012, trên thị trường đã xuất hiện các mẫu smartphone có màn hình độ phân giải Full HD bao gồm Oppo Finder 5 (Trung Quốc), Sharp Aquos SH930W và HTC Butterfly. Chắc chắn vào thời điểm đầu năm 2013 tới đây, hàng loạt các smartphone màn hình Full HD sẽ được ra mắt như Sony Yuga, Samsung Galaxy S IV, LG Optimus G2… Tuy nhiên, smartphone màn hình Full HD lại đặt ra một thách thức cho các nhà sản xuất điện thoại. Đầu tiên là việc sở hữu một màn hình Full HD đòi hỏi điện thoại phải có cấu hình mạnh với bộ xử lý đồ hoạ cao cấp giúp hệ thống có thể đảm nhận những tác vụ như chơi game 3D, quay video Full HD. Ngoài ra, điện thoại cần phải trang bị pin dung lượng cao để có thể đảm bảo việc sử dụng tối thiểu trong một ngày làm việc với cường độ trung bình. Điển hình như mẫu điện thoại Sharp Aquos SH930W dùng bộ xử lý đồ hoạ Adreno 225 không đủ sức mạnh để chạy các game 3D ở độ phân giải thực, do chỉ đạt 13,6 khung hình/giây. 

Ngoài ra còn một thực tế đáng quan tâm chính là việc người dùng khó phân biệt chất lượng hình ảnh của màn hình 720p với 1080p bằng mắt thường. Với mật độ điểm ảnh từ 300 ppi trở lên, người dùng đã không thể thấy được điểm ảnh trên màn hình tại khoảng cách từ 20 cm. Chính vì vậy việc phát triển smartphone độ phân giải Full HD thực sự phí phạm và chưa cần thiết. Mặc dù vậy không thể phủ nhận những smartphone độ phân giải cao sẽ mang đến một không gian hiển thị rộng hơn cho người dùng.

 

Máy tính với màn hình độ phân giải cao

 

2013, năm của màn hình hiển thị phân giải cao - yoo4i6u4

Cùng với sự phát triển của màn hình smartphone, người dùng đã chứng kiến sự cải tiến trong việc hiển thị trên các laptop ngay trong năm 2012. Apple một lần nữa lại là người tiên phong trong việc mang đến dòng sản phẩm MacBook Pro Retina với độ phân giải màn hình vượt qua độ phân giải 1920 pixel theo chiều ngang. Chính vì vậy năm 2013 được dự báo sẽ là năm phát triển của các máy tính có màn hình độ phân giải cao.

 

Theo Apple, việc tích hợp độ phân giải cao vào màn hình sẽ làm cho người dùng cảm nhận rõ những chi tiết hình ảnh không bị vỡ hạt cũng như khắc phục được hiện tượng răng cưa. Ngoài ra với lợi thể màn hình độ phân giải cao, người dùng sẽ có được một không gian làm việc rộng hơn với cùng kích thước màn hình. Chẳng hạn chiếc MacBook Pro 15” Retina (2880 x 1800 pixel) có thể hiển thị một không gian làm việc tương đương với một màn hình 17” (1920 x 1200 pixel) mà không bị giảm nhiều về chất lượng hiển thị.

 

Cùng máy tính cá nhân (laptop), dòng sản phẩm tablet cũng sẽ được gia tăng khả năng hiển thị. Có thể thấy iPad thế hệ thứ 3 đã tạo ra một xu hướng phát triển mới cho dòng tablet độ phân giải cao (2048 x 1536 pixel). Trong khi đó ngay trong năm 2012 vừa qua, Google cũng đã đưa ra dòng máy tính bảng Nexus 10 có độ phân giải màn hình lên đến 2560 x 1600 pixel. Chắc chắn rằng trong năm 2013, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt các sản phẩm máy tính bảng Android, Windows RT, Windows 8… sử dụng những màn hình có độ phân giải cao, tương tự như dòng sản phấm smartphone.

 

Truyền hình độ phân giải siêu cao 4K và 8K sắp được triển khai
 

2013, năm của màn hình hiển thị phân giải cao - 85wytfze

 

Trong một vài năm trở lại đây, TV độ phân giải Full HD đã chiếm lĩnh được một thị phần khá lớn trong nhóm sản phẩm thiết bị phát hình độ nét cao. Không dừng lại ở độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel, công nghệ TV độ phân giải Ultra High Definition đã được thương mại hoá ngay trong năm 2012 với hai sản phẩm TV đến từ Sony và LG. Chính vì thế năm 2013 tiếp tục là năm mở đầu cho sự phát triển của dòng TV độ nét siêu cao Ultra HD.

 

Chuẩn truyền hình độ nét siêu cao (4K UHDTV 2160p và 8K UHDTV 4320p) đã được Tổ chức viễn thông quốc tế thuộc Liên hợp quốc (ITU) đề xuất xây dựng vào giữa năm 2012. Các chuẩn truyền hình 4K và 8K được đề nghị tạo thành một chuẩn truyền hình mới và thay thế cho Full HD trong tương lai. Một ưu điểm dễ nhận thấy nhất là các chuẩn 4K và 8K sẽ cho chất lượng hình ảnh sắc nét hơn, 4K nét gấp 4 lần Full HD 1.080p còn 8K gấp tới 16 lần. Bên cạnh đó thì hai chuẩn định dạng mới còn cho phép mở rộng dải màu giúp cho hình ảnh sống động, chân thực hơn. Định dạng 4K và 8K còn hỗ trợ khả năng phát sóng 120 hình mỗi giây, điều truyền hình thông thường không thực hiện được.

 

Tại Việt Nam, những thiết bị thu hình chuẩn 4k đã bắt đầu xuất hiện để thăm dò thị trường và phô diễn sức mạnh của các hãng điện tử. Nếu như Sony gây ấn tượng với chiếc TV BRAVIA 84” X9000 độ phân giải 4K (giá 819 triệu đồng) tích hợp nhiều công nghệ hình ảnh độc đáo thì LG lại tạo ấn tượng tốt về giá với sản phẩm TV 4K của mình chỉ có giá 300 triệu đồng. Dễ nhận thấy rào cản ở đây chính là giá thành của sản phẩm 4K vẫn còn ở mức cao. Hiện tại một chiếc smart TV 55” có giá dao động trong khoảng từ 70-80 triệu đồng thì giá của TV 4K 84” còn đang ở mức cao hơn đến 4 lần. Nhìn chung LG đang có lợi thế về sản phẩm TV 4K khi đưa ra mức giá khá dễ chịu nhưng thực tế vẫn khó tiếp cận được phần đông các khách hàng trong thời buổi khủng hoảng hiện nay.

 

Máy ảnh số cảm biến lớn, tính năng thông minh
 

2013, năm của màn hình hiển thị phân giải cao - us07mu7i

 

Khi các dòng sản phẩm máy ảnh số cỡ nhỏ (compact) đang có dấu hiệu bão hoà bởi sự phát triển nhanh của smartphone với máy chụp ảnh khủng, các dòng sản phẩm máy ảnh số truyền thống đang hướng đến việc gia tăng chất lượng hình ảnh thông qua việc đưa ra những cảm biến ảnh có kích thước lớn với độ nhạy sáng cao hơn, khả năng khử nhiễu (noise) ở ISO cao được tốt hơn.

 

Nhờ có cấu trúc đơn giản và tối ưu hoá chi phí sản xuất, dòng máy ảnh số thay đổi ống kính không gương lật (mirrorless camera) đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng mới của người dùng. Với thiết kế gọn nhẹ, cảm biến ảnh lớn cùng khả năng thay đổi ống kính theo ý muốn. Dòng máy ảnh mirrorless dễ dàng chiếm được cảm tình của người dùng nhờ mức giá khởi điểm khá dễ chịu. Thậm chí dòng sản phẩm này còn gây áp lực cho các sản phẩm máy ảnh compact cao cấp bỏ túi như Canon PowerShot G series, Panasonic Lumix LX series. Năm 2012, thị trường chứng kiến sự đột phá của Sony khi nhà sản xuất đến từ Nhật Bản tung ra mẫu máy ảnh Cyber-Shot RX100 với cảm biến 1.0-type (13.2 x 8.8 mm). Với một kích thước cảm biến lớn hơn 2,7 lần so với các sản phẩm compact cao cấp dùng cảm biến 1/1.7” (7.6 x 5.7 mm), Sony RX100 đã thực sự được đánh giá cao về chất lượng hình ảnh và mức độ sử dụng tiện lợi khi sản phẩm vẫn đảm bảo kích thước nhỏ gọn và có thể bỏ túi.

 

Ngoài ra các sản phẩm máy ảnh sẽ lần lượt được tích hợp kết nối Wi-Fi và có khả năng cài đặt các phần mềm, thậm chí tích hợp cả hệ điều hàng thông minh với khe cắm SIM tích hợp. Samsung đã tạo ra chiếc máy ảnh Galaxy Camera (giá 12,8 triệu đồng) tích hợp hệ điều hành Android 4.0, sử dụng khe cắm SIM với ống kính zoom quang học lên đến 21x. Canon tích hợp sẵn kết nối Wi-Fi để truyền tải hình ảnh đến smartphone, máy tính bảng cho dòng sản phẩm máy ảnh DSLR full-frame EOS 6D. Trong khi đó Sony phát triển một hệ sinh thái riêng dành cho dòng máy NEX-5R và NEX-6 khi hai sản phẩm này có thể cài đặt thêm ứng dụng từ kho phần mềm PlayMemories Camera Apps. Chính vì vậy các nhà sản xuất sẽ tiếp tục theo đuổi dòng máy ảnh cảm biến lớn và tích hợp nhiều tính năng kết nối thông minh vào các sản phẩm trong tương lai.

 

Vẫn còn trở ngại

 

Bất chấp sự phát triển ngày càng nhanh chóng của công nghệ điện tử thì công nghệ sản xuất pin vẫn chưa thể đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của các thiết bị cũng như mong muốn của người dùng.

 

Trên thực tế, công nghệ pin đã có một vài bước tiến đáng ghi nhận trong thời gian gần đây như khả năng sạc và xả dễ dàng hơn, tấm pin có thiết kế mỏng hơn… Tuy nhiên việc gia tăng dung lượng vào trong các thiết kế pin hiện thời đang là vấn đề nan giải của các nhà sản xuất. Điều này đã hạn chế phần nào sự phát triển phần cứng của các nhà sản xuất thiết bị điện tử. Chính vì thế, giải pháp đang được các nhà sản xuất thiết bị di động đưa ra chính là việc tối ưu hoá khả năng tiêu thụ năng lượng của các linh kiện hoạt động bên trong. Việc sử dụng các chipset hay bộ xử lý tiết kiệm năng lượng đang là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất thiết bị điện tử. 

 

Cùng với pin, thiết bị lưu trữ thể rắn (NAND flash, SSD) cũng đang là một vấn đề rất được quan tâm. Với ưu điểm không thể chối cãi về tốc độ truy xuất và mức độ an toàn cao khi sử dụng, thiết bị lưu trữ thể rắn lại tồn tại nhược điểm là chi phí sản xuất cao và tuổi thọ còn thấp. Đó chính là lý do kìm hãm sự phát triển của dòng sản phẩm Ultrabook nhằm đem đến những mức giá tốt nhất cho người dùng. Một dòng sản phẩm từng thất bại dù đã ứng dụng công nghệ lưu trữ thể rắn là Netbook. Thiết bị này dù có giá thành rẻ, song ổ cứng SSD tích hợp trong Netbook lại có dung lượng cực thấp (dưới 32GB) và tốc độ truy xuất chậm hơn so với ổ cứng truyền thống.

 

Do sự chạy đua công nghệ và cuộc cạnh tranh giữa các hãng, những sản phẩm mới liên tục ra đời liên tục phải tối ưu chi phí sản  xuất để đảm bảo giá thành và nảy sinh lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính vì điều này mà một vài sản phẩm mới dù có nhiều tính năng hấp dẫn nhưng lại không làm thoả mãn người dùng bởi thiết kế và kết cấu như các sản phẩm trước đó. Ngoài ra, việc rút ngắn dòng đời sản phẩm sẽ vô tình làm cho các thiết bị nhanh chóng bị mất giá trị và lỗi thời. Có thể kể đến một vài ví dụ như máy ảnh Canon PowerShot G15 chỉ còn sử dụng lớp vỏ với chất liệu nhựa, thay vì bằng kim loại so với các thế hệ trước. Tiếp đến là chiếc iPad thế hệ thứ 4 đã được ra đời chỉ sau 6 tháng. Apple đã ngay lập tức huỷ bỏ thế hệ thứ 3 (The New iPad) để đưa đến một sản phẩm có cấu hình mạnh hơn dù vẫn dựa trên thiết kế tương đương.

 

Quốc Tùng

Thế Giới Số 160 – Ngày 17.12.2012

 

Đón xuân tỷ phú cùng LG mobile

Chương trình Đón xuân tỷ phú cùng LG mobile mang đến bạn cơ hội trở thành tỷ phú khi mua điện thoại LG Optimus VU, LG Optimus 4X HD, LG Optimus L-style và LG Cookie Smart .

Hệ thống máy chủ HP Integrity tăng hiệu suất lên gấp ba lần

HP vừa công bố danh mục giải pháp cơ sở hạ tầng hội tụ, với các hệ thống máy chủ HP Integrity được cải tiến và nâng cao, phần mềm HP-UX và các dịch vụ giúp tăng hiệu suất lên gấp ba lần, tăng khả năng phục hồi và cung cấp sự bảo vệ đầu tư cho các hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp trong thập kỷ tới.

Sa thải nhân viên tại Phần Lan, Nokia tuyển 4.000 người tại Việt Nam

Có vẻ như Nokia vẫn chưa vượt qua được thời điểm khó khăn nhất của mình. Sau khi sa thải hơn 5.000 nhân viên nhà máy tại Phần Lan và bán đi trụ sở chính, Nokia tiếp tục sa thải 300 nhân viên IT và chuyển 820 nhân viên sang công ty khác làm việc.

Giáo dục Việt Nam thay đổi trên nền tảng CNTT

Công nghệ số tác động làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống sinh hoạt của con người. Tuy nhiên, một ngành đáng quan tâm nhất hiện nay là giáo dục lại chưa có những thay đổi vượt bậc so với các nước trong khu vực.

Yahoo Blog chính thức đóng cửa tại Việt Nam

17/1 là ngày cuối cùng các thành viên tham gia dịch vụ Yahoo Blog có thể truy cập vào trang cá nhân của họ.

TPHCM thí điểm lắp camera đếm lưu lượng xe

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sở này vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Giải pháp công nghệ cao FPT thực hiện đề xuất triển khai thí điểm giải pháp đếm lưu lượng xe bằng công nghệ camera tại 02 vị trí: giao lộ Pasteur – Lý Tự Trọng, quận 1 và trên đường Điện Biên Phủ (đoạn gần giao lộ Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng, quận 1).

Thị trường vi xử lý, cuộc chiến muôn thuở

Khi thị trường máy tính bảng đang dần trở nên lớn mạnh hơn với động lực là các nền tảng di động như iOS, Android và tất nhiên là cả Windows 8, Intel thực sự đang có một đối thủ cạnh tranh năng ký. Đó chính là ARM với loạt sản phẩm PC sử dụng tảng xử lý của hãng hứa hẹn sự cạnh tranh quyết liệt trên lãnh địa mà Intel thống trị trong nhiều năm qua.

Dell muốn “bán mình”?

Cổ phiếu của Dell tăng gần 13% vào hôm qua 14/1 sau khi Bloomberg News cho biết Dell đang đàm phán với ít nhất 2 công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân về vụ mua lại công ty máy tính đang gặp khó khăn này.

Di động ở bản vùng cao

Điện thoại di động đến với miền núi muộn hơn miền xuôi và nhanh chóng trở thành thiết bị quen thuộc, tuy nhiên cách sử dụng của đồng bào dân tộc vùng cao cũng có những điểm khác biệt so với cách thường biết.

Windows 8 chưa thể ngăn PC tụt dốc

Báo cáo mới nhất từ hãng Gartner cho thấy, lượng tiêu thụ máy tính toàn cầu tiếp tục đi xuống và hệ điều hành mới Windows 8 chưa giúp được gì nhiều trong việc chặn đứng đà tụt dốc này.