10 yếu tố cần và đủ để kinh tế số trở thành chìa khóa phục hồi, phát triển quốc gia

Bài toán trung tâm của phát triển kinh tế số là phát triển doanh nghiệp số. Doanh nghiệp số là doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ số làm thay đổi quy trình sản xuất của mình, dẫn tới thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp.

Muốn phát triển doanh nghiệp số cần có khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thời đại (của cuộc CMCN 4) dựa trên các công nghệ số vào quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Để làm việc này cần có sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành và công cụ số giúp họ thiết kế và kiểm nghiệm các quy trình sản xuất mới. Đó là các quy trình sản xuất có sự tham gia của các cơ chế tự động thông minh. Muốn triển khai các quy trình sản xuất mới đó cần phát triển lực lượng lao động số – những người được trang bị kỹ năng số để có thể làm việc trong các quy trình sản xuất mới có sự tham gia của các cơ chế tự động thông minh.

Đó là nội dung cốt lõi của nhiệm vụ phát triển kinh tế số. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có những điều kiện, phương tiện hỗ trợ. Đó là thể chế (hành lang pháp lý), hạ tầng số, môi trường đầu tư kinh doanh số, ươm tạo – khởi nghiệp số, phát triển các chuỗi liên  kết, hợp tác liên ngành – đa ngành, tiêu chí đánh giá và tuyên truyền.

Kế hoạch phát triển kinh tế số ở mọi cấp, mọi ngành và địa phương đều cần gồm 10 nội dung sau:

  • Thiết kế, phát triển các quy trình sản xuất số
  • Phát triển các tổ chức, doanh nghiệp số
  • Phát triển lực lượng lao động số
  • Phát triển hạ tầng số
  • Phát triển môi trường đầu tư kinh doanh số
  • Ươm tạo và khởi nghiệp số
  • Phát triển các chuỗi liên kết số
  • Đánh giá, xếp hạng kinh tế số
  • Tuyên  truyền phát triển kinh tế số

Dưới đây bài viết sẽ lần lượt đề cập tới từng nội dung chính.

1.Thiết kế, phát triển các quy trình sản xuất số

Các quy trình sản xuất trong nền kinh tế số đều có các cơ chế tự động thông minh tham gia trong một hay nhiều công đoạn của quy trình sản xuất. Các doanh nghiệp khó có thể tự thiết kế và phát triển các quy trình sản xuất mới này vì phải cần đến sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành có khả năng thiết kế, kiểm tra, điều chỉnh các quy trình sản xuất mới dựa trên ứng dụng các công nghệ cao, lấy công nghệ số làm nền tảng. Vì vậy, trong thực tế, người ta chọn một vài doanh nghiệp năng động và có điều kiện nhất để triển khai thí điểm. Khi các quy trình sản xuất mới này chứng minh được những ưu điểm vượt trội so với quy trình sản xuất truyền thống thì quy trình này mới được nhân rộng, áp dụng cho các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Quy trình sản xuất nông nghiệp truyền thống có nhiều hạn chế, nhất là khi áp dụng mô hình kinh tế tuyến tính. Muốn phát triển nền  nông nghiệp hiện đại, cần phải áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và chọn lựa một số công đoạn (hay toàn bộ quy trình khi có điều kiện) để nghiên cứu, thiết kế, thay thế bằng cơ chế tự động thông minh (nói nôm na là đưa vào áp dụng các hệ thống tự động, thay thế con người thực hiện các công đoạn đó). Thông thường, được chọn là các công đoạn nặng nhọc (như làm đất, tưới nước, bón phân, thu hoạch), độc hại (như bảo vệ thực vật) hay cần độ chính xác cao (như điều chỉnh lượng oxy hòa tan trong nước ao nuôi thủy sản, cân bằng độ pH tức thì,…). Chỉ các chuyên gia chuyên ngành (chuyên gia nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ nano,…) mới có thể thiết kế quy trình sản xuất có sự tham gia của các thành phần mới này. Để làm việc này, họ cần có công cụ số để thiết kế và giám sát quy trình sản xuất mới, công cụ đó phải dễ sử dụng, đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả, tốt nhất là các công cụ số Make in Vietnam.    

Trong logistics, muốn nâng cao chất lượng và giảm chi phí logistics thì cách tích cực nhất là tự động hóa hàng loạt công đoạn của quy trình cung cấp dịch vụ logistics như vận chuyển, kho bãi, bốc xếp, kiểm hóa,… Trong kỷ nguyên số, người ta thiết kế các hệ thống tự động hóa trong giám sát và điều khiển các công đoạn này nhờ ứng dụng công nghệ số. Theo đó, vận chuyển được giám sát và điều khiển bằng hệ thống tương tự như Uber hay Grab, kho bãi được trang bị thiết bị số trở thành kho bãi thông minh (tự động thực hiện các thao tác nhập, xuất kho), các hệ thống tự động thông minh điều khiển các thiết bị nâng, bốc xếp hàng hóa,… Tất cả kết nối với nhau và với Internet bằng công nghệ IoT tạo thành hệ thống logistics số thống nhất. Hệ thống này mang lại những ưu điểm vượt trội so với trước đây: nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, điều hành tối ưu các nguồn lực (như container, phương tiện vận chuyển, kho bãi,…) và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia (chủ tàu, cảng, hải quan, chủ hàng, chủ phương tiện,…). 

Hay trong giáo dục đào tạo, ứng dụng công nghệ số làm thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy và học. Việc phát triển tư liệu học tập số phong phú giúp học sinh có thể học tập từ xa, học trực tuyến, ứng dụng trợ giảng số có thể hỗ trợ cả thầy giáo lẫn học sinh một cách tích cực, tiện lợi mọi lúc, mọi nơi với chi phí thấp, học sinh có thể “học nhóm”, “làm thí nghiệm”,… qua mạng. Công nghệ số tạo ra điều kiện phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng cá thể hóa, giúp cho mỗi học sinh gặt hái được kiến thức tùy thuộc vào khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.   

Tóm lại, có thể nói, việc thiết kế thành công các quy trình sản xuất mới (hay các mô hình kinh doanh mới) dựa trên công nghệ số (các CPS) đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nó mở đầu cho quá trình xây dựng nền kinh tế số tương lai. Hình dưới đây mô tả nguyên lý thiết kế các CPS này.

10 yếu tố cần và đủ để kinh tế số trở thành chìa khóa phục hồi, phát triển quốc gia - n0q7yB7vWRo1P3O tQEV Qbb3OsiLtFd4C mwLUrgeMHsb AQzWJhksWdlt eXfWz9sfCK8p Y1D2PtT47NIYuWaf5nMmZLeuXor7ciVUmM 74YlfAH8w boeWn9DGdYZS9TUWA
Các hệ thống vật lý – số (CPS) là động lực của nền kinh tế số

2.Phát triển các tổ chức, doanh nghiệp số

Nền kinh tế số được tạo ra bởi các tổ chức kinh tế số, các doanh nghiệp số – đó là các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng thành công quy trình sản xuất mới dựa trên công nghệ số nêu trên. Sự thay đổi trong quy trình sản xuất dẫn doanh nghiệp tới những thay đổi về cấu trúc tổ chức, về mối quan hệ với xã hội và văn hóa của doanh nghiệp và từng bước một hình thành phương thức sản xuất mới trong doanh nghiệp (có thể gọi là phương thức sản xuất số). Mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp được xác định thông qua tỷ trọng của khối lượng công việc mà các cơ chế tự động hóa đảm nhiệm trên tổng khối lượng công việc của doanh nghiệp. Rõ ràng, với sự tham gia của các cơ chế tự động thông minh này, năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ tăng vượt trội so với phương thức sản xuất truyền thống. Phát triển các tổ chức, doanh nghiệp số là nội dung căn bản nhất của xây dựng kinh tế số.

3.Phát triển lực lượng lao động số

Sự xuất hiện của ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các cơ chế tự động thông minh trong quy trình sản xuất dẫn tới yêu cầu tất cả mọi người trong doanh nghiệp phải thay đổi để phù hợp với phương thức sản xuất số. 

Nói rộng ra, trong toàn ngành hay địa phương, việc đào tạo, phát triển lực lượng lao động số cần được chú trọng như một yêu cầu cấp bách và tiên quyết. Lực lượng này bao gồm 4 nhóm. Mỗi nhóm có yêu cầu trang bị kỹ năng số khác nhau, phục vụ những mục đích khác nhau. 

Nhóm thứ nhất gồm những người lao động trực tiếp tham gia sản xuất. Đây là lực lượng đông đảo nhất. Họ cần được trang bị các kỹ năng số để làm việc trong một tổ chức số hay doanh nghiệp số. Ngoài những kỹ năng số cơ bản mà ai cũng cần thành thạo khi sống trong kỷ nguyên số như thực hiện các giao dịch số, sử dụng các dịch vụ số, thanh toán số,… người lao động còn cần phải được đào tạo và rèn luyện những kỹ năng số khác, tùy theo tính chất và đặc điểm của môi trường sản xuất mà họ làm việc như kỹ năng điều khiển các thiết bị số, kỹ năng làm việc nhóm phối hợp qua mạng, kỹ năng nắm bắt thông tin tình huống, kỹ năng làm việc trong cơ chế kết hợp liên hệ thống (inter-operability),…  

Nhóm thứ hai bao gồm các chuyên gia chuyên ngành: Họ là những người am hiểu nhất về công việc cần phải thực hiện trong tổ chức hay doanh nghiệp của mình – những người tham gia lập kế hoạch sản xuất, thiết kế các quy trình sản xuất. Họ cần được trang bị những kỹ năng số chuyên biệt và biết cách sử dụng các công cụ số để nghiên cứu, thiết kế các quy trình logics từ đó phát triển thành các quy trình tự động thông minh sẽ ứng dụng trong thực tế. Họ cũng là những người có kỹ năng giám sát và điều chỉnh những quy trình tự động thông minh này cho đến khi hoạt động ổn định.   

Nhóm thứ ba là nhóm các chuyên viên, cán bộ quản lý, tham mưu: Họ cần được trang bị kiến thức về công nghệ số, hiểu bản chất của cloud, IoT, AI, Big data,… cần thay đổi để có phương pháp tư duy hệ thống số, từ đó, có thể tham gia thiết kế các hệ thống ứng dụng công nghệ số cho tổ chức hay doanh nghiệp của mình.

Nhóm thứ tư là nhóm chiến lược: Đó là những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp. Họ là những người chịu trách nhiệm chính về kế hoạch phát triển kinh tế số trong phạm vi mà mình phụ trách. Vì vậy, họ cũng cần được đào tạo và trang bị các kiến thức và kỹ năng số đặc biệt để có thể đặt đầu bài cho cấp dưới, hiểu được tinh thần ngày nay chiến lược được dẫn dắt bởi công nghệ chứ không phải xây dựng chiến lược rồi tìm công nghệ phù hợp để thực hiện như trước. Nội dung huấn luyện phù hợp nhất là giới thiệu và phân tích các trường hợp mẫu, những ví dụ cụ thể về các công nghệ mới có thể làm được những việc mà họ mong muốn nhưng từ trước tới nay chưa làm được, như công nghệ tuần hoàn hóa, công nghệ số có thể làm thay đổi toàn bộ một ngành, một địa phương hay tổ chức, doanh nghiệp mà họ quản lý.

Sự thiếu hụt về lực lượng lao động có kỹ năng số là yếu tố mà Việt Nam được đánh giá có thứ hạng thấp (97/165) so với các quốc gia tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới về phát triển kinh tế số năm 2020 (Theo WB).

4.Phát triển hạ tầng số

Phát triển hạ tầng số được xem là khâu xây dựng nền tảng để phát triển kinh tế số lâu dài và bền vững. Hạ tầng số gồm 5 thành phần như dưới đây: 

(a). Hạ tầng kỹ thuật: Là hạ tầng phục vụ thu thập, tổ chức, xử lý, lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu. Nội dung này đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số là nền tảng số quốc gia, nền tảng số chuyên ngành, nền tảng số của các địa phương, nền tảng TMĐT,…

(b). Hạ tầng dữ liệu: Là nơi lưu trữ tất cả nguồn tài nguyên dữ liệu phục vụ các doanh nghiệp như CSDL dùng chung, CSDL chuyên ngành, dữ liệu mở,…

(c). Hạ tầng ứng dụng: Là nơi cung cấp mọi loại hình ứng dụng cho các doanh nghiệp sử dụng như các dịch vụ. Ở đây tồn tại đủ loại ứng dụng, từ đơn giản đến phức tạp và rất đa dạng bao gồm cả các dịch vụ công của nhà nước, các dịch vụ chuyên ngành của các Bộ/ngành, doanh nghiệp,… Mức độ phong phú của các ứng dụng trên hạ tầng này phản ánh cấp độ trưởng thành số của cả xã hội. Các ứng dụng được cung cấp như dịch vụ này hoạt động theo cơ chế thị trường. Sự tồn tại của một ứng dụng nào đó phụ thuộc vào việc ứng dụng đó có người sử dụng hay không và có đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ cùng loại hay không.  

(d). Hạ tầng chính sách: Là khung pháp lý cơ bản để triển khai phát triển kinh tế số, xã hội số. Khi thực hiện chuyển đổi số, nhiều hoạt động diễn ra trong môi trường số, nhiều cơ chế kỹ thuật mới xuất hiện trong hoạt động kinh tế và đời sống xã hội cần có luật điều chỉnh, quy định những gì được phép làm, được khuyến khích hay hạn chế hoặc cấm thực hiện trong môi trường số. 

(e). Hạ tầng lao động: Là lực lượng cơ bản cần có để duy trì hoạt động của nền kinh tế số. Lực lượng này càng mạnh thì khả năng phát triển nền kinh tế số, xã hội số càng cao. Đó là những lao động được trang bị những kỹ năng số cơ bản nhất để duy trì các quy trình sản xuất số.

5.Phát triển môi trường đầu tư kinh doanh số

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận tiện là yếu tố quyết định thu hút đầu tư cả trong nước và quốc tế. Khi xây dựng kinh tế số, cần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh số hay nói cách khác, cần chuyển đổi số cho tất cả các thành phần kiến tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó những yếu tố trọng yếu là:

(a). Các chính sách, thể chế: Xây dựng chính quyền số, cung cấp dịch vụ công số, công bố các chính sách, thông tin pháp lý thông qua các phương tiện số một cách minh bạch và chuyên nghiệp. 

(b). Cơ sở hạ tầng vật chất: Phát triển và quản lý các hệ thống hạ tầng vật chất kỹ thuật bằng công nghệ số (như quản lý giao thông thông minh, quản lý lưới điện thông minh, quản lý đô thị thông minh,…).

(c). Nguồn nhân lực và cộng đồng doanh nghiệp: Phát triển nguồn nhân lực số, đào tạo, rèn luyện kỹ năng số cho học sinh, sinh viên – lực lượng lao động kế cận luôn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp tại chỗ luôn là yếu tố giúp nhà đầu tư đánh giá độ mở của môi trường đầu tư kinh doanh và tìm kiếm đối tác, đặc biệt là với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.  

(d). Logistics và các đặc điểm địa lý có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp: Chi phí logistics và chất lượng dịch vụ logistics luôn luôn được nhà đầu tư cân nhắc trước tiên. Ở nước ta, chi phí logistics còn cao mà chất lượng dịch vụ logistics lại thấp vì nhiều lý do, trong đó, việc duy trì phương thức hoạt động thủ công truyền thống và thiếu gắn kết giữa các công đoạn cung cấp dịch vụ logistics là những nguyên nhân chính. Việc này có thể khắc phục bằng cách nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ GIS, công nghệ số, cung cấp bản đồ số nền và các dữ liệu mở về không gian địa lý ở địa điểm mời đầu tư cho các nhà đầu tư lựa chọn phương án thiết kế, xây dựng nhà xưởng, hoạch định tương lai phát triển cũng mang lại sự hài lòng nơi các nhà đầu tư. 

Xây dựng, phát triển và luôn phấn đấu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh số cần được xem là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế số ở các Bộ/ngành và các địa phương.

6.Ươm tạo, khởi nghiệp số và khuyến khích sáng tạo số

Kỷ nguyên số mở ra những cơ hội việc làm hoàn toàn mới mẻ và phong phú. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sự tham gia của các hệ thống tự động hóa có thể làm mất đi một số công việc truyền thống, nhưng lại tạo ra số lượng công việc mới lớn gấp 7 lần số công việc mất đi đó. Tất cả các công việc mới đều được sinh ra trong môi trường số, đều gắn kết với những thành tựu công nghệ tiên tiến của CMCN 4. Vì thế, chúng đều là những thách thức cần vượt qua, những bí ẩn cần khám phá. Do đó, đây là không gian thuận lợi cho ươm tạo, khởi nghiệp và sáng tạo những sản phẩm số làm hạt nhân của nền kinh tế số tương lai. 

Các doanh nghiệp được ươm tạo và khởi nghiệp phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh số trong mọi lĩnh vực có cơ hội to lớn và cũng ngần đó thách thức phải vượt qua để có thể trở thành hạt nhân kinh tế số của ngành hay địa phương. Các doanh nghiệp này cần được hưởng các chính sách ưu đãi tương tự như các doanh nghiệp ươm tạo hay khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh ghiệp hiện hữu sáng tạo các quy trình sản xuất mới dựa trên ứng dụng công nghệ số (tạm gọi là các sáng tạo số). Khi quy trình mới đó được triển khai vào thực tế và mang lại kết quả đo được (ví dụ bằng phương pháp xác định năng suất yếu tố tổng hợp – TFP) thì doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho sản phẩm (hay doanh thu) mà quy trình mới này tạo ra trong vòng 4 năm. Điều này sẽ thúc đẩy phong trào sáng tạo số mạnh mẽ trong các doanh nghiệp và chắc chắn mang lại hiệu quả cao hơn so với phong trào ươm tạo và khởi nghiệp số.

7.Phát triển các chuỗi liên kết số

Trong nền kinh tế số, không doanh nghiệp nào có thể tự mình giải quyết mọi chuyện. Ngay trong quá trình chuyển đổi số, không phải tất cả các doanh nghiệp đều cùng cùng chuyển đổi số một lúc với khả năng như nhau. Đơn giản là vì không có đủ nguồn lực để thực hiện việc đó. Vì thế, phát triển các chuỗi liên kết số giữa các doanh nghiệp chuyển đổi số là một tất yếu khách quan. Theo đó, những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số sẽ chuyển giao quy trình sản xuất mới của mình cho những doanh nghiệp cùng lĩnh vực theo mô hình chuỗi liên kết theo giá trị. Tất cả các thành viên của chuỗi đều tuân thủ một quy trình sản xuất chung, từ khâu chuẩn bị sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tất cả được giám sát và kiểm tra bằng công nghệ số. Quy mô của chuỗi phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và khả năng đáp ứng của chuỗi.

Nền kinh tế số có xu hướng kéo nhà sản xuất gần lại với người tiêu dùng nên sự hình thành các chuỗi liên kết số được xem là giải pháp phù hợp trong việc bố trí cơ cấu của nền kinh tế ở các ngành và các địa phương.

8.Hợp tác liên ngành

Nền kinh tế số được hình thành từ việc ứng dụng các công nghệ số trong các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, không phải chỉ riêng các công nghệ số tạo ra sự thay đổi mà quan trọng hơn, các công nghệ số đóng vai trò là phương tiện để kết nối, tích hợp các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến của CMCN 4 vào các hoạt động kinh tế, nâng cao chất lượng và khả năng tạo ra giá trị gia tăng của các hoạt động kinh tế mới là bản chất của vấn đề. Như thế, nền kinh tế số phát triển phụ thuộc vào khả năng liên kết đa ngành, liên ngành. 

Ở đây có 2 khía cạnh liên kết. Thứ nhất là liên kết giữa các Bộ/ngành. Ví dụ, ngành Du lịch không thể hoạt động độc lập mà cần liên kết với các ngành khác như Nông nghiệp, Thương mại, Văn hóa, An ninh, Xã hội,… Thứ hai là mối liên kết chuyên ngành. Ví dụ, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp ngày nay có sự tham gia trực tiếp của công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ tự động hóa và rất nhiều tiến bộ công nghệ khác. Như vậy, cần có sự liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia với các doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên số, các mối liên kết này được phát triển một cách tự nhiên theo cơ chế thị trường.  

9.Đánh giá, xếp hạng kinh tế số

Đo lường và đánh giá về mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp luôn mang tính tương đối, cũng tương tự như khi nói về hàm lượng khoa học công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có thể đưa ra tiêu chí chung để đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp trong quá trình phát triển thành doanh nghiệp số.

Một trong những phương pháp được chọn dựa vào cách tính năng suất yếu tố tổng hợp (TFP – total factor productiveness). Để thực hiện, người ta tính và so sánh 2 giá trị của TFP vào thời điểm trước khi chuyển đổi số và sau khi thực hiện (hay tại thời điểm đầu và cuối một chu kỳ khi đang thực hiện chuyển đổi số) của cùng một doanh nghiệp, sau đó, so sánh tỷ lệ này giữa các doanh nghiệp với nhau để xếp hạng doanh nghiệp nào có giá trị tỷ lệ TFP lớn hơn.

Tuy bảng xếp hạng này mang tính tương đối và thứ hạng của doanh nghiệp có thể thay đổi qua từng năm nhưng nó cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các cơ quan chức năng phân tích những yếu tố tác động lên quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp nhằm tham mưu đưa ra các chính sách điều chỉnh kịp thời.

Việc đánh giá, xếp hạng phát triển kinh tế số giữa các Bộ/ngành, địa phương có thể dựa trên tỷ trọng doanh nghiệp chuyển đổi số và tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của các Bộ.ngành, địa phương.

10.Tuyên truyền về phát triển kinh tế số

Phát triển kinh tế số là quá trình mới mẻ và cần có sự tham gia của cả xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng, chứ không chỉ các doanh nghiệp. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ cho mọi nỗ lực thúc đẩy quá trình phát triển này. Có thể chọn nhiều phương pháp tuyên truyền khác nhau thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, qua các mạng xã hội, các hội nghị, hội thảo chuyên đề trực tiếp hay trực tuyến,… Trong đó, phương pháp tuyên truyền nào thực hiện được cả 2 mục đích cùng một lúc là thông tin và rèn luyện kỹ năng số (người được tuyên truyền có thể tự thực hiện kết nối và tương tác với tổ chức tuyên truyền thông qua các phương tiện số) nên được ưu tiên.

Kết luận

Phát triển kinh tế số ở Việt Nam có nội dung trọng tâm là thiết kế và phát triển các cơ chế tự động hóa thông minh (các CPS) được kết nối với nhau trong không gian số, có khả năng chuyển tải được những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thời đại (của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) phục vụ mọi mặt phát triển của nền kinh tế và phát triển cộng đồng doanh nghiệp số biết sử dụng các CPS đó vào quy trình sản xuất của mình. Về cơ bản, theo KKGIX, các hoạt động kinh tế xã hội dựa trên nền tảng số có thể mô tả một cách tổng quát như hình dưới đây.

10 yếu tố cần và đủ để kinh tế số trở thành chìa khóa phục hồi, phát triển quốc gia - waULDsaBGHQ f0tFwZ3oYv7olrzYPRy71xbmsIfBX54WE6q7HwA2sx5A7QKnB5JxHa8ngAmwwWPkqUdP 4NDU8hRKmd4dNORz2tgpGKmUq1hMjF4ADRtQEfIyKZsIUT X 3SU90
Mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên nền tảng số (Nguồn: KKGIX)

Ở Việt Nam, chúng ta đã hội đủ tất cả các yếu tố để phát triển kinh tế số theo phong cách Việt Nam, phù hợp với các điều kiện riêng của mình. Mặc dù đại dịch Covid có ảnh hưởng nặng nề lên sự phát triển của kinh tế nước nhà, nhưng nên xem đó là thiên tai mang tính tình huống. Nó nhắc nhở chúng ta xem lại tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế truyền thống để quyết tâm chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số không những có sức tăng trưởng cao hơn nhiều mà khả năng chống chọi với các biến động cũng cao hơn nhờ áp dụng cơ chế điều hướng bởi dữ liệu (data driven).

Phát triển kinh tế số là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất thực hiện Nghị quyết của Đại hội 13 về chiến lược phát triển đất nước đến 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, năm 2030 đạt mức thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Có thể bạn quan tâm
Photoshop sẽ có phiên bản web, thêm tính năng đóng gói tác phẩm số NFT

Tại sự kiện Max Conference 2021 đang diễn ra, hãng Adobe đã công bố các tính năng mới cho phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop. Đáng chú ý, Photoshop sẽ có phiên bản web với các chức năng cơ bản và tính năng đóng gói tác phẩm số NFT.

Lenovo ra mắt laptop Yoga Slim 7 Carbon 14inch OLED, nhẹ chỉ 1,1kg

Màn hình OLED 14inch siêu mỏng nhẹ, hiệu năng mạnh, chất lượng hiển thị tốt, Yoga Slim 7 Carbon dành cho những ai yêu thích phong cách di động, thời trang, sành điệu và công việc cần sự sáng tạo.

FCC bỏ phiếu tạm dừng hoạt động China Telecom ở Mỹ

Ngày 26/10, các ủy viên của FCC đã nhất trí bỏ phiếu yêu cầu China Telecom Americas (CTA), công ty con của China Telecom đến từ Trung Quốc, tạm dừng hoạt động tại Mỹ.

Seagate vi phạm lệnh trừng phạt khi bán ổ cứng cho Huawei

Một ủy ban của Thượng viện Mỹ cho biết nhà sản xuất Seagate có khả năng đã vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ bằng cách bán ổ cứng cho Huawei.

Qualcomm công bố loạt chip cho smartphone phổ thông

Qualcomm vừa công bố một loạt chip Snapdragon mới hướng đến dòng sản phẩm tầm trung và phổ thông, bao gồm Snapdragon 778G+, 695, 680 và 480+.

Facebook kiện một lập trình viên vì đánh cắp dữ liệu người dùng Messenger

Facebook hiện đang tiến hành vụ kiện một lập trình viên người Ukraine vì đã đánh cắp dữ liệu của 178 triệu người dùng của mạng xã hội này.

Sony ra mắt điện thoại Xperia Pro-I cho nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp

Tại sự kiện giới thiệu sản phẩm mới, Sony đã trình làng thế hệ smartphone Xperia Pro-I được trang bị cấu hình mạnh cùng hệ thống camera tốt nhất dành cho smartphone hiện nay.

Tuyến cáp quang biển AAG lại gặp sự cố ở nhánh cáp S1L

Nhánh cáp S1I của tuyến cáp quang biển AAG kết nối từ Việt Nam đi HongKong đã gặp sự cố vào lúc 23h50 ngày 22/10. Sự cố trên nhánh cáp này gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ Internet quốc tế.

OPPO A55: Lựa chọn mới trong tầm giá 5 triệu đồng

OPPO A55 sở hữu thiết kế trẻ trung, camera AI 50MP cùng giá bán 4,99 triệu đồng.

Những giải pháp thông minh dành cho ngành nước 4.0

Từ ngày 10/11 đến ngày 12/11, tại sự kiện VIETWATER 2021, các công ty đạt giải thưởng Taiwan Excellence sẽ có buổi hội thảo trực tuyến “Hướng tới Ngành Nước 4.0”.