Anh Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão: “Hãy cứ làm đi khi còn trẻ!”

Để Mắt Bão có được thành công như ngày hôm nay, anh Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, đó là một quá trình phát triển tự nhiên, từ một cái lõi dịch vụ cơ bản ban đầu, mỗi năm Mắt Bão lại bổ sung thêm một vài dịch vụ “vệ tinh” mới. Và trong mạch phát triển tự nhiên ấy, điều quan trọng hơn - Mắt Bão biết nhìn thấy rủi ro để né, chớp lấy khi thời cơ đến, và làm việc có quy trình. Từ những trải nghiệm bản thân, hiện nay ngoài điều hành công ty, kiêm nhiệm nhiều công việc khác, anh Bình còn rất hứng thú tham gia những hoạt động cùng các bạn học sinh, sinh viên với mong muốn chia sẻ, định hướng để con đường khởi nghiệp của các bạn trẻ được trơn tru hơn. Hiện anh còn là một nhà đầu tư cá nhân, suốt ngày “săm soi, tìm kiếm” những dự án tiềm năng của sinh viên ngành công nghệ thông tin. Tin học & Nhà trường đã có dịp “bắt cóc” anh:

Thưa anh, câu chuyện “vạn sự khởi đầu” của Công ty Mắt Bão có được bình yên như nghĩa vùng yên bình trong chữ mắt bão?

Tôi học chuyên ngành máy tính tại ĐH Bách Khoa TPHCM, nên sau khi ra trường – năm 2001 đã cùng với mấy người bạn lập thành một nhóm chuyên làm về web. Thời điểm đó công việc làm web rất mới mẽ, thị trường gần như bắt đầu được khai phá, nhưng nhóm làm web của chúng tôi không đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với khách hàng. Năm 2002 chúng tôi quyết định thành lập công ty Mắt Bão. Suy nghĩ mở công ty của chúng tôi lúc đó giống như sinh viên bây giờ – chỉ đơn giản nghĩ mở công ty là để ký hợp đồng và kiếm được tiền, mà không hề tính tới định hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh hay dòng vốn xoay sở thế nào.

Anh Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão: “Hãy cứ làm đi khi còn trẻ!” - Screenshot2012 04 16at2.58.00PM1

Nhưng đó lại là một quyết định sáng suốt, có tính toán?

Tôi không cho là thế. Thật ra người tài năng rất nhiều, mỗi người chọn cho mình một hướng đi riêng, có lẽ chúng tôi may mắn hơn vì thời điểm đó con đường chúng tôi đi gắn liền với sự phát triển của xã hội, cụ thể là sự xuất hiện, phổ biến của Internet tại Việt Nam. Câu chuyện làm ăn của Mắt Bão diễn ra rất ngẫu nhiên, suy nghĩ ập đến trong đầu và mình cứ thế làm theo. Chẳng hạn, khi nhận thấy mọi người đều dùng máy chủ xài Linux, tôi chợt nghĩ, tại sao mình không làm Windows? Năm 2004 Mắt Bão đã đẻ ra dịch vụ nghe rất kêu – Hosting Windows chất lượng cao. Ít người làm, ít cạnh tranh, vả lại dịch vụ chỉ cung cấp mỗi Windows, không bán gì khác ngoài Windows. Doanh nghiệp sử dụng thấy mình như vậy có vẻ chuyên nghiệp hơn, thế là họ chuyển sang dùng. Bên cạnh đó chúng tôi tích cực xây dựng lại cách thức tiếp cận khách hàng, cách thức bán hàng hợp lý và chuyên nghiệp hơn.

Nghĩa là ý tưởng đến là phải chớp ngay thời cơ thực hiện?

Đúng vậy. Để thành công theo tôi ngoài việc nhanh tay nắm lấy thời cơ doanh nghiệp còn phải biết nhìn thấy rủi ro để né tránh nữa. 
Tài sản của Mắt Bão thời điểm khởi nghiệp chỉ vẻn vẹn 15 triệu đồng và 3 chiếc máy tính. Anh Bình chiêm nghiệm – “Con đường lập nghiệp của mỗi người thường giống nhau, đặc biệt trong ngành IT. Những người khởi nghiệp nhiều tiền hơn thường ít thành công hơn những người ít tiền. Vì hình như số tiền nhỏ đồng nghĩa với quyết tâm lớn”.


Đã là rủi ro sao né được?

Nghĩa là mình phải nhìn thấy được rủi ro có thể xảy ra trong tương lai để tìm cách vượt qua nó – cái này người ta gọi là khả năng quản lý rủi ro. Tại Mắt Bão, chúng tôi chào đón tất cả các ý tưởng của mọi người, nhưng những ý tưởng đó đều phải trải qua các câu hỏi hóc búa “lỡ… như thế thì sao?”, qua được các câu hỏi này ý tưởng sẽ được xem xét thực hiện. Tham gia những hoạt động khởi nghiệp của các bạn sinh viên, hay khi làm nhà đầu tư cá nhân tôi cũng thường đặt những câu hỏi như thế với các chủ dự án. Sau thông tin về đợt lũ tại Thái Lan phát đi trên truyền hình (10/2011), chúng tôi đã ngồi lại bàn bạc xem mình sẽ bị liên quan gì khi nhà máy sản xuất ổ ứng Seagate cung cấp toàn bộ khu vực tại đây đang bị hư hại. Rất nhanh chóng, chúng tôi đã kịp mua khá nhiều ổ cứng (vì nhu cầu lưu trữ của Mắt Bão lớn) trước khi giá ổ cứng tăng lên gấp 3 và khan hiếm ngay sau đó cũng là một câu chuyện đối phó với rủi ro.

Làm sao để có được kỹ năng nhìn thấy rủi ro và cơ hội đó, thưa anh?

Điều đó thật tình thì tôi không biết (cười). Có lẽ cứ để thấm từ từ thế nào rồi cũng sẽ tôi luyện được kỹ năng đó. Trong doanh nghiệp, nhìn thấy rủi ro là điều may mắn. 
Mắt Bão hiện kinh doanh khá nhiều lĩnh vực với 4 công ty thành viên: Mắt Bão Network Service (hosting, máy chủ); Mắt Bão Media (quảng cáo, thiết kế và nội dung web); Mắt Bão Distribution (phân phối máy chủ, phần mềm); Mắt Bão ODS (DataCenter, dịch vụ Internet ISP) với khoảng 100.000 khách hàng. Kế hoạch trong năm nay, Mắt Bão sẽ xem xét để mở rộng sang thị trường Campuchia.


Ngoài 2 yếu tố đó, thành công còn phụ thuộc điều gì khác không?

Còn nhiều chứ. Tuy nhiên có một vấn đề mà tôi rất tâm đắc đó là tầm quan trọng của quy trình. Điều này tôi đúc kết được từ thời còn là sinh viên, học xong chương trình đại cương tôi có đi làm thêm ở một số công ty nước ngoài – họ làm việc rất có quy trình. Bất cứ một vấn đề gì khi đưa vào điều hành ở công ty đều phải có một cách thức chuẩn mực nào đó. Sinh viên mới ra trường khởi nghiệp, có thể sẽ ít quan tâm đến vấn đề này, nhưng với kinh nghiệm cá nhân tôi đây là việc hết sức quan trọng. Vì nếu tạo được một quy trình ngay từ ban đầu thì mọi việc điều hành sẽ được vào khuôn khổ của guồng máy, mình không phải đích thân đi kiểm tra lại, khi đó đầu óc mình cũng sẽ được rảnh rỗi hơn, có thời gian suy nghĩ, sáng tạo ra các kế hoạch làm ăn khác. Ở Mắt Bão hiện có khoảng 400 nhân viên, nhưng vì công ty được quản lý hoàn toàn bằng IT, mọi thứ đều vào quy trình nên dù ngồi bất cứ đâu chỉ cần vào hệ thống tôi vẫn có thể biết được tình hình công ty.

Giới trẻ ngày nay thường có tâm lý muốn thành lập công ty sau khi ra trường. Anh có lời khuyên nào cho các bạn?

Sinh viên bây giờ có rất nhiều ý tưởng hay, nhưng từ ý tưởng đến kinh doanh là cả một chặng đường dài. Trong một số cuộc nói chuyện với sinh viên, học sinh tôi vẫn luôn khuyến khích các bạn, rằng khi còn trẻ nếu muốn làm gì thì hãy cứ làm, nhưng phải biết chấp nhận hy sinh điều gì đó để đi theo con đường mình đã chọn. Quyết định chọn khởi nghiệp thì hãy thôi nghĩ đến việc đi làm cho người khác, vì không ai vừa đặt chân này vào khởi nghiệp, vừa đặt chân kia đi làm mà thành công cả. Phải dốc hết sức ra khởi nghiệp, sẽ mất từ 1-2 năm, nếu thất bại lúc đó có thể nghĩ đến chuyện đi làm. Và đó cũng là chỉ sự thất bại bình thường, không có gì đáng xấu hổ. Mỗi người đều có một phúc phận, không ai vừa làm chủ và vừa làm thuê giỏi. Vả lại cơ hội thành công cho các bạn trẻ bây giờ cũng nhiều hơn trước đây, hiện có khá nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm “nhăm nhe” những dự án tốt để bỏ tiền vào.
Với trách nhiệm điều hành toàn bộ công ty, nhưng do công ty ứng dụng IT vào tất cả các quy trình quản lý, nên anh Bình rất thường xuyên làm việc trong môi trường di động. Nếu các bạn trẻ, sinh viên, học sinh nào đã lên sẵn một kế hoạch kinh doanh mà mình tự cho là hoàn hảo, hãy đừng ngần ngại liên hệ với anh Bình để tìm kiếm sự tư vấn hoặc cơ hội được đầu tư. Anh ấy có thể tiếp bạn ở một quán café nào đó trong TPHCM – nơi anh ấy đang trao đổi với đối tác hay phiếm chuyện với bạn bè.


Là nhà đầu tư cá nhân, những dự án anh đã đầu tư nào đã mang lại hiệu quả?

Tôi học ngành IT nên cũng chỉ đầu tư vào những dự án IT. Tôi tham gia đầu tư cho các dự án cũng là dịp để đối mặt với rủi ro và tìm cách tháo gỡ nó. Đối với tôi làm đầu tư cá nhân là một công việc thú vị, thất bại nhiều nhưng lại cho tôi lắm kinh nghiệm, cứ thấy dự án vơi đi là tôi đi tìm dự án khác. Hiện tôi có 4 dự án đang đầu tư, dự án phát triển các ứng dụng trên di động của công ty MI ở Hà Nội là một trong số đó, hiệu quả thế nào còn phải đời thêm thời gian, tôi tham dự “cuộc chơi” này cũng chỉ khoảng 2 năm nay.

Xin cảm ơn anh!

Cầm Phong
(thực hiện)
 
Kiếm tiền không biết bao nhiêu là đủ, chỉ cần cảm thấy muốn ăn gì thoải mái ăn, muốn đi đâu thoải mái đi là được, còn lại là phải “enjoy life”, cảm nhận cuộc sống để thấy đời ý nghĩa hơn. Vì vậy bạn bè rủ làm nhà đầu tư cá nhân anh cũng đi, mấy anh em trong câu lạc bộ doanh nhân rủ đi học nhạc, mỗi người học một món (anh học piano) để thành lập ban nhạc anh cũng gật đầu… Cuộc sống thú vị hay không tùy bản thân, quan điểm của mỗi người – anh Bình quan niệm.


Asean Banker Forum 2011: Ngân hàng bán lẻ, nhiều giải pháp lắm rủi ro

Với dân số đông đảo sẽ tăng đến 100 triệu dân, tỉ lệ dân số trẻ, người dùng đang ngày càng tham gia giao dịch mua hàng trực tuyến… ngân hàng bán lẻ được xem là mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận cao tại Việt Nam. Để phát triển thị trường bán lẻ này, việc đầu tư công nghệ là mấu chốt tạo lợi thế cạnh tranh giữa các ngân hàng. Diễn đàn Ngân hàng Đông Nam Á 2011 (Asean Banker Forum 2011) diễn ra trong hai ngày 7-8/12/2011 ở TPHCM do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG VN tổ chức dưới sự bảo trợ của Ngân hàng nhà nước VN, thị trường ngân hàng bán lẻ đã được các chuyên gia phân tích dưới hai góc nhìn cơ hội và rủi ro.