Tư vấn CNTT ở nước chúng ta hiện nay chưa được xem là một nghề. Nhưng những người làm công việc này vẫn đang ngày đêm âm thầm đóng góp, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy hơn nửa đời làm việc của mình cho rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước. Xuân về là lúc thư thái hơn, bàn tròn cuối năm về công việc tư vấn CNTT của ba chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau gồm: ông Nguyễn Tuấn Hoa (chuyên tư vấn cho mảng Nhà nước), ông Phí Anh Tuấn (chuyên tư vấn mảng doanh nghiệp), ông Quang Nguyễn (tư vấn độc lập cho nhiều dự án trong và ngoài nước) sẽ mở chiều chia sẻ để mọi người rõ ngành tư vấn CNTT hơn.
UBDN Hà Nội họp bàn về dự án ” Quy hoạch phát triển ngành CNTT đến 2020, định hướng đến 2030″
Thưa các ông, để đi đến là chuyên gia tư vấn CNTT các ông có thể chia sẻ cần phải có một quá trình phấn đấu, làm việc và trải nghiệm với nghề như thế nào? Ông Nguyễn Tuấn Hoa, Chuyên gia CNTT: Tôi được “nhúng” vào nghiệp tư vấn từ rất sớm (năm 1974). Lúc bấy giờ, Ban Điều Khiển học thuộc Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước có một chương trình rất đặc biệt là đem các nguyên lý điều khiển học áp dụng vào quản lý và điều hành các
hợp tác xã nông nghiệp. Người đứng đầu chương trình này là ông trùm Điều Khiển học – TS.Nguyễn Thúc Loan. Hồi đó, chúng tôi mới tốt nghiệp đại học, gần 20 người chia làm 2 nhóm đi 2 nơi khác nhau làm và vài tháng về Ban trao đổi seminar. Cái hay là ở các hợp tác xã (HTX) mà chúng tôi tư vấn (ở Ba Vì và Thanh Oai, Hà Tây cũ) đều áp dụng những đề xuất của 2 nhóm và đều thành công! Sau này GS Nguyễn Xuân Huy (một thành viên của nhóm nghiên cứu) chia sẻ với tôi rằng, chính cái thời làm điều khiển học nông nghiệp ấy đã hun đúc cho chúng tôi tinh thần của lý thuyết điều khiển hệ thống – nền tảng cho việc phân tích mọi hệ thống trên đời. Tôi cứ thế theo nghiệp tư vấn từ đó mãi đến tận ngày nay. Lĩnh vực chuyên môn chính là CNTT nhưng hướng chính là xây dựng các chiến lược phát triển dựa trên CNTT. Tôi rất thích nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế xã hội cấp vùng hay địa phương dựa trên CNTT, đặc biệt là Logistics.
Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty PAT: Còn tôi nghĩ, tùy theo mỗi hoàn cảnh. Nhưng như một lẽ tự nhiên, sau một thời gian dài làm việc trong nghề, các kiến thức tích lũy được cần được chia xẻ để mang lại các giá trị cho cộng đồng và qua đó cũng mang lại thu nhập cho bản thân. Bản thân tôi bắt đầu làm CNTT vào năm 1988, từ những vị trí rất khiêm tốn là lập trình viên phát triển những bài toán quản trị DN. Trải qua các vị trí phân tích, thiết kế hệ thống và chỉ đạo việc phát triển đóng gói sản phẩm cho những bài toán lớn như: ERP, SCM. Được tham gia triển khai những giải pháp ERP, SCM và CRM của quốc tế cho các tập đoàn, Tổng công ty và làm việc cho các tập đoàn lớn về CNTT của Mỹ như: DEC, CSC, tôi thấy được giá trị của hệ thống thông tin quản lý MIS giúp nâng cao tính hiệu quả đối với điều hành DN. Với công nghệ phát triển rất nhanh, hiện nay, các giải pháp ERP, SCM, CRM thực sự là những mô hình công nghệ quản lý tiên tiến mà DN cần áp dụng. Cũng từ việc triển khai những dự án quản trị DN tôi thấy được việc áp dụng CNTT không đơn thuần mang tính kỹ thuật mà phải thay đổi cả tư duy quản lý, tổ chức, quản lý dự án, truyền thông… thì mới đảm bảo thành công được. Cứ như thế, tôi làm nghề tư vấn lúc nào không hay! Hiện nay, tôi tập trung vào tư vấn tái cấu trúc DN phù hợp với ứng dụng CNTT, hoạch định chiến lược ứng dụng CNTT cũng như tư vấn cho DN áp dụng CNTT vào công tác điều hành của mình sao cho hiệu quả. Giúp DN định hướng đầu tư đúng cũng như đảm bảo triển khai thành công giảm thiểu rủi ro.
Ông Quang Nguyễn, Giám đốc Công ty Vina Consuting: Năm 1993, khi vừa học xong MBA, tôi xin các sếp của tôi ở IBM Boca Lab cho ra “chiến trường”. Lúc đó IBM vừa thành lập ISSC (Integrated Systems Solutions Corporation, tiền thân của IGS ngày hôm nay), Luo Gerstner vừa thay thế John Akers, một trong những động tác “dạy cho con voi biết khiêu vũ” là chuyển đổi IBM thành một công ty dịch vụ CNTT. Tôi được vinh dự tham gia vào dự án dịch vụ đầu tiên của IBM là dự án cho Amtrak ở Washington DC. Dự án này trị giá 50 triệu USD có giá trị trong vòng 5 năm nhằm nâng cấp và chuyển đổi gần 3000 PC’s từ 286 lên 386, thay đổi hệ thống hạ tầng mạng từ TokenRing qua Ethernet, từ Novell server 3.12 qua 4.0 rồi qua OS/2 Server và quản lý toàn bộ hệ thống CNTT của Amtrak trong suốt khoảng thời gian đó. Tôi được tham gia khóa Project Management Bootcamp đầu tiên của IBM tại St. Louis trong vòng 2 tuần lễ.Khi xong khóa học, tôi biết rằng nghề tư vấn sẽ là cái nghiệp dĩ trong cuộc đời của tôi.Dĩ nhiên là khởi thủy từ một kỹ sư CNTT, tôi chuyên về tư vấn cho các chuyển đổi về hệ thống CNTT cho các DN. Các năm sau đó, khi tham gia làm tư vấn cho các đại gia khác như Ernst & Young, PriceWaterHouse – sau này là PwC, PA Consulting, VinaCapital …tôi cũng học hỏi thêm về các mảng tư vấn khác như M&A, đầu tư, quản trị thay đổi, quản trị DN. Những kiến thức thu nhập được là tiền đề cho các dự án tư vấn mà tôi tham gia ở nhiều quốc gia khác nhau. Các dự án ngày càng đa dạng, sự khác biệt về văn hóa, tổ chức của khách hàng càng làm cho dự án thêm phức tạp.
Các ông thấy ngày nay công việc tư vấn CNTT nằm ở đâu và giữ vai trò như thế nào trong các tổ chức, Nhà nước cũng như DN? Các tổ chức, DN Việt Nam đã xem trọng vai trò của Nhà tư vấn CNTT chưa?Ông Nguyễn Tuấn Hoa: Tư vấn CNTT nằm ở đâu ư? Có lẽ là ở tất cả các cấp độ. Có thể chia thành tư vấn chiến lược, chiến thuật và tác nghiệp đối với cả Nhà nước lẫn DN. Với nhà nước, tư vấn chiến lược hướng đến các vấn đề mang tính vĩ mô như: chiến lược phát triển kinh tế biển, logistics, hiện đại hóa
đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng chính phủ điện tử (e-government)… Với DN, tư vấn chiến lược cũng có mục tiêu tương tự, như tìm kiếm khoảng trống (gap) trong thị trường quốc tế, chiến lược phát triển CNTT… Phải nói rằng, từ xưa đến nay ở nước mình chưa ai xem tư vấn là một nghề, chỉ khi nào cái mà nhà tư vấn khuyến nghị là hoàn toàn mới, hấp dẫn, khả thi hay thật sự thuyết phục thì mới được chấp nhận. Cũng chưa có quy định cụ thể về phí tư vấn. Ưng thế nào thì trả thế thôi, tôi tham gia tư vấn vài chục năm, được bồi dưỡng hay không cũng thế. Cái vui nhất là khi ý kiến của mình mang lại lợi ích cho xã hội một cách rõ rệt.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa
Ông Phí Anh Tuấn: Tôi nghĩ, ngày nay bằng hiểu biết cũng như từ những kinh nghiệm thất bại của rất nhiều dự án, DN đã có những thay đổi suy nghĩ về sự cần thiết của tư vấn. Nhưng DN và các tổ chức của Việt Nam vẫn chưa thực sự coi tư vấn là người bạn đồng hành cùng mình trong quá trình thay đổi nhận thức, giúp DN tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ngân sách đầu tư. DN vẫn chưa ý thức rằng, một đồng chi cho tư vấn có thể giúp tiết kiệm được nhiều đồng trong tương lai.
Ông Nguyễn Quang: Theo quan niệm của riêng tôi, tư vấn chẳng qua là chuyển giao kiến thức, công nghệ cộng thêm các tùy biến tùy theo tình huống của mỗi khách hàng. Các DN Việt Nam nếu biết khai thác tư vấn đúng và đủ thì sẽ có khả năng rút ngắn được giai đoạn trưởng thành của mình. Người ta thường nói “don’t reinvent the wheel” (Đừng sáng chế lại chiếc bánh xe bò), tại sao những việc người ta đã trải qua nhiều lần mà mình phải loay hoay đối phó với nó? Sao không thuê một chuyên viên, một công ty tư vấn để giúp cho mình không mắc phải sai lầm, rút ngắn thời gian triển khai dự án, dồn nguồn lực nội tại cho các công việc chuyên môn của mình. Thí dụ như, một công ty xây dựng thì không nên thuê nhân viên làm việc kiểm toán nội bộ mà cần thuê tư vấn kiểm toán nội bộ để nhân viên mình chuyên tâm làm việc xây dựng.Hơn nữa, tư vấn kiểm toán cần có cái nhìn từ bên ngoài, khách quan hơn, có các phương pháp chuyên nghiệp hơn, kết quả kiểm toán sẽ vô tư và trung thực hơn.
Vai trò tư vấn ở Việt Nam trong quản trị DN ngày càng rõ nét, nhất là trong giai đoạn kinh tế phát triển nóng trước năm 2009, nhu cầu mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm mới, đầu tư vào các nghành nghề mới… tạo nên thị trường khá hấp dẫn cho các nhà tư vấn. Tuy nhiên, khi các DN cần cắt giảm, co cụm lại, thì các dự án tư vấn cũng bắt đầu trì trệ, khách hàng quên đi rằng, khi giảm thiểu cơ cấu kinh doanh, thì vai trò tư vấn cũng quan trọng không kém. Sự rủi ro khi tái cấu trúc công ty theo khuynh hướng giảm thiểu khá cao cho nên DN cần một cái nhìn khách quan, và những lời khuyên trong giai đoạn này khá cần thiết
.
Có ý kiến cho rằng, tư vấn CNTT tại Việt Nam rất ít người “xịn”, còn ý kiến của các ông?Ông Nguyễn Tuấn Hoa: Không thiếu đâu. Nghề tư vấn CNTT ở Việt Nam có chỗ khác nơi khác. Ở nước khác, trương bảng hiệu nhà tư vấn chuyên nghiệp là có người hỏi thăm, đáp ứng thì ký hợp đồng. Ở ta, trước tiên cần có mối quan hệ để người ta tin mình, chưa có thì phấn đấu mà có. Khi tin rồi thì phải gắng sức mà làm, làm tốt thì tự nhiên người này giới thiệu cho người kia (trong bộ máy chính quyền họ biết nhau cả đấy), làm không hết việc, to đến mấy cũng có nơi mời. Nhưng không có barem tính chi phí tư vấn đâu (trừ các dự án có nguồn vốn quốc tế), tùy biến cả thôi. Tôi tham gia tư vấn gần 40 năm qua đều theo cách đó cả, có cũng được mà không cũng không sao, ít nhất là còn cái tình với nhau và vì việc chung cả. Có thể những nhà tư vấn khác không thích điều đó vì thế nên ít người lộ diện, vì thế mà bạn không biết đấy thôi. Nếu nói là “xịn” thì tôi tự nhận là “không xịn” vì bạn tôi bảo “ông không tự đánh giá được giá tư vấn của ông thì ông không phải dân chuyên nghiệp!”. Phải rồi, nghề tư vấn CNTT ở nước ta hiện nay là… nghiệp dư và tôi là một người trong đội ngũ không chuyên đó.
Cũng phải nói thẳng thắn là gần đây người ta mới thấy là cần tư vấn. Cũng như nghề luật sư, ngày trước có mấy luật sư được mời mà nay văn phòng luật sư chỗ nào cũng có. Nghề tư vấn CNTT cũng vậy, tôi tin là chỉ vài năm nữa, các tổ chức, công ty tư vấn CNTT chuyên nghiệp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và chính họ sẽ giúp cho các dự án CNTT được triển khai bài bản hơn, khoa học hơn và hiệu quả hơn.
Ông Phí Anh Tuấn: Tôi thì không phân biệt có tư vấn “xịn” hay “không xịn” mà là khách hàng có chọn được tư vấn đúng và phù hợp với nhu cầu của mình hay không. Mặt khác, quy luật đào thải của thị trường cũng sẽ rất khắc nghiệt với những “tư vấn” làm ăn chụp giựt không chính đáng.
Ông Phí Anh Tuấn
Theo các ông, một chuyên gia tư vấn về CNTT cần phải hội những yếu tố gì? Trong các yếu tố đó thì yếu tố nào mà các ông cho là quan trọng nhất, quyết định đến sự thành, bại của một dự án?Ông Nguyễn Tuấn Hoa: Cần nhiều thứ lắm, cả khoa học tự nhiên lẫn xã hội, cả kỹ năng mềm – đặc biệt là kỹ năng diễn thuyết (public speaking), khả năng phân tích, tổng hợp và kỹ năng viết. Bạn phải nắm rất vững chuyên môn của mình, phải thường xuyên cập nhật những tiến bộ mới vì hôm nay, một khái niệm là mới mẻ (ví dụ openstack, Internet of things…) nhưng chỉ ngày mai thì ai cũng biết cả. Vì thế, bạn cần biết nhiều ngoại ngữ, càng nhiều càng tốt vì điều đó sẽ giúp bạn hiểu thật sâu từng thuật ngữ, từng khái niệm. Và bạn phải biết xâu chuỗi những mảng kiến thức có quan hệ logic với nhau. Chuỗi đó càng dài, càng phong phú càng tốt. Ví dụ: bạn có thể liên hệ giữa nghệ thuật câu cá với năng lực kinh doanh hay một hiện tượng thiên nhiên với một hiện tượng xã hội chẳng hạn. Yếu tố quan trọng nhất là phải biết lắng nghe và biết phối hợp. Lắng nghe để hiểu rõ xem người ta muốn gì và phối hợp với nhiều chuyên gia khác để cùng đáp ứng yêu cầu của họ. Chắc chắn là mỗi người trong chúng ta dù giỏi đến mấy cũng chỉ thạo 1 lĩnh vực thôi trong khi yêu cầu thực tiễn thường lại là tổng hợp, đa ngành. Hơn 20 năm qua, lúc nào tôi cũng gắn bó với hơn 10 chuyên gia rất giỏi và cùng làm với họ.
Ông Phí Anh Tuấn: Tôi thì cho rằng, khi đã là tư vấn, nhất là tư vấn cao cấp thì giỏi kiến thức chuyên môn là chuyện đương nhiên. Phẩm chất đầu tiên tôi cho cần thiết nhất là sự trung thực, kế đến là dám bảo vệ chính kiến của mình với mục tiêu xây dựng hướng tới lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Các kỹ năng thuyết phục, kỹ năng hỏi đáp, tổng hợp… cũng là những điều không thể thiếu đối với một nhà tư vấn chuyên nghiệp.
Ông Quang Nguyễn: Theo tôi, một chuyên gia tư vấn cần nhất là kinh nghiệm là quan trọng nhất. Thiếu kinh nghiệm thì lấy gì để truyền tải cho khách hàng? Tuy nhiên, nhà tư vấn cần thiết phải độc lập trong tư duy, nắm vững các phương pháp và quy trình tư vấn thì làm việc mới hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang
Vậy, để tư vấn CNTT thực sự trở thành một nghề phát triển ở Việt Nam, và là người cần trong các tổ chức, doanh nghiệp, nhà nước các ông có những kiến nghị gì?Ông Nguyễn Tuấn Hoa: Nhà nước cần khuyến khích sử dụng tư vấn thông qua quy chế xét duyệt các dự án CNTT, đặc biệt là các dự án CNTT cấp quốc gia thì yêu cầu có tư vấn đạt trình độ quốc tế. Các DN cần đặt ra chỉ tiêu về ứng dụng CNTT cần phải đạt như thước đo về năng lực cạnh tranh. Lúc đó, chắc chắn DN muốn biết thực trạng “sức khỏe” của mình như thế nào nên sẵn sàng chi cho các chuyên gia tư vấn thực hiện việc “khám bệnh” về thực trạng ứng dụng CNTT trong DN và đưa ra các khuyến nghị thay đổi. Biết được bệnh rồi thì ai mà chả muốn điều trị. Có “Cầu” thì chắc chắn có “Cung”.
CNTT ngày nay phát triển rất nhanh. Khi các mạng LAN trở nên lạc hậu trước các đám mây (cloud), khi các mạng xã hội (society sites) ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ, khi công nghệ di động (mobile technology) trở thành trung tâm của mọi phương tiện cá nhân và thông tin gắn liền với khái niệm dữ liệu lớn (big data) thì nhà tư vấn cần phải đi trước. Ai có những khuyến nghị hấp dẫn, ra tiền ra bạc, thì chắc chắn sẽ có chỗ đứng trong thị trường. Hy vọng nghề tư vấn sẽ là một trong những lĩnh vực dịch vụ quan trọng nhất.
Một ý nữa: nên mời các chuyên gia CNTT là Việt kiều về tư vấn. Có rất nhiều người tài giỏi, như các anh John Vũ, Nguyễn Hoàng, Đỗ Hoàng Khánh, Cao Nguyên Hiển, Nguyễn Quốc Lưu… là những người mà tôi biết và rất kính trọng. Một khi dòng máu Việt còn chảy trong người họ thì lợi ích quốc gia bao giờ cũng được đặt lên trên hết.
Ông Phí Anh Tuấn: Chúng ta không thể bắt buộc DN phải có tư vấn mỗi khi có nhu cầu đầu tư ứng dụng CNTT hoặc tái cấu trúc. Quy luật cung cầu của thị trường sẽ quyết định tư vấn sẽ mạnh lên hay không. Nhưng tôi tin là dịch vụ tư vấn sẽ được DN suy nghĩ đến như một lẽ tự nhiên trong một tương lai gần. Vấn đề đặt ra là các nhà tư vấn cần tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thế nào để khi DN cần đến có thể đáp ứng được yêu cầu “đúng và phù hợp” rất đa dạng.
Ông Quang Nguyễn: Nhà tư vấn cần phải nắm vững chuyên môn của mình là lẽ dĩ nhiên, nhưng để mang lại giá trị thực sự cho một dự án, một khách hàng, chúng tôi cần phải ý thức được các khác biệt văn hóa, tập quán của khách hàng đó thì mới đưa ra những giải pháp phù hợp cho môi trường kinh doanh của khách hàng một cách cụ thể được.
Xin cảm ơn các ông! Những dự án để đời của các chuyên gia
Ông Nguyễn Tuấn Hoa có rất nhiều dự án để đời như: Dự án “Xây dựng mạng thông tin diện rộng Bộ VHTT” (CINET, 1997) lập ra website đầu tiên của Việt Nam; Dự án “Xây dựng mạng điều hành quản lý nhà nước thị xã Phan Thiết” (Bình Thuận, 1998) lập ra mạng điều hành quản lý nhà nước đầu tiên ở cấp địa phương; Dự án “Xây dựng thành phố điện tử Đà Nẵng” (2001) – nền tảng về nhận thức ứng dụng CNTT giúp thành phố này phát triển vượt bậc về CNTT hơn 10 năm qua; Dự án “Xây dựng cửa khẩu điện tử” (Lào Cai, 2002) – mở ra khâu đột phá phát triển tiềm tàng của tỉnh; Dự án “Xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy và Khu phức hợp kinh tế biển Đông Nam Quảng Trị” (2004 – 2012, đồng tác giả) đã được Chính phủ phê duyệt, đây là logistics hub của Hành lang Đông Tây nối Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam; Dự án “Xây dựng chính quyền điện tử Đà Nẵng” (2007 – tới nay do WB tài trợ) – một dự án xây dựng chính quyền điện tử bài bản nhất hiện nay; Công trình gần đây nhất là tư vấn xây dựng “Quy hoạch phát triển ngành CNTT Hà Nội đến 2020, định hướng đến 2030” vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 5/12/2012 với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.
Ông Phí Anh Tuấn cho rằng, nếu tính đến các dự án đầu tiên cách đây 25 năm khi phát triển những chương trình ứng dụng quản lý như tìm hiểu quy trình nghiệp vụ, tự thiết kế, lập trình, test sản phẩm, hướng dẫn thuyết phục các cán bộ nghiệp vụ sử dụng chương trình rồi sau đó là hỗ trợ lãnh đạo tổng hợp và phân tích số liệu thì số lượng dự án “tư vấn” của ông rất nhiều. Nhưng dự án lớn mà ông cho rằng lớn nhất trong quá trình làm tư vấn của ông đó là dự án tái cấu trúc ông đang làm cho một Tổng công ty rất lớn ở Vùng Tàu. Ông cho biết, “tôi phải phối hợp với ban Tổng Giám đốc làm tốt công tác truyền thông sâu rộng đến cả các chuyên viên chính, giúp thay đổi nhận thức để áp dụng các quy trình mới bằng công cụ CNTT…”
Vì tính chất bảo mật cho khách hàng nên ông Quang Nguyễn chỉ chia sẻ dự án mà ông ấn tượng nhất đó là dự án Post Merger Integration của GM và Opel tại Đức những năm 1999, 2000 được coi là thành công về mặt nghiệp vụ và công nghệ. |
Hải Thanh
Tin học & Đời sống tháng 1 +2. 2013