Đã có mặt ở 7 nước gồm: Nhật, Mỹ, Đức, Singapore, Malaysia và Australia, FPT Software được xem là 1 trong những đơn vị phần mềm Việt Nam “tấn công” thị trường nước ngoài thành công nhất. Nhưng để đến thành công đó, các khó khăn không ít đã chào đón FPT Software, nhất là khi doanh nghiệp Việt Nam luôn yếu thế trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) đã có chia sẻ thẳng thắn và chân tình trong dịp năm mới sắp đến.
Bước ra cần có người đỡ đầuThưa ông, được biết đến nay FPT Software đã có mặt ở trên 7 nước. Ông có thể chia sẻ một vài con số kinh doanh mà FPT Software đã gặt hái được từ các thị trường này? Trong số 7 nước, Đức là thị trường mới nhất mà chúng tôi vừa “khai phá”, 13/11/2012 chúng tôi khai trương Công ty TNHH FPT Đức (FPT Europe), thuộc FPT Software tại số 34, phố Dornhofstrabe, thành phố Neu, Isenburg (Đức), do ông Uwe Schlager làm Giám đốc. Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ thị trường năm 2012 có khả năng tăng gần 400% so với năm ngoái (2011).
Tính hết 9 tháng đầu năm 2012, doanh thu từ mảng xuất khẩu phần mềm của FPT Software đã tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2011, đạt mốc 1,195 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 256 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2011. Các thị trường trọng tâm của FPT Software: Nhật, Mỹ. Trên thực tế, xét về tổng thể, các thị trường lớn nhất của FPT Software là Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu đều tăng trưởng tốt, với mức tăng trưởng lần lượt là 43%, 74% và 45% trong 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011, ngay trong bối cảnh bất lợi về tỷ giá đồng Yên/USD/Euro.
Lĩnh vực hoạt động của FPT Foftware khá rộng, nhưng khi ra thị trường bên ngoài hẳn công ty có chọn lọc các sản phẩm của mình và nước mà mình đến? FPT Software đã tập trung vào các mảng công nghệ di động (Mobility), phần mềm nhúng, điện toán đám mây như mobilization, cloud enablement… Đây đều là những xu hướng công nghệ mới của thế giới và chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng đột phá nhờ hướng tiến công này!
Để chuẩn bị đón đầu những công nghệ mới, FPT Software rất chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ, chuyên gia công nghệ. Cụ thể, FPT Software đã thành lập Trung tâm đào tạo về Mobility, trong đó hướng đến công nghệ IOS. Trong năm 2012, mục tiêu của FPT Software là đào tạo được 200 nhân sự có trình độ chuyên môn tốt để chuẩn bị cho các dự án lớn của công ty. Tháng 9/2012, FPT Software đã có 2 chứng chỉ đầu tiên về Mobility do SAP cấp cho 2 cán bộ Nguyễn Tất Đắc (Giám đốc Trung tâm Mobility Center) và Nguyễn Văn Tuấn. Chứng chỉ của SAP mà anh Đắc và anh Tuấn vừa thi đạt là một chứng chỉ có ý nghĩa quốc tế, công nhận khả năng hiểu, tư vấn và triển khai các giải pháp và các sản phẩm đóng gói của SAP trong lĩnh vực Mobility.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ kinh tế suy thoái, nhiều DN và tổ chức hiện có nhu cầu outsourcing (thuê ngoài) để giảm chi phí hoạt động, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc nên những DN như FPT Software đều có chuẩn bị sẵn nguồn lực dồi dào để đáp ứng nhu cầu này…
Quá trình hoạt động kinh doanh ở các nước bạn, FPT Software có nhận được hỗ trợ gì từ họ không, thưa ông? Trong quá trình phát triển ở thị trường nước ngoài, FPT Software đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các công ty và chính quyền nước sở tại, đặc biệt là những người có uy tín đỡ đầu. Thực tế, ngoài khuôn khổ Việt Nam, tiếp cận trực tiếp với các khách hàng tập đoàn toàn cầu là điều không thể! Nhưng có người đỡ đầu uy tín giới thiệu chính là tấm thẻ thông hành đầu tiên để FPT Software bước tới. FPT Software đã xây dựng được mối quan hệ đối tác tốt đẹp với Microsoft, công lao lớn nhất thuộc về người bạn lớn Brian Murphy, Giám đốc Toàn cầu chương trình Notes Migration (MSGP) của MSFT Corporation. Khi FPT Software triển khai dự án cho khách hàng này, có những giai đoạn dự án căng như dây đàn, nhưng nhờ Brian đã luôn hỗ trợ FPT trong từng bước đi, sang Hà Nội để chia “lửa” cùng đội dự án, đồng thời giúp đào tạo nhân viên đội dự án theo đúng chuẩn của MSFT mà dự án đã thành công và mối quan hệ giữa FPT và Microsft lại ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Hay gần đây nhất, trong
sự kiện khai trương văn phòng tại Đức, ấn tượng lớn nhất của chúng tôi là sự nhiệt tình của chính quyền ở đây. Tuy FPT Software là công ty nhỏ, ở nước nhỏ nhưng vẫn được đối đãi như một đối tác đầu tư lớn. Đại diện Chính phủ Bang Hesen, Công ty Phụ trách Đầu tư, Thị trưởng thành phố Neu-Isenburg không chỉ đến tham gia, phát biểu nhiệt tình mà còn cam kết từ phía cá nhân, họ cũng sẽ giúp đỡ FPT Software hết sức mình.
Theo ông, trong các thị trường FPT Software đã đến thì những thị trường nào được xem là khó – dễ?! Vào thời kỳ bắt đầu (2010), FPT Software thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc với khách hàng do có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, giao tiếp, tác phong làm việc… Đây là khó khăn chung của bất kỳ công ty phần mềm nào của Việt Nam chứ không riêng gì FPT Software. Tuy nhiên, FPT Software lại là đơn vị tiên phong xuất khẩu phần mềm nên khó khăn chất chồng khó khăn.
Cho đến nay, trải qua một quá trình dài phát triển, FPT Software đã dần khắc phục được những yếu điểm trên. Tuy nhiên, quy mô mở rộng, khách hàng tập trung vào những DN lớn hơn cũng đặt ra thách thức cho chúng tôi về việc đảm bảo chất lượng, hay các quy trình thực hiện công việc đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số thị trường thường áp dụng mức tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe, như thị trường Đức nói riêng và thị trường Châu Âu nói chung.
FPT Software hiện đã đạt quy trình chuẩn đẳng cấp quốc tế CMMi5 lever 1.2. Trong đó, chúng tôi không ngừng phát triển đội ngũ kỹ sư cầu nối, biên phiên dịch để rút ngắn khoảng cách với khách hàng về mặt ngôn ngữ và đào tạo đội ngũ kỹ sư công nghệ chuyên sâu theo từng lĩnh vực kinh doanh …
Hiểu văn hóa để thành côngÔng có thể chia sẻ kinh nghiệm thích nghi văn hóa kinh doanh của FPT Software ở các nước này? Yếu tố văn hóa, tập quán kinh doanh, thói quen tiêu dùng… của mỗi thị trường đều rất khác nhau. Các DN Việt Nam như FPT Software khi muốn lấn vào những thị trường này cần thực sự nắm chắc thông tin để có thể tạo sự gần gũi trong quan hệ hợp tác với khách hàng hay chính quyền địa phương. Đây là việc làm không đơn giản, nhưng luôn cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Ví dụ như câu chuyện của FPT Software khi làm việc với khách hàng tại Malaysia. Đa số người dân ở đây theo đạo Hồi, nên một số món ăn bị kiêng kị như thịt lợn. Chúng tôi đã phải tìm hiểu trước điều này để tạo sự thoải mái nhất cho khách hàng trong quá trình quan hệ làm ăn với họ.
Hay sự khác biệt trong cái nhìn của người Việt Nam và người phương Tây. Người Việt Nam cho rằng “hữu xạ tự nhiên hương” hay “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, còn người phương Tây cho rằng, giao tiếp quyết định cho việc thành bại, nâng cao hiệu suất công tác. Họ cho rằng, không thể làm việc được với người không hiểu họ và với ai trả lời mà họ không hiểu. Ở phương Tây, giao tiếp là một môn quan trọng từ phổ thông đến đại học.
Ngoài ra, quan trọng nhất, khó khắc phục nhất và nguy cơ lớn nhất là cần phải tự thay đổi mình. Nhận thức về thị trường, nguồn lực, biến những nhận thức đó thành hành động cụ thể, có sự hiện diện trên toàn cầu, vững ngoại ngữ và cởi mở, kết hợp được sức mạnh quốc tế và truyền thống dân tộc là nhân tố quyết định thành bại của FPT Software trên con đường chinh phục khách hàng toàn cầu.
Ở những thị trường này, theo ông có những thuận lợi nào cho các doanh nghiệp Việt Nam? Các thị trường nước ngoài như Mỹ, Châu Âu hướng đến việc ứng dụng nhiều hơn những công nghệ mới như Cloud Computing, Big Data, Mobility là cơ hội lớn cho FPT Software cũng như cho các DN khác cùng lĩnh vực của Việt Nam
mở rộng thị trường nước ngoài. Tại Mỹ, chúng tôi tập trung kinh doanh vào các công ty trong Fortune 500, với các mảng công nghệ di động, phần mềm nhúng, điện toán đám mây. Hiện những đầu tư của FPT Software vào các lĩnh vực dịch vụ mới như: mobilization, cloud enablement đang được đón nhận tốt.
Bên cạnh đó, như đã chia sẻ ở trên, với mảng xuất khẩu phần mềm truyền thống, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, ngày càng có nhiều tổ chức có nhu cầu outsourcing (thuê ngoài) để giảm chi phí hoạt động. Vì thế, nếu FPT Software tận dụng được thời cơ này, đây sẽ là động lực giúp chúng tôi tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Đúc kết lại các bài học và kinh nghiệm của FPT Software, ông có chia sẻ gì thêm với các doanh nghiệp khác của Việt Nam cùng lĩnh vực muốn làm ăn với nước ngoài? Chất lượng công việc và khả năng am hiểu các yếu tố bản địa (môi trường kinh doanh, văn hoá, con người…) là những yêu cầu cơ bản cho bất kỳ DN Việt Nam nào muốn khai phá thị trường nước ngoài.
Kinh nghiệm của chúng tôi khi gia nhập thị trường Đức nói riêng và thị trường Châu Âu nói chung là khách hàng ở đây có đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng. Vì thế, công ty muốn thành công phải rất chuyên nghiệp trong quy trình làm việc và đảm bảo chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn của Châu Âu. Thêm nữa, việc hiểu rõ văn hóa địa phương, đặc biệt là văn hóa kinh doanh cũng rất quan trọng đối với FPT Software trong những ngày đầu mới gia nhập thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Anh
Tin học & Đời sống tháng 1+2.2013